Nhà văn Trang Châu
Trang Châu tên thật Lê Văn Châu, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1938 tại Huế. Ông là con trai thứ của cựu trung tướng Việt Nam Cộng Hòa Lê Văn Nghiêm (vừa thất lộc tại Sài Gòn ngày 27 tháng 01 năm 1988) và bà Trần Thị Thuận, (qua đời lúc Trang Châu lên 9 tuổi). Thuở nhỏ theo học tại các trường Pellerin, Thiên Hựu (Huế), Yersin (Đà Lạt). Tốt nghiệp Y khoa năm 1966. Là bác sĩ quân y, phục vụ trong binh chủng nhảy dù, kể từ 1966 đến năm 1971. Đã lập gia đình cùng bà Hoàng Kim Uyên (ái nữ của nhà thơ Hoàng Trọng Thược, Á hậu Việt Nam năm 1976) và có hai con trai. Trước 1975, Trang Châu cộng tác với các tạp chí: Tiền Phong, Khởi Hành, Văn Học… Tỵ nạn tại Montréal Canada từ năm 1977, hiện hành nghề tại phòng mạch tư. Tiếp tục sáng tác, nhưng ít gởi bài đăng báo.Tháng 6 năm 1987, được bầu làm Chủ tịch hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Canada, trung tâm Quebéc. Tác phẩm đã xuất bản: Tình Một Thuở (1964), Y Sĩ Tiền Tuyến (bút ký, 1970). Tác phẩm sắp in: Thơ Trang Châu, Nhìn Lại Mình (tập truyện), Bên Bờ Hạnh Phúc (tập truyện)
Châu Hải Châu (CHC): Anh vừa làm thơ vừa viết văn. Văn anh được đọc giả biết nhiều hơn. Nhưng được biết anh vốn nặng lòng với thơ hơn. Vậy nên gọi anh là thi sĩ hay nhà văn?
Trang Châu (TC): Tôi làm thơ trước khi viết văn. Độc giả biết tôi về thơ trong một trường hợp hạn hẹp. Độc giả của thơ tôi lúc ấy là nam nữ sinh viên các trường đại học và đặc biệt hai trường Gia Long và Trưng Vương. Lý do là lúc đó sinh viên Y khoa Sài Gòn cho xuất bản nguyệt san Tình Thương, tờ báo duy nhất của sinh viên được bày bán tại các sạp báo. Tôi làm thư ký tòa soạn cho tờ Tình Thương trong 3 năm đầu. Sau khi tôi ra trường, tờ báo sống đến gần hết năm thứ tư thì bị đóng cửa vào năm 1966 vì lý do chính trị. Dạo ấy tôi làm toàn thơ tình cảm. Sang đây, thỉnh thoảng gặp lại vài cựu nữ sinh Trưng Vương, Gia Long còn thuộc lòng những bài thơ ngắn của tôi làm thời đó, làm tôi ngạc nhiên một cách thích thú. Vâng, tôi nặng lòng với thơ hơn văn. Tôi nghĩ thơ diễn tả trọn vẹn nỗi lòng của tôi hơn. Tuy nhiên gọi tôi là thi sĩ hay nhà văn thì tùy ý độc giả.
CHC: Anh đã từng được giải Văn Học Nghệ Thuật năm 1969 với tác phẩm Y Sĩ Tiền Tuyến. Mong anh giới thiệu qua tác phẩm này (động lực sáng tác, nội dung, tạp chí đẵ đăng từ trước, năm xuất bản, hình thức, năm được giải thưởng, tái bản vv…)
TC: Cuốn Y Sĩ Tiền Tuyến (YSTT) trải qua mấy giai đoạn mới được hoàn thành. Thật tình tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ viết văn cả. Vào năm thứ 6 Y khoa, tôi ghi tên học Nhảy Dù. Học lấy bằng xong, anh em trong tòa soạn Tình Thương bảo viết lại diễn tiến của khóa dù vì nghe tôi kể lại thấy hấp dẫn. Và bài “Khóa 68 Nhảy Dù” trong cuốn YSTT là đoạn văn đầu tiên tôi viết.
