Nhà văn Phan Lạc Tiếp
Ngày 11 tháng 8 năm 2018, tại San Diego đã có buổi ra mắt sách Vớt Người Biển Đông của tác giả Phan Lạc Tiếp trong vòng thân mật của gia đình và bạn hữu. Buổi ra mắt sách cũng là dịp mừng thượng thọ cho hai nhân vật chủ chốt của chương trình Vớt Người Biển Đông năm xưa: Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, chủ tịch Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, và nhà văn Phan Lạc Tiếp, Tổng Thư Ký và Điều Hành của Ủy Ban. Chương trình còn có sự góp mặt của nhân vật chủ chốt thứ ba trong Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển: bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn từ Pháp Quốc, người tiên phong đưa thuyền đi vớt người biển Đông và trở nên cầu nối để hiện thực công việc ý nghĩa ấy trên bình diện toàn cầu. Tiếc thiếu sự hiện diện của nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Trương Anh Thụy. Bằng những lá thư từ trại tị nạn Songkla, Nhật Tiến đã cất tiếng kêu đến thế giới về thảm cảnh của người vượt biển. Với những lời tố cáo mạnh mẽ sắc bén cho tệ nạn hải tặc nhưng lại đầy thiết tha trang trọng cho những nạn nhân, Nhật Tiến chính là nhân tố đầu tiên đưa đến việc hình thành Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển. Khi việc vớt người biển Đông không còn có thể tiếp tục, Trương Anh Thụy là người cầm đuốc chạy đoạn đường chót của công cuộc cứu người vượt biển.
Tuy gói ghém với thời lượng và số người tham dự, chương trình do ông Đinh Sinh Long và Phan Ngân Hà, trưởng nữ của nhà văn Phan Lạc Tiếp thực hiện, đã mang đến cho gia đình cùng thân hữu những phút giây cảm động và nói lên nhiều ý nghĩa.
Tất cả chúng ta có mặt trên đất người, nếu không trực tiếp là người tị nạn thì cũng phần nào liên hệ đến hai chữ tị nạn, và tị nạn chủ yếu là bằng đường biển, là vượt biên, và cũng có nghĩa là một trời thảm họa. Nếu tị nạn là căn cước của số đông chúng ta, thì hai chữ thuyền nhân cũng gần như là hộ tịch của những người phải bỏ quê hương vượt đại dương tìm đường sống mong lưu truyền một một giòng giống, cứu vãn một tương lai.
Vớt Người Biển Đông ghi lại công cuộc 10 năm vớt người tị nạn trên biển, ghi lại những thảm trạng, những nỗ lực những gian nan để người có thể cứu được người. Nếu ai chưa từng biết qua thảm nạn vượt biển, đọc sách, thấy những chứng cứ những tấm lòng những thành quả những khó khăn, sẽ hiểu – bấy nhiêu công sức bấy nhiêu nhọc nhằn bấy nhiêu hoạn nạn đều chỉ vì tang thương quá lớn lao thảm khốc, vì đâu nên nỗi đoạn trường, và chuyện vượt biển dẫu bi hùng chúng ta vẫn ước mong nó đã không xảy ra và đừng bao giờ lập lại.
Hãy cùng nhau đọc:
“Nhưng không lẽ một thảm kịch như thế, trong đó đã chất chứa bao nhiêu nỗi đau thương, nghẹn ngào, cũng như đã chôn vùi biết bao nhiêu cái chết đớn đau tức tửi của những con người vô tội lại không còn được nhắc đến?
Nếu mà như thế thì lịch sử đâu có lý do để tồn tại? Và nếu thế hệ mai sau muốn tìm lại dấu chân của các bậc cha anh, họ sẽ lấy gì để mà soi rọi? Rồi thêm nữa, nhà cầm quyền CS trong nhiều năm đã từng gây nên nguyên nhân sâu xa của thảm kịch thuyền nhân, đã gián tiếp xô đẩy hàng triệu con người ra biển cả chẳng lẽ lại được phủi tay, vỗ trắng trách nhiệm?
…..
Cho nên việc ôn lại những đau thương của thuyền nhân tị nạn trong muôn ngàn nỗi đau thương của bao nhiêu con người khác nữa kể từ sau biến cố 30-4-1975 sẽ chẳng phải là việc khơi lại hận thù, nhưng là chuyện cần thiết phải làm. Làm để dựng lại một mảnh gương lịch sử cho đời sau, để gìn giữ những chứng tích trước công lý ngõ hầu sau này trả lại công bằng cho mọi thành phần dân tộc trong ngày phán xét của lịch sử.” (Lời của Nhật Tiến, Vớt Người Biển Đông, trang 31).
Trong suốt mười năm Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển hoạt động, ngoài giá trị của chính công việc cứu người, chúng ta đã làm được với nhau một chuyện rất lớn lao, đó là đoàn kết. Nơi nơi góp tiền góp sức, đằng sau những tên tuổi được ghi nhận những công việc đã hoàn tất còn là muôn vạn những đóng góp công của của những “chiến sĩ vô danh,” cũng như biết.. bao quyết tâm để vượt qua trở ngại của hoàn cảnh, của lòng người. Đoàn kết không là chuyện dễ làm dễ thực hiện, và đứng trên thảm họa đen ngòm như biển chúng ta đã lưu lại được một vết son cho lịch sử người tị nạn.
Nhân chứng sống – những thuyền nhân còn mất đều đã góp phần nói lên chặng đường lịch sử tị nạn xứ người; sách Vớt Người Biển Đông ghi lại cho chúng ta, hoàn tất cho chúng ta câu hỏi “chúng ta đã làm gì được với nhau và cho nhau.” Hãy giữ lấy hộ tịch của chúng ta. Hãy bảo tồn mảng lịch sử “người tị nạn.”
12.08.2018