TchyA (1908 - 1968)
Đái Đức Tuấn quê Thanh hóa, tôi mới gặp ở nhà Đỗ-Văn mà anh gọi bằng cậu, đã có cảm tình ngay, vì cùng trang lứa tuổi đôi mươi ngây thơ mơ mộng. Anh đỗ tú tài, làm tham tá nha Học chính, hay vẽ và làm thơ ngay trên bàn giấy công chức. Nét vẽ nghệch ngoạc kiểu tây đoan Rousseau nhưng ngụ ý hài hước hơn, anh minh họa một vài câu Kiều, như câu "trải qua mặt cuộc bể dâu" vẽ theo cái nghĩa "chải" và "râư": một người đứng trong bể nước cầm bàn chải chòm râu lê thê!
Thơ anh có những câu:
Thì giờ vỗ cánh bay như quạ
Bay hết đường xuân kiếm chỗ ngồi
Rượu đến gà kêu cô cuốn chiếu
Quay về, còn lại mảnh tình tôi...
Đã đành anh nhớ lại Edgar Poe, nhưng tôi thích thú những "quạ ngồi" và "gà kêu" lạ tai cũng như nét vẽ lạ mắt.
Có lần tôi đến nha Học chính, thấy anh cúi trên bàn giấy, cổ quấn khăn choàng trắng, cho một "nghệ sĩ dao kéo" sửa mái tóc bồng bềnh. Tôi tưởng lúc ấy viên chủ sự Pháp ở phòng bên đi vắng, té ra không: lát sau thấy y nhẹ gót sang phòng này, nhìn tôi tủm tỉm trỏ ngón tay vào thái dương, có ý bảo "Tuấn hơi tàng tàng" (cinglé).
Lần khác, cũng trong phòng này, tôi gặp Nguyễn Tuân cùng anh đánh cờ tướng theo những đường kẻ lệch lạc trên giấy báo. Viên chủ sự Pháp đi qua, thản nhiên như không thấy gì. Thực ra, họ không muốn để ý đến, vì nể Tuấn ở phương diện khác: phương diện hồ sơ. Hồ sơ của nha chồng chất như núi, nhưng Tuấn xếp đặt thật ngăn nắp, theo cái ngăn nắp riêng của mình: khi cần hồ sơ nào, nếu cứ theo thứ tư abc hay 1,2,3 thì chẳng ai tìm ra nổi, mà hỏi đến Tuấn, anh chỉ quơ tay là thấy liền! Tài đặc biệt ấy cho phép anh tha hồ phóng túng.
Nét vẽ, câu thơ, ánh đèn, khói thuốc, bầu không khí thân mật cười đùa này chẳng mấy lâu sau mắc cho anh món nợ phù dung.
Nợ càng sâu dậm hơn khi nàng tiên xuất hiện trong thân hình Bích Ngọc, một ngôi sao trên sông hồ của Hà thành hoa lệ, có nét kiều diễm theo tiêu chuẩn Tây phương, được đám phong lưu dị chủng đặt cho cái tên ôn-nhu là Angèle. Nhưng giai nhân lúc ấy đang kẻ đưa người đón dập dìu, đâu có chú ý đến một anh chàng thi sĩ ngây thơ? Nên chàng than vãn:
Hững hờ là thói thuyền quyên
Si tình thay lũ thiếu niên giang hồ!
Mãi về sau, trong một đêm đông mưa gió, sau bữa tiệc vui đông đảo, Angèle ngồi lại bên đèn, trước lò sưởi:
Ngọn lửa cành non kêu lách tách
Như đùa với lạnh. Mặt em tươi
Hơi ấm, tình nồng, hai má đỏ
Nhìn em, em chúm chím môi cười...
Thế là tiếng sét nổ trong lòng Tuấn, nảy ra cái bút hiệu TCHYA mà anh giải thích là "Tôi Chẳng Yêu Ai", trong khi thâm tâm tự nhủ: "Tuấn Chỉ Yêu Angèle!"
