Triết gia Phạm Công Thiện
(1.6.1941 - 8.3.2011)
Hoàng Cầm có mấy bài thơ lạ. Đọc đi đọc lại những câu như:
“(...) Ấy bởi thương em vườn khô bỏ ngõ
Gió vào ra bưởi trụi hồng thui
Ấy bởi thương em mái nhà um cỏ
Chim vào ra vách đứng cột ngồi
(...) Lúng liếng ơi
Khát khô cả giọng
Lung liêng ời.
chớ động mành thưa
Chìa vôi quệt gió hững hờ
Bờ ao sáo tắm bao giờ?...
... hở em?”
('Theo đuổi')
hay những câu:
“Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín
(...) Ta con phù du ao trời chật chội
đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao
Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ
Vừa rụng chiều nay
dềnh mặt nước hương sen(...)”.
('Về với ta').
cảm thấy một rung động mơ hồ mà bền bỉ sâu xa.
Bài 'Lá diêu bông' đây đó từng có người giải thích cách này cách nọ. Nếu hiểu theo những lối giải thích ấy thì bài thơ chẳng qua là một câu đố lắc léo: tìm được cái chìa khóa, mở ra là xong. Nếu thế, không có vấn đề nghệ thuật nghệ thiết gì ráo.
Nhưng chuyện không phải vậy. Những bài thơ nọ là những công trình nghệ thuật. Đọc bài thơ đến những câu cuối cùng:
“(...) Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hơi!... ới Diêu Bông!...”
ta thấy vấn vương một cảm tưởng tơi bời và da diết.
Lá diêu bông là thứ lá gì? Con bê vàng đi tìm sim, con phù du đo gió tìm sao là thế nào? v.v... Giá biết được chắc là hay, nhưng người không biết không hiểu những cái ấy vẫn thưởng thức được bài thơ. Cứ đọc thơ lên, rồi lắng nghe cái xao động nơi mình. Thử đi nghiệm lại nhiều lần, tôi thấy cảm xúc không thay đổi. Những chữ nọ chữ kia, âm thanh này hình ảnh nọ, hợp lại trong những câu ngắn câu dài theo tiết điệu ấy, tức khắc gây ra nơi lòng ta những xao xuyến tương ứng nhất định. Không có sự may rủi. Thật đáng sững sờ.
Hoàng Cầm đã nắm được bí quyết vận dụng cái ma lực của ngôn ngữ, cái bí quyết của thơ thuần túy? Ông đã tính toán tinh vi, chính xác chăng? – Khó tin vào một bí quyết, vào sự chính xác, trong chuyện nghệ thuật.
Lần khác tôi gặp trường hợp như thế ở một người không phải là thi sĩ chuyên nghiệp, không từng đặc biệt trau dồi nghệ thuật thi ca: ở Phạm Công Thiện. Bài 'Mười năm qua gió thổi đồi tây', đọc đi đọc lại - chầm chậm - ta nhận thấy ý nghĩa mơ hồ nhưng cảm xúc gây ra thì rõ rệt và cố định. Niềm đau xót không tên trong tiếng gà xơ xác, cái hơi gió long đong từ đồi tây qua đồi đông, từ đồi thu qua đồi thông v.v... lảng vảng trong những vần điệu hình ảnh nọ, mỗi lần đọc mỗi thấy lảng vảng.
Tò mò muốn biết rõ hơn, một hôm tôi hỏi thẳng tác giả. Ông kể:
Vào khoảng 1964, một đêm lúc gần sáng, ông không còn ngủ nữa nhưng cũng chưa thức hẳn, chợt nghe bên tai văng vẳng có tiếng nhạc và lời thơ. Trong lơ mơ ông ý thức rõ tình trạng mình lúc ấy và cố ý ghi nhớ, khi tỉnh thức hẳn ông liền cầm bút chép bài thơ, giữ lại khá lâu, về sau trao cho Hoài Khanh đăng vào Giữ thơm quê mẹ.
Có cái gì huyền bí, có bàn tay thần linh trong đó chăng?
Có những gì khác, cái đó khó xác quyết; nhưng chắc chắn là phải có Phạm Công Thiện. Có cái ám ảnh của thời đại mà ông đang sống, có những sáo ngữ thời thượng thuộc thế hệ ông, và tại sao có thể không nghĩ đến cái phần tâm tư sâu kín nhất của riêng ông? ẩn náu tận nơi tiềm thức thăm thẳm? Tiếng nhạc lời thơ văng vẳng hôm ấy, nó vừa là của ông, vừa lạ lùng đối với ông; nó thuộc về cái phần ở ngoài vòng kiểm soát của ông.
Cảm xúc đến từ chỗ sâu thẳm lại là cảm xúc rất thực, có sức ám ảnh lâu dài.
3 - 1989
NGÀY SANH CỦA RẮN VIII
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông
Nhạc và tiếng hát: Lê Uyên Phương