Gần mười năm lèo lái con thuyền Văn, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng có lúc ba đào nổi dậy, sóng gió ầm ầm.
Đầu dây mối nhợ là do cái mõ trong Mõ Làng Văn, và cái chổi Quét Sân Đình. Đó là bút danh tập thể, mà chúng tôi, sau một thời gian dài tìm tòi và phỏng vấn, biết gồm bộ ba: Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo và Nguyễn Minh Hoàng.
Tuy nhiên, người đứng ra chịu đòn dĩ nhiên là Trần Phong Giao vì ông là thư ký tòa soạn, chịu trách nhiệm về bài vở.
Một trong những người bị Mõ Làng Văn mang ra "quét" là nhà văn Duyên Anh khi ông này ca tụng dịch giả Vân Mồng. Và Duyên Anh phản công lại, bằng những tuyệt chiêu, khiến sau đó Mõ Làng Văn phải dẹp bảng từ Văn số 58. Xin nhớ rằng Duyên Anh là vua chửi, người khai sinh ra tờ báo Con Ong. (Chúng tôi đã có một bài rất chi tiết về vụ này kể cả bài phỏng vấn Nguyễn Minh Hoàng do chúng tôi thực hiện ở SG đăng trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo số chủ đề tạp chí Văn Học).
Đòn thù thứ hai là vụ hai nhà văn nữ là Túy Hồng và Nhã Ca "tố khổ" ông Trần Phong Giao vì ông đã dám nói: “Gái Huế, ái tình lăng nhăng thì được, còn cái mục xây dựng thì đừng, ấy là dựa theo kinh nghiệm bản thân cũng là đúc kết của một vài anh em có vợ Huế khác...” khiến ông phải ra công phân trần giải thích qua hai lần thư ngỏ.
(Chúng tôi đi lại thư của hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nhã Ca cùng với thư trả lời của nhà văn TPG ở phần sau).
Trong lá thư ngỏ thứ hai, ngay sau lá thư ngỏ thứ nhất được đăng ở số trước, ông đã giải thích tại sao lại dùng chữ "p" không viết hoa cho từ "phượng" trong cụm từ “phượng trong thành nội” một chủ đề của Văn số 132 ngày 15-8-1968:
Chị Nguyễn thị Hoàng, một nhà văn xứ Huế khác, đã ân cần căn dặn tôi đừng có viết hoa chữ “phượng” kẻo rồi lại bị hiểu lầm là tôi muốn nhắc đến “một cô nào đó, tên đó, trong thành nội”.
Một điều nhỏ nhặt nhất, không ngờ nhất, có thể là cái cớ để gây ra ngộ nhận. Đời sống chúng ta, ngay trong địa hạt văn nghệ, – nơi mà những đố kỵ, nhỏ nhen không thể được chấp nhận, – cũng ngột ngạt những chấp nhất, ngờ vực, tị hiềm. Người làm văn nghệ, bây giờ đây, cần có tới hai lần thận trọng mỗi khi mở miệng nói hoặc đặt bút viết. Đó là một kinh nghiệm, thực tiễn và cao giá. (1)
Đòn thứ ba, lần này là đòn độc địa nhất. Mà người đánh là Hư Trúc, tức nhà thơ Nguyên Sa. Mai Thảo ví “áo lụa Hà Đông là hình một con mèo nằm lim dim, bất động. Hiền từ, như ngủ. Nhưng coi chừng, bị va chạm là móng vuốt tức khắc” (1 bis). Dĩ nhiên móng vuốt thì dùng để cào da thịt, nhưng ở NS, còn hơn thế nữa. Làm địch thủ phải “hộc máu”.
Đây là bí quyết ông dạy:
"... Văn nghệ là phải bay bướm. Không bay bướm không thành văn nghệ. Viết cái gì cũng phải cho đẹp. Cái chất văn nghệ là làm gì cũng lấy đẹp làm phương châm. Đặt tít một bài văn là phải đặt cho bay bướm, cho đẹp. Như “Một mình một ngựa”. Nghe có cái vẻ đẹp kiếm hiệp, hơi cải lương, hơi Tam Quốc Chí. Hay “Khi con thú hốt hoảng” nghe có vẻ tình cảm. Đó là những cái tít tồi nhất cũng đã có tí bay bướm. Tuyệt đối không nói đến các chữ bẩn như cứt đái. Nghe ghê thấy mồ. Nó lộ ra cái tư cách không thơm. Tuy nhiên, với sa-đích chọn cái tít đó, tôi xin các bạn đừng trách, đừng khinh, mà nên thương hại. Bởi vì nó đã hoảng hốt đến cùng cực. Sa đích chuyên môn chê thiên hạ, nay bị chạm nọc sẽ tức hộc máu.”...
...“Cái ông này tài thật lần nào ông ấy hốt hoảng cất tiếng cũng làm mình được một bữa cười no, lần nào cũng làm cho khoái chí tử. Kỳ thấy mồ.” (2)
Thật sự Trần Phong Giao có hốt hoảng hay không, hay vì ông muốn trần tình cho người đọc nhận rõ đâu là sự thật. Hay ông đã quên câu tục ngữ “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”?.
