24-10-2018 | VĂN HỌC

Đẳng Cấp Thi Sĩ

  CAO THOẠI CHÂU


     Nhà thơ Phạm Cao Hoàng

Như một lần cháy nhà (hoặc bị sóng thần hay động đất), những sách báo ky cóp được trong bao nhiêu năm đã ra tro bụi hết. Lần ấy xảy ra vào năm 1975, mà sau này tôi vẫn tự trách là đã quá buông xuôi trước thời cuộc, có cả những cuốn vở ghi chép tạp nhạp về mối quan hệ của mình với văn chượng. Một bài thơ hay của một tác giả nào đó mà không cần quen hay lạ, và nhiều khi một ngày bất kỳ trở thành một ngày vui khi trên báo có một bút danh mới thấy lần đầu... làm cho tôi vơi bớt cô đơn trong sự viết lách mê mải nhưng vốn không có mối quan hệ phường hội nào với các tờ báo đăng bài của mình.


Nhớ có một lúc , trong cuốn vở học trò rộ lên những cái tên Luân Hoán, Thành Tôn, Trần Hoài Thư, Mường Mán, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Phan Thịnh, Phan Thảo Trang, Lâm Chương... là những người mới thoáng biết nhưng dường đã quen từ kiếp nào không hay mà sau đấy cũng không nhất thiết phải có một sự kết giao nào. Chúng tôi có mặt ở một nơi áo giống áo quần giống quần và đi đứng quỳ bò rập khuôn một kiểu. Nói không ngoa, những cây bút ấn tượng thuộc thế hệ làm thơ chúng tôi không vắng ai trong cuốn vở nói ở trên và khi lịch sử sang trang, thật không ngờ nó đã tan theo những sách báo trong cuộc cháy nhân tạo nói trên.


Phạm Cao Hoàng cũng cháy trong cuốn vở đó cùng với những dòng ghi theo cảm xúc của một người làm thơ mong mà không đợi một bến đậu, ngòai cái bến nanh nọc là sự buồn bã y như đã hóa thạch.! Lúc ấy, chúng tôi một chút chênh lệch tuổi nhưng là cùng một thế hệ ở thành thị miền Nam trong một dòng chảy nghiệt ngã, cùng chia sẻ với nhau về thân phận trước cuộc chiến lù lù trước mặt; những cuộc tình vì nó mà dang dở và một “cái án trời hành” là... viết!


35 năm qua rồi, bao nhiêu là cơn bão khô tràn qua rắc cắt vào trí nhớ, không còn nhớ đã ghi gì về Phạm Cao Hoàng, nhưng không quên đó là một cảm nhận rằng người đồng nghiệp này sẽ đi xa, khá xa trên con đường viết lách, được ghi vào ngày thấy tên người xuất hiện trên báo. Và lúc này đây, muờng tượng lại đó là những dòng ghi nhiễm đầy thân thiện trong cuộc chơi càng đông càng vui, càng nhiều người cùng bơi thì cuộc bơi mới thích thú vô vàn. Lúc ấy tôi mới ba mươi, còn trẻ lắm nên cũng còn nhiều kiêu hãnh, nhưng thái độ của tôi là không cho mình cái quyền “phong hàm" cho ai, chỉ coi người đó là đồng nghiệp cho sòng phẳng cả đức khiêm tốn lẫn cái quyền được đọc thơ có tâm trạng, đằm thắm và chân thật. Những lời ghi trong cuốn vở bạc mệnh kia đã có nhiều những cái tên và không phải không qua sàng lọc của một người đọc thơ chuyên nghiệp là tôi.


Phải tới gần hai năm trước đây chúng tôi mới gặp nhau qua thế giới ảo. Gặp và cũng như ngày xưa, ấn tượng về Phạm Cao Hoàng và thơ của người như một thứ thực phẩm vừa miệng cho khẩu vị của mình. Nhưng nay, khi ngồi viết những dòng này, băn tới khoăn lui vài ngày, đọc đi đọc lại mấy khi mà vẫn không tìm ra được một câu và ý mở cửa cho bài viết. Nhờ mới biết một tí về mạng, leo lên đó, gõ vài cái và thật là may tìm được một "giai điệu” của ai đó.


Người ta viết về Phạm Cao Hoàng- đúng ra là về thơ của người- như thế này: “Trước 1975, điểm nổi bật của thơ của Phạm Cao Hoàng là những xúc động đẹp, nồng nàn, và nhẹ nhàng, về những điều mà tình cảm anh nắm bắt được. Bài thơ NHỚ CÚC HOA của Phạm Cao Hoàng là một bài thơ hay, mô tả về tình cảm với đất, trời, cùng nỗi cô đơn lay lắt nhẹ nhàng của đẳng cấp thi sĩ (CTC nhấn mạnh), vốn là những tâm hồn cực kỳ mẫn cảm với đời sống” (Đoàn Thị Thư).


Thì bắt đầu từ Nhớ Cúc Hoa... Tìm ra một câu thơ tình nghe hay không khó, cái khó là câu ấy nói thế nào chứ không phải nói cái gì. Thơ tình là một biến dạng của đời sống, là đời sống như con lật đật chạy mượn cái bóng của tình yêu để núp vì sống thì cô đơn và nhiều sợ hãi. “Đôi khi đứng bên triền đá dựng / Anh hoang mang sợ núi đè mình”. Một ngọn núi, một con người, hình tượng lãng mạn, mới lạ, và độc đáo. Núi như số phận đè xuống trái tim vắng chủ. Như một sự lôi kéo người tình vào bóng núi đầy sợ hãi khi phải sống cô đơn. Thật là khêu gợi trong lòng người tình về sự hiện hữu của họ trong cõi đời mình đang sống: “ Và buồn thảm ôi những chiều lặng lẽ / Núi và anh thành hai kẻ đăm chiêu”. Núi có hồn và hai người mỗi thứ đăm chiêu một lẽ.


