13-3-2020 | VĂN HỌC

Tháng Tư đọc ‘Chiến Tranh Việt Nam’ của Trần Gia Phụng

  NGUYÊN HUY


    Giáo sư Trần Gia Phụng

Nhà nghiên cứu sử học Việt Nam, Giáo Sư Trần Gia Phụng vừa gửi đến Người Việt tác phẩm mới nhất của ông cuốn “Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975).” Cuốn Chiến Tranh Việt Nam cũng là tập 7, tập sau cùng của bộ “Việt Sử Ðại Cương” mà tác giả đã ra mắt bộ sách này một vài lần tại Viện Việt Học, Nam California, sau mỗi lần hoàn tất một vài tập.

Công trình soạn thảo bộ “Việt Sử Ðại Cương” đã diễn ra trong suốt gần 10 năm trời. Năm 2004, ông ra mắt tập I, 2006 tập II, 2007 tập III, 2008 tập IV, 2009 tập V, 2012 tập VI, và nay 2013 là tập 7 vào đúng thời gian Tháng Tư, tháng mà toàn dân Việt ai nấy đều ngậm ngùi đau thương tưởng niệm lại biến cố 30 Tháng Tư, 1975 vào 38 năm trước.


Với trên dưới 3,000 trang sách, lịch sử Việt Nam đã được Giáo Sư Trần Gia Phụng viết lại, đối chiếu với những cuốn sử cũ đã có của các học giả, các sử gia cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử cùng là những bài viết của các nhà văn, nhà báo trong cũng như ngoài nước. Do đó, cuốn “Việt Sử Ðại Cương” của Trần Gia Phụng có được nhiều cái nhìn mới về những dữ kiện lịch sử vì sự tiến triển của khoa nhân văn học, sử học cũng như của những tài liệu mới được bạch hóa sau một thời gian qui định của các quốc gia có liên hệ đến cuộc chiến Việt Nam.



Với tập VII kết thúc bộ “Việt Sử Ðại Cương,” tác giả đã dành ra để chỉ nói đến cuộc chiến tranh Việt Nam trong đó không chỉ thuần túy về quân sự mà qua cuộc chiến tác giả đã phóng chiếu vào nhiều lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội để người đọc có thể nắm bắt được toàn cảnh cuộc chiến ấy đã ảnh hưởng thế nào đến dân tộc Việt Nam cũng như đến tiền đồ đất nước sau khi cuộc chiến chấm dứt với sự chiến thắng của “cái ác” như nhận định của Thượng Nghị Sĩ John McCain và của phóng viên chiến trường người Ðức Uwe Siemon-Netto trong tác phẩm mới được xuất bản “Ðức, tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương.”


Tác giả Trần Gia Phụng cho biết: “Cuộc chiến Việt Nam 1960-1975 khá phức tạp, tài liệu rất dồi dào, nhiều quan điểm, nhiều lập trường nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau.”


Nhưng với ông, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, ông đã đứng trên một quan điểm “quốc gia” rõ rệt để nhìn vào cuộc chiến này. Nếu là nhà viết sử, ông có thể bị cho là đã để tinh thần yêu nước, yêu dân tộc làm mất đi phần nào tính khách quan. Nhưng những phân tích của ông trước những sự kiện lịch sử về chiến tranh Việt Nam, ông đã có những cái nhìn khác hẳn phía người cộng sản và những cây viết phản chiến khi viết về cuộc chiến này.


Trước hết, để hiểu rõ hơn, ông đã đặt cuộc chiến tranh Việt Nam trong hoàn cảnh chính trị thế giới. Việc đưa đến cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân Việt Nam mà cộng sản đã khéo léo tranh được quyền lãnh đạo cuộc chiến ấy khiến người dân Việt đã không tiếc xương máu lao vào cuộc chiến này, lẽ ra là không có nếu như kế hoạch “quốc tế quản trị” ( International trusteeship) của Tổng Thống Franklin Roosevelt cho Ðông Dương được áp dụng.


Trong mục Việt Nam trong Chiến Tranh Lạnh toàn cầu, ông viết:

“Trong khi Nhật sắp thất trận ở Á Châu, tổng thống Hoa Kỳ là Franklin Roosevelt đã đưa ra kế hoach quốc tế quản trị cho Ðông Dương, theo đó sau khi Nhật đầu hàng, Ðông Dương sẽ được đặt dưới quyền của một Hội Ðồng Quản Trị Quốc Tế gồm đại diện Hoa Kỳ, Trung Quốc (Quốc Dân Ðảng), Pháp và Liên Xô. Hội đồng này sẽ hoạt động trong vòng 50 năm.”

Kế hoạch được đưa ra tại hội nghị Yalta, bị Thủ Tướng Winston Churchill của Anh phản đối nhưng Chủ Tịch Joseph Stalin của Liên Xô lại đồng ý trong khi đó Tổng Thống Roosevelt từ trần, Tổng Thống Harry Truman lên thay và thay luôn cả kế hoạch này vì ông Truman lo ngại sẽ làm mất lòng Pháp mà không ủng hộ Hoa Kỳ ở Âu Châu.


