17-09-2015 | VĂN HỌC

Có hay không sự chuyển đổi tình cảm trong thơ phổ nhạc

  TRẦN VĂN NAM

Học Xá:

Để tưởng niệm nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình văn học Trần Văn Nam vừa từ trần ngày 10.1.2018, Học Xá đăng thêm một bài liên quan đến thơ phổ nhạc của tác giả.

Nhà thơ Viên Linh trong bài: "Để đưa tiễn Trần Văn Nam" nhận định: Văn chương anh nhẹ nhàng, anh nói năng nhỏ nhẹ... Con người ấy hay viết về thơ, và thơ trong triết học, hay ngược lại. Bút lực anh không mãnh liệt nhưng bền bỉ. Nhà thơ Viên Linh cũng đã từng từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long tìm anh Trần Văn Nam để bàn chuyện cộng tác với báo Thời Tập.


Bạn Văn Phân Ưu

*



    Nhà biên khảo Trần Văn Nam
   (18.11.1939 - 10.1.2018)

Riêng về ba bài thơ phổ nhạc của Lê Vũ, xin góp ý về mặt thể hiện tình cảm mà thôi. Phần kỹ thuật phổ nhạc thuộc phạm vi chuyên môn của nhạc sĩ, có lẽ chỉ lặng lẽ đợi chờ. Âm điệu có độc đáo hay không thì thời gian sẽ thẩm thấu. Nghệ thuật đưa nhạc vào thơ có xuất sắc hay không thì mai hậu sẽ có câu trả lời. Mà nhiều khi nổi hay không nổi còn phải gặp duyên kỳ ngộ: một giọng ca nào đó làm cho bài hát cất cánh bay lên. Vậy chỉ xin bàn về tình cảm của bài thơ được thể hiện ra sao ở trong nhạc.


Tình cảm vốn là điều mơ hồ mà chỉ có tác giả bài thơ mới hiểu được "trọn vẹn". Nhạc sĩ phổ nhạc cũng thể hiện tình cảm khi chọn âm điệu vui hay buồn, man mác hay sôi nổi, do đó có nhịp Tango, Valse, Slow, Bolero, Rumba.. Nhưng âm điệu do nhạc sĩ chọn và tình cảm bài thơ cho dù có đi đôi thích hợp, đôi khi vẫn lệch qua một chút, không trọn vẹn như cái cảm của người làm thơ. Tôi nhận ra "độ lệch một chút" đó trong ba bài thơ của tôi được nhạc sĩ Lê Vũ phổ nhạc. Điều này nói lên rằng nhạc sĩ cũng là người chủ động biểu hiện tình cảm dù vẫn giữ nguyên lời bài thơ. Đôi khi chỉ vì một câu nào đó gây cảm hứng (tức không phải trọn bài), gợi lên một âm điệu âm vang trong tâm thức nhạc sĩ. Câu đó hoặc phát ra nhạc tính, hoặc gợi ra vài hình ảnh tiềm ẩn giai điệu, hoặc gợi ra ý tưởng lạc quan hay bi quan thích hợp cho một nét nhạc...


Nhạc sĩ Johann Strauss nhờ nghe được giọng chim hót đặc biệt, phối hợp với điệu kèn đồng đi săn buổi sáng sớm khi đi ngang qua cánh rừng mà làm nên bản nhạc bất hủ "Tales of Vienna woods", và một lần khác thì hình ảnh những cô nàng vui vẻ giặt giũ bên bờ sông khi trời gần sáng đã làm nhạc sĩ sáng tác nên bài "Blue Danube" (Nếu tác giả cảm hứng vì dòng sông lặng lẽ trôi mà thôi thì chỉ có điệu nhạc êm đềm mà không có giọng vui tươi như tiếng cười nói của các thiếu nữ)...



    (6.9.1936 - 6.2.2015)
   (chụp tại Paris năm 2009)

Trong bài thơ "Bên Bờ Danh Vọng" thì chỉ vì câu cuối "Đời thật đẹp, cám ơn lời nhạc sĩ" mà nhạc sĩ Lê Vũ đã phổ nhạc trọn bài thơ của tôi. Bài thơ này nói về cuộc đời gần như mai danh ẩn tích của nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, tác giả bản nhạc nổi tiếng "Em tôi" sáng tác tại Paris, khoảng đầu thập niên 1950, trong đó có những lời thật thần tiên mộng mơ gửi về người em gái xa xôi nơi cố quốc:

"Bao giờ tôi về gần em cùng đếm này trăng này sao chia nhé em.

Trăng sao dâng ý thơ, mây bay khắp trời.

Thuyền tình lung linh trong khói sương lam.

Ngày về xa quá, người ơi".

(Có thể người viết bài này đã nghe sai vài chữ ở hai câu trước, thật ra là: "Bao giờ tôi về gần em, cùng đến này trăng này sao kia nhé em...".


