Giữa tháng 7-2014, anh Nguyễn Đắc Điều, người bạn thân thiết của anh Tâm, từ San Diego, California sang Na Uy thăm anh. Có anh chị Phạm Kế Viêm-Trần Diệu Tâm tháp tùng từ Paris. Vợ chồng tôi nhận lãnh việc đưa đón khách đường xa, vì với chúng tôi, anh Điều cũng khá thân tình, xem chúng tôi như em út. Sau khi làm thủ tục nhận phòng trong khách sạn xong, tất cả chúng tôi đến thăm anh chị Tâm. Tình trạng ung thư của anh đã sang thời kỳ cuối. Mất sức qua các lần hóa trị và không ăn uống được, anh đã gầy đi nhiều, trông khá tiều tụy, mệt mỏi. Chí tình và cố gắng lắm anh mới tiếp chúng tôi, dù anh chỉ ngồi nhìn chúng tôi ăn, và nở những nụ cười. Đã khá lâu, từ ngày bệnh tình của anh trở nên trầm trọng, bạn bè rất hiếm khi được gặp hay nói chuyện với anh qua điện thoại. Ai cũng biết anh cần phải nghỉ ngơi, và tâm lý người ốm đau thường không muốn người khác, bạn bè phải nhìn mình với đôi mắt âu lo thương hại. Đặc biệt, anh Tâm lại là một người cẩn trọng, dễ xúc cảm và luôn sống chí tình với mọi người.
Viễn-Tâm (hàng sau), Ninh-Kiền-Hải
Tôi sống ở Na Uy, nhưng từ khi về hưu vợ chồng thường trốn lạnh,sang Mỹ ở với mấy cô con gái sáu tháng mùa đông. Những tháng hè về lại Na Uy. Lúc anh Tâm còn khỏe, và ngay cả khi anh bị ung thư đã được giải phẫu, nhưng sức khỏe chưa đến nỗi tệ lắm, đám bạn chúng tôi thường rủ anh ra quán cà phê Morten, nằm bên hóc núi trên con đường vắng đi về hướng Nittedal, để chuyện trò, tán gẫu. Những lần sau này, anh không còn tự lái xe được, chúng tôi ghé nhà đón anh đi, có khi anh nhờ cháu Như Thủy, cô con gái cưng của anh đưa anh đến. Ngoài tôi, có các anh Dương Kiền, Cung Vĩnh Viễn, Phí Ngọc Hải, Nguyễn Văn Lập, thi thoảng có anh Nguyễn Đình Lưu từ Tønsberg lên. Bọn chúng tôi thường chọn một cái bàn ngoài nắng, ngồi ôn chuyện cũ.
Anh Dương Kiền kể thời anh viết văn, làm tờ Văn Học, điểm danh những khuôn mặt văn nghệ một thời. Anh cũng kể vài kỷ niệm vui lúc anh là Phó Ủy Viên Chánh Phủ của Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Vùng 2. Anh Viễn thì nói về bạn bè Nguyễn Trãi, Chu Văn An, những tháng ngày sau 75 bất đắc dĩ làm thầy giáo “lưu dung”, và lắc đầu xua tay khi bọn tôi khen những bài thơ anh viết. Anh Lập và tôi thì kể chuyên lính, chuyện đánh đấm và chuyện tù đày. Đôi lúc anh Lập kể cả chuyện tu hành, con đường nào đã dẫn anh đến kinh kệ.Anh Lập nguyên là thiếu tá phi công trực thăng, sau 75 là bạn chí thân cùng tù với tôi, qua nhiều trại, ngoài Bắc. Vượt biển chung một chuyến và cùng đến định cư ở Na Uy. Anh cũng là bạn đồng nghiệp Bưu Điện cùng sở với chị Tâm, ăn chay trường, tu tại gia gần mười năm nay. Anh Phí Ngọc Hải, đồng môn QGHC với anh chị Tâm. Hai anh đã thân quen khá lâu, từ khi mới đến định cư ở Nauy và họp sức thành lập Hội Thân Hữu Người Việt Tự Do.
