Nhà văn Trang Châu
Nhà văn Trang Châu, tác giả bút ký “Y sĩ tiền tuyến”, tác phẩm từng được trao giải Văn Chương Tổng Thống 1969; được nhiều người biết tới trong sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam (1954-1975)… Người bạn đời thuở đó, của nhà văn Trang Châu là Á hậu Hoàng Kim Uyên, ái nữ của nhà thơ Hoàng Trọng Thược.
Về Á Hậu Hoàng Kim Uyên, qua một bài viết của tài tử Đặng Hùng Sơn, trên nhật báo Việt Báo, số đề ngày 6 tháng 6 -2015, đã ghi lại khá đầy đủ chi tiết, có thể ít người biết:
“Ngược giòng thời gian vào cuối năm 1965, có một cuộc thi hoa hậu Việt Nam đầu tiên tại Saigon để tuyển lựa hoa hậu dự thi hoa hậu Á Châu tại Phi Luật Tân, ban tổ chức là bác sĩ Trương Ngọc Hơn và người M.C. Nguyễn Đình Khánh là xướng ngôn viên của đài truyền hình số 9. Cuộc thi này làm xôn xao dư luận và đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí Saigon thời bấy giờ. Dư luận bất mãn và bàn tán về sự lựa chọn bất công của ban giám khảo. Nhà báo Tuyết Sĩ gọi Hoàng Kim Uyên là tuyệt sắc giai nhân, chỉ xuất hiện một lần rồi biến mất. Nhà văn Hoàng Hải Thủy gọi cô là Tây Thi tái thế. Sau này, khi qua Montreal để hát, ca sĩ Thanh Tuyền cho rằng theo ý cô, hai người đẹp nhất thời đó là Thẩm Thúy Hằng và Hoàng Kim Uyên.
“Được sự khuyến khích của chú là Hoàng Trọng Miên (Giáo sư kịch nghệ Trường Quốc Gia Âm Nhạc) và người chú này năn nỉ với hai ông bà thân sinh mãi, nên hai cụ mới bằng lòng. Kết quả cô được chức Á Hậu, nhưng được khán giả bình chọn là Hoa Hậu trong lòng khán giả. Hoa hậu trong cuộc thi năm đó là Thái Kim Hương. Hai năm sau cô lên xe hoa về nhà chồng. (*)
“Hoàng Kim Uyên là con của ông Hoàng Trọng Thược, một viên chức cao cấp trong ngành Quan Thuế 3 miền Bắc, Trung, Nam. Cụ còn làm thơ với bút hiệu Hương Thủy. Mẹ là bà Hoàng Thị Thảo, bà là em bạn dì ruột của Đức Từ Cung Hoàng Thị Cúc (Mẹ Vua Bảo Đại) Bố gốc làng Nguyệt Biều (Huế), mẹ gốc Mỹ Lợi (làng của Đức Từ Cung). Tuy mang giòng dõi gốc Huế chính cống nhưng cô lại sinh ra tại đất Bắc (Thanh Hóa). Ông cụ đổi nhiệm sở ra Hà Nội, sau một tuần khi cô sinh ra và đó là lý do tại sao cô lại nói tiếng Bắc. Vào Nam trước 1954, vì cụ bà ngã bệnh do không chịu nổi khí hậu quá nóng, Cụ ông lại dời gia đình ra Đà Nẵng.
“Hoàng Kim Uyên học trường Sacre Coeur, chương trình Pháp và sau học thêm tiếng việt tại trường Sao Mai. Vào năm 1965 ông cụ và gia đình đổi vào Nam sinh sống.
“Sau khi được bầu làm Á hậu, cô được mời làm xướng ngôn viên danh dự đầu tiên của Đài Truyền Hình Việt Nam trong ngày khai mạc. Cô bắt đầu hoạt động văn nghệ trong vở kịch “Thành Cát Tư Hãn” của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, do diễn viên Trần Quang thủ vai chính, Hoàng Kim Uyên vai công chúa Giang Minh, Lê Tuấn vai Thúc Bột Đào.
