22-07-2019 | VĂN HỌC

Ðọc “Trước khi bão lụt tràn tới, Bảo Ðại – Trần Trọng Kim và Ðế Quốc Việt Nam”

  NGUYỄN MẠNH TRINH


Giáo sư Phạm Cao Dương vừa xuất bản tác phẩm sử học “Trước khi bão lụt tràn tới, Bảo Ðại Trần Trọng Kim và Ðế Quốc Việt Nam”. Ðây là một cuốn sách viết về những trang sử đẹp của dân tộc Việt Nam. Thế mà vì thời cuộc nên lịch sử đã bị nhiều huyền thoại khiến sự nhận định bị nhìn ngắm một cách không trung thực. Giáo sư Phạm Cao Dương với tâm nguyện viết về người đẹp, việc đẹp với một tác phẩm tưởng nhớ những người thuộc thế hệ trí thức Tây Học đầu tiên của nước Việt Nam mới, còn giữ được tinh thần sĩ phu truyền thống cùng với tuổi trẻ đương thời đã đứng ra làm việc nước và đã ra đi trong nhiều oan khuất.


Ông viết về thời của Hoàng Ðế Bảo Ðại, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Nhà Nguyễn và cũng là cuối cùng của thời đại Quân Chủ Việt Nam. Mặt khác đây cũng là thời của Nội Các của nhà giáo kiêm học giả Trần Trọng Kim, một trí thức được rất đông người trong nước biết tiếng và yêu mến qua các bộ sách Giáo Khoa Thư gồm có Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư… dùng cho các bậc tiểu học và bộ Việt Nam Sử Lược – cuốn sử gối đầu giường của nhiều thế hệ người Việt rất lâu về sau này. Ðồng thời, nội các ấy cũng có nhiều người trí thức nổi tiếng đương thời đã đặt được giềng mối cho nhiều ngành chuyên môn của quốc gia Việt Nam.


Một chút sơ lược về tiểu sử Giáo sư Phạm Cao Dương. Tiến sĩ Sử học Ðại học Paris. Trước năm 1875 giảng dạy tại Ðại học Sư Phạm và Ðại Học Văn Khoa Sài Gon đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại các Ðại học Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Ðà Lạt, Cao Ðài… Ngoài việc dạy học giáo sư Phạm Cao Dương còn là Hội Viên của các Hội Ðồng Văn Hóa Giáo Dục, Hội Ðồng Quốc Gia Khảo Cứu Khoa Học và Ủy Ban Ðiền Chế Văn Tự của chính phủ VNCH.


Trong phạm vi khảo cứu, Giáo sư Phạm Cao Dương là tác giả của nhiều sách và bài nghiên cứ về lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh trong đó có tác phẩm “Vietnamese Peasants Under French Domination” do Ðại học Berkeley ấn hành năm 1985. Giáo sư Phạm Cao Dương cũng là cộng tác viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam và Ðông Nam Á của Ðại học Berkeley và Trung Tâm quốc gia Khảo Cứu Khoa Học Pháp.


Sau năm 1975 ông định cư tại Hoa Kỳ và tiếp tục trong các ngành giáo dục và nghiên cứu. Ông giảng dạy về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam Học tại các đại học UCI, UCLA, CSU Long Beach, CSU Fullerton. Ông bắt đầu đứng lớp từ năm 1961 ở VN, rồi qua Hoa Kỳ liên tục đến năm 2016 mới thực sự nghỉ hưu, tổng cộng trên nửa thế kỷ.


Tác phẩm sử học này có bố cục ba phần. Phần thứ nhất gồm 10 chương sách, với những chi tiết xác thực từ những tài liệu lịch sử liệt kê tất cả những sự kiện của một thời kỳ tuy ngắn ngủi nhưng rất đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Chân dung của Hoàng Ðế Bảo Ðại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim được nhìn ngắm với con mắt khách quan, ghi nhận từ những biến cố lịch sử để nhận định về những di sản để lại cho dân tộc Việt Nam cũng như những nhược điểm khiến cho Việt Minh cướp được chính quyền.