Những lần sau này, anh Tâm không uống được cà phê như trước nữa, anh chỉ uống nước lạnh hay một tách trà nhạt. Sau đó, sức khỏe anh yếu dần qua những lần hóa trị, và nhất là không ăn uống được, anh cáo lỗi, không đến nữa. Vắng anh, chúng tôi cũng thưa dần những buổi họp mặt. Không có anh, chúng tôi thấy trống vắng quá, khoảng trời trên vách núi không còn trong xanh, những ngọn gió mùa hè Bắc Âu lạnh lẽo hơn, và những tách cà phê trở nên nhạt thếch, không còn hương vị nồng nàn.
Chúng tôi gọi nhau để hỏi tin tức về anh. Thỉnh thoảng gọi tới nhà, được nghe chị Tâm nói vài điều về tình trạng sức khỏe và việc chữa trị. Dù chị Tâm cố gắng vui vẻ, bình thản, nhưng chúng tôi hiểu được điều gì sẽ đến.Chúng tôi chỉ còn biết cầu nguyện và ước mong có một phép nhiệm màu nơi Đấng Tối Cao mà anh đã một đời thờ phượng và phó thác số mệnh của mình.
Nếu căn bệnh ung thư là một bất hạnh, thì bù lại anh Tâm đã có một diễm phúcrất lớn lao. Đó là người bạn đời Khánh Hà,cũng vừa là bạn đồng mônQGHC và vừa là người bạn văntâm đắc nhất của anh. Anh viết văn còn chị làm thơ. Tôi cũng rất mê thơ của chị, nhiều bài, nhiều đoạn rất dễ thương, từ khá lâu tôi đã thuộc nằm lòng:
…
Thức dậy cùng em thuở ấu thơ
tiếng con tu hú gọi vang bờ
dòng sông tuổi nhỏ trôi đi mất
còn bãi sông buồn đứng ngẩn ngơ.
(Tháng Chạp Quê Nhà)
….
Đêm nghe tiếng sóng trong lòng
thấy ta thức dậy trên dòng sông xưa
trường giang lớp lớp sóng đưa
một con đò chở nắng mưa sớm chiều
(Đêm Nghe Tiếng Sóng)
“Thơ Khánh Hà dễ hiểu, nhưng không tầm thường, sẽ đi vào lòng mọi người đọc, trí thức cũng như bình dân, một phẩm tính ít nhà thơ nào tạo được” (nhận xét của nhà văn Nguyễn Văn Thà). Anh Tâm, phu quân của chị, “đọc thơ người nhà” cũng đã viết: “Thơ đối với Hà là hơi thở. Nhưng nàng lại ngại ngùng chia sẻ; nàng thích chia sẻ đồ ăn, của cải, nhưng tâm sự và thơ thì dè dặt. Đối với bạn bè, và cả với tôi, nàng chỉ coi thơ (và chính sự hiện diện của nàng) như một nụ cười vu vơ gởi tới bạn hiền.” Chị luôn đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường đời, luôn được tất cả mọi người quí mến, nể nang. Chồng Bắc vợ Nam, nhưng có lẽ đây là đôi tình nhân hạnh phúc nhất, cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp nhất mà tôi biết được.
Anh Điều, anh chị Phạm Kế Viêm và vợ chồng tôi đến thăm anh chị hai lần. Chúng tôi rất ái ngại khi chị Tâm phải vừa săn sóc cho anh vừa làm cơm đãi khách, nhưng chị Tâm, ngoài bản tính chân tình, hiếu khách, cũng muốn cho chồng vui, nhất là được gặp lại anh Điều. Dù vóc dáng tiều tụy nhưng lúc nào anh cũng cố nở nụ cười, vui vẻ. Anh xin lỗi vì không thể nói chuyện nhiều được. Anh chị kéo chúng tôi ra vườn sau, chụp vài tấm ảnh. Những năm sau này anh nghiên cứu về nghệ thuật nhiếp ảnh như là một hobby trong tuổi già, bên cạnh chuyện viết lách Anh cho chúng tôi xem những tấm hình cũ và cả những tấm hình anh vừa mới chụp, có đủ mặt mọi người. Nhìn trong ảnh, thấy anh cười mà lòng tôi xúc động, thoáng hình dung ngày tháng tới đây, trong chúng tôi sẽ thiếu mất một người.
