8-9-2018 | VĂN HỌC

Đi Tìm Thạch Trung Giả

  TRÙNG DƯƠNG

Trong một buổi mạn đàm văn học gần đây, tình cờ có người nhắc tới tên Thạch Trung Giả, một học giả của miền Nam trước 1975. Cũng chỉ là một nhắc nhở thoảng qua. Cũng thoáng qua là phần nhắc tới tên ông trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan (in lần thứ ba, California, Văn Nghệ, 2000) của nhà văn Võ Phiến, trang 149 và phần Tác Giả và Tác Phẩm ở cuối sách, với vỏn vẹn mấy chữ: “Thạch Trung Giả - Tác phẩm: Văn Học Phân Tích Toàn Thư (1973)”.


Lục trên thư mục của Thư Viện Quốc Hội thì thấy chỉ có mỗi cuốn trên, với các chi tiết sau:



Lục trên internet, Wikipedia.org vốn post đủ loại bài thượng vàng hạ cám nhưng cũng không thấy tên ông. Sục sạo một chặp nữa, chỉ thấy tên ông được nhắc tới tại một trang web ở Hà Nội, tên là Sách Xưa (sachxua.net), với hình bìa hai cuốn sách của ông, Văn Học Phân Tích Toàn Thư, Lá Bối xuất bản năm 1973 ở Sàigon, có kèm theo trang thủ bút đề tặng ai đó mà tên đã bị che đi; và cuốn Nhất nguyên thế giới, dịch của Swami Vivekânanda, do Cơ sở triết học Ấn Độ, Thái Bình Dương, 1971, xuất bản, có lẽ cũng tại Sài Gòn. Vì phải đăng ký mới vô được, nên tôi không biết những trang sách của ông có được post trên website Sách Xưa hay không. Đặc biệt, trên trang web có in hình bìa hai cuốn sách của ông, có dòng chữ, “Tiểu sử: bổ sung sau”. Tóm lại, trừ mấy chi tiết kể trên, kỳ dư không thấy còn dấu tích gì của một học giả đã một thời, trước 1975, công khai phản đối việc người ta đưa tên ông, mà không hỏi ý kiến, vào danh sách ban giám khảo của Giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hồi ấy.



     Kệ sách Học Xá

Tuy vậy, tôi tình cờ và may mắn có được một kỷ niệm khó quên với ông, mà tôi đã ghi lại được khi ký ức chưa bị thời gian làm phai nhạt, trong một bài viết cho số báo ra mắt của tạp chí Thời Tập của nhà văn Viên Linh tái bản ở hải ngoại, vào mùa xuân 1979, trong thời kỳ báo chí sách vở chữ Việt ở hải ngoại còn phải bỏ dấu tay. Post lại ở đây phóng ảnh một bài viết cũ dính dáng tới cá nhân cầm bút của mình không ngoài mục đích hy vọng có ai biết chút gì về học giả Thạch Trung Giả thì bổ sung, giúp cho những ai muốn tìm hiểu về ông trong bối cảnh văn học Miền Nam 1954-1975. Hình như tôi viết bài này hồi ấy là do nghe tin ông đã tự tử chết. Tin này về sau tôi cũng không có dịp kiểm chứng xem thực hư thế nào. Từ đấy tới nay, bao nhiêu nước đã chảy qua dưới cầu...


Xin mời đọc.


THẠCH TRUNG GIẢ

MỘT CÁI HẸN KHÔNG BAO GIỜ

CÒN ĐƯỢC THỰC HIỆN

bài của TRÙNG DƯƠNG


Nếu nghiệp cầm bút làm tôi mất một số ngưởi thân, thì ngược lại cũng đem đến cho tôi nhiều ấm áp tình người, và 'buồn ít hơn vui' như Phạm Duy nói trong bài ca Nghìn Trùng Xa Cách. Một kỷ niệm xảy ra gần ngày xụp đổ của Miền Nam Việt Nam khiến tôi không bao giờ có thể quên được.

 

Mặc dù biết tiếng nhau qua văn chương, nhưng nhà văn Thạch Trung Giả và tôi chưa một lần gặp nhau trò chuyện. Một buổi sáng khi báo Sóng Thần đã bị đóng cửa, theo thói quen tôi vẫn đến tòa báo, - đang bị chủ nhà dọa đóng nốt - để nghe ngóng tin tức về vụ kiện chinh quyền đã 'vi hiến vi luật khi rút biên lai đóng cửa năm tờ báo' trong có ST, để khất nợ, ,để đòi nợ và để có lý do ra khỏi nhà mỗi buổi sáng. Khi tôi đang ngồi bên quán nước ở trước cửa tòa soạn, có một ngưòi đàn ông trạc năm mươi tuổi ôm theo một cái cặp vào quán đến chổ tôi ngồi, tự giới thiệu là Thạch Trung Giả. Dân văn-nghệ chưa gặp nhưng đã quen. Tôi như kẻ ngã ngựa, đưọc một học giả đi tìm không khỏi ngỡ ngàng lẫn hãnh diện, nhất ngưởi đó lại là ngưòi đã từng phản đối việc người ta bốc đại tên ông bỏ vào danh sách Hội đồng Chấm giải Văn học Nghệ thuật.


Ông Thạch Trung Giả cho biết lý do ông đến tim tôi, là để hỏi xem tôi có nhận được một lá thư 'dài lắm' mà ông viết và gửi bảo đảm cho tôi nhân đọc truyện Người Con Gái Tuổi Mèo của tôi đăng trên tạp chí Thời Tập của Viên Linh cách đó một hai tháng.