Để rồi cuối cùng ông thật sự rời bỏ báo Văn vào 15- 10-1971 trước dự dịnh 1 tháng rưỡi - cùng lúc với cuốn "Một mình một ngựa" của Nguyên Sa phát hành vào tháng 10-1971. Sau đây là một phần lá thư của ông Nguyễn Đình Vượng:
.... “Anh Trần Phong-Giao cho biết sức khỏe của anh sa sút cho nên bổn phận của tôi là phải nghĩ tới anh và tôi quyết định để anh nghỉ dưỡng- sức ngay từ bây giờ.”
Quả thật vậy không. Tôi nghĩ là không. Ngược lại, nó đánh dấu cho một trận chiến khác. Dĩ nhiên là ác liệt.
Bằng chứng là ngay sau khi ông nghỉ báo Văn, ông lại xuất bản Bán nguyệt san Giao Điểm. Lần này ông cho biết cái chổi sẽ tiếp tục quét lại như mấy hàng trên trang quảng cáo đăng trên tạp chí Bách Khoa ngày 15-12-1971:
Đầy đủ những mục thường xuyên do Ban biên tập cũ của Văn chủ biên như: Quét Sân Đình (Mõ Làng Văn), Giải đáp thắc mắc (Thư Trung) v.v...
Rõ ràng, ông không hốt hoảng. Ông vẫn đứng thẳng, tiếp tục con đường ông lựa chọn. Như ông đã từng “một mình một ngựa” để duy trì tạp chí Văn suốt gần 10 năm.
________
(1) Văn số 132 tháng 6-1968
(1bis) Mai Thảo. “Mầu áo lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa”, tr. 136 (Chân Dung 15 Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam. Westminster, CA: Văn Khoa, 1985 )
(2) Nguyên Sa - Một mình một ngựa - Chương "Khi con thú hốt hoảng". Nguyệt san Nhân Văn số 3, 1971 trang 100
(3) Nguyễn Đình Vượng - Thư Ngỏ, Văn số 189, trang 109
Sau năm 1975, Trần Phong Giao sống một đời sống cơ cực và bệnh hoạn. Theo lời kể của nhà văn Ngô Thế Vinh “cả hai anh chị đã phải chạy chợ kiếm sống với chiếc xe ba bánh, đậu trên đường Lê Thánh Tôn đứng bán từng bó củi, mấy nải chuối hay những bó rau tươi để nuôi đàn con. Ngày ra tù, tới thăm anh, vẫn ở trong con hẻm gần Cầu Kiệu, bên Tân Định, anh gầy sút đi nhiều hai chân đã rất yếu. Gia tài của anh đáng giá vỏn vẹn còn một tủ sách, quý nhất là trọn bộ báo Văn đóng bìa da, một sự nghiệp của Trần Phong Giao nhưng rồi anh cũng đã không giữ được và phải đem bán cho một Việt kiều từ Mỹ về để có tiền chạy gạo và thuốc men. Trần Phong Giao mất trong sự túng quẫn và bạo bệnh (2005). (3)
Hoàn cảnh khó khăn này cũng được một người viết trẻ khác là nhà văn Mang Viên Long kể lại, trong một lần đến thăm nhà anh, như sau:
Anh Trần Phong Giao vui mừng tiếp tôi sau hơn 10 năm thất lạc tin tức. Chúng tôi hỏi thăm nhau đủ chuyện về đời sống, việc làm, tin tức bạn văn, và cả những dự tính. Anh Trần Phong Giao hỏi thăm tin vài anh em văn nghệ ở Tuy Hòa, miền Trung. Tôi “báo cáo” với anh những gì biết được, nhưng cũng rất mù mờ vì sau 1975 tôi rất… mệt mỏi, ít khi gặp lại ai! Anh cho biết PNL có ghé thăm, đang đi KTM ở vùng Đồng Nai - Bảo Lộc gì đó, lại đang đi theo nhóm tìm vàng, đãi vàng - rất khổ! Chợt để ý đến chiếc xe xích lô đang nằm một góc hiên nhà, trông sạch sẽ. Tôi cười: “Anh cũng chạy xe nữa sao?”- Anh thản nhiên: “Thỉnh thoảng cũng làm “vài cuốc” kiếm tiền trà café mà!” - “Tôi cũng thích làm nghề này, nhưng ở quê đâu có ma nào trèo lên xích lô, vì không đủ tiền ăn, tiền đâu mà xe với cộ?”. (4)
Nhà thơ Trần Dzạ Lữ kể lại rất rành rẽ vì sống gần ông:
Sau 75 là thời gian anh chị em văn nghệ tan tác. Tôi đi bán rau muống, đu đủ… thì anh Trần Phong Giao lại bưng bê khi chị Giao bán hủ tiếu… trước hẻm nhà dưới chân cầu Kiệu để kiếm sống. Anh làm công việc này cũng cần mẫn và lặng lẽ như khi làm thư ký tòa soạn bán nguyệt san VĂN vậy. Nhà cha mẹ vợ tôi ở Phú Nhuận rất gần nhà anh nên có rau ngon hay đu đủ tốt là tôi đạp xe đạp đem xuống biếu anh chị Giao. Ngược lại, anh chị có gì cũng chia sẻ với tôi. Điều đáng quý là dù cho vật đổi sao dời như thế nào thì chúng tôi cũng vẫn không quên nhau. Thời gian này, tôi biết anh chỉ còn một lá thận để sống. Tôi thì phải đi nông trường nên ít liên lạc với anh như trước. (5)
Trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, vậy mà khi nghe tin nhà thơ Thành Tôn được phóng thích, trở lại Saigòn, ông TPG đã đến thăm với món quà: Một xấp giấy. Một cây viết. Một ký gạo. Một hộp sữa. Và lời nói:
"Mình cũng không dư dả gì, nhưng nghe tin bạn mới rời khỏi trại cải tạo nên mình gởi một ít nhu yếu phẩm để bạn bồi dưỡng..."