Tâm-Điều-Viêm-Ninh
Khánh Hà-Diệu Tâm-Gia Thức
Được có hai buổi gặp gỡ ở nhà anh chị lần này là một may mắn đặc biệt. Nhờ cái tình anh dành cho anh Nguyễn Đắc Điều, người bạn quí, có thể nói là thâm tình nhất mà anh xem như người anh trong gia đình. Bởi anh Điều vừa là bạn cùng khóa 6 QGHC với người anh quá cố của anh, anh Ngô Đức Lưu, và sau này lại là người đồng sự của anh tại Viện Tu Nghiệp Quốc Gia, cùng đi du khảo ở Mỹ, Đài Loan. Hơn nữa, chị Tâm cũng tốt nghiệp Cao Học từ Học Viện QGHC, đồng môn của phu quân và của cả anh Điều. Dù ở xa, nhưng lúc nào anh Điều cũng hết lòng lo lắng, khích lệ bạn mình. Khi anh Tâm viết xong những truyện trong Thiên Hương Về Trời, anh Điều thúc hối layout để anh mang đi in cùng với thi tập Cuối Đường của chị Tâm, giới thiệu trong cuộc triển lãm các tác phẩm của cựu sinh viên QGHC ở Nam Cali và gởi biếu bạn bè.
Khi bệnh tình trở nên trầm trọng, biết trước số phận của mình, anh Tâm viết “Lệnh Triệu Ban Rồi” gói ghém những tâm tình như thay cho lời từ biệt. Anh Điều luôn khuyến khích và cuối cùng đã lo việc in ấn và chuyển đến những bạn bè của anh Tâm ở khắp các nơi. Bản tính anh chị Tâm không bao giờ muốn làm phiền bạn bè, đã tìm đủ cách khéo léo hoàn trả cho anh Điều mọi phí tổn, mà anh Điều không có cách nào từ chối được.
Tôi may mắn được quen biết anh Tâm trong hơn 30 năm, sau này lại quen biết anh Điều trong trường hợp khá bất ngờ để rồi trở nên thân thiết. Cả hai anh đều là những người đáng kính, luôn sống với nhau bằng trọn tấm lòng. Tôi hiểu được vì sao mà anh Tâm và anh Điều thân quí nhau như thế.
Lần cùng với anh Điều và anh chị Phạm Kế Viêm đến thăm, cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh Tâm. Tháng 9.2014, vợ chồng tôi sang Mỹ. Trước ngày đi, nhóm bạn chúng tôi lại hẹn gặp nhau ở quán cà phê Morten bên hóc núi. Đó là lần họp mặt buồn nhất. Bọn tôi bảo nhau, có lẽ sau này chúng mình không còn gặp lại anh Tâm. Tôi chỉ còn có một ước mong duy nhất là ngày anh Tâm ra đi, tôi có mặt ở Na Uy để được tiễn anh lần cuối và nói với anh vài lời mà không thể nói lúc anh còn sống. Tính của anh không thích nghe những lời khen, những lời cám ơn hay ngưỡng mộ mình.
Nhưng rồi điều ước mong nhỏ nhoi duy nhất đó cũng không thành. Sáng sớm ngày 9 tháng 4.2015, khi đang ở nhà cô con gái út trên đồi Hacienda Heights, mừng cháu vừa sinh đứa con thứ nhì, mới thức dậy thấy trong lòng như nôn nóng một điều gì, tôi vội vàng mở máy check mail, thấy bạn Đinh Ngọc Cần (nhà văn Đoàn Mai Tâm) từ Oslo báo tin buồn: “Anh em mình đã thực sự mất một người anh đáng kính. Anh Ngô Thanh Tâm vừa mới ra đi lúc 6 giờ chiều hôm nay, ngày 9.4. Chúng mình hãy cùng cầu nguyện cho anh.” (Giờ Na Uy đi trước Cali 9 tiếng). Tôi lặng người. Đầu óc tự dưng không còn cảm giác và trong lòng dường như chỉ còn là khoảng trống bao la.