Vẫn theo tác giả thì Pháp đã lợi dụng cơ hội này vận động Anh để cho Pháp thế chân đến giải giới quân Nhật ở miền Nam Việt Nam và sau đó Pháp cũng vận động với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch để Pháp thế chân phụ trách an ninh ở miền Bắc sau khi quân đội của Tưởng Giới Thạch đã giải giới quân Nhật. Trước tình thế đó, Hồ Chí Minh vừa cướp được chính quyền (2 Tháng Chín, 1945) lo sợ phải nằm trong tay Pháp đành phải hô hào toàn dân kháng chiến sau khi đã ký hai thỏa ước Sơ Bộ (6 Tháng Ba, 1946) sẵn sàng đón quân Pháp thay quân Tưởng. Sau đó Hồ Chí Minh còn ký thêm một Tạm Ước (Modus Vivendi) tại Paris tối 14 Tháng Chín, 1946 nhượng bộ Pháp, để cho Pháp tái tục hoạt động kinh tế, tài chánh, giao thông, văn hóa trên toàn cõi Việt Nam.


Trong một đoạn khác, tác giả cho biết khi Việt Nam đã bị chia đôi trước sự đồng thuận của Pháp và Liên Xô, Trung Cộng, CSVN được ngay sự tiếp trợ dồi dào của quốc tế cộng sản trong khi đó miền Nam dưới chính thể quốc gia, Hoa Kỳ đã không ký kết một hiệp ước an ninh hỗ tương nào như đối với Nhật, Nam Hàn và Ðài Loan để đến khi CSVN lộ rõ bộ mặt xâm chiếm miền Nam (thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cuối năm 1960) thì mới ào ạt đưa quân vào tham chiến sau khi cùng các tướng lãnh trong quân đội VNCH lật đổ chính phủ Ngô Ðình Diệm.


Ðây là những cái nhìn mới về nguyên nhân cuộc chiến tranh Việt Nam hao người (phía cộng sản Bắc Việt và dân tộc VN) và tốn cả người lẫn của (phía Hoa Kỳ) mà kết quả là sự cay đắng cho dân tộc VN vào 30 Tháng Tư, 1975.


Dàn trải trong hơn 500 trang sách, cuốn “Chiến Tranh Việt Nam” của Giáo Sư Trần Gia Phụng đã đề cập đến cuộc chiến Việt Nam dưới những cái nhìn không thuần túy quân sự mà còn đề cập đến nhiều chi tiết khác mà những cuốn viết về quân sử trước đó đã không có hay có rất sơ lược. Chẳng hạn như viết về phần “Lực lượng các nước cộng sản tham chiến,” tác giả chiếu theo những tài liệu mới được bạch hóa của Liên Xô thì quân đội Liên Xô đến tham chiến ở Việt Nam rất âm thầm là 3,000 binh sĩ chuyên môn phụ trách huấn luyện và chiến đấu trong các đơn vị phòng không tên lửa. Trong khi đó Trung Cộng đưa quân vào Việt Nam không rõ bao nhiêu nhưng các nhà phân tích quân sự cho biết sau Hiệp Ðịnh Hòa Bình Paris 1973, CSBV dốc toàn lực quân sự của miền Bắc vào Nam thì quân Trung Cộng đã thay thế công việc phòng thủ và giữ an ninh cho toàn miền Bắc.


Phía tự do thì ngoài 8 nước Hoa Kỳ, Úc, Canada, Philippines, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Thái Lan, Ðài Loan, còn có cả Tây Ban Nha dù chỉ có 13 chuyên viên quân sự.


Ngoài ra cuốn “Chiến Tranh Việt Nam” còn có nhiều tài liệu bí mật chưa từng được công bố như lá thư của ông Huỳnh Tấn Phát (Mặt Trận Giải Phóng) gửi cho Quốc Trưởng Nguyễn Khánh ngày 28 Tháng Giêng, 1965 đề nghị Mặt Trận về cộng tác cùng VNCH đồng thời tác giả cũng cho biết nhiều tài liệu của Hoa Kỳ ấn định các vùng cấm oanh kích ở Bắc Việt đối với không lực Hoa Kỳ tham chiến khiến cho người lính Hoa Kỳ phải chiến đấu với một tay bị trói.


Tóm lại, trong những ngày tưởng niệm Tháng Tư Ðen, ngồi nhớ lại cuộc chiến Việt Nam qua những tài liệu mới với nhũng cái nhìn mới của nhà nghiên cứu lịch sử Trần Gia Phụng, chắc chắn người đọc sẽ rút ra được nhiều bài học cho con em nếu như chúng còn muốn tiếp bước cha anh thực hiện lý tưởng xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập thật sự để hạnh phúc ấm no được trải đều đến cho mọi người dân Việt.


Nguyên Huy

Nguồn: nguoi-viet.com