Bản nhạc "Em tôi" nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam từ năm 1955 hay 1956, nhưng cũng từ đó nhạc sĩ Lê Trạch Lựu không một lần nào về Việt Nam, không một hình ảnh trên báo, không một lời phỏng vấn, không một lời được giới thiệu. Mãi đến năm 1988 (hay 1989?), thi sĩ Nguyên Sa từ Hoa Kỳ trở lại thăm Paris, gặp nhạc sĩ lúc bấy giờ đã là một cụ già tóc bạc phơ. Thi sĩ Nguyên Sa được ủy nhiệm phổ biến một số bản nhạc cất giữ từ lâu trong ngăn kéo của nhạc sĩ. Những bản nhạc mới đó góp thành một băng nhạc, rồi lại từ đó nhạc sĩ cũng im hơi lặng tiếng. Bài hồi tưởng cuộc gặp gỡ này do thi sĩ Nguyên Sa viết khiến tôi xúc cảm, làm nên bài thơ "Bên Bờ Danh Vọng" (Bản nhạc phổ thơ này in trong "Tập nhạc thứ nhất" của Lê Vũ, đã xuất bản), mà hai câu thơ cuối như sau:


... Thuyền tình chèo trên sao sáng đầy trời

Đời thật đẹp, cám ơn lời nhạc sĩ.


Nhạc sĩ Lê Vũ chỉ cảm hứng vì câu thơ này, theo lời nhạc sĩ nói với tôi. Tôi cảm nghĩ nhạc sĩ rung động vì ý tưởng "âm nhạc dâng tặng nguồn vui thế gian", tổng quát cho giới nhạc sĩ; trong khi tôi chỉ hạn hẹp cám ơn bản nhạc "Em tôi" nhắc nhở tuổi hoa niên thơ mộng.


Bài thứ hai được phổ nhạc là bài "Sợi Tóc Hờ". Bài thơ này được thi sĩ Nguyên Sa cho đăng báo hai lần. Nội dung bài thơ nói về thứ tình vu vơ và hững hờ, mong manh như sợi tóc hờ trên má một người đẹp chải tóc trên lầu cao. Mỗi buổi sáng, những sợi tóc rụng rơi trên má lại vô tình bay theo gió. Hình ảnh mong manh cứ như thế tiếp diễn, tượng trưng cho sự hững hờ xa cách, không sôi nổi tha thiết vì thẩm thấu cái phù du. Đoạn cuối bài thơ như sau:

... Sợi tóc hờ trên má em phút chốc

Sợi tóc hờ theo gió lại bay bay

Nhưng hề chi, như thế cũng hay hay

Chút bâng khuâng cho đời còn thơ mộng

Rõ ràng là lời thơ nói về sự bình thản trước điều mong manh, tâm cảm buông xuôi, không nắm níu được thì bay đi theo gió, từ giã mà không thở than. Nhưng nhạc sĩ đã đem một câu thơ ở giữa làm lời kết thúc bản nhạc:


... Nơi anh ở bây giờ bâng khuâng nhớ


Âm điệu của câu cuối phổ nhạc vút cao lên, diễn tả sự da diết, muốn đạt tới ước vọng. Như vậy từ bình thản chuyển thành thiết tha, như vậy thì đã có một chút độ lệch giữa thơ và nhạc. Dù còn chờ đợi thời gian đánh giá, theo tôi thì âm điệu bản nhạc này đang chờ đợi duyên kỳ ngộ là những giọng hát khai phá thích hợp để cất cánh bay lên từ lớp bụi mờ lảng quên.


Bài thứ ba của tôi được nhạc sĩ Lê Vũ phổ nhạc: "Sỏi Cát Phiêu Linh". Bài thơ này đã đăng trên Tạp chí Làng Văn ở Canada và trong "Tuyển Tập Thi Văn Phật Giáo" (Nhà xb. Sông Thu, CA. 1993). Đây là bài thơ tượng trưng (Tượng trưng theo nghĩa thông thường: nhờ biểu tượng nói lên ý tưởng, không phải tượng trưng mở cửa về thần bí của "Chủ nghĩa Tượng trưng" thuộc văn học Pháp - Symbolisme).


Sỏi cát tượng trưng cho một người "vượt biên tình cờ". Chỉ "một" mà thôi, vì không phải ai vượt biên tình cờ đều có hoàn cảnh giống nhau. Vượt biên tình cờ vì ra đi không có sắp đặt, chỉ đi theo nhờ dịp may hãn hữu. Bài thơ kể chuyện theo tuyến thời gian từ quá khứ đến hiện tại; dựa vào câu chuyện thật của một người tôi quen: Hạt cát sống đời hồn nhiên bên bờ lau sậy; hạt cát trôi theo sông đến một xóm làng và kết duyên cùng nàng thôn nữ; hạt cát theo nàng di tản ra thành thị vì chiến tranh lan tràn đến thôn quê; hạt cát buồn vì ánh sáng phồn hoa đô hội làm họ chia tay; hạt cát cô đơn đến cư ngụ tại bãi cát nổi ở một cửa sông; hạt cát gặp lại người xưa khi thuyền vượt biên của nàng mắc cạn tại bãi cát đó; hạt cát vượt biên tình cờ theo nàng lúc nàng vội vã nắm lấy chút đất quê hương khi nước thủy triều lên; cuối cùng họ lại chia tay sau một thời gian định cư nơi trời viễn xứ...