Thật ra thì phụ nữ không phải yêu vì được ca tụng, mà là yêu vì nhìn thấy cái chông chênh của người tỏ tình với mình, bởi trong cái chênh vênh hàm chứa một cái đẹp có sức lay động. Bốn câu thơ trích trên hay quá sức, người con gái nào kia không chỉ nhận ra vai vế của mình trong lòng chàng, cô còn cảm nhận nỗi bơ vơ của người đang có một tâm trạng. Người làm thơ nào - thậm chí ngay cả thường dân - cũng có thể giãi bày tâm trạng, nhưng giãi bày thành thơ nhiều cảm xúc như kia thì không nhiều. Đấy là “đẳng cấp thi sĩ”!


Thơ tình là một mảng bè mà tác giả của nó co ro ngồi trên như một anh sa cơ lỡ vận trắng tay trước một mối tình đã đi không quên để lại cả một mớ gian truân khổ ải cho người ngồi trên mảng bè. Cho nên thơ tình là thơ hay nhất trong cõi nhân sinh này. Phạm Cao Hoàng có những câu thơ tình bị thiết mà tráng lệ: “ Nhớ gì không hỡi con đường lá ướt / Chiều thôi mưa anh đợi anh về” Mất nhau rồi không còn ai để đợi đành cứ mẫn cán mà đợi chính mình. Bị thiết thật chứ chẳng phải chơi!


Thi sĩ có mấy ai không buồn nhưng người trần mắt thịt buồn là buồn, mọi thứ đều có logique và có thể lý giải được.

Khi đã là một thi sĩ thì có lẽ nên... buồn như “Gã Hàn Sĩ Ấy Lại Ra Đi”: “Ta đi, thôi nhé, ta đi nhé / Đưa tay ngắt một cánh hoa quì / Nghe giòng lệ ứa trong đôi mắt / Chào quê nhà nhé, thôi ta đi”, một thứ buồn đầy tính cách điệu, ra đi dửng dưng mà đầy lưu luyến, buồn nhưng phải làm cho ra lẽ một câu thơ hay!


Chúng tôi làm thơ trong một thời chinh chiến khá là buồn bã cho nên khát vọng hòa bình không kém cạnh gì với mọi người. Và Phạm Cao Hoàng đã gây sửng sốt cho tôi khiến tôi nhớ lại năm 1973 ấy, lúc đấy tôi cũng sợ lãnh nguyên một trái đạn nhiều mm vào đầu, cũng buồn đau nhìn những thôn làng bốc cháy và phải đọc những bản tin hàng ngày đầy máu và nước mắt. Sửng sốt nhận ra, ước mơ hòa bình thật quá ư dung dị (mà không được) “Và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng / Không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm / Ba giờ sáng xuống Ngã tư quốc tế / Ăn một tô mì thơm ngát bình yên”. Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình! Chỉ có thi sĩ mới nhận ra điều thật đơn giản xảy ra lúc “ba giờ sáng” một thời bom đạn như rắc cát như thế.


Trong bối cảnh bế tắc thuở đó, tình yêu càng nồng nàn và thơ chẳng qua vẫn là thơ tình với những xúc động đẹp, nhưng cái lạ ở Phạm Cao Hoàng nằm ở chỗ những cuộc tình buồn ấy rất nhẹ nhàng, không tái tê quằn quại, chẳng hề u uất bị thương, ngay cả trong những phút nhận ra bi kịch của tình yêu “Một ngày có tình nhân bên cạnh / Là một ngày sắp thấy phút ly tan”. Như là một tấm hồn mẫn cảm dự báo về những gì tha thiết, thú vị nhất của mình, mà là một dự báo buồn thì hai câu này khác chi một quy luật cho những mối tình “đẳng cấp thi sĩ”? Có cảm nghĩ Phạm Cao Hoàng nhiều mối tình (hay cuộc tình?) đẹp, lãng mạn mà thất bát vô hồi kỳ trận. Những tình yêu không tới bến mộng nào, nhưng người đọc khỏi vốn mà vẫn bốn lời: “Mèo ốm ạ, sáng nay buồn quá đỗi / Mái đời anh mưa dột lạnh hiện người” và lại còn thầm mong mái hiên người cứ dột, cứ lạnh để có những câu thơ giàu cảm xúc, uyển chuyển như dáng đi uốn lượn của mèo ốm một ngày thôi bệnh!


Chiến tranh rồi cũng hết, người được “thầm nhớ biển”, được trở lại trường, trở lại Tuy Hòa, được thăm bạn cũ... "Đã qua chưa cuộc điều tàn / Đám mây năm cũ biết tan nơi nào”. Không nơi nào cả, và mây và khói! Và dưới “Mây khói” kia vẫn là một “Quê nhà”! Mà quê hương là chỗ đẹp hơn cả!


Tân An, 2010

Cao Thoại Châu

Nguồn: THƠ Từ Cõi Nhiễu Nhương, Tập Một
Thư Ấn Quán 2010