Về Nhảy Dù một thời gian, tôi viết về cuộc hành quân đầu tiên tôi tham dự với tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, đăng ở Tình Thương với nhan đề Thử Lửa. Lúc bấy giờ sư đoàn dù cho ra tờ Mũ Đỏ, cho đăng lại bài này. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 6 Nhảy Dù về làm Y sĩ trưởng tiểu đoàn 3 Nhảy Dù. Tiểu đoàn đóng quân ở ven đô, tôi tình cờ nghe đài Phát thanh Quân đội loan tin cuộc thi bút ký chiến đấu, do tờ Tiền Phong (báo của quân lực VNCH) tổ chức và vì rãnh rỗi không biết làm gì ngoài việc khám bệnh cho binh sĩ, tôi viết bài gởi dự thi. Đó là bài Đường Ra Bến Hải. Bài được chấm giải nhất. Chánh chủ khảo tuyển chọn, sau này tôi mới biết là anh Nguyễn Đạt Thịnh. Sau đó tôi rời tiểu đoàn 3 Nhảy dù về làm việc tại bệnh viện Đỗ Vinh ở căn cứ Hoàng Hoa Thám. Tôi viết thêm bài Hành Quân Di Dân và Một Cuộc Săn Du Kích đăng ở Văn Học và Tiền Phong. Giải Văn Học Nghệ Thuật của Đệ nhị Cộng Hòa ra đời năm 1969, bây giờ tôi mới có ý định viết thành một cuốn sách để gởi đi dự thi. Tôi bỏ ra 5 tháng để viết phần còn lại và 1 tháng tự đánh máy. Cuốn sách được lấy tên Y Sĩ Tiền Tuyến.
Năm đó có 3 tác phẩm trúng giải: cuốn Má Hồng của Đỗ Tiến Đức, YSTT của Trang Châu, Trại Đầm Đùn của Trần Văn Thái. Cuốn YSTT được nhà xuất bản Đường Sáng in năm 1970. Đợt đầu 5000 cuốn do Nguyễn ĐìnhToàn và Nguyễn Đạt Thịnh viết lời giới thiệu đàng sau. 3000 cuốn sau, anh Mai Thảo viết lời giới thiệu ở trang sau. Tôi rất thích lời giới thiệu này, tôi còn nhớ anh Mai Thảo viết:
“ …Hạnh phúc và may mắn của một nhà văn mới lên đường như trường hợp Trang Châu là đi thẳng, đi ngay vào những thực tế lớn. Những thực tế nhỏ không chứng minh gì hết. Thực tế lớn bây giờ là tuyến đầu, là mặt trận, Trang Châu đã có mặt ở đó…”
Tôi tìm thấy cuốn YSTT với lời tựa của Mai Thảo ở hải ngoại. Nhà xuất bản Sống Mới có xin phép tôi tái bản, nhưng bây giờ tôi muốn biếu bạn bè phải bỏ tiền túi ra mua sách của mình. Có hôm mua sách xong nhìn lại nhà xuất bản thì thấy không phải Sống Mới mà là Đại Nam! Tôi cũng chẳng biết YSTT ở hải ngoại này bán có chạy không. Tái bản mấy lần ? Một vài lần vào thư viện ngoại quốc ở đây, thấy sách mình nằm ở trong cũng thấy vui vui.
YSTT là một tập ký, ghi nhận cảm nghĩ của một y sĩ theo chân một đơn vị Nhảy dù hành quân.. Tôi đã viết ra những điều mà nhiều người đã trải qua, nhưng không nói ra được, không tả ra được: Chiến tranh dưới cặp mắt một y sĩ. Tôi luôn luôn giữ ngòi bút trung trực. Viết về đơn vị mình, người viết thường dễ có khuynh hướng bốc thơm đơn vị mình. Tôi đã không làm điều đó và không áp lực nào có thể bắt tôi làm điều đó.