Tôi gặp anh Tâm lần đầu trong một buổi hội Tết, sau gần hai tháng gia đình tôi đến định cư ở Na Uy. Tôi ở khác thành phố nhưng cùng một thị xã với anh. Gọi là hội Tết nhưng thực ra chỉ quy tụ khoảng 80-90 đồng hương, tổ chức một ngày Tết chung để hoài niệm những cái tết ở quê nhà. Tôi mới đến, nên bị mấy cụ già “bắt cóc” làm trưởng ban tổ chức. Có lẽ mấy cụ nghĩ là những người mới từ trại tỵ nạn sang còn chút năng nổ, chưa bị ngấm cái lạnh Bắc Âu. Hội Tết cũng được sự tham dự đông đảo của những người Na Uy trong chính quyền và Sở Tỵ Nạn. Ngay sau khi kết thúc, được cho là thành công, anh Tâm tìm đến bắt tay tôi với nụ cười thân thiện. Tôi biết anh từ đó, nhưng chưa thân tình lắm.
Thời gian này tôi hoạt động rất tích cực trong Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, mà tôi và nhiều bạn bè đã tham gia từ khi còn ở trại tỵ nạn Bataan, Phi Luật Tân. Lúc này Mặt Trận còn được nhiều người ủng hộ, và ngay tại Na Uy một vị linh mục Việt Nam đứng ra thành lập và làm Chủ Tịch Ủy Ban Yểm Trợ Kháng Chiến.
Một lần, tôi đứng ra tổ chức buổi nói chuyện cho giáo sư Tonaka từ Nhật sang, mà tôi được ông cựu Đại tá Phạm Văn Liễu, Tổng Vụ trưởng Hải Ngoại của Mặt Trận, giới thiệu là bạn thân của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, đã từng vào chiến khu quốc nội (?), và là người đang vận động quốc tế ủng hộ Tướng Minh và Mặt Trận. Trước đó, trong vài lần tâm tình, tôi biết là anh Tâm không những không tin, không ủng hộ mà còn phản đối Mặt Trận, nhưng tôi vẫn mời anh đến nghe. Tôi bảo là tôi rất tôn trọng những suy nghĩ và quyết định của anh, nhưng vì đây là lần đầu tiên có một giáo sư ngoại quốc nói chuyện về Mặt Trận, nên tôi muốn anh đến nghe để tìm hiểu thêm và giúp tôi tìm một hướng đi đúng sau này. Anh nể tình tôi, nhận lời.
Buổi nói chuyện được tổ chức tại trung tâm thành phố Oslo, đông đảo bà con đồng hương tham dự. Khi giáo sư Tonaka kết thúc phần nói chuyện, đến phần trả lời các câu hỏi, thấy anh Tâm đưa tay hai lần, nhưng khi tôi mời thì anh im lặng, lắc đầu. Mặc dù trong vai trò điều hợp, tôi luôn lên tiếng mong muốn được nghe những ý kiến, phản biện về những tiêu cực của Mặt Trận để được cùng thảo luận, hầu tìm ra đáp số cho bài toán của niềm tin. Vài hôm sau anh ghé thăm, tôi nhắc lại việc anh đưa tay đến hai lần nhưng sao không hỏi. Anh cười, bảo là không muốn làm cho tôi buồn và thất vọng! (Và sau đó tôi đã thất vọng thật.)