Điều này chứng tỏ cái tình của ông dành cho những người viết trẻ trước 1975 vẫn trước sau như một.
Một chuyện lạ là ngày xưa, anh em chúng tôi tìm ông thăm viếng, thì bây giờ ông đã đi tìm chúng tôi, mà trường hợp nhà thơ Thành Tôn là một ví dụ điển hình. Trường hợp nếu tìm không được thì đăng báo tìm, lấy nguyên bút hiệu Trần Phong Giao, như bài viết ngắn Bài Thơ Năm Trước (tuần báo Văn Nghệ tp. HCM số 25 – 01/1992):
“Nay biết đâu nhờ phổ biến rộng rãi mà tôi (được gặp lại hoặc) được cho hay tin về một ‘cố nhân’, nghĩ cũng là chuyện đáng mừng”.
(Mời đọc bài của Lưu Vân đăng trong số này)
Điều này chứng tỏ tấm lòng của TPG đối với những người viết trẻ trước đây, trước sau vẫn như một.
____
(3) Ngô Thế Vinh: Bốn mươi năm Dương Nghiễm Mậu và Tự truyện Nguyễn Du. Nguồn: Internet
(4) Mang Viên Long: Người thơ ký cần mẫn và nhiệt tình. Đăng trong số này.
(5) Trần Dzạ Lữ: Lá thư cuối cùng. Đăng trong số này.
Câu trả lời thì ai ai cũng biết. Đó là tòa soạn báo Văn, 38 Phạm Ngũ Lão Saigon, nơi ông có mặt suốt 10 năm với chức vụ thư k ý tòa soạn.
Nhưng nó khác với những tòa soạn khác, bởi vì các tòa soạn khác không có ai như Trần Phong Giao.
Thứ nhất là việc gây dựng tạp chí Văn trở thành một tạp chí văn học nghệ thuật có bề thế. Chuyện này ai ai cũng nói và nhiều người viết. Chúng tôi xin miễn nói lại.
Sau đây là những việc làm của TPG mà ít ai nhắc đến:
- Mang văn hóa đến gần quần chúng
Không phải riêng tờ Văn, TPG còn làm tờ Tân Văn, mỗi tháng ra một kỳ. Báo được bán với một giá rất rẻ, rất hợp túi tiền của độc giả sinh viên. Trong một bài đăng trên tạp chí Văn Học, nhà văn Duyên Anh viết về cuộc cách mạng này:
“Anh Trần Phong Giao, thư ký Tòa soạn Văn, đã làm một cuộc thí nghiệm hơi đáng lo trong việc in các tác phẩm sáng tác cũng như dịch phẩm bán với giá rất rẻ. Truyện dài “Tuổi nước độc” của Dương Nghiễm Mậu, dày ngót 200 trang, in rất mỹ thuật, đề giá có 20 đồng. Truyện dịch của Lê Huy Oanh, truyện sáng tác của Nguyễn Mạnh Côn đều đồng giá 20 đồng cả.
20 đồng một tác phẩm văn nghệ, một món ăn tinh thần của cả một đời người, giá chỉ tương đương với một bát phở trong thời buổi tiền mất giá này! Mà phải đâu đã thu về đủ 20 đồng! Còn tiền trừ 30% cho nhà phát hành. Chưa kể tiền bản quyền mỗi lần in cho một cuốn là 10 ngàn đồng!
In 6000 cuốn, nếu bán hết mới có một chút lãi (...)
Ngày xưa, thi hào Tản Đà đã chủ trương sách in “xoàng xoàng” thôi, nhưng bán giá rẻ để phổ biến được nhiều. Ngày nay, anh Trần Phong Giao tiến bộ hơn Tản Đà, loại sách do anh chủ trương in thật đẹp, vẫn bán rẻ. Mục đích cũng giống mục đích Tản Đà. (...)
Anh Trần Phong Giao đã thực hiện nổi một công việc cao quý, giúp ích cho cả tác giả lẫn độc giả... (6)
- Giúp đỡ bạn văn chí tình...