“Về điện ảnh Hoàng Kim Uyên có mặt trong phim “Cúi Mặt” của đạo diễn Thân Trọng Kỳ, với Kim Vui (Chân trời tím) và Cao Huynh. Cuốn phim dự định quay là “Nghìn trùng xa cách” thì biến cố 1975 ập đến. Đạo diễn Lê Dân mời đóng phim “Bạch Ngâm Sương” cũng cùng chung số phận. Cùng với người chú ruột là giáo sư Hoàng Trọng Miên, cô đã lập nên đoàn vũ dân tộc Việt Nam dự định đi trình diễn khắp thế giới. Cô đã dày công luyện tập và huấn luyện cho trên 150 cô vũ công. Đã chuẩn bị cho chuyến đi Úc châu trong sáu tháng của đoàn vũ, nhưng vào tháng 3 năm 1975 thì Pleiku mất, nên tất cả những người có giấy thông hành đi ngoại quốc bị đình lại…”
Về tiểu sử của tác giả bút ký “Y sĩ tiền tuyến” thì, trong một cuộc phỏng vấn của Châu Hải Châu, đăng tải trên Luanhoan.net, cho biết:
“Trang Châu tên thật Lê Văn Châu, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1938 tại Huế. Ông là con trai thứ của cựu trung tướng Việt Nam Cộng Hòa Lê Văn Nghiêm (vừa thất lộc tại Sài Gòn ngày 27 tháng 01 năm 1988) và bà Trần Thị Thuận, (qua đời lúc Trang Châu lên 9 tuổi). Thuở nhỏ theo học tại các trường Pellerin, Thiên Hựu (Huế), Yersin (Đà Lạt). Tốt nghiệp Y khoa năm 1966. Là bác sĩ quân y, phục vụ trong binh chủng nhảy dù, kể từ 1966 đến năm 1971. Đã lập gia đình cùng bà Hoàng Kim Uyên (ái nữ của nhà thơ Hoàng Trọng Thược, Á hậu Việt Nam năm 1966) và có hai con trai. Trước 1975, Trang Châu cộng tác với các tạp chí: Tiền Phong, Khởi Hành, Văn Học… Tỵ nạn tại Montréal Canada từ năm 1977, hiện hành nghề tại phòng mạch tư. Tiếp tục sáng tác, nhưng ít gởi bài đăng báo. Tháng 6 năm 1987, được bầu làm Chủ tịch hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Canada, trung tâm Quebéc. Tác phẩm đã xuất bản: Tình Một Thuở (1964), Y Sĩ Tiền Tuyến (bút ký, 1970). Tác phẩm sắp in: Thơ Trang Châu, Nhìn Lại Mình (tập truyện), Bên Bờ Hạnh Phúc (tập truyện)…”
Từ phải qua (ngồi) Nhà thơ Trang Châu, nhà văn Song Thao, nhà văn Hoàng Xuân Sơn. (đứng) Nhà thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Nhà thơ Lưu Nguyễn, nhà văn Hồ Đình Nghiêm (Hình: Song Thao)
Vẫn theo nội dung của cuộc phỏng vấn này thì Trang Châu làm thơ trước khi viết văn. Ông nói:
“… Độc giả biết tôi về thơ trong một trường hợp hạn hẹp. Độc giả của thơ tôi lúc ấy là nam nữ sinh viên các trường đại học và đặc biệt hai trường Gia Long và Trưng Vương. Lý do là lúc đó sinh viên Y khoa Sài Gòn cho xuất bản nguyệt san Tình Thương, tờ báo duy nhất của sinh viên được bày bán tại các sạp báo. Tôi làm thư ký tòa soạn cho tờ Tình Thương trong 3 năm đầu. Sau khi tôi ra trường, tờ báo sống đến gần hết năm thứ tư thì bị đóng cửa vào năm 1966 vì lý do chính trị. Dạo ấy tôi làm toàn thơ tình cảm. Sang đây, thỉnh thoảng gặp lại vài cựu nữ sinh Trưng Vương, Gia Long còn thuộc lòng những bài thơ ngắn của tôi làm thời đó, làm tôi ngạc nhiên một cách thích thú…”
Ông cũng cho biết thêm rằng, ông nặng lòng với thơ văn. Vì ông nghĩ, thơ diễn tả trọn vẹn nỗi lòng của ông hơn văn xuôi.