Từ hôm đó anh thân tình với tôi hơn. Tôi nối gót anh vào ngành Bưu Điện, anh làm việc ở cấp quản trị cao hơn. Nhưng khi tôi học xong và đi làm được hai năm thì anh bỏ Bưu Điện sang làm ở Đài Truyền Hình NRK. Lúc này Hội Thân Hữu Người Việt Tự Do tai Na Uy do anh Phí Ngọc Hải, một người bạn thân của anh làm hội trưởng từ lúc các anh sáng lập, vì hoàn cảnh không thể tiếp tục, hội cũng đã không sinh hoạt một thời gian. Anh Tâm đã vận động tôi, và nhờ nhiều người uy tín khác, trong đó có một vị linh mục, khuyến khích tôi ra nhận lãnh trách nhiệm để gầy dựng lại. Ngày bầu cử, sợ tôi “trốn”, anh đích thân lái xe đến nhà thật sớm để chở tôi đi. Tôi làm hội trưởng, anh luôn ở bên cạnh như một người bạn đồng hành. Tôi mời, anh từ chối, không muốn nhận chức danh Cố Vấn hay Giám Sát, nhưng cam kết là luôn ở bên cạnh tôi. Và anh đã giữ lời hứa. Chúng tôi đã đổi danh xưng thành Hội Người Việt Tỵ Nạn Tại Na Uy, quy tụ thêm nhiều đồng hương, tạo được những thành công và sức mạnh. Hai anh em gắn bó với nhau trong sinh hoạt cộng đồng từ dạo ấy. Trong công việc, không phải là chúng tôi không có những bất đồng, nhưng tôi luôn tôn trọng, kính mến và biết ơn anh.
Giữa năm 1997, anh gởi cho tôi đọc một số truyện ngắn anh viết, đề tên tác giả Tâm Thanh. Truyện nào cũng rất hay, nhưng tôi mê nhất là truyện Trích Tiên. Tôi không ngạc nhiên về tài viết văn của anh, bởi tôi biết trước khi vào Cao Học QGHC anh đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Triết ở Đà Lạt và từng làm giáo sư môn Triết. Đúng như nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác đã từng nhận định: “Người đọc bước vào truyện (Tâm Thanh) như lạc vào cõi mơ, và ra khỏi truyện thì ngơ ngẩn bàng hoàng vì băn khoăn không hiểu nổi những vấn nạn của nhân sinh. Có thể xem truyện ngắn của Tâm Thanh như những bài thơ triết lý.” Và sau này, người bạn văn của anh ở Na Uy, nhà văn Nguyễn Văn Thà, cũng đã có cái nhìn rất sắc bén về các tác phẩm của anh: “Tâm Thanh đã viết được nhiều truyện ngắn hay. Anh đã nâng truyện ngắn Việt Nam lên một bậc. Truyện ngắn anh có kỹ thuật cao, hóm hỉnh và đầy minh trí như thơ Nguyễn Khuyến, nhưng cũng lãng mạn một cách thâm trầm, ý vị.”
Từ khi mê tài viết của anh, tôi thường ghé lại anh hơn. Anh luôn bảo tôi kể cho anh nghe chuyện tình thời học trò và chuyện lính. Không ngờ những câu chuyện kể không đâu vào đâu ấy để chỉ vài hôm sau tôi bất ngờ đến ngỡ ngàng khi đọc truyện Cổ Thành, kèm thêm một bài thơ cùng tựa của chị Khánh Hà, anh chị viết gởi tặng tôi và “vầng trăng thơ ấu”(chữ của anh). Anh viết hay quá, đẹp quá, làm tôi cứ tưởng là chuyện của một chàng mục tử đa tình nào đó chứ không phải chuyện của mình. Tôi liên tưởng đến thằng bé chăn cừu trong truyện Les Étoiles của nhà văn Alphonse Daudet tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần lúc còn đi học. Tôi có cái diễm phúc được anh cho đọc nhiều truyện của anh trước khi in thành sách. Tác phẩm đầu tay Thiên Nga Giữa Cõi Người do Văn Học ấn hành mùa hè 1999 đã làm nên tên tuổi Tâm Thanh. Trong nền văn học hải ngoại có thêm một nhà văn đúng nghĩa, được độc giả ái mộ. Sau đó Gỗ Thức Trên Rừng, Thiên Hương Về Trời lần lượt ra đời. Tất cả đều là những tác phẩm giá trị, được bạn bè và độc giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt.