CHC: Nhân đây anh có thể trình bày qua giải Văn Học Nghệ Thuật của VNCH trước 1975? (xuất xứ, thành lập, hội đồng giám khảo, điều kiện dự thi, gía trị của giải,tác phẩm đã trúng giải vv)
TC: Giải Văn Học Nghệ Thuật của nền Đệ nhị Cộng hòa ra đời năm 1969 và tiếp tục cho đến năm 1974.Có nhiều giải cho nhiều bộ môn. Tôi chỉ để ý bộ môn văn. Ban giám khảo năm tôi gởi tác phẩm dự thi gồm các anh: Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, và Vũ Hoàng Chương. Tác phẩm dự thi có thể đã xuất bản hay đang còn là bản thảo. Những người được giải năm kế tiếp theo tôi nhớ (không đầy đủ và không thứ tữ thời gian) là: Phạm Thiên Thư với Đoạn Trường Vô Thanh, Ngô Thế Vinh với Vòng Đai Xanh, Nguyễn Đình Toàn với Áo Mơ Phai… Có một năm cả ba nhà văn nữ cùng được giải: Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi không nhớ tên tác phẩm trúng giải. Và có một năm giải thưởng một triệu đồng được trao cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương thì phải.
Nói về giá trị, thì theo tôi, các tác phẩm trúng giải phải có một giá trị văn chương. Có điều mỗi năm ai xứng đáng trúng giải hơn ai. Đã có lúc tạo nên nhiều dư luận mâu thuẩn nhau. Như trường hợp Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam chẳng hạn, ai cũng nghĩ sẽ chiếm giải nhất bộ môn văn mà lại không được.
CHC: “Tình Một Thuở” là một tập thơ? Hiện nay anh còn giữ được tác phẩm này? Có định tái bản?
TC: “Tình Một Thuở” đúng là một tập thơ. Gồm chừng 40 bài thơ. Năm đó tôi học xong năm thứ 4 Y khoa. Chặng đường khó khăn cuối cùng của con đường dài 7 năm , tôi đã qua. 2 năm còn lại chỉ là để trao đổi kiến thức và thực hành y khoa. Gia đình tôi cho 10.000 đồng bảo muốn làm gì thì làm.Tôi đi in tập thơ gồm 1000 cuốn. In xong chẳng biết làm gì. Tôi chỉ quen một vài tiệm sách duy nhất ở đường Lê Lợi, mang ra gởi 10 cuốn. Một tháng sau tôi được trả tiền cả 10 cuốn sách. Nhưng cô bạn gái không nhận thêm cuốn nào nữa. Tôi nghĩ cô bạn vì nễ tôi mua đứt 10 cuốn. Tôi tặng bạn bè chừng 20 cuốn. Phần còn lại nằm trong kho nhà tôi cho đến khi mối ăn loang lỗ phải mang đi đốt. Tập thơ gần như không được ai biết tới ngoài bản nộp ở bộ Thông tin. Đó cũng là điều may. Trong 40 bài thơ của Tình Một Thuở, nay tôi giữ lại có một bài: Mừng Em.
CHC: Trước 1975, hình như anh cộng tác thường xuyên với tạp chí Văn Học của anh Phan Kim Thịnh? Ngoài tạp chí này, bài của anh có cho báo khác đăng tải? Xin giới thiệu đại khái về các tờ báo của miền Nam mà anh đã cộng tác.
TC: Trước khi viết YSTT tôi viết cho Tiền Phong và Khởi Hành. Sau khi xuất bản YSTT, tôi mới viết cho Văn Học. Tôi đã viết được một tập truyện gồm 13 truyện ngắn. Bản quyền đã bán cho nhà xuất bản Đường Sáng. Tập truyện mang tên Người Mang Mùa Xuân. Chưa kịp in thì mất nước. Tôi không mang được tập bản thảo đi theo nên bây giờ không thể viết lại toàn bộ, trừ một vài truyện tôi có thể viết lại với một vài thay đổi.
CHC: Những kỷ niệm trong thời sinh hoạt VHNT trước 1975 chắc nhiều lắm, anh có thể hồi tưởng lại và cho độc giả biết qua?