Phần thứ hai, Hậu Ðế Quốc Việt Nam và sự trở về với Tổ Quốc Việt Nam của xứ Nam Kỳ, là những bài viết nhằm để soi sáng và bổ khuyết cho phần thứ nhất. Có nhiều bài viết lý thú như nhận định của hai ông Hoàng Xuân Hãn và Phan Anh về Hoàng Ðế Bảo Ðại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim. Hay hai bản tuyên ngôn độc lập, một của Hoàng Ðế Bảo Ðại, một của Hồ Chí Minh. Hay bài viết về hai bài quốc ca, một của Lưu Hữu Phước một của Văn Cao…


Phần thứ ba là những tài liệu và hình ảnh về sự thu hồi, đúng hơn là sự trở về với lãnh thổ chung của tổ quốc của xứ Nam Kỳ và người dân xứ Nam Kỳ. Ba ngày đại hội lịch sử quan trọng nhất của Thủ Ðô Sài Gòn với sự hiện diện của Cựu Hoàng Bảo Ðại, coi như thành công lớn nhất và quan trọng nhất của ông.


Chính phủ Trần Trọng Kim được Hoàng Ðế Bảo Ðại thành lập sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhật đảo chính Pháp. Ðây là chính phủ đầu tiên và hợp pháp của nước Việt Nam độc lập dù thực sự vẫn chưa độc lập hẳn. Sau một thời giam dài bị Pháp đô hộ. Chính phủ này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn từ ngày 17 tháng 4 năm 1945, ngày Thủ Tướng Trần Trọng Kim đệ trình lên nhà vua danh sách các bộ trưởng, đến ngày 23 tháng 8 năm 1945, ngày Nội các họp phiên cuối cùng kể cả thời gian để các bộ trưởng qui tụ đầy đủ về Huế để tham dự phiên họp đầu tiên vào ngày 4 tháng 5 và để chính thức trình diện ngày 8 tháng 5 trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc chiến với những phương thức liên lạc và giao thông rất hạn chế lúc đương thời. Tổng cộng hơn bốn tháng, một thời gian nhiều khi không đủ để cho vị thủ tướng được chỉ định trong những điều kiện bình thường kiếm đủ người cộng tác cho nội các trong một chế độ dân chủ sau này.


Chính phủ Trần Trọng Kim thường bị những người Cộng Sản và luôn cả các tác giả các sách giáo khoa hay những nhà sử học của miền Bắc thời trước năm 1975 và sau này trên cả nước Việt Nam trực tiếp hay gián tiếp gọi là bù nhìn là Việt Gian tay sai của Nhật. Ba sử gia viết sách giáo khoa cho những năm cuối bậc trung học của chính quyền Cộng sản về sử học là Ðinh Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Minh và Trần Bá Ðệ ngoài các tiếng “bù nhìn”, “thân Nhật” còn dùng thêm những từ ngữ nặng nề như “Việt gian”, “tay sai bỉ ổi”, “giả nhân giả nghĩa”…


Các tác giả miền Nam trước 1975 hay hải ngoại thì có nhận định khác hơn, chừng mực và nhiều tài liệu chứng minh cho lý luận của mình… Như tác giả Vũ Ngự Chiêu trong tác phẩm song ngữ “The Other Side of the 1945 Revolution: The Empire of Viet Nam / Phía Bên kia Cuộc Cách Mạng 1945: Ðế Quốc Việt Nam”. Hay tác giả Lê Xuân Khoa qua tác phẩm “Viet Nam, Chiến Tranh, Tị Nạn, Bài Học Lịch Sử”…


Ngót bảy mươi năm đã qua đi, đã đến lúc lịch sử phải được nhận định lại rõ ràng hơn và bản chất và vai trò của những nhân vật lịch sử như Hoàng Ðế Bảo Ðại và Thủ Tướng Trần Trọng Kim cùng những nhân vật cộng tác trong chính phủ được nhìn ngắm trung thực hơn. Tinh thần yêu nước cũng như những thành quả dù hạn chế cũng phải được soi tỏ khách quan chân thật hơn. Ðây là những nhận thức căn bản cần thiết mà những người muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam hiện đại cần phải có trước khi nhận định về biến cố tiếp theo là Cách Mạng Tháng 8 hay Việt Minh cướp chính quyền năm 1945. sau đó là hai Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập được chính thức công bố của Hoàng Ðế Bảo Ðại và Hồ Chí Minh…


Hoàng Ðề Bảo Ðại ban hành Dụ Số 1 coi như bước đầu tiên tới dân chủ nhân quyền với khẩu hiệu Dân Vi Quý. Nguyên văn như sau:

“Nước Nhật muốn hoàn toàn thực hiện chương trình xây nền thịnh vượng chung ở Ðại Ðông Á đã giải phóng cho nước Nam ta và trẫm tuyên bố độc lập rồi.


Nay Trẫm có trách nhiệm đối với lịch sử và nhân dân, nên tự cầm lấy quyền để bảo vệ quyền lợi cho Tổ Quốc và giáng dụ rằng:


1- Chế độ chính trị từ nay căn cứ vào khẩu hiệu Dân Vi Quý.