Nhưng Angèle không chỉ yêu Tuấn. Nên Tuấn than:
Tao phùng một chuyến rồi ly biệt
Hoa lại bay theo ngọn gió ngàn!
Chuyến bay này đằng đẵng bốn năm:
Bốn năm mặt đá rêu phong kín
Vằng vặc trăng suông tỏa bóng sầu
Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau...
***
Rượu ngon ngon chẳng vui lòng
Khói thơm thơm chẳng giải xong mối sầu
Tâm tình trôi mãi về đâu
Đời tình ta chẳng có nhau cũng thừa...
Đời chưa thừa vì còn gặp lại nhau:
Gặp em đêm ấy em xinh thắm
Em mỉm cười duyên mỉa thế gian
Bèo nổi nước trôi em vẫn trẻ
Cái già như sợ cái hồng nhan!
Nhưng rồi ma đưa lối quỷ đưa đường:
Gió về hoa lại bay đi
Yêu nhau lại đợi đến khi trùng phùng
Chúc em xanh lục thắm hồng
Rõ ràng thục nữ anh hùng sánh vai
Mỗi khi ôn lại cuộc đời
Để dành một phút cho người ngày xưa...
Nói thì thế, nhưng cũng không ngăn được nỗi ngán ngẩm sự đời, muốn quăng đi hết cả:
Bạn, đến phong trần trao oán hận
Gái, tàn ân ái phủi tình chung
Tưởng yêu được mãi người trong mộng
Mộng đế tan canh cũng não nùng
Đời ví phải khom mà đế bá
Tình như chịu lụy mới phong vân
Thôi thì mặ quách trò dâu bể
Ai đỉnh chung gì với thế nhân!
Mình không muốn "đỉnh chung" nhưng gia đình bất buộc phải đỉnh chung, anh đành về Thanh cưới vợ. Được vợ hiền đức nhưng hiếm hoi, anh có thơ an ủi:
Trăm năm thân thế buồn như rũ
Một phút bon chen hận đến già
Tia lửa hút dầu sơ sợi bấc
Hàng văn uống lệ héo hồn hoa
Can tràng thôi hiến nghề nghiên bút
Tâm huyết đem thờ chữ Quốc gia
Tử tức nếu không truyền hậu thế
Thì đây THI TẬP đứa con ta...
Không đỉnh chung với thế nhàn, anh cũng quyết không đỉnh chung nữa với phù dung. Năm 1938, một hôm anh bảo người chuẩn bị xôi gà đèn nhang, đến đêm anh trịnh trọng đem bộ khay đèn đặt trước lễ vật, lâm râm khấn vái rồi bê cả xe tẩu móc tiêm cùng khay ném choang xuống sân gạch, ly dị với tiên nâu từ đây. Nhưng lại sa vào men rượu mà anh uống như nước trà.
Khi thế chiến thứ Hai bùng nổ, ách quân phiệt Phù tang chồng thêm vào ách thực dân làm khổ dân ta, anh đột ngột xin nghỉ việc ở nha Học chính nói với tôi:
- Tây sắp thua rồi, ở lại làm gì!
Thế rồi một hôm anh lặng lẽ đem vợ và con nuôi về quê ở vùng Vệ sơn, dấu hết mọi người, ngay bà mẹ và chị em ở Thanh cũng không ai biết. Anh chọn một ngọn đồi thấp ở xã Vệ vĩ, bên những ruộng muối trắng xóa gần bờ biển thuộc phủ Quảng xương, cách Thanh hóa chừng mười cây số.
Ở đây anh lập một cái am gọi là Mai Nguyệt mái tranh vách đất, ba phòng thông nhau bằng cửa tò vò, có mành trúc thưa.
Đứa con nuôi, anh bất giả làm câm, mỗi khi có ai hỏi thăm thì nhất định phải ngậm miệng và viết ra giấy trả lời: câu đầu bằng chữ Hán "Đáo am vấn sư phụ", câu sau tiếng Pháp "Allez vous renseigner auprès du Maitre", sau rốt bằng quốc ngữ "Ông đến am yết kiến sư phụ."