TC: Tôi là một người viết lách lẻ loi. Trước 1975 và bây giờ cũng vậy. Giữa anh em nghệ sĩ họ thấy tôi là bác sĩ hơn là nghệ sĩ. Trước 1975 tôi có hai thời kỳ sống nhiều với kỷ niệm. Đó là thời kỳ làm báo Tình Thương. Những bài thơ tình nghịch ngợm nhưng rất hiền (theo như nhận xét của anh Đỗ Qúy Toàn) được viết trong thời kỳ 22, 23 tuổi này. Thời kỳ thứ hai là thời kỳ sau khi in YSTT và được giải thưởng. Tôi có hai người bạn văn: Nguyễn Đình Toàn và Dương Hùng Cường. Về sau có thêm Phan Nhật Nam. Có dịp tôi sẽ viết một vài kỷ niệm về các nhà văn này. Buổi sáng tôi hay lại tòa soạn Văn Học đấu láo với chủ nhiệm Phan Kim Thịnh. Nơi đây, thỉnh thoảng tôi có gặp hai nhà văn Tam Lang và Tam Ích. Buổi chiều tôi hay ra quán La Pagode, Nguyễn Đình Toàn gần như thưiờng trực ở đó.
Sau 1975 định cư ở Montréal, tôi viết lách để giải tỏa những dồn nén trong lòng. Đúng như anh Đỗ Quý Toàn đã nhận xét khi đọc thơ của tôi. 13 năm viết chừng 15 bài thơ. Sự ra đời của Văn Bút Canada, hiện nay đang là động cơ thúc đẩy tôi viết. Tính tôi chơi với ai chơi hết lòng. Không khách sáo, không đầu môi chót lưỡi. Ngược lại ai đối xử với tôi như thế, người đó không bao giờ là bạn của tôi cả.
CHC: Binh chủng Nhảy Dù được kể là một đơn vị thiện chiến nhất của quân lực VNCH. Anh đã có dịp phục vụ trong đoàn quân mũ đỏ này. Hiện nay anh còn giữ được bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đáng nhớ nhất?
TC: Tôi đã phục vụ binh chủng Nhảy Dù từ cấp Y sĩ Trung úy đến cấp Y sĩ Thiếu tá. Nhờ đi ngay vào thực tế lớn là tuyến đầu, là mặt trận qua binh chủng dù mà tôi đã viết được cuốn YSTT. Bao nhiêu vui buồn của một thời trận mạc đều nằm trong cuốn sách này. Tuy thế tôi vẫn thấy cuốn YSTT thiếu mất một đoạn kết. Hai mươi năm sau, một hôm tôi ngồi đọc lại từ đầu đến cuối cuốn sách của mình và thấy cần có đoạn kết. Có những tên tuổi lúc đó tôi không nêu ra được. Như trong bài Thử Lửa, vị tiểu đoàn trưởng nói với tôi câu: “Đi gồng tí chơi, bác sĩ” chính là tướng Nguyễn Khoa Nam sau này. Vào một lúc nào đó, tôi sẽ viết thêm đoạn cuối này.
CHC: Là chủ tịch ban thành lập và tái đắc cử chủ tịch chính thức Văn Bút Việt Nam, trung tâm Québec, phiền anh cho biết tình hình sinh hoạt của cơ sở văn hóa này. Đồng thời giới thiệu những dự tính sinh hoạt của hội.
TC: Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao anh chị em lại bầu tôi vào chức vụ Chủ tịch Văn Bút. Cả hai lần bầu đều có mặt anh. Tôi cũng xin hỏi riêng anh câu hỏi đó.
Sinh hoạt chính của Văn Bút Québec là buổi mạn đàm hàng tháng. Từ tháng 5-1987 đến nay đã có 10 buổi mạn đàm do các văn hữu trong cũng như ngoài Văn Bút lần lượt thuyết trình. Từ tháng 4 đến tháng 7-1988 có các đề tài mạn đàm sau đây vào tối thứ sáu cuối cùng tại trụ sở Cộng đồng Người Việt vùng Montréal:
Tháng 4-1988: Vài Ý nghĩ vế âm nhạc cổ truyền Việt Nam (văn hữu Nguyễn Văn Tĩnh thuyết trình)
Tháng 5-1988: Những Kỷ Niệm Về Thơ (văn hữu Trang Châu)
Tháng 6-1988: Tuổi Trẻ và Văn Chương Việt Nam Hải Ngoại (hội thảo, điều hợp viên các văn hữu Đỗ Quý Toàn, Võ Kỳ Điền, Hồ Đình Nghiêm)
Tháng 7-1988: Hò Ca Dao phổ sang thơ tứ tuyệt (văn hữu Trình Chung)
CHC: Tại thành phố anh đang định cư chắc có nhiều người sinh hoạt VHNT, sự giao du giữa anh và các anh chị em đó như thế nào?