2- Trong chính giới sẽ chiêu tập các nhân tài đích đáng để chỉnh đốn lại nền tảng quốc gia cho xứng đáng là một nước độc lập chân chính có thể hợp tác với Ðại Nhật Bản trong công cuộc kiến thiết Ðại Ðông Á.

3- Trẫm sẽ tái định và tuyên bố các cơ quan chính trị để ban hành những phương pháp hợp với nguyện vọng của Quốc dân


Khâm Thử

Phụng ngự ký: Bảo Ðại.”

Dụ Số 1 đã được ban hành mở đầu cho chương trình dân chủ hóa đất nước sau này. Ðây là quyết định và hành động tích cực đầu tiên mà Vua Bảo Ðại đã làm nhằm mục đích hướng tới một nước Việt Nam mới. Nó đã được toàn thể quốc dân hoan nghênh và tạo được sự cộng tác của các người yêu nước.


Nhận xét về Hoàng đế Bảo Ðại, giáo sư PhạmCao Dương viết:

“Tưởng nên để ý là Bảo Ðại lúc đó có vị thế của người cầm quyền tối cao, có sứ mạng, có trách nhiệm lại là người có căn bản học vấn về chính trị học mà ông đã hấp thụ được ở một học viện chính trị học danh tiếng ở thủ đô Paris, đã có nhiều kinh nghiệm với người Pháp trước đó nên ông hiểu cái thế phải làm, điều cần phải làm” giữ lấy nền độc lập cho quốc gia và thực hiện nền thống nhất đất nước” – chưa kể tới hiểm họa của một chế độ quân phiệt do quân đội ngoại quốc lập ra trên đất nước mình là như thế nào. Cái nhìn của ông khác với cái nhìn của những nhà tranh đấu bình thường, những người chủ trương cách mạng, nhất là cách mạng bằng vạo lực, hay là của những người làm chính trị khác ở thời điểm này và còn kéo dài nhiều năm nữa. Ðộc lập đối với những vị này phải là độc lập hoàn toàn và tức khắc, không thể có giai đoạn chuyển tiếp để nắm bắt thời cơ, không thể tiếp nhận một phần độc lập khi không làm hơn được rồi từ từ hoàn tất. Cái éo le là Trần Trọng Kim và những người tham gia nội các của ông cũng vậy. Bình thường không ai dại gì ra lãnh trách nhiệm khi biết tất cả chỉ là tạm thời là chuyển tiếp và có thể bị hy sinh hay ít ra là mang tiếng thân Nhật, vào lúc người nào cũng biết là người Nhật sắp thua trận, là sự chiếm đóng của người Nhật chỉ là tạm thời, như cả vua Bảo Ðại và thủ tướng Trần Trọng Kim đều nói, nhưng họ vẫn phải chấp nhận. Sự chấp nhận một cách bất đắc dĩ ở thời điểm tháng tư năm 1945 này chắc chắn là phát xuất từ tinh thần truyền thống, tinh thần trách nhiệm, tinh thần của kẻ sĩ, của giới sĩ phu Nho học với quan niệm “quốc gia hưng vong sĩ phu hữu trách” còn sót lại của thời xưa không còn nguyên nhân nào khác. Xin được nhắc lại.”

Từ nội các Phạm Quỳnh đến chính phủ Trần Trọng Kim. Quốc gia Việt Nam đã có một con đường mới, một tinh thần mới. Nhà vua đã lựa chọn Thủ Tướng Trần Trọng Kim trong 14 nhân vật sau khi giải pháp chọn ông Ngô Ðình Diệm bất thành. Chính phủ gồm có một Thủ Tướng với danh xưng Nội Các Tổng Trưởng cùng với 10 bộ trưởng gồm hai người là nhà giáo, bốn người là y sĩ, bốn người là luật sư và một người là kỹ sư. Về bản chất của chính phủ Trần trọng Kim.


Khi được hỏi chính phủ này có phải là “bù nhìn” không, Bộ trưởng Phan Anh khẳng định: “lấy tư cách là thành viên của chính phủ Trần Trọng Kim tôi nói với ông rằng chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi họp tác với Nhật. Có những người điên nhưng chúng tôi là trí thức chúng tôi tham gia chính phủ để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi thành lập chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói. Ðuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập.”


