28-06-2016 | VĂN HỌC

Lưu Biệt và tính phổ quát trong thơ Phạm Ngọc Lư

  TRẦN HOÀI THƯ

Tính phổ quát trong bài thơ Lưu Biệt

Mới và cũ


Tính phổ quát trong bài thơ Lưu Biệt



    Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

Bài thơ Lưu biệt của Phạm Ngọc Lư được trích từ thi phẩm Đan Tâm có nội dung như sau:

Qua cầu một cỗ áo quan

Tiếng sênh dìu bước hai hàng âm công

Bước theo khăn chế áo sồng

Hắt hiu cờ rũ lạnh lùng vàng rơi

Chân cầu nước ngậm ngùi trôi

Tiếng kinh tiếp dẫn bồi hồi tràng giang

Đôi bờ lưu biệt linh quan

Nước soi bóng nến hai hàng lung linh

Người không về cõi u minh

Người về bản thổ nặng tình cố hương

Từ nay mây khói vô thường

Theo người nhập thể cội nguồn nghìn xưa

(Nam Phước, tháng 6 – 1998)

Trước hết là 4 câu đầu. Chúng ta không thấy con sông hay giòng suối hay cái lạch hiện diện dù tác giả vẽ một đám tang qua cầu. Chúng ta chỉ thấy một đám đông với hai hàng âm công theo sau là những người thân mặc đồ tang chế. Lại thêm có những lá cờ dành cho tang lễ bay nhẹ trong gió cùng những giấy vàng mã rơi rớt trên lối đi:


Qua cầu một cỗ áo quan

Tiếng sênh dìu bước hai hàng âm công

Bước theo khăn chế áo sồng

Hắt hiu cờ rũ lạnh lùng vàng rơi


Theo tôi nghĩ, 4 câu thơ trên cũng quá đầy đủ để vẽ nên một đám tang mà chúng ta vẫn thường thấy ở miền Trung, đặc biệt là Huế.


Thử mượn một tấm hình trên Internet. Dùng crop để điều chỉnh sao cho phù hợp với 4 câu trên, tấm hình sẽ như thế này:



Một câu hỏi đặt ra là nhà thơ có nên dừng lại ở đây hay là tiếp tục? Nếu tiếp tục thì tiếp tục như thế nào? Nhà thơ Phạm Ngọc Lư đã tiếp tục bằng sự có mặt của một giòng sông:

Chân cầu nước ngậm ngùi trôi

Tiếng kinh tiếp dẫn bồi hồi tràng giang

Đôi bờ lưu biệt linh quan

Nước soi bóng nến hai hàng lung linh

Người không về cõi u minh

Người về bản thổ nặng tình cố hương

Từ nay mây khói vô thường

Theo người nhập thể cội nguồn nghìn xưa

Tấm hình sẽ như thế này:



Thêm một câu hỏi khác là tại sao thi sĩ lại chọn giòng sông thay vì chọn ngọn đồi, đồng cỏ, chân đèo hay con đường tỉnh lộ, con lạch hay ngoại ô thành phố như bài thơ của Phổ Đức sau đây:

vào khuya phố ngủ đèn mờ

đường heo hút gió dưới bờ cây đêm

xe đi khấp khểnh gập ghềnh

thây nằm trơ lạnh ngả nghiêng gục đầu

mặt mày nhầy nhụa mắt sâu

tay xuôi má hõm máu sầu tràn môi

về đâu khi héo cuộc đời ?

chiếc thân mệnh bạc quê người dở dang

xác vùi đâu giữa đêm tàn?

xe qua cầu nhỏ tiếng than lạc loài

công danh sự nghiệp mấy ai?

thấy gì hơn mảnh hình hài quắp co!

rũ đời trong chiếc xe bò

hỏi ai tránh được bước đò thời gian

ngoại ô sương lạnh buông màn

không gian truy niệm mây đan mưa nhòa

đường vào nghĩa địa mờ xa

xe lăn tiếng mỏi nghe mà buồn tênh!

(Phổ Đức - Xe bò đưa xác)

hay ở một xóm ăn chơi giang hồ:

Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác

Ði vào ngõ khói Công Yên

Thấy bâng khuâng lối cỏ u huyền

Hương nha phiến chập chờn mộng ảo

Bánh nghiến nhựa đang kêu xào xạo

Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe

Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề

Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực

Mưa, mưa hằng thao thức

Trong phố lội đìu hiu

Mưa, mưa tràn trên vực

Trong tối gục tiêu điều

Mang linh hồn cô liêu

Tiếng xe càng ám ảnh

Tiếng xe dần xa lánh

Khi gà đầu ô kêu.

(Văn Cao - Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc)

Ở Phổ Đức nhà thơ chọn bối cảnh là một ngoại ô trong đêm về sáng. Ở Văn Cao, là Phường Dạ Lạc. Còn ở Phạm Ngọc Lư là giòng sông. Mỗi tác giả có mỗi lối chọn lựa để mà sơn phết và gởi gắm tâm sự. Theo tôi, chỉ có giòng sông mới thật sự trọn vẹn nói lên nỗi buồn của kiếp người... Chỉ có giòng sông mới có đôi bờ sinh và tử... Bao nhiêu áng thơ văn, có áng thơ văn nào lấy ngoại ô hay một xóm ăn chơi để nói về ý nghĩa của cái bến cuối cùng của một đời người trên quả đất? Chỉ có giòng sông. Hàng triệu năm trôi qua, giòng sông vẫn vậy, con đò nhân sinh vẫn tiếp tục đón người về bên kia cõi khác... Vẫn là cuối cùng là hai chữ "không" và "về". Vẫn là "lưu" và "biệt".