TC: Tôi vui mừng thấy Văn Bút Québec là môi trường tốt cho anh chị em cầm bút gặp gỡ nhau. Qua các buổi mạn đàm cũng như qua các lần gặp gỡ tại tư gia của một vài văn hữu, cái ngại ngùng ban đầu do nhiều yếu tố dần tan biến. Với tư cách là chủ tịch, tôi nhận thấy mình có bổn phận tạo không khí hòa đồng giữa những người cầm bút với nhau. Tuy nhiên thiện chí phải hai chiều mới thật tình cởi mở. Tôi sẽ không đi lạy lục ai vào Văn Bút cũng như tôi không hành xử thiếu tế nhị để người vào thất vọng phải bỏ ra.
CHC: Trong Giai Phẩm Mùa Xuân của Văn Bút Canada vừa ấn hành anh đã viết… “Và nếu tôi còn muốn tiếp tục viết, tôi nghĩ sẽ không thiếu gì chuyện để viết trong đời y sĩ tỵ nạn” Vậy độc giả hải ngoại lẫn độc giả còn trong nước có quyền tin tưởng và chờ đợi anh sẽ viết “Y Sĩ Tỵ Nạn”? Chắc anh đã khởi sự?
TC: Bài viết trong Giai Phẩm Mùa Xuân là một khởi sự. Có thể khi viết xong tôi sẽ không lấy tên Y Sĩ Tỵ Nạn, nhưng nội dung vẫn là cảm nghĩ của một người y sĩ tỵ nạn. Tôi nghĩ là tôi có dư chất liệu để viết sau 13 năm tỵ nạn.
CHC: Nghe tin anh chuẩn bị cho ấn hành một thi tập. Liệu bao giờ bạn đọc sẽ được đọc thi phẩm đó ?
TC: Từ đây đến cuối năm 1988, tôi sẽ cho in cuốn “Thơ Trang Châu” ,tập thơ đã được anh Đỗ Quý Toàn viết tựa rất kỳ thú. Tôi nghĩ đã đến lúc cho in tập thơ này. Tôi làm thơ năm 14 tuổi. Năm 16 tuổi đã viết được 60 bài thơ. Thế mà đến nay gần 50 tuổi tổng số lượng thơ chọn cũng không quá 40 bài.Tôi nghĩ là không quá khắc khe với chính mình. Những bài thơ mà một thời gian sau đọc lại chính mình không còn thấy rung cảm nữa là tôi loại bỏ.
CHC: Thành thật cảm ơn anh Trang Châu. Bài ngũ ngôn dưới đây trích từ tập Thơ Trang Châu, sắp in:
Anh Còn Có Gì
tặng anh Đỗ Quý Toàn
Anh còn có gì
Ngoài khung cửa nhỏ
Em về qua phố
Nắng rực đường đi
Em mỉm môi cười
Tình trao ai đó
Lòng anh không gió
Cũng lộng niềm vui
Anh còn nhớ gì
Thềm ai pháo nổ
Mùa xuân chín đỏ
Trên bờ môi em
Một mùa thay tên
Cây vàng lá đổ
Em về qua phố
bỗng lạ đường quen
Anh còn có gì
Ngoài trăm nỗi nhớ
Sầu lên từ độ
Nắng nhạt đường đi
Trang Châu
Ghi chú: Trang Châu, hiện nay, 2006 vẫn còn cư ngụ và làm việc tại Montréal. Phòng mạch của ông nằm trên đường Castelnau. Sau khi giữ chức chủ tịch trung tâm Văn Bút Québec., ông được bầu làm chủ tịch Văn Bút Việt Nam hải ngoại (trên toàn thế giới) một nhiệm kỳ, sau đó trở lại chức chủ tịch của trung tâm Quebéc cho đến hiện nay.
Tác phẩm Trang Châu đã in thêm: Thơ Trang Châu (1989), Về Biển Đông (bút ký, 1995), Dì Thu (tập truyện ngắn).