Anh lại có một đồ đệ lực lưỡng, vốn là một tên trộm cướp, từ ngày gặp anh, tình nguyện hoàn lương.
TchyA nhất quyết dùng am này là nơi "cai" thuốc phiện. Sáng ngồi "tham thiền", chiều tập thể dục. Cứ như thế suốt trong sáu tháng, anh khôi phục được sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác. Hình dung biến đổi: mái tóc dài chùm cổ, râu ba chòm lê thê! Thử về Thanh chơi, thấy không ai nhận ra mình, nảy ý kiến làm đạo sĩ, nhân thấy đồ đệ từng cầm đầu nhiều vụ cướp bèn gọi đến để học võ. Gần gũi ít lâu, thày võ theo đạo sĩ đi quyền tiền nhà giàu đem phát chẩn giữa nơi dân nghèo.
Cạnh am có ngôi chùa cổ bỏ hoang, đạo sĩ dùng làm nơi thuyết pháp: vì tiểu đồng xử dụng ba thứ chữ nên tiếng đồn đạo sĩ là bậc thông thái siêu phàm, có những ông nho sĩ tìm đến hỏi han thì anh mời sang bên chùa và thao thao bất tuyệt giảng triết lý Tây phương.
Đến dầu năm 1946, tại Thanh hóa có cuộc xung đột quốc cộng xảy ra dữ dội. Nhiều vụ đổ máu diễn ra từ đồn điền Di linh đến khách sạn Tứ dân là bản doanh chính của nhóm lãnh đạo phong trào bài Cộng. Lẽ tất nhiên trong nhóm có Đỗ Văn và TchyA, tuy TchyA vẫn đi đi về về am Mai Nguyệt. Nghe phong thanh, bọn Vẹm đến đốt am, khiêng ông đạo về giam ở ngục Quảng xương. Không biết ông đạo thuyết pháp thế nào mà được tha với điều kiện sẽ phục vụ cho chúng. Thế là ông tếch luôn về Tứ dân, võ trang bằng dây lưng da thắt vòng ra ngoài áo the dài.
Sau vì vốn chữ Hán đủ để bút đàm với Tàu, anh nghiễm nhiên đóng vai cố vấn ban chỉ huy, từ đó mặc quân phục màu cứt ngựa, mũ lưỡi trai, giầy ủng, bên hông có khẩu súng buông thõng cái giây tua.
Đến khi quân Tàu rút lui, anh cũng rút theo... sang đến tận Côn minh.
Khoảng năm 1952, tôi nhận dược giấy gọi của sở Mật thám Pháp, đến nơi được biết có ông Đái Đức Tuấn ở Côn minh gửi đơn xin về Hà nội, cậy tôi đứng bảo lãnh. Tôi vui vẻ ký nhận, thì ít bữa sau tái ngộ với TchyA đầu tóc bồng bềnh. Ở chơi vài hôm rồi anh lên phố Hàng Bún, ở với Đỗ Văn bấy giờ làm giám đốc Thông tin.
Vài tháng sau, anh vào Huế do lời mời của thủ hiến Phan Văn Giáo vốn là bạn thân khi trước ở Thanh hóa và ông này cử anh với anh Đàm Quang Thiện làm đại úy ngành chiến tranh tâm lý.
Ở đây, anh tìm xuống trọ trong một con đò sông Hương, cùng với họ Đàm. Tôi có gửi mấy câu họa một bài chữ Hán của anh:
Nghe anh trở lại đất kinh kỳ
Lấy bút làm gươm rạch thị phi
Mây nước bao la còn nhớ hẹn
Cỏ cây xơ xác ngẫm càng bi
Nửa đầu sương tuyết ngô hoàn ngã
Một mái giang sơn khách thị thùy
Sóng rộn lòng Hương thuyền mấy lá
Cầm ngang ngọn dáo vẫn ngâm thi...
Sông Hương kia nước chảy lờ đờ, ví có nổi được lên sóng gió, họa chăng mới ngớt tiếng ngâm thơ.