Người không về cõi u minh

Người về bản thổ nặng tình cố hương



Mới và cũ


Thơ Phạm Ngọc Lư hầu hết được sáng tác theo loại thể vần niêm luật, nhất là thơ lục bát. Ngoài ra, ta còn thấy thể thơ hành (Biên cương hành, Cố lí hành), phú (Đề thơ trước mộ thanh xuân), Đường luật (Làng cũ). Thêm vào đó, anh dùng nhiều điển tích vào thơ như Tư Mã Giang Châu, Tầm Dương, Tương Như, Đằng Vương Các, Trương Chi, Tương giang, Nam Kha v.v... Trong thi tập Đan Tâm tôi chỉ tìm được hai bài thơ tự do, nhưng vẫn tuân theo âm vận đàng hoàng.


Quả đây là hiện tượng lạ. Trong khi chúng tôi đều thờ ơ quay mặt với điển tích, xem hành, phú là lỗi thời, thì anh vẫn còn giữ cái cốt cách của một nho phong hàn sĩ!


Một câu hỏi, thơ PNL là loạt thơ cũ hay mới?


Nhà phê bình văn học Lê Huy Oanh đã xem đây là hiện tượng "hình thức cũ nhưng ngôn ngữ mới".


Trong thiên khảo luận về 3 nhà thơ tiền chiến là Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương (Giai phẩm Văn l-8-1974), ông đã mang thơ Hoàng Trúc Ly và Phạm Ngọc Lư làm hai ví dụ dẫn chứng:

Trước hết là hiện tượng "hình thúc cũ nhưng ngôn ngữ mới", nghĩa là vẫn nhũng lối năm chân, bảy chân hoặc lục bát, nhưng ngôn ngữ thơ thường có vẻ rời rạc, uyển chuyển với những dụng ngữ được coi như có nhũng ý nghĩa mới hoặc được tạo cho nhũng ý nghĩa mới cùng với những hình ảnh khác lạ, thường khi xuất hiện đột ngột. Thứ ngôn ngữ mới này do đấy thường có vẻ bâng khuâng, mờ ảo chứ không rõ ràng, chân thực như ngôn ngữ xưa cũ:


Qua đây từng giọt buồn phiền

Mắt em cổ thụ thâm xuyên gọi mời

Bãi hoang cồn dựng bể khơi

Xuôi tay xin gởi miệng cười mộng du

(HOÀNG TRÚC LY, Hành Trình)


Uổng đời tôi một hòn đá vụn

rớt vô tình xuống đáy sông tan

còn nghe tiếng hú hồn lẩy bẩy

hay trên trên bờ nước xiết man man


Tội tình tôi chờ hái bụm mưa

rửa vết thương sâu ngòi lủa cháy

chiều nay ai đập vỏ chai bia

máu vọt lên giữa dòng nước xoáy (l)

PHẠM NGỌC LƯ, Rụng Tim Người


(1) Trong tập Đan Tâm không có đoạn này. Tác giả đã đánh "..." đế cho biết là thiếu một hai đoạn gì đó mà tác giả không nhớ. Có thế là đoạn này chăng?

Thật vậy, ngôn ngủ mới ấy được tìm thấy nhiều trong Đan Tâm, mặc dù hình thức thơ vẫn là cũ.


Một vài ví dụ chứng tỏ nội lực làm mới lục bát của PNL bằng những chữ rất bình dị này:


Xua em guốc mộc khua chiều

Giấu trong tà áo ít nhiều vu vơ

Anh qua cửa Phủ đúng chờ

Chiều em về muộn rêu mờ dấu chân

......

Đưa nhau ra bến sa mù

Lơ ngơ kỷ niệm chần chừ bước theo

Lòng em đẩy nhẹ mái chèo

Trôi đi... trôi với bọt bèo lòng anh

(Huế ngày về - tr. 51)


Hay có những ví von thật mới lạ và đầy phổ quát tính như thế này:

nằm mơ biển ngọt dỗ dành

tỉnh ra tâm sụ kết thành muối khô

(Sóng vỗ)

......

Tình ơi, không nặng sao chìm

Trăm năm rười rượi nằm im đáy lòng

(Huế, ngày về)

......

Phải người về Huế sáng nay?

Con tàu như nặng hơn ngày hôm qua

(Sân ga - tr. 39)


Thêm một cách làm mới khác mà tôi tìm thấy trong thơ PNL là sự cải biến con chữ.


Ví dụ:


Chén vui xin cụng môi hồng

Chén mừng chén tủi tạ lòng Trước Sau

Kể gì sớm bể chiều dâu

Tấc-Lòng-Thiên-Cổ bạc đầu chưa yên

(Tái Ngộ Tuy Hòa)

......

Chiều nay rực rỡ hoàng hôn

Đôi môi khép lại màu son hỏa hoàng

Mặn nồng đôi mắt Thời Gian

Xanh lên từng phút phai tàn ngất ngây

Giã từ thế kỷ)


Nhà thơ đã viết hoa hay bỏ gạch nối (-) những danh từ như trước sau, tấc lòng thiên cổ, thời gian. Sự biến dạng của những danh từ này giống như sự biến dạng giữa người và NGƯỜI, phật và PHẬT, chúa và CHÚA ...


Có phải đó chính là ngôn ngữ mới trong hình thức cũ như nhà phê bình văn học Lê Huy Oanh đã nhận định?

Trần Hoài Thư

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 70, Tháng 6-2016
Chủ đề: Phạm Ngọc Lư: Biên Cương Hành)