Trước 1975, chúng ta thấy có nhiều tờ báo văn nghệ. Bên cạnh Văn, nào là Bách Khoa, Vấn Đề, Trình Bầy, Ý Thức, Khởi Hành v.v... Đặc biệt là tuần báo Khởi Hành cơ quan ngôn luận của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội. Hội đã có công trong việc thực hiện một tuần báo văn học nghệ thuật khó quên là Khởi Hành. Tuy nhiên, Hội không giúp gì một cách thực tế nhằm “cứu” những hội viên để họ được cơ hội phục vụ ở những chỗ hạp với khả năng, ngoại trừ việc lập dự án giúp mua nhà mua đất ở gần SG cho hội viên, nhưng cuối cùng dự án cũng bị “xù” không rõ l ý do dù mỗi tuần trên tuần báo KH đăng tấp nập những số tiền đóng góp của hội viên mang áo lính.
Kẻ viết này cũng là hội viên. Chỉ có một lần nhận giấy mời đi họp ở SG, mừng như bắt được vàng, nhưng làm sao mà đi khi nằm trên rừng, hơn nữa mình đi thì ai thế? Ai cho phép? Ông Đại tá Hội trưởng TVT đâu có quyền bằng ông Đơn vị trưởng!
Như vậy, cái câu lập hội để lá lành đùm lá rách xem như không ổn chút nào. Nhưng mà không sao. Chúng tôi vẫn luôn luôn biết ơn Hội đã khai sinh ra một tuần báo văn học dưới sự chăm sóc của nhà thơ Viên Linh một tạp chí có tầm vóc là Khởi Hành, để chứng tỏ văn chương miền Nam không phải là văn chương đô thị mà là văn chương ngoài vòng đai.
Chỉ có Văn mới chứng tỏ cái câu: “lá lành đùm lá rách”.
- Qua việc Văn thực hiện số chủ đề về Tolstoy, như thư ký TPG giãi bày tại sao:
“ ... Do một sự tình cờ, chúng tôi được biết Thầy Từ- Mẫn, người trông coi nhà xuất bản Lá Bối, đã phải đi vay nợ lãi, của nhiều người, mới đủ số vốn để ấn hành bản dịch Chiến tranh và Hòa-bình. Số tiền nhà xuất bản đi vay nặng lãi đâu tới trên một triệu đồng. Sau khi phát hành hai cuốn đầu (trong 4 cuốn trọn bộ), nhà xuất bản mới chỉ thâu lại được đâu vừa đủ để trả tiền lời cho số tiền đã vay. Số tiền gốc, vẫn còn nằm nguyên, bất động.
Xúc động trước sự hy sinh cho văn hóa (thật ra, chúng ta còn từ nào khác với từ hy sinh, trong trường hợp này) của bậc chân tu, anh em chúng tôi đã bàn nhau, tìm cách “tiếp tay” với nhà Lá Bối. Do đó, số VĂN này được đặc biệt chuẩn bị ấn hành, cách gấp rút. Để độc giả của VĂN, – những bạn ưa thích đọc văn dịch – làm quen với Tolstoy, biết tới sự xuất hiện của một tác phẩm cổ điển giá trị, đã từng được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, phổ biến trên khắp toàn cầu: Chiến-tranh và Hòa-bình.” (7).
- hay qua những lời kêu gọi thống thiết giúp đỡ một bạn văn bị hoạn nạn là nhà thơ Đỗ Tấn trong biến cố Mậu Thân ở Huế 1968:
“Nhà thơ Đỗ Tấn, tác giả Thơ Trắng... cùng gia đình vẫn ở trại tạm trú, nheo nhóc, mỗi ngày một đầu người lãnh một lon rưỡi gạo. Quần áo chỉ có một bộ chạy giặc mặc mãi đến hôm nay “hôi thối không thể tả được”.
(Ối, ông Duy-Lam ơi, ở gần Huế nhất, có phương tiện liên lạc với Huế nhất, giờ đây chỉ có mình ông. Yêu cầu ông tìm mọi cách giúp cho Đỗ Tấn cùng vợ và hai con hắn thoát khỏi cảnh hôi thối. Ông hãy gửi góp quần áo, chăn mùng, khăn, vải... ra cứu giúp hắn (nhờ Đài Phát-thanh Huế chuyển). Tất cả mọi phí khoản, xin ông tính với Văn. Phải kêu cứu ông vì chúng tôi không có cách gửi. Nếu ông không tìm mọi cách cứu giúp ngay Đỗ Tấn, thì, ối ông Duy-Lam ơi, cả ông lẫn chúng tôi, chúng ta sẽ cùng bị hôi thối lây đó nhé!).”