Trả lời câu hỏi của Châu Hải Châu về bút ký “Y sĩ tiền tuyến”, tác giả nói, tác phẩm đó của ông trải qua nhiều giai đoạn trước khi hoàn thành. Lý do:
“… Thật tình tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết văn cả. Vào năm thứ 6 Y khoa, tôi ghi tên học Nhảy Dù. Học lấy bằng xong, anh em trong tòa soạn Tình Thương bảo viết lại diễn tiến của khóa dù vì nghe tôi kể lại thấy hấp dẫn. Và bài “Khóa 68 Nhảy Dù” trong cuốn YSTT là đoản văn đầu tiên tôi viết.
“Về Nhảy Dù một thời gian, tôi viết về cuộc hành quân đầu tiên tôi tham dự với tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đăng ở Tình Thương với nhan đề Thử Lửa. Lúc bấy giờ sư đoàn dù cho ra tờ Mũ Đỏ, cho đăng lại bài này. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 6 Nhảy Dù về làm Y sĩ trưởng tiểu đoàn 3 Nhảy Dù. Tiểu đoàn đóng quân ở ven đô, tôi tình cờ nghe đài Phát thanh Quân đội loan tin cuộc thi bút ký chiến đấu, do tờ Tiền Phong (báo của quân lực VNCH) tổ chức và vì rãnh rỗi không biết làm gì ngoài việc khám bệnh cho binh sĩ, tôi viết bài gởi dự thi. Đó là bài Đường Ra Bến Hải. Bài được chấm giải nhất. Chánh chủ khảo tuyển chọn, sau này tôi mới biết là anh Nguyễn Đạt Thịnh. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 3 Nhảy dù về làm việc tại bệnh viện Đỗ Vinh ở căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tôi viết thêm bài Hành Quân Di Dân và Một Cuộc Săn Du Kích đăng ở Văn Học và Tiền Phong. Giải Văn Học Nghệ Thuật của Đệ nhị Cộng Hòa ra đời năm 1969, bây giờ tôi mới có ý định viết thành một cuốn sách để gởi đi dự thi. Tôi bỏ ra 5 tháng để viết phần còn lại và 1 tháng tự đánh máy. Cuốn sách được lấy tên Y Sĩ Tiền Tuyến…” (Nguồn đd)
Trả lời câu hỏi về những tác phẩm văn xuôi được trao giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1969, Trang Châu / Lê Văn Châu cho biết:
“Năm đó có 3 tác phẩm trúng giải: cuốn Má Hồng của Đỗ Tiến Đức, Y Sĩ Tiền Tuyến của Trang Châu, Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái. Cuốn YSTT được nhà xuất bản Đường Sáng in năm 1970. Đợt đầu 5000 cuốn do Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Đạt Thịnh viết lời giới thiệu đàng sau. 3000 cuốn sau, Mai Thảo viết lời giới thiệu ở trang sau. Tôi rất thích lời giới thiệu này, tôi còn nhớ anh Mai Thảo viết:
“ … Hạnh phúc và may mắn của một nhà văn mới lên đường như trường hợp Trang Châu là đi thẳng, đi ngay vào những thực tế lớn. Những thực tế nhỏ không chứng minh gì hết. Thực tế lớn bây giờ là tuyến đầu, là mặt trận, Trang Châu đã có mặt ở đó (…)
“YSTT là một tập ký, ghi nhận cảm nghĩ của một y sĩ theo chân một đơn vị Nhảy Dù hành quân. Tôi đã viết ra những điều mà nhiều người đã trải qua, nhưng không nói ra được, không tả ra được: Chiến tranh dưới cặp mắt một y sĩ. Tôi luôn luôn giữ ngòi bút trung trực. Viết về đơn vị mình, người viết thường dễ có khuynh hướng bốc thơm đơn vị mình. Tôi đã không làm điều đó và không áp lực nào có thể bắt tôi làm điều đó…” (Nđd)
Tính chân thật và nhân bản, theo tôi, là ngọn hải đăng dẫn đường cho cõi giới văn chương của Trang Châu / Lê Văn Trang.