Bài thơ theo thứ tự như trên, nhưng khi phổ nhạc, nhạc sĩ Lê Vũ lại hoán đổi câu theo một thứ tự khác, tuy lời vẫn giữ nguyên. Theo tôi, tác giả bài thơ, thì hai câu thơ này là ưng ý nhất:


... Sông tràn trề suốt dặm dài ca hát

Sóng nước đưa anh lượn khúc kinh kỳ.


Hình ảnh đậm nét là cuộc phiêu linh của hạt cát theo dòng trôi của con sông, từ nguồn hoang vu, đến thôn làng, qua thành thị và ra cửa biển. Khi làm bài thơ này thì con sông Sàigòn chập chờn trong cảm hứng của tôi, tưởng tượng con sông tràn trề tiếng hát khi qua kinh kỳ như "Dòng Sông Xanh" qua thành phố Vienna của nhạc sĩ Johann Strauss. Vì vậy tôi thầm nghĩ điệu nhạc "Luân vũ" là thích hợp, nhưng bài thơ được phổ theo điệu "Slow Rock" có những nét "giật" hơn là phẳng lặng. Mà cuộc phiêu linh đó cũng đâu có suông sẻ êm đềm. Có lẽ nhạc sĩ chọn điệu nhạc hữu lý hơn người làm thơ.

(Tháng 10 năm 2003)


Xin kèm theo dưới đây bài thơ "Sỏi Cát Phiêu Linh" và "Bên Bờ Danh Vọng"


SỎI CÁT PHIÊU LINH


Anh hạt cát bên bờ lau sậy trắng

Tưởng một đời vui với bóng chim xanh

Cơn mưa mùa đưa anh tới khúc quanh

Theo sông nước qua cõi đời huyên náo.


Đến làng thôn, em bên cầu giặt áo

Đôi chân ngà bước xuống nước xanh trong

Hạnh phúc gần em, sỏi cát ven sông

Trời êm ả hàng cau trên mái lá.


Rồi chiến tranh, làng em người mỗi ngả

Em một ngày phiêu bạt đến thành đô

Anh giật mình cũng bỏ lại bến mơ

Đi tìm em giữa mùa xuân tan tác.


Sông tràn trề suốt dặm dài ca hát

Sóng nước đưa anh lượn khúc kinh kỳ

Thấy em thị thành lạc bước trong mê

Anh buồn khổ tìm bãi bờ xa khuất.


Ven trùng dương, anh nằm trên eo đất

Trăng gió bao mùa, anh vắng bóng em

Đất nước đổi đời nên có một đêm

Thuyền vượt biển em ra đi mắc cạn.


Nắm đất quê hương lên đường di tản

Em mang anh đi qua mấy vùng trời

Viễn xứ ngóng chờ rồi cũng đến nơi

Nhưng em lại quên anh một lần nữa.


Anh ở ngoài sân, mảnh vườn trước cửa

Hóa thân thành hoa trắng nở trời khuya

Để sáng mỗi ngày lại thấy em đi

Xiêm áo lên xe, đổi đời lộng lẫy.


Lá đỏ xứ người mấy mùa run rẩy

Em nhớ gì anh, kẻ ẩn bên đường

Em nhớ gì sỏi cát của quê hương

Cùng hành trình từ bên kia trời biển.


BÊN BỜ DANH VỌNG *


Một đêm nào bên bờ sông chảy miết

Nghe kinh thành rửa bụi phấn phồn hoa

Chính nơi đây người đã viết khúc ca

Gởi về quê hương một lần nhớ mãi.


Người tìm đâu một bờ sông trống trải

Mà chia trăng sao ai ở cuối trời

Bài hát thần tiên đến giữa cuộc đời

Người thì vẫn một bóng mờ ẩn khuất.


Ba mươi năm tưởng người không có thật

Tưởng chỉ là huyền thoại mang hư danh

Qua thăng trầm một đất nước chiến tranh

Đời có lúc không là thời thơ mộng.


Người là kẻ đứng bên bờ danh vọng

Nhìn tuổi vàng theo sông nước ra đi

Cuộc sống trăm năm có lúc xuân thì

Người chọn lãng du, quê người lỡ bước.


Bài hát ấy vẫn tròn đầy mơ ước

Dẫn ta về tuổi trẻ, thuở đôi mươi

Thuyền tình chèo trên sao sáng đầy trời

Đời thật đẹp, cám ơn lời nhạc sĩ.

City of Walnut, California


Trần Văn Nam

Nguồn: Tiếp Nối Dòng cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975
Tác giả xuất bản, 2016)

* Bài thơ này nói về nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, tác giả bản nhạc "EM TÔI" sáng tác tại Paris khoảng đầu thập niên 1950.