(Văn số 103 ngày 1-4-1968)
Một ví dụ khác để chứng tỏ sự chí tình này của ông Trần Phong Giao được nhà văn Thế Phong kể lại như sau:
Về nhà văn Trần Phong Giao (tác giả” Ngồi lại bên cầu”)- tự “Trần Phoóng”(sước danh do Duyên Anh đặt) có thù tôi thì chẳng có gì oan uổng . Bởi lẽ, tôi đã” đạo” 10 ngàn đồng bạc mà anh đã để dành trong bao phong bì ghi” của triệu phú Trần Hoài” tại” phòng văn tọa lạc tại đường Phan Thanh Giản, Cap Saint Jacques . Ra xe trực chỉ Saigon vậy tôi đã có tiền để trả hết món nợ” cơm hàng, cháo chợ, vợ người dưng” qua 8, 9 tháng ăn chịu, nợ tiền nhà thuê ở Xóm Chùa Tân Định, để nằm lì viết bộ sách “Lược sử văn nghệ Việtnam”(4 tập). (*) Và tôi chưa có cơ hội nào hoàn trả món nợ kia cho ân nhân: nhà văn, thư ký tòa soạn tạp chí” Văn” Trần Phong Giao.
Phải nói thật, đã có 1 lần gặp ân nhân- bữa ấy mặt mũi anh nhem nhuốc, thân hình gầy guộc, lưng khom, tóc tai bơ phờ, đang bước lảo đảo từ Nhà hàng Thanh Thế (Sabourain- mới đổi tên đường Tạ Thu Thâu)- gặp tôi, ân nhân nắm lấy áo tôi:
-…tao bị ốm mới ra nhà thương, chẳng còn tiền nong gì; mày có tiền không thì trả nợ tao đi!
Cho tay vào túi quần, xem còn ít tiền nào không, vét sạch đưa hết cho anh, và năn nỉ:
-… với mày, lúc nào cũng là ân nhân của tao, không chỉ đời thường mà cả trong chữ nghĩa nữa..” (7 bis)
Tấm lòng ấy càng sâu đậm đặc biệt đối với những người viết trẻ. Ít thấy tờ báo nào lại đăng những tin tức về những người viết trẻ nhiều như Văn. Ví dụ:
Không phải những tin tức trên được đăng lên như tin sinh hoạt văn nghệ thường tình mà đăng với niềm mong mỏi.
Thật khó có một tờ báo nào, ngay cả tờ Khởi Hành tự hào là tờ báo của Hội văn nghệ sĩ quân đội lại đăng những lời cầu mong ưu ái như sau:
“Sinh thú duy nhất của Lê văn Thiện là viết văn, nên nguyện vọng của anh là khỏi phải đi hành quân, để có nhiều thì giờ hơn dành cho việc sáng tác.”
(Lê văn Thiện: Người anh lớn, đăng trong số này)
hay với THT:
Có vài trường hợp được thành công.
Người thứ nhất là Y Uyên. Nhưng Y Uyên chưa kịp về SG trình diện đơn vị mới thì không may nằm xuống ở chân đồi Nora.
Người thứ hai là nhà thơ Thành Tôn:
“... Hồi đó khoảng những năm 1965, 66... Thành Tôn đang dạy học ở trường Phan Thanh Giản, Đà Nẵng. Đi dạy nhưng anh cư trú không ổn định, thường thay đổi địa chỉ nên Giấy Gọi Đi Thủ Đức theo lệnh Động Viên không đến tay anh. Một hôm xong buổi dạy ra về, thì anh gặp một toán cảnh sát đang đón đường hỏi giấy tờ quân dịch của thanh niên. Thành Tôn bị chận hỏi và bị "hốt" ngay, vì lứa tuổi anh đúng ra là phải bị động viên vào Thủ Đức khóa trước, sao còn ở ngoài đi dạy tà tà vậy. Anh bị đưa vào trại Nhập Ngũ số 1, để đi thụ huấn tân binh quân dịch, vì anh thuộc diện không tuân hành lệnh Tổng Động Viên.
Anh bị đưa vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, thụ huấn 9 tuần để ra làm tân binh, deuxième cùi bắp (binh nhì). May nhờ có nhà văn Trần Phong Giao, lúc này làm Tổng Thư Ký Tạp chí Văn, khi biết tin Thành Tôn “bị nạn”, liền viết đơn lên Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng, giải thích sự việc, là vì địa chỉ anh thay đổi nên không nhận được lệnh gọi đi Thủ Đức, chứ không phải anh trốn lính. Lúc này Nha Động Viên do Thiếu tướng Bùi Đình Đạm làm Tổng Giám Đốc, biết được nỗi oan ức của Thành Tôn, nên ra lệnh chuyển anh qua tiếp tục Khóa 2 Thủ Đức... Thế là Thành Tôn trở thành Sĩ Quan, và khi ra trường, xin về phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng Tín. Thành Tôn làm ở đây đến tháng 3.1975.” (8)
Người thứ ba là kẻ viết bài này. Mặc dù không nhờ trực tiếp nhưng nhờ gián tiếp. Tôi đã cắt những mẩu tin viết về tôi, kèm lá thư để gởi thẳng cho trung tướng Trần văn Trung tổng cục trưởng tổng cục CTCT. Không ngờ thay vì bị phạt vì không tuân theo hệ thống quân giai mà dám gởi thẳng Trung tướng Trung, tôi lại được Trung tướng Trung chấp thuận tôi chuyển ngành từ bộ binh sang làm phóng viên chiến trường. Ngoài ra còn cho thêm một ân huệ nữa là tự do chọn một nơi mình thích. Tôi chọn Cần Thơ vì nơi này là quê vợ. Vậy đó. Dù không được ông TPG trực tiếp giúp đỡ nhưng nhờ những mẩu tin mà chỉ có Văn mới loan trong khi các báo khác thì thờ ơ chẳng bận tâm chút nào.