Tính chân thật của họ Lê càng đậm nét hơn, khi ông kể lại chuyện ông in tập thơ đầu tay “Tình Một Thuở” của ông ở Saigon:
“…’Tình Một Thuở’ đúng là một tập thơ. Gồm chừng 40 bài thơ. Năm đó tôi học xong năm thứ 4 Y khoa. Chặng đường khó khăn cuối cùng của con đường dài 7 năm, tôi đã qua. 2 năm còn lại chỉ là để trao đổi kiến thức và thực hành y khoa. Gia đình tôi cho 10.000 đồng bảo muốn làm gì thì làm. Tôi đi in tập thơ gồm 1000 cuốn. In xong chẳng biết làm gì. Tôi chỉ quen một vài tiệm sách duy nhất ở đường Lê Lợi, mang ra gởi 10 cuốn. Một tháng sau tôi được trả tiền cả 10 cuốn sách. Nhưng cô bạn gái không nhận thêm cuốn nào nữa. Tôi nghĩ cô bạn vì nể tôi mua đứt 10 cuốn. Tôi tặng bạn bè chừng 20 cuốn. (1)
Phần còn lại nằm trong kho nhà tôi cho đến khi mối ăn loang lổ phải mang đi đốt. Tập thơ gần như không được ai biết tới ngoài bản nộp ở bộ Thông tin.
Đó cũng là điều may. Trong 40 bài thơ của Tình Một Thuở, nay tôi giữ lại có một bài: Mừng Em. (1960). (2)” (Nđd)
Và, cũng thật ngay thẳng, khi Trang Châu / Lê Văn Châu cho biết, ông là một người viết lẻ loi. Trước năm 1975 ở quê nhà, cũng như bây giờ, ở hải ngoại, với hầu hết anh em văn nghệ, họ vẫn nhìn ông là một bác sĩ hơn là một nhà văn hay nhà thơ.
Tuy tự thấy mình lẻ loi, nhưng ông cũng cho biết ông có một vài người bạn văn sau khi được trao giải thưởng Văn chương toàn quốc, 1969 là Nguyễn Đình Toàn và Dương Hùng Cường… Trước 1975, ông cũng thường lui tới tòa soạn tạp chí Văn Học, hàn huyên với chủ nhiệm Phan Kim Thịnh. Tại đây, ông được gặp hai nhà văn lão thành là Tam Lang / Vũ Đình Chí và nhà văn Tam Ích…
Về giai đoạn khởi đầu đời tỵ nạn, họ Lê cho biết:
“Sau 1975 định cư ở Montréal, tôi viết lách để giải tỏa những dồn nén trong lòng. Đúng như anh Đỗ Quý Toàn đã nhận xét khi đọc thơ của tôi. 13 năm viết chừng 15 bài thơ. Sự ra đời của Văn Bút Canada, hiện nay đang là động cơ thúc đẩy tôi viết. Tính tôi chơi với ai chơi hết lòng. Không khách sáo, không đầu môi chót lưỡi. Ngược lại, ai đối xử với tôi không như thế, người đó không bao giờ là bạn của tôi cả…” (Nđd)
Khi nói về những kỷ niệm của đời quân ngũ, Trang Châu tâm sự:
