Nhà thơ Trần Yên Hòa
Tôi không nhớ rõ tôi yêu thơ từ khi nào. Có thể khoảng 10, 11 tuổi cũng nên. Đó là thời gian tôi học lớp nhì, lớp nhất trường tiểu học Kỳ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Tuổi con nít mà, tôi thích nghe những điệu hò dân dã của quê mình, đó là môn "hát nhơn ngãi". Lối hát và lời hát này là của các nam thanh nữ tú quê tôi tự đặt ra, những chàng trai quê, những cô gái quê, đi cấy, đi gặt lúa, hay đi đập lúa trong những đêm sáng trăng, trời trong xanh vằng vặc. Những câu hát huê tình, chọc ghẹo nhau (tán) nhau giữa nam nữ. Nhiều câu đối đáp, thật hay, thường là bằng thơ lục bát hay 7 chữ, có khi là một câu dài tự do. Đối đáp để trả lời bên kia làm sao cho vừa hay, vừa thật tài tình,....để đối phương cảm động, xao xuyến tâm hồn. Nhờ thế mà có nhiều cặp sau này thành vợ thành chồng. Chữ Nhơn Ngãi này ai đặt ra nghe thấm thía quá.
Từ những câu hát đó, kèm theo, cha tôi, người cũng mê thơ. Ông có làm thơ đường, thơ thất ngôn bát cú, hay họa lại với các ông chú, ông bác trong làng xóm. Hay mẹ tôi, thường hát ru tôi bằng những câu ca dao thắm đượm mùi vị quê hương, tình yêu trai gái, nên tôi thấm sâu vào lòng những âm thanh ấy, để mà sau này tôi yêu thơ và làm thơ, cũng nên.
Lại một người nữa là chị Khiêm tôi, người chị đầu duy nhất, chị cũng mang trong lòng một "bụng" thơ. Ngày còn nhỏ, trong những buổi trưa hè, hay trong những đêm trăng sáng, chị thường nằm trên võng hay ngâm nga những bài thơ, đoạn thơ, trong tác phẩm như "Đồi Thông Hai Mộ" (không biết tác giả là ai). Tác phẩm này có từ đâu, mà chị hai tôi đã chép tay lại, thành một tập.
Một đoạn thơ tiêu biểu như:
Anh Đinh Lăng của em đâu nhỉ?
Anh của em yêu quý suốt đời
Anh đi mù mịt xa khơi
Phượng hoàng tung cánh chim trời nào hay.
Hay những đoạn thơ trong "Lỡ Bước Sang Ngang" của Nguyễn Bính:
Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Những câu thơ này tự nhiên đã thấm vào hồn tôi lúc nào không hay, và từ đó tôi yêu thơ (văn) nhiều hơn, và quyết tâm theo đuổi "nghiệp" thơ, dù nghĩ rằng chặng đường đi tới, chắc là khó khăn và nhiêu khê lắm.
(Hồi đó, có những chuyện viết tay, không biết xuất phát từ đâu, mà được chuyền từ học sinh này đến học sinh kia, nam sinh (kể cả nữ sinh), cũng thi nhau lén lút đọc, trong đó có truyện "7 đêm khoái lạc", một chuyện mà đứa nào trong lũ chúng tôi cũng đọc, vừa đọc, vừa đỏ mặt lên, cười rúc rích, khoái chí, dù "chuyện người lớn" này, chúng tôi chưa biết mô tê, ất giáp ra răng cả).
Năm mười hai tuổi, tôi bắt đầu tập tễnh làm thơ. Những tập vở mẹ tôi mua cho đi học lớp đệ thất ở trường trung học, tôi dở những trang vở sau cùng ra làm nháp những bài thơ. Suốt cả một niên khóa vậy, tôi làm cũng được mấy chục bài, tôi chép tay lại trên giấy pơ-luya, và đóng thành tập.
Tập thơ đầu tiên này có tên là "Lạnh Ngập Bờ Vai". Đúng là, nhớ lại, theo trí nhớ thôi chứ tôi không còn nhớ bài nào, vì sau đó, chiến tranh tấp đến, xô đẩy tôi bỏ xứ mà đi, nên mất hết, đâu còn giữ được gì. Nay, nhớ vài đoạn, tôi thấy cách hành văn, câu chữ, thật là con nít, vừa sến, vừa không thơ chút nào, nghe mà "ớn lạnh xương sống".
