Học giả Thái Văn Kiểm
(1922 - 21.2.2015)
NĂM 1995, bạn Phan Cao Phái nhận đứng Việt hóa hai cơ sở Pháp là nhà sách Portail và nhà in Imprimerie Francaise d'Outremer (I.F. O.M.) ủy tôi đổi lại thành tên Việt, tôi đặt nhà sách là Xuân Thu (thời đại văn học cực thịnh của Tàu) và nhà in là Kim Lai (Nay và Mai để quên quá khứ) và tôi dùng gian bên trái của Xuân Thu làm nơi bán toàn sách Việt Nam.
Ở đây, một hôm tôi gặp một người trạc ngoài 30, vẻ mặt cởi mỏ, nói năng lễ độ, dáng dấp chững chạc, đến tìm mấy cuốn sách hiếm. Tôi có thiện cảm ngay. Sau đó hỏi thăm mới hay khách là ông Thái Văn Kiểm.
Ông vốn quê làng Bao La, phủ Quảng điền, tỉnh Thừa thiên. Trước học trường Quốc học và Khải đinh rồi bỏ tham tá tòa Khâm, đến 1952 làm tỉnh trưởng Khánh hòa, rồi tỉnh trưởng Ninh thuận.
Sau 1954, là bộ Giáo dục, rồi qua bộ Ngoại giao ở nhiệm sở Tunis, Dakar, Zaire. Sau trở lại Pháp, làm thư viện trường Cao học Kiến trúc, đến 1987 về hưu: một đời công chức nhiều biến chuyển, nhưng toàn những nơi học hỏi được nhiều, rất thuận lợi cho một người hiếu học.
Từ khi quen biết ông, tôi thường có thư thăm hỏi về sách vở, và rất mến cái tác phong hiếu học của người một đời lúc nào cũng đọc, cũng viết, cũng thi thố tài năng và điều này hơi hiếm thấy được đền bù bằng những thắng lợi, những giải thưởng rất vẻ vang.
Năm 1965, giải Nhất về nghiên cứu trao cho cuốn Đất Việt Trời Nam. Năm 1977, giải Cosmos cho cuốn Au Pays du Nénuphar (Montreal-Canada). Năm 1981, luận án tiến sĩ về từ ngữ Việt Nam. Năm 1991, ông tiến sĩ được tiếp đón vào Viện Hàn lâm Khoa học Pháp quốc với tư cách hội viên liên kết.
Ông dùng nhiều bút danh, thay đổi tùy theo nhiệm sở và hứng thú. Riêng tôi quí cái bút hiệu Bao La Cư sĩ. Nếu chỉ thấy hai chữ Bao La là tên nơi quê hương người ta có thể cho là Khiếm trang, là tự phụ. Nhưng nếu biết đó cũng là tên nơi quê hương, thì cái bao la về kiến thức lại lồng vào chữ đồng nội của nước nhà, còn gì thân mật mến yêu hơn!