“Tôi đã phục vụ binh chủng Nhảy Dù từ cấp Y Sĩ Trung Úy đến cấp Y Sĩ Thiếu Tá. Nhờ đi ngay vào thực tế lớn là tuyến đầu, là mặt trận qua binh chủng dù mà tôi đã viết được cuốn YSTT. Bao nhiêu vui buồn của một thời trận mạc đều nằm trong cuốn sách này. Tuy thế tôi vẫn thấy cuốn YSTT thiếu mất một đoạn kết. Hai mươi năm sau, một hôm tôi ngồi đọc lại từ đầu đến cuối cuốn sách của mình và thấy cần có đoạn kết. Có những tên tuổi lúc đó tôi không nêu ra được. Như trong bài Thử Lửa, vị tiểu đoàn trưởng nói với tôi câu: “Đi gồng tí chơi, bác sĩ” chính là tướng Nguyễn Khoa Nam sau này. Vào một lúc nào đó, tôi sẽ viết thêm đoạn cuối này…” (Nđd)
Trả lời câu hỏi về nghiệp thi ca của mình, Trang Châu cho biết, ông sẽ cho in cuốn thơ nhan đề “Thơ Trang Châu”, với bài tựa của nhà thơ Đỗ Quý Toàn mà, ông thấy rất “kỳ thú”. Dù rằng:
“… Tôi làm thơ năm 14 tuổi. Năm 16 tuổi đã viết được 60 bài thơ. Thế mà đến nay gần 50 tuổi tổng số lượng thơ chọn cũng không quá 40 bài. Tôi nghĩ là không quá khắc khe với chính mình. Những bài thơ mà một thời gian sau đọc lại chính mình không còn thấy rung cảm nữa là tôi loại bỏ (…)
“Bài ngũ ngôn dưới đây trích từ tập ‘Thơ Trang Châu’:
Anh Còn Có Gì
tặng anh Đỗ Quý Toàn
Anh còn có gì
Ngoài khung cửa nhỏ
Em về qua phố
Nắng rực đường đi
Em mỉm môi cười
Tình trao ai đó
Lòng anh không gió
Cũng lộng niềm vui (…)”
Và, lục bát “Nắng Lụa” cũng của họ Lê, trích từ “Vườn thơ / Tkaraoke:
Tháng Ba trời bỗng ngoan hiền
Nghe em nhớ nắng thuở tiền duyên xưa
Vai xuân tóc xoã ngang vừa
Tình xuân mới nụ theo mùa xuân sang (…)
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn ghi nhận, cõi giới thơ Trang Châu rất hiền. Tôi muốn thêm, cái hiền của thơ họ Lê là cái hiền hậu đi ra từ một trái tim mà chân thực là bản chất, là máu huyết của ông, dù ở nơi nào, trong hoàn cảnh nào, ra sao…
Năm 2013, họ Lê cho xuất bản 2 tác phẩm — Trong đó có cuốn “Người Ăn Trưa Trong Xe” là tuyển tập truyện ngắn mới, và cuốn “Y Sĩ Tiền Tuyến” bút ký được tái bản tới lần thứ 8.
Từ rung cảm thi sĩ, nhà thơ Phan Tấn Hải đã ghi nhận về 2 tác phẩm này, như sau:
“Nét văn học trong ngòi bút Trang Châu đã biểu lộ cá tính riêng, rất độc đáo kiểu của ông từ thời còn là sĩ quan y sĩ chiến trường trong Cuộc Chiến Việt Nam từ thập niên 1960s, cho tới bây giờ nhiều thập niên sau tại quê người ở Montreal, Canada.