Ví dụ một đoạn mà tôi nhớ nhất:
Gió lạnh chiều nay thổi rạt rào
Ân tình mộng đẹp biết nói sao
Nhìn hoa tôi thấy màu tan tác
Gió lạnh bên đường biết biết bao
Nhưng dù gì, cái giấc mộng thơ văn cũng vẫn luôn tồn tại trong tôi. Trong suốt thời gian trung học đệ nhất cấp, tôi làm nhiều bài thơ nữa, rồi lại xé đi, nay không còn dấu vết.
Mãi đến năm 1964, nhân lúc tình hình chinh trị trong cả nước rối ren, các tướng lãnh thi nhau chỉnh lý, đảo chánh loạn cả lên. Trường tôi theo học, học sinh biểu tình bãi khóa liên miên, Phật giáo tranh đấu khắp nơi. Lúc đó Tỉnh hội Phật giáo Quảng Tín có xuất bản một tập san lấy tên là Hoa Đàm, không biết do ai giới thiệu mà tôi có gởi đến Tập San này 2 bài viết, một thơ, một truyện. Sau khi báo phát hành, tôi thấy truyện ngắn và bài thơ của tôi xuất hiện ở đây, tôi nghe sướng "rên", hạnh phúc tràn đầy như được uống một ly rượu say, 2 bài của tôi đều lấy bút hiệu là Thùy Phương Linh, đọc lên nghe như tên con gái, chả ai biết là của tôi cả.
Và những năm sau đó, còn tuổi học trò, tôi vẫn mãi miết làm thơ, khi hứng, khi rảnh. Tôi gởi thơ tôi đến các báo ở Sài Gòn. Những tờ tuần san hạn trung như Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tuần San Thứ Tư, Tiểu Thuyết Thứ Bảy... Nhưng thực ra, tôi gởi đi cho vui, chứ tôi không có phương tiện để mua những tờ báo đó đọc, vì còn học sinh nên không có tiền, nhiều khi ra tiệm sách đọc ké những tờ báo, nếu có bài mình được đăng thì vui lắm, tưởng mình "vĩ đại" lắm. Tôi nghĩ thế thôi và tự thấy làm mản nguyện với chính mình, vui với chính mình, hạnh phúc với chính mình (nay có từ là "tự sướng").
Tháng ngày này tôi còn non choẹt, thơ cũng non choẹt, chưa yêu ai và chưa ai yêu tôi. Hình bóng con gái - gái quê, gái phố, nữ sinh, sinh viên, gái ngân hàng, tiếp viên hàng không, nữ ca sĩ, cô giáo... chỉ là những bóng dáng viễn mơ của tôi, tưởng tượng trong tâm hồn và làm thơ một chiều. Không có bóng dáng nào chắc chắn, không có hình, có bóng. Suốt những năm trung học, thật ra mà nói, tôi chưa yêu ai, chưa có tình yêu với một người con gái nào, nếu có là trong thơ, là mơ mộng viễn vông. Và tôi cũng chỉ làm thơ một mình, tự mình mình biết, tự mình mình hay, không có kết bạn văn thơ với ai. Hình như trong suốt những năm trung học, tôi đăng đâu được khoảng 20 bài thơ trên các báo Sài Gòn, những tờ báo "thường thường bậc trung" kể trên.
Đến khi vào đại học - tôi đậu tú tài hai, ban B, nên nghĩ mình có thể theo Đại Học Khoa Học. Tôi ghi danh vào Chứng chỉ MPC, tức Toán Lý Hóa. Học chỉ được hai tháng là tôi thấy mình không theo nổi, nên tôi bỏ MPC và ghi tên qua Luật...
Dù một lòng quyết chí lập công danh bằng con đường học vấn, nhưng chuyện thơ văn vẫn âm thầm theo đuổi tôi hằng giờ, hằng ngày. Lúc này tôi đang trọ học ở một căn gác nhỏ ở đường Lê Văn Duyệt, đối diện xéo xéo rạp ciné Thanh Vân.