Rõ ràng ông luôn luôn hướng đôi mắt và tấm lòng dành cho những người viết trẻ. Điều này được viết rõ qua bài viết của Phạm văn Nhàn, Trần Dzạ Lữ, và Lê văn Thiện. Ông hướng vì ông cảm thấy chúng tôi là những bia người: Cái màn đen của mất mát, đau thương bao trùm cả nước, không chừa ai, nhưng thua thiệt nhất là dân quê và lớp trẻ, như anh bạn ngồi kia”. Người bạn ngồi kia là Lê văn Thiện. Và là chúng tôi. Những người viết trẻ đang có mặt trong màn đen.
Nhưng mà, với một thư ký tòa soạn, làm sao ông có thể cứu được chúng tôi chứ. Văn không phải là một nơi tập trung những quyền lực dù người ta hết lòng tung hô: Cây bút là một sư đoàn.
Không. Ông cứu chúng tôi không phải bằng một tờ sự vụ lệnh mà bằng những trang báo, giúp chúng tôi có thể nói lên tiếng nói của tuổi trẻ bia người của chúng tôi, và để cho văn học miền Nam có thể chắp đôi cánh đại bàng thay vì những cánh bồ câu chim sẻ!
Ông đã trả danh dự lại cho chúng tôi. Bởi vì ông biết tờ Văn muốn sống phải cần chúng tôi!
_______
(6) Duyên Anh - Tạp chí Văn Học số 57 ngày 1 tháng tư 1966, mục Chân trời văn học.
(7) Trần Phong Giao, Vài cảm nghĩ xuôi dòng, Văn 128
(7bis) Thế Phong: Hà nội - nơi có một lần chúng ta thân ái. nguồn: Internet
(8) Trần Yên Hòa: Một Thành Tôn Khác. Nguồn: banvannghe.com
4. Trần Phong Giao và nỗi hy sinh to lớn
Nếu tấm lòng của Trần Phong Giao đối với những người cầm bút trẻ ở ngoài vòng đai là lai láng thì ngược lại - đối với giới làm văn nghệ ở SG, nó thật ê chề chua chát.
Và cái ê chề thứ nhất, là việc Mõ Làng Văn mang Duyên Anh ra mà “quét” vì DA đã viết bài khen ngợi dịch giả Vân Mồng.
Cái ê chề thứ hai là vụ ông nhận định về gái Huế khiến ông phải viết hai lần thư ngỏ.
Vụ thứ nhất bắt đầu từ Văn số 58, ông chỉ có một bài ngắn trần tình. Nhưng vụ thứ hai, xảy ra vào năm 1968, bắt đầu từ một bài viết trong số đặc biệt chủ đề “Thương nhớ Y Uyên”, qua lá thư Tuy Hòa ngày 17-4- 1967 (Văn 129), để hai nhà văn nữ gốc Huế là Túy Hồng và Nhã Ca mới tức lồng lộn viết thư lên tiếng đăng trên tuần báo Khởi Hành, khiến ông phải ra công phân trần giải thích qua hai lần thư ngỏ.
Sau đây là lá thư của Nhã Ca và Túy Hồng (được đăng trên Tuần báo Khởi Hành số 3 ngày 15-5-69)
Thư lên tiếng của nhà văn Túy Hồng, Nhã Ca.
Kính gởi anh Trần Phong Giao, Thư ký Tòa soạn Báo Văn
Chúng tôi là những gái Huế viết văn, viết được sáng tác nào là gửi đăng trên các báo, rồi sau đó mới xuất bản thành sách. Một trong những tờ báo đăng bài chúng tôi là báo “Văn”, một tờ báo khả ái, linh động và còn là diễn đàn chung cho những cây bút mới. Bài của chúng tôi gửi đăng ở “Văn” tuy ít oi, nhưng cảm tình của chúng tôi đối với “Văn” hay nói đúng hơn, đối với anh Trần Phong Giao bao giờ cũng chan chứa và tròn trịa… Cảm tình đó, chúng tôi tin rằng, bất cứ ai đã từng cộng tác với “Văn” đều thấy rõ. Đùng một cái, chúng tôi tình cờ thấy trên một số báo “Văn” thương nhớ Y Uyên, có đăng một lời nói của anh Trần Phong Giao: “Gái Huế, ái tình lăng nhăng thì được, còn cái mục xây dựng thì đừng, ấy là dựa theo kinh nghiệm bản thân cũng là đúc kết của một vài anh em có vợ Huế khác… Quả là một câu nói ngùn ngụt hắc ý đối với một quê hương đã đi vào văn nghệ bằng một vẻ đẹp và một linh hồn, một quê hương chiến tranh mà tổng số những đứa con gái lấy Mỹ đếm không vượt quá xa những lóng của 10 ngón tay, một quê hương đã từng ép xác đàn bà bằng một lối giáo dục của khối đá ngàn cân đè nặng (8 chữ đọc không rõ)… một quê hương thâm u của những bà Chúa, những