“Văn bút ký của Trang Châu có nét buồn riêng. Và đặc biệt ngay cả khi viết về cảnh thu dọn chiến trường, chữa trị thương binh… vẫn không mang nét bạo lực nào. Văn dịu dàng, buồn như khi đất nước chứng kiến hình ảnh những đứa con trai bắn vào nhau, tìm giết nhau…
“Thử đọc trích đoạn từ Y Sĩ Tiền Tuyến các trang 51-53, ấn bản tái bản lần thứ 8 năm 2013:
“… Cánh quân được lệnh di chuyển. Phải di tản thương binh theo. Chỉ có hai người đi được, ba phải dìu, hai phải khiêng cáng, một xác chết phải gánh theo. Một số binh sĩ được huy động giúp di tản. Tôi phụ khiêng cáng ông Thiếu Úy Toàn nằm. Trông ông co quắp, rên rỉ thật tội nghiệp.
“Quần áo ướt dầm làm tôi lạnh run. Súng vẫn nổ nhưng thưa và xa dần. Trời đã tối hẳn, mưa vẫn không ngừng. Chúng tôi khó nhọc theo đuôi toán quân. Bờ đê ruộng bùn trơn hết người này trợt chân đến người khác. Hết bờ đê đến một căn nhà sàn. Trạm cứu thương được chỉ định đóng đêm tại đó.
“Đại Đội 64 ngoài Trung Úy Vân còn thêm bảy binh sĩ thiệt mạng, hai bị thương. Phía Tiểu Đoàn 5 Dù, sáu binh sĩ tử thương, ba bị thương. Bên Thiết Vận Xa, hai xạ thủ đại liên tử trận, năm bị thương. Tất cả thương binh được trạm cứu thương của Tiểu Đoàn 5 săn sóc.
“‘Đã chín giờ đêm. Tiếng súng im hẳn. Mưa cũng tạnh. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn yêu cầu tôi báo cáo tổn thất và tình trạng thương binh. Trong báo cáo tôi nói rõ tình trạng khẩn cấp của Thiếu Úy Toàn. Ông sẽ không qua khỏi đêm nay nếu không được di tản. Và thật là một niềm vui sướng cho tôi khi biết tin sẽ có trực thăng đến tải thương. Tôi huy động nhân viên đưa các thương binh ra cánh đồng, bãi đáp. Gặp Bác Sĩ Cơ của Tiểu Đoàn 5 Dù, chúng tôi vui vẻ bắt tay nhau, phụ lực khiêng cáng. Chúng tôi sắp thương binh theo thứ tự ưu tiên di tản. Ba chiếc trực thăng trong hai đợt đã cho Bác Sĩ Cơ và tôi trút được mối lo canh cánh bên lòng. Còn lại mười mấy xác chết phải chờ đến sáng mai…’ ”(hết trích)
“Tuyển tập Người Ăn Trưa Trong Xe không kể những chuyện nơi chiến trường nữa, nơi đây là những hình ảnh chúng ta có thể gặp nơi đời thường, nơi mọi người cũng lo toan trong những nỗi đau đớn nhân sinh.
“Hãy đọc những dòng văn rất buồn mở đầu, nơi trang 7 của Người Ăn Trưa Trong Xe, Trang Châu viết:
“‘Điều khó khăn cho tôi trong dự tính bước đi một bước nữa là sợ bị lợi dụng. Tôi sợ đàn ông đến với tôi không vì tình mà vì quyền lợi của họ. Góa chồng vào tuổi 45 quả là một điều bất hạnh. Tôi không còn trẻ để nhờ cậy vào nhan sắc. Nhan sắc không phải tôi không có nhưng tôi sợ cái có đó không bền. Hình như càng lớn tuổi thời gian đi càng nhanh…’”(hết trích)
“Những dòng chữ lăn như dòng nước mắt.
“Phải chăng, khi người bác sĩ viết văn, tâm hồn trải ra ngòi bút đã thâm cảm những đau đớn của con người sâu sắc hơn?” (Nđd).
Tôi nghĩ, không thể ra khỏi bài viết này, bằng bất cứ một kết luận nào đúng hơn kết luận trên của họ Phan, dành cho văn xuôi Trang Châu / Lê Văn Châu.
(Calif. Feb. 2017)