Ở đây, có người bạn cùng quê với tôi tên Hãn, người bạn vào Sài Gòn, vừa đi học, vừa đi làm. Hãn làm ở Nhà Tổng Phát Hành Nam Cường, với công việc là lựa báo và bỏ báo. Hãn thức dậy rất sớm, khoảng 5 giờ sáng, đi làm và khoảng 3 giờ chiều đã về rồi. Anh về, hàng ngày, anh đem về cơ mang nào là sách, báo. Có rất nhiều báo hàng ngày như Chính Luận, Công Luận, Dân Ta... Còn tuần báo thì có Tuần san Thứ thư, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Phụ nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Điện Ảnh... Tôi tha hồ đọc và làm thơ gởi các báo này, và được đăng nhiều hơn, (nhưng tuyệt nhiên không có những tờ văn học lớn như Bách Khoa, Văn, Văn Học, Tư Tưởng, Giữ Thơm Quê Mẹ...)
Ở chung phòng trọ với tôi, trước đó đã có Minh. Minh là học sinh học trường tư thục Tân Văn ở đường Trần Quí Cáp, Sài Gòn. Minh thấy tôi hay làm thơ, viết văn, nên rủ tôi gặp những người bạn của Minh cùng học lớp với Minh ở trường đó. Những người bạn này, theo Minh nói "cũng làm thơ hay lắm, muốn gặp tôi nói chuyện". Thế là tôi hẹn gặp. Những chàng này còn là học sinh, nhỏ hơn tôi một vài tuổi, thích văn thơ.
Trước đó, họ đã lập ra một Thi Văn Đoàn lấy tên là Mây Trời Việt. Cái tên nghe cũng kêu ghê. Những người bạn thơ mới đó, có những bút danh như một cậu ở Quảng Ngãi lấy tên là Trà Ấn Tường Vân, một cậu là hội trưởng cũ lấy tên là Mặt Trời Hoang. Có một cậu nói mình là nhạc sĩ và tự giới thiệu là cháu của nhạc sĩ Mạc Thế Nhân... Đám choai choai đó, có lẽ qua giới thiệu của Minh, và cũng có đọc mấy bài thơ tôi đăng ở các báo, nên trong một buổi "họp" đầu tiên, họ đề cử tôi làm Hội trưởng. Hội trưởng Thi Văn Đoàn Mây Trời Việt. Nghe cũng "oách xì xằng" lắm. Hội cũng có nội quy đàng hoàng, có thể lệ gia nhập hội, có lịch sinh hoạt, có con dấu đỏ tròn ghi tên Hội, để mỗi khi Hội trưởng ký một văn bản nào đó thì đóng con dấu đỏ lên.
Tôi cũng mê cái Hội này, nên cứ thứ bảy chủ nhật là tôi vác cây đờn Guitar của Minh (tôi mượn, vì Minh không gia nhập hội, không làm thơ). Tôi thấy tôi như là tay đàn cừ lắm, thật ra tôi không biết đàn, ca cũng dỡ ẹt, vì không có hơi.
Sau này, tôi nghĩ thêm ra rằng, cái gì thuộc về Văn Học Nghệ Thuật mà không có năng khiếu bẩm sinh, thì cố gắng đến đâu cũng thua, cũng không làm ra một bài thơ hay, một truyện hay, một bản nhạc hay... dù có cấp bằng tiến sĩ này hay thạc sĩ kia, giáo sư đại học này, nọ, dù giáo sư Văn khoa... đi nữa. (dĩ nhiên trong số này cũng có một số rất ít, có được năng khiếu bẩm sinh).
Những ngày ở Sài gòn, tôi chẳng làm được gì cả, dù ôm trong bụng một trời thơ ca, nhưng không gây nên một tiếng vang gì, dù làm Hội Trưởng Thi Văn Đoàn Mây Trời Việt. Từ đó tôi mới nhận chân ra rằng, cái cốt lỏi của nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ là tác phẩm của mình.