Công tằng Tôn nữ nhìn đời không quá cái hàng rào vương giả… và, một quê hương còn lại sau cuộc thảm sát … Đành rằng chỗ đất nào cũng có người thơm kẻ thối, gái Huế cũng như gái Bắc, gái Nam… gái xứ nào chẳng có đứa làm đĩ, chửa hoang, ngoại tình, giựt chồng người khác, ăn cắp, ngủ lang, hàm hồ, chua ngoa, ác độc… nhưng, không bao giờ ta nên căn cứ trên một thiểu số người làm bậy rồi quyết đoán cả một tỉnh lỵ, quận lỵ, cả một thành phố, cả một cố đô, cả một quê hương… toàn thể phụ nữ đều làm bậy như nhau, đều lăng nhăng nhền nhện như nhau để đến nỗi một nguời, một người thôi, phải lên cái tiếng lớn cười mũi vào cái thể thống của một quê hương… Tất cả một xứ Huế con gái chỉ đáng cho ông nhà văn tính chuyện lăng nhăng hay sao? Tất cả xứ Huế con gái đều là những kẻ nhẹ tư cách, rẻ nhân phẩm nên không ai buồn để ý đến chuyện “xây dựng gia đình với!” hay sao? … Thật tội nghiệp cho những nấm mồ non thiếu nữ vùi chôn trong năm thảm sát Mậu Thân, thật tội nghiệp cho những người con gái dài tóc còn sống dư sau vụ vạ huyết vừa rồi phải bê những rổ rau quả ra ngồi bán bên đường khi cơn đói đến liền sau cuộc thảm sát, và cũng thật tội nghiệp cho những cô gái Huế yêu văn chương vẫn nghiền ngẫm đọc báo “Văn” lâu nay (xin quả quyết rằng khắp trên mấy miền quê hương gái Huế chịu đọc sách báo và đọc báo “Văn” nhiều nhất)… Chúng tôi, những gái Huế viết văn đã bỏ quê hương mà đi nên may mắn còn sống để góp mặt vào cái chiếu làng văn miền Nam này. Chúng tôi là những kẻ quen thân với anh Trần Phong Giao, là những kẻ lấy chồng Bắc, nghĩa là những kẻ ở trong cái mục “đúc kết kinh nghiệm” của anh Trần Phong Giao, mỗi kẻ biết cầm một cây bút của cái giá đựng bút miền Nam này… thấy thể diện của quê hương mình bị cào xước như vậy nên chúng tôi phải có một phản ứng để trả lời câu nói khinh nhờn của anh Trần Phong Giao đăng trên báo “Văn” Túy Hồng và Nhã Ca từ nay xin thôi không cộng tác cùng báo “Văn” nữa.
Quê hương đang là một vòm trời đen. Kẻ làm văn không sử dụng ngòi bút của mình trên những giọt nước mắt, lại đi lai rai từng hàng cho cái bầu hình thức, thể thống… nghĩ thật tự mình lấy làm bất mãn, nhưng quê hương còn cả tương lai, ngòi bút của mình nhận thấy rằng có những điều nói trước được và có những điều cần phải nói sau…
Túy Hồng, Nhã Ca .
Dưới đây là lá thư trả lời của Trần Phong Giao
(đăng trên Văn số 131 ngày 1-6-1969):
THƯ NGỎ
Kính gửi hai chị TÚY-HỒNG và NHÃ-CA
Thưa hai chị,
Tôi đã đọc lá thư ngỏ của hai chị đăng trên tuần báo Khởi Hành.
Câu văn của tôi vốn đã không được rành rẽ, bị đem ra khỏi mạch văn của nó lại càng dễ gây thêm sự hiểu lầm. Có điều tôi xin được nói lại cho rõ để tránh gây hiểu lầm thêm nữa: tôi không có ý đánh giá người phụ nữ Huế như hai chị nghĩ.
Câu văn-nói của tôi chỉ là một lời khuyên thân tình, được nhớ lại trong một dịp đau buồn. Câu đó không có dụng ý giễu cợt hay bỉ thử người bạn của người bạn trẻ thân mến và đáng thương xót của tôi. Nó càng không có ý miệt thị các bạn đọc phái đẹp ở đất Thần kinh. Thật tình, đó là một lời báo trước về tính hạnh khắc khổ, đoan trang của người gái Huế, khi đã trở thành người vợ, người mẹ – người vợ và người mẹ biết, và dám quyết tâm bảo vệ gia đình. Đó, theo như tôi vẫn nghĩ, là một lời khen thay vì một lời chê. Không “xây dựng”, nói tóm lại, có nghĩa là “khi chưa bỏ hẳn được tính phóng túng hào hoa (nói cho rõ hơn, trong mạch văn câu tôi viết: khi còn thấy mình là một nhân vật tiểu thuyết thì đừng có nghĩ đến lập gia đình vội.”