Ban đầu, anh bảo tôi kể chuyện cuộc đời cho anh nghe, để rồi anh âm thầm viết thành những truyện đẹp. Sau đó thì anh khuyến khích tôi viết, bảo tôi có sẵn cái vốn quý -những kỷ niệm đặc biệt thời ấu thơ, những thăng trầm trong cả một đời lính- vốn đã là những câu chuyện hay và cảm động. Anh muốn có người đồng hành cho vui. Vâng lời anh, tôi viết vội Nợ Đời Một Nửa, Còn Một Nửa Nợ Ơn Em. Đây không phải là một truyện ngắn mà chỉ là một đoản văn, không đâu vào đâu. Tôi gởi đến anh với lời nửa đùa nửa thật: “Vâng lời ông thầy, gởi đến bài luận văn này nhờ ông thầy Triết xem qua và chấm điểm. Đủ điểm trung bình thì cố gắng viết tiếp, còn điểm dưới trung bình thì đành xin bẻ bút”. Ngay tối hôm ấy tôi nhận hồi âm “Trả lại bài viết, vì ông thầy (bàn) không còn điểm để cho.”
Không ngờ lời nói đùa đó của anh lại là sự khởi đầu nghiệp viết lách của tôi. Anh rất xứng đáng là thầy tôi, nhưng không bao giờ chịu nhận. Đôi lúc tôi còn giận anh cái tính quá khiêm nhường.
Khi được anh và nhiều vị thầy cùng bạn bè khuyến khích tôi ấn hành tập truyện đầu tiên “Ở Cuối Hai Con Đường”, môt vài nhà văn tên tuổi thương tình, ngỏ ý viết tựa cho tập truyện. Tôi rất cảm kích tấm lòng của các bậc đàn anh, muốn nâng đỡ khích lệ một người tập tễnh cầm bút, nhưng tôi xin phép từ chối. Tôi muốn được anh Tâm Thanh làm điều ấy. Bởi ngoài việc tạo một cơ duyên, anh còn là người dẫn dắt tôi vào nghiệp viết. Bài tựa của anh, không những làm tăng thêm giá trị của tập truyện, mà với tôi, còn là một kỷ niệm đẹp đáng nhớ, nhất là sau khi anh không còn hiện hữu trên cõi đời này.
Thiên Nga Giữa Cõi Người, tên truyện ngắn mà anh dùng làm tựa cho tập truyện đầu tay. Tập truyên đã làm nên tên tuổi Tâm Thanh. Trong câu chuyện, anh kể về một đôi thiên nga đẹp nhất ở vùng sông hồ Telemark- Na Uy. Giống thiên nga vốn rất hiền lành và chung thủy, nhưng vì sống gần con người nên con thiên nga trống đã bị giết (oan), vì nó tấn công một chú bé đang bơi lội dưới hồ mà tưởng nhầm là con rái cá đã quấy phá ổ trứng của chúng. Cuối cùng, tác giả -người chứng kiến cái chết của con thiên nga và tìm ra lý do chết oan của nó- đã bộc bạch tâm sự của mình:
“Tôi có thể "tu luyện" để hưởng được hơi ấm của một giọt nắng trong vườn tuổi thơ ngay lúc còng người đi trong cơn bão tuyết. Nhưng lạ quá, tôi chưa bao giờ tránh được cơn gió bấc vô hình giữa những con người. Tôi biết hoàn toàn là lỗi tôi, buồn lòng lắm, nhưng không làm gì được”.
Giờ thì tác giả không còn ưu tư, tự nhận lỗi về mình hay phải buồn lòng nữa, bởi Thiên nga Tâm Thanh đã ra đi, vĩnh viễn không còn giữa cõi người.
Viết tại đồi Hacienda Heights
12.4.15