Nói thêm một chút là Thi Văn Đoàn Mây Trời Việt này là do một số học sinh trường Tân Văn lập ra. Có một ông giáo sư trường này tên là thầy Quân. Thầy Quân biết sự ra đời của Mây Trời Việt, nên thầy dọ hỏi mấy bạn học ở trường, và biết tôi làm Hội trưởng, nên thầy Quân tìm cách gặp tôi, và thầy mời tôi đem Thi Văn Đoàn Mây Trời Việt, tham gia vào một tổ chức có tên là Lạc Việt.
Đây là một tổ chức chính trị do một nhóm thân hữu của thầy Quân lập ra, với mục đích ủng hộ tướng Nguyễn Cao Kỳ, tranh cử với tướng Nguyễn Văn Thiệu (1966). Do sự đồng ý của một số bạn trong Thi Văn Đoàn, tôi có đi họp mấy lần với thầy Quân và có gặp ông Phan Huy Quát, hồi đó là Chủ Tịch Liên Minh Á Châu Chống Cộng...
Nhưng sau đó tôi thấy nản, vì nói đến chính trị là muôn hình vạn trạng, mà tôi và những bạn của tôi chỉ có một tâm hồn yêu thơ (văn) thôi. Chúng tôi tập họp nhau lại để làm thơ viết văn, ai có tác phẩm hay thì đọc cho nhau nghe mỗi lần họp mặt. Nên sau đó toàn bộ anh em hội viên rút lui, và tôi cũng rút lui luôn.
Tôi kể lại chuyện này coi như là một kỷ niệm vui hồi còn tuổi trẻ mà thôi, và kinh nghiệm cho thấy, chính trị như con bạch tuột, cái vòi của nó thấy chỗ nào lợi dụng được thì nó mò tìm đến và giơ vòi bạch tuột ra.
Cho đến những năm tôi đi lính, khoảng năm 68, 69, 70, tôi mới có những bài thơ (và truyện ngắn) ra hồn, đăng trên Khởi Hành, Tuổi Ngọc, Thế Đứng, Nhật báo Tiền Tuyến... Lúc đó, tôi thấy thấy mình trưởng thành hơn một chút.
Khi qua hải ngoại, tôi vẫn ôm mộng tưởng thơ, văn. Bài tôi viết được đăng ở các báo văn học có giá trị như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Sóng Văn... trên các nhật báo như Người Việt, Viễn Đông, Việt báo, Saigon nhỏ... hay các báo tuần như Sàigòn nhỏ, Hồn Việt, Trẻ Magazine, Phụ Nữ Diễn Đàn, Chí Linh và các trang mạng như Văn Chương Việt, Du Tử Lê, Luân Hoán, Phạm Cao Hòang, Sáng Tạo, Phố Văn, Học Xá... Và tôi đã thực hiện chủ trương Trang mạng Văn Học Nghệ Thuật "Bạn Văn Nghệ", cũng được nhiều bạn đọc viếng thăm.
Tôi cứ thế tiếp tục. Tiếp tục. Tiếp tục.
Mãi đến bây giờ. Thế mà cũng (tròm trèm) hơn năm mươi lăm năm, từ năm 1962 đến nay là 2018 (năm xuất bản tập thơ này) là 56 năm. Một chặng đường khá dài. Coi như chiếm hết cả cuộc đời tôi, và có thế nói, khi tập thơ này in ra, tôi cũng sẽ còn làm thơ nữa, vì tôi nghĩ, bây giờ, thơ, văn là môn giải trí quí giá nhất của tôi. Có thể để làm cho mình đỡ cô đơn, xóa đi những phút giây trống rỗng, ở Mỹ, với cuộc đời đầy trầm luân, bầm dập của tôi.
Nếu nói, thơ văn là nghiệp mà tôi đã vướng vào thì cũng đúng, vì hầu như suốt đời, tôi lúc nào tôi cũng nghĩ đến nó...
Đây là tâm tư thật lòng của tôi.
Xin cảm ơn bạn đọc khắp nơi, bạn văn khắp nơi, dù quen biết hay không quen biết.
Tôi luôn luôn thương quí và trân trọng các bạn. Như tự thương quí tôi.
Trần Yên Hòa