Nhà phê bình Tam ích viết bài đăng bên cạnh trong khuôn khổ một
bài tổng kết hàng năm, vì là bài viết để đăng báo Xuân. Ông giới hạn đề
tài trong 10 năm, song thực ra, hơn 10 năm: 1952-1965. ông nhắc đến nhan
đề một số truyện ngắn của khoảng 20 tác giả, không nói rõ in trong tác
phẩm nào, hay trên mặt báo nào, nhưng người đọc đương thời có thể biết
rõ dễ dàng, vì mỗi tờ báo qui tụ một nhóm tác giả nhất định, tùy khuynh
hướng, địa phương, hay tuổi tác. Về sau, trong những truyện ấy sẽ có
những truyện được chọn lọc lại và được in trong các Tuyển tập Truyện
Ngắn của giai đoạn ấy.
Báo chí văn học Miền Nam 1954-1975 đã bị Việt cộng thiêu hủy toàn diện qua những sách lược thâm độc không khác gì của ngoại xâm triều Minh trong 20 năm xâm chiếm Đại Việt, 1407-1427, tuy thế, chúng ta vẫn còn có thể tìm thấy khoảng 100 truyện ngắn Miền Nam tồn tại trong những tuyển tập xuất bản trước 75, sẽ lần lượt kể dưới đây.
Sơ lược theo thứ tự thời gian xuất bản, và thứ tự tác giả in trong các tuyển tập, có thể kể như sau:
1. 1957: HAI MƯƠI NHÀ VĂN HAI MƯƠI TRUYỆN NGẮN (1954-1962), Nhà Xuất bản Phù Sa, 282 trang. Ngọc Linh tuyển chọn. Nghiêng lệch về các nhà văn gốc miền Nam: Bình Nguyên Lộc, Cao Hữu Huấn [?j Lưu Nghi, Sơn Nam, Tiêu Kim Thủy, Trang Thế Hy, Tuyết Hương, ngoài ra có Hoàng Anh Tuấn, Kiêm Minh, Lê Vĩnh Hòa, Mặc Đỗ, Nguyễn Văn Xuân, Thanh Nam, Vĩnh Lộc, Vũ Hạnh. Có lẽ đây là một trong vài tuyển tập truyện ngắn sớm nhất của Miền Nam.
2. 1963: TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM, nxb Văn hữu Á Châu, 260 trang. Tuyển tập này hơi khó hiểu khi chọn đăng truyện ngắn của bốn nhà văn đã chết từ lâu hoặc ở Hà Nội: đó là Khái Hưng, Nam Cao, Thạch Lam và Nguyễn Tuân. Nhưng dễ hiểu vì Văn hữu Á châu là một cư sở trực thuộc Bộ Thông Tin, do một cán bộ thông tin trông coi chọn lựa! Ông cán bộ này lại chỉ nhìn thấy Tự Lực Văn Đoàn là chính (chọn đăng 12 truyện "tiêu biểu cho Việt Nam", trong có tới 5 truyện của TLVĐ và phụ cận!) Đích thực cầm bút lúc ấy (1963) có Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Nhất Linh, Linh Bảo, Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến.
3. 196...: TUYỂN TRUYỆN (12 tác giả), nxb Hoàng Đông Phương, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tuyển chọn, 284 trang. Người thứ 12 lại viết kịch, nên còn 11 truyện ngắn, in theo thứ tự: Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nhã Ca, Viên Linh, Cung Tích Biền, Nguyễn Quang Hiện, Huỳnh Phan Anh, Nghiêu Đề, Sơ Dạ Hương, Nguyễn Thị Hoàng, Doãn Quốc Sỹ. (Tuyển Truyện và tên tác giả trở thành nhan đề cuốn sách. Bản in lại ở Hải ngoại do con buôn in ấn nên đã bỏ không in trang lý lịch sách, mất ngày tháng xuất bản.)
4. 1966: BA MIỀN MƯỜI KHUÔN MẶT, nhà xuất bản Kim Anh, có 10 tác giả: Nhã Ca, Lê Tất Điều, Viên Linh, Thanh Nam, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nghiêu Đề, Nguyễn Thụy Long, Nhật Tiến, Nguyễn thị Thụy Vũ.
5. 1967: 10 HOA TRỔ SẮC, Ngọc Minh chọn lựa xuất bản, 246 trang. Đặc biệt tuyển chọn truyện ngắn của các nhà văn nữ. Có sáng tác của Nguyễn Thị Vinh, Minh Quân, Linh Bảo, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phương Khanh, Trúc Liên, Trùng Dương, Vân Trang, Minh Đức Hoài Trinh, Hoàng Hương Trang.
6. 1969: TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN, nxb Văn Học, 1969. Thật ra chỉ là một số báo, song in toàn truyện ngắn, trong có một tác giả lạ [Vương Thanh], 4 tác giả kia là Dương Kiền, Lý Hoàng Phong, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn.
7. 1970: TUYỂN TRUYỆN SÁNG TẠO, nxb Sáng Tạo, in lại khoảng 10 truyện ngắn đã đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Mai Thảo tuyển chọn.
8. 1973: NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA, (1954-1973) nxb Sóng, 796 trang, 45 tác giả với chân dung do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp, tiểu sử mỗi người tự viết trong vài chục dòng, của 45 tác giả. Đây là Tuyển Tập Truyện Ngắn dầy nhất, phong phú nhất, đầy đủ nhất của Văn Học Miền Nam. Nguyễn Đông Ngạc tuyển chọn. Cho tới nay, tuyển tập này được coi là đặc sắc, phần sai lệch hay vướng mắc của sự tuyển chọn chỉ vào khoảng vài ba phần trăm trong số 45 tác giả.
4.9.2011