Phần khác, tôi nghĩ câu văn đó chỉ là một câu văn nói có giới hạn hạn hẹp của nó trong một bài sáng tác. Mọi suy diễn ngoài phạm vi văn chương được gán ghép cho câu nói đó không phải là ý tưởng của người viết.
Tuy nhiên, sự hiểu lầm đã có rồi. Tôi chỉ còn mong ước rằng những thiện cảm của tôi dành cho xứ Huế- đau-thương, những hảo ứng của nhiều anh chị em văn nghệ xứ Huế giàu-văn-nghệ-tính dành cho tôi trong nhiều năm tháng qua, giúp tôi khỏi bị bạn đọc trách cứ nhiều hơn.
Hai chị không được vui, cùng quyết định không hợp tác với báo VĂN (*) nữa. Các bạn đồng nghiệp đều lấy làm tiếc, và riêng tôi rất ân hận, vì một lời nói không mấy quan trọng (một lời nói lèm nhèm) rất nhiều bạn đọc báo VĂN sẽ không được thỉnh thoảng đọc tác phẩm của hai chị. –
Tôi mong là sự hiểu lầm rồi qua đi. Và tôi tin là tình thân hữu giữa những người làm văn nghệ sẽ không vì một sự hiểu lầm nhỏ mà bị sứt mẻ.
Với niềm tin đó, tôi xin trang trọng gửi tới hai chị, – cùng toàn thể bạn đọc nữ giới ở Huế, – lời xin lỗi chân thành nhất của tôi.
Trần Phong Giao (18.5.1969)
____
(*) Nhân đọc nhan đề “Túy-Hồng Nhã-Ca lên tiếng về một nhận định của báo Văn”, chắc hẳn của tòa soạn KHỞI HÀNH, tôi cũng xin minh xác rằng một bài báo mang tên Trần Phong Giao, không thể được coi như một nhận định chung của cả tòa báo.
Đó là thư ngỏ lần thứ nhất. Sau số báo này, ông lại thêm một thư ngỏ thứ 2. Lần này đăng trên Văn số 132 tuyển tập những cây bút trẻ ở Huế dưới chủ đề “phượng trong thành nội”:
Số báo đang nằm trong tay bạn đây đã được sửa soạn từ hơn hai tháng trước. Khởi thủy nó có một chủ đề khác, nhưng sau đó đã được thay đổi vì người viết lá thư này muốn tránh một ngộ nhận có thể xảy ra. Vào phút chót, Trần Doãn Nho, một tác giả trẻ xứ Huế có góp mặt trong những trang trên, đã chọn hộ một chủ đề mới: “phượng trong thành nội”.
Chị Nguyễn thị Hoàng, một nhà văn xứ Huế khác, đã ân cần căn dặn tôi đừng có viết hoa chữ “phượng” kẻo rồi lại bị hiểu lầm là tôi muốn nhắc đến “một cô nào đó, tên đó, trong thành nội”.
Một điều nhỏ nhặt nhất, không ngờ nhất, có thể là cái cớ để gây ra ngộ nhận. Đời sống chúng ta, ngay trong địa hạt văn nghệ, – nơi mà những đố kỵ, nhỏ nhen không thể được chấp nhận, – cũng ngột ngạt những chấp nhất, ngờ vực, tị hiềm. Người làm văn nghệ, bây giờ đây, cần có tới hai lần thận trọng mỗi khi mở miệng nói hoặc đặt bút viết. Đó là một kinh nghiệm, thực tiễn và cao giá.
Khi nói chuyện về ngành xuất bản trên đài phát thanh SG ông đã nói về “Sự hy sinh của những người làm văn hóa”. Sự hy sinh ông đề cập là sự hy sinh đồng dạng mà bất cứ một người làm văn hóa nào cũng đã chấp nhận tự nguyện. Nhưng ở Văn, ngoài cái chung chúng ta còn thấy ở TPG một sự hy sinh vô bờ, chịu đựng vô bờ. Với một kiến thức cao về ngoại ngữ và dịch thuật, và khả năng về lãnh vực viết lách, lẽ ra ông đứng ở ngoài cuộc chiến tranh lạnh này. Lẽ ra ông đứng ngoài cuộc để khỏi phải “Người làm văn nghệ, bây giờ đây, cần có tới hai lần thận trọng mỗi khi mở miệng nói hoặc đặt bút viết.” Để khỏi ai đó làm nhưng ông nhận tội. Ai đó đánh nhưng ông đưa lưng ra để đỡ giùm. Hết Duyên Anh dùng Văn Học, rồi đến Nguyên Sa dùng báo Sóng của Chu Tử ký tên Hư Trúc, hay hai bà Nhã Ca, Túy Hồng mượn báo Khởi Hành đánh ông tơi bời hoa lá, bắt ông phải viết hết trần tình này đến trần tình khác.
Chiến tranh nóng ở ngoài vòng đai. Chiến tranh lạnh ở Saigon. Giữa cuộc nội chiến ác liệt như vậy mà ông Trần Phong Giao vẫn gồng mình để lèo lái tạp chí Văn khiến nó trở thành một tạp chí văn học có tầm vóc lớn của miền Nam... Thương ông, phục ông là ở chỗ đó.
Có phải vậy không?