Tôi nhớ lại trường hợp viết truyện Người Con Gái Tuổi Mèo, Viên Linh muốn có bài của tôi đăng trên Thời Tập Mùa Xuân 1975 mà tội thì từ ngày nhảy ra làm tờ ST ngất ngư với những thăng trầm của nó, có sáng tác gì được đâu. Đã gần ngày phải giao bài, một bữa ngồi tại tòa soạn, ngắm ký giả Hùng Phong đầu hói, nhỏ bé, vui tính và nữ văn sĩ kiêm ký giả Thục Viên mà tôi rất mến, có dáng cao lớn, tính tình ngay thực bốp chát - tôi viết xong cái truyện nội một buổi sáng, đọc phớt qua, rồi nhờ người mang lại tòa soạn TT.


Hùng Phong và Thục Viên quen biết nhau rất sơ sài qua tình đồng nghiệp, nhưng tôi cho hai người đó là bạn thân trong truyện. Đó là câu chuyện về một nữ ký giả không lấy gì làm nổi lắm, nhưng độc lập, có người cha vì tính-tình quá ngay thực nên suốt đời chỉ gặp toàn những đổ vỡ, thất bại, và một bà chị góa chịu đựng, làm chủ một tiệm bán hoa giả. Câu chuyện xoay xung quanh cái chết dần mòn của người cha vào một dịp cuối năm khi tất cả mọi người đều vội vã tất tả như thể cái Tết có khả năng 'ngắt thời gian ra làm hai' và khiến cho ai nấy vội vã hối hả như thể 'ngày mai sẽ không bao giờ đến nữa'.



    ......

Tôi muốn nói về cái cuộc chiến tuy không được đề cập đến trong truyện nhưng ẩn hiện qua từng nhân vật: người cha đại diện cho thế hệ gồm những hư sự chỉ vì thực thà, cả tin; người con gái lớn đại diện cho cái thế hệ chịu đựng của những người đàn bà thời chiến, người con gai thứ hai tức người nữ ký giả đại diện cho cái thế hệ đang lớn bơ vơ, xa lạ, nửa muốn phá phách, nổi loạn, nửa muốn cười dài trong quên lãng, dửng dưng.


Dĩ nhiên trong khi sáng tác, tôi không vạch ra cái chủ đề trên. Công việc sáng tác là một hành trình bộc phát từ những năm tháng suy tư. Tôi chỉ nhận ra điều đó sau khi tiếp xúc với ông Thạch Trung Giả, nghe ông bày tỏ nổi ngạc nhiên lẫn thich thú khi đọc Người Con Gái Tuổi Mèo. Sự ngạc nhiên lẫn thích thú ấy đã khiến ông phải xét lại cái thành kiến đối với các cây bút phụ nữ, mà ông cho rằng chỉ toàn sáng tác ra những truyện tình ướt át, tô đậm những khổ đau cá nhân, có tính cách mua vui hơn là nói lên một cái gì có tầm vóc lớn hơn là những riêng tư. Và với tác phong cố hữu của một học giả, ông đi tìm sách của tôi đọc. Ngoài tiệm thì không có bán sách tôi vì phần lớn sách tôi được in dưới hình thức tạp chí, một cách để khỏi bị kiểm duyệt, nhưng ngược lại, nếu bộ Thông tin không hài lòng vẫn có thể tich thu. Thư viện thì chỉ có thư viện Quốc gia là lớn nhất nhưng khó mượn sách. Chỉ còn cách đi mướn sách tại những nhà cho mướn truyện, những "thư viện tư" có tiếng là đầy đủ sách nhất, từ thượng vàng hạ cám. Ông Thạch Trung Giả cho tôi biết ông đã dành ra mấy ngày Tết, đóng cửa nằm nhà đọc hết những cuốn sách của tôi. Sau đó, ông ngồi viết cho tôi một cái thư rất dài, nhận xét về các truyện của tôi, cẩn thận gởi bảo đảm hẳn hòi. Kết quả là tôi không nhận được cái thư dù là bảo đảm đó của ông. Ông Thạch Trung Giả nói còn giữ bản sao lá thư đó, sẽ đưa tôi đọc. Tôi hứa sẽ xuống thăm ông ở bên Gia định một ngày gần.

 

Trong đời cầm bút viết văn, có lẽ buổi tiếp xúc với ông Thạch Trung Giả vào buổi sáng hôm đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi. Ông Thạch Trung Giả khuyên tôi nên bỏ nghề báo, trở lại với văn chương. Ông chẳng khuyên thì tôi cũng đã bị cưỡng bách phải bỏ nghề báo khi tờ Sóng Thần bị đóng cửa.

 

Kể tiếp sau cuộc tiếp xúc với ông Thạch Trung Giả là những biến cố Ban mê thuột, rồi Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng ngải v. v. . .  và những băn khoăn đi hay ở. Tôi không còn tâm trí, dù rất nhiều thì giờ để xuống thăm ông Thạch Trung Giả như đã hứa.

 

Ngày sửa soạn ra đi, tôi tình cờ bắt gặp cái truyện ngắn Người Con Gái Tuổi Mèo trong Thời Tập xuân 75 nên xé ra, nhét vội vào đống giấy tờ mang theo. Tôi bùi ngùi nhớ tới cái hẹn vẫn chưa thực hiện ...


Thời Tập

Số 1, Tháng 4/1979


Trùng Dương

Nguồn: tienve.org