Rời Huế vào Sài gòn, dưới chế độ cộng hòa, anh nghiễm nhiên trở thành quân nhân thực thụ rồi sau đó về hưu, lãnh hưu bổng và ngụ trong căn nhà khu cựu chiến binh. Người biết nhiều về quãng đời này là bạn Đàm Quang Thiện, thì Đàm quân cho TchyA là "một mâu thuẫn lạ đời do hậu quả của một xã hội bị Pháp chèn ép hay của sự giao du với những người không căn bản làm cho lung lay tận gốc?"
Tôi cho rằng TchyA đã chọn cách sống như một nghệ sĩ theo kiểu Tây phương: sống theo sở thích, sống cho nội tâm mình, không cần biết chung quanh ưa hay không. Thành thử đôi khi anh tỏ ra khinh bạc quá cỡ. Như hồi anh lên núi tu, được tin thân mẫu mệt nặng, anh viết thư cho người bạn thân nhờ gửi 1,000 đồng vào Thanh cho bà cụ uống thuốc, bạn nhân mới thâu được 1,500 đồng, tiền gửi ngay cả số. Sau đó, anh tới gặp bạn, cười nói:
- Mày giàu nên mới khổ vì tiền như thế, chứ nghèo thì tao phiền làm gì?...
Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi rằng TchyA muốn đem cái đẹp riêng của mình vào đời sống nhiều hơn là vào tác phẩm. Cái đẹp ấy, tôi hiểu là cách phát huy bản sắc của mình bằng những cử chỉ khác đời, thoát sáo, những cử chỉ không ngại là khinh thế ngạo vật, theo một chiều khoáng đạt, rộng rãi hơn cái nếp luân lý thông thường của xã hội.
Đêm trừ tịch, gần lúc cúng giao thừa đón năm Mậu thân, anh lại nhà bạn Võ Khắc Tân tự Trác Ngọc viết bài thơ tặng:
TchyA
Đái Đức Tuấn
Cũng sáu mươi à? bác Tẩy xia (TchyA)
Văn chương tưởng đã tống ra rìa
Nước non khoái mãi thi cùng phú
Thời thế phai dần tóc với ria
Hồ hải đòi phen vào lộn bến
Tang bồng mấy độ bắn lầm bia
Thế rồi cũng sống mà vui thú
Để chuốc quỳnh tương rượu uống thìa
Riêng tặng Trác Ngọc
Tới ngày rằm tháng Bảy năm ấy (8-3-1966), anh tạ thế, thọ 60 tuổi.
Tôi đã họa bài thơ trên để tưởng niệm người bạn thâm giao mà hình bóng lúc nào cũng thấy như thấp thoáng trong ánh đèn, chập chùng trên ngọn khói:
Anh vội vàng chi thế Tẩy-Chia?
Đường đời ngại lắm, tránh lên rìa?
Tang bồng đã hẹn ba chung rượu
Hào mại hằng vênh một bộ ria
Bút múa long xà tay vẫy gió
Tranh vờn vân cẩu miệng truyền bia
Nhớ anh, nhớ những đêm Hà nội
Quanh ngọn thần đăng, thú úp thìa!...
Sang ngày 17 (10-8-1968) tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, bạn Vũ Hoàng Chương đã rưng rưng mắt lệ đọc mấy lời thống thiết trước quan tài TchyA:
Đành lẽ "trót sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhaư"
Mai hoa tái thế bao giờ nữa?
Minh nguyệt tiền thân biết hỏi đâu?
Tàn cuộc văn chương từng góp lệ
Tàn đêm lữ thứ lại chung sầu
Tàn đi mãi đấy hồn phong nhã
Tàn cả rồi chăng lớp biển dâu?
Và cũng tàn theo ba tiếng khóc
Ngấm vào ba thước đất vùi sâu...
Tàn mai, tàn nguyệt, tàn cơn mộng,
Anh đợi gì chưa nổi trống chầu?
Mấy năm liền sao rụng trời Thơ,
vận nước sô nghiêng
hồn chữ nghĩa
Rằm tháng bảy anh về đất Phật
lệ ngâu thấm ướt
tập Đầy Vơi...