Nhận định về chân dung thủ tướng Trần Trong Kim, luật sư Trần Thanh Hiệp viết:

“Chính khách họ Trần, thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam – theo nghĩa hiện đại của danh xưng – không phải là người làm chính trị chuyên nghiệp. Ông chỉ là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, thuộc những người trí thức Tây học nhưng thấm nhuần tinh thần Nho giáo. Vì thế ông không có xu hướng cách mạng bạo động chỉ muốn ôn hòa thực hiện ngay những cải cách mà thực trạng đất nước cho phép. Khi thấy Việt Minh xách động dân chúng giành chính quyền đồng thời ông lại thất bại trong mấy lần vận động hợp tác với Việt Minh để thành lập một chính quyền mới trong liên tục quốc gia. Ông đã trí tình lùi bước để cho Việt Minh nhận trách nhiệm trước lịch sử. Chẳng những vậy ông đã từ khước không nhận lời đề nghị của người Nhật, nếu ông chính thức yêu cầu họ có thể tiếp tay với chính phu ông chống nổi loạn bảo vệ trật tự. Ứng xử của ông trước chính biến mùa thu 1945 là ứng xử của một kẻ sĩ khi thấy làm được việc gì thì đứng ra gánh vác khi thấy không làm được thì lui về ở ẩn.”

Giáo sư Phạm cao Dương cũng có nhận định cho rằng vua Bảo Ðại cũng vậy. Nhà vua không tha thiết gì với ngai vàng sau “hai mươi năm ở ngôi đã trải qua bao điều cay đắng” mà “không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước” Vì vậy thay vì nói tới khoảng trống quyền lực người ta chỉ nên nói tới những cái ghế sẵn sàng được bỏ trống để cho Hồ Chí Minh và Việt Minh dễ dàng ngồi vào thì đúng hơn.” Có điều sau này sự kiện vua Bảo Ðại và Thủ tướng Trần Trọng Kim đã đứng lên nhường ghế đã phần nào được nhà vua cho là vì “già trẻ bị mắc lừa bọn du côn” theo lời ông nói vói Trần Trọng Kim khi hai người gặp nhau ở Hương Cảng.


Với những di sản tệ hại của thời Pháp và phần nào Nhật Thuộc và do tình hình phức tạp của những tháng cuối cùng của Ðệ Nhị Thế Chiến, sau sự thất bại của người Nhật đã gần kề, đặc biệt là những hoạt động tuyên truyền phá hoại của Ðảng Cộng Sản ẩn sau Mặt Trận Việt Minh, ngay từ lúc ban đầu Chính Phủ Trần Trọng Kim đã phải đối phó với nhiều khó khăn không dễ dàng vượt nổi. Vì nhu cầu quân sự và chính trị, người Nhật vẫn nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị. Hơn nữa, chính phủ vẫn thiếu nhân sự cần thiết để điều hành quốc gia theo ý thức tự chủ mà chính quyền mới dành được. Cũng như các phương tiện để làm việc lại rất thiếu thốn ở trong những ngày làm việc và hoạt động nên kết quả chỉ trong mức giới hạn. Thêm nữa có sự phá hoại của Việt Minh, gây chia rẽ trong nội bộ và tuyên truyền trong dân chúng với chủ đích của Cộng sản là lăm le cướp chính quyền. Về mặt nội an, không có lực lượng bảo vệ. Các lực lượng an ninh trung uong cũng như địa phương quá yếu lém không thể đảm đương gánh nặng trong một thời thế đầy biến động. Thời gian hoạt động của chính phủ quá ngắn nên kết quả chưa nhiều.


Giáo sư Phạm Cao Dương nhận định một cách tổng quát:

“Người ta có thể nói rằng vượt qua tất cả mọi khó khăn và chỉ trong vòng bốn tháng trên lý thuyết và hơn ba tháng trên thực tế, chính phủ Trần Trọng Kim đã vạch được những mục tiêu và chương trình hành động có thể nói là cụ thể và thực tế để đối phó với hoàn cảnh đương thời. Từ những việc làm có tính cách tượng trưng nhằm biểu lộ tinh thần quốc gia độc lập và thống nhất như đổi quốc ca, quốc hiệu, lựa chọn quốc kỳ, duyệt lại quốc ca… người ta có thể chú trọng đến những việc làm cấp thời như cứu đói, thay thế một số quan lại tham nhũng… hay lâu dài hơn như lấy lại xứ Nam Kỳ và các thành phố đã nhượng cho người Pháp cho lãnh thổ quốc gia thu hồi quyền quản trị hành chánh bắt các quan lại ở các tỉnh phải trực tiếp liên lạc với chính phủ Việt Nam và cấm họ không được liên lạc trực tiếp với người Nhật như họ vẫn liên lạc với người Pháp trước kia mà phải qua cấp trên người Việt của họ, Việt Nam hóa nền giáo dục, cải tổ thuế má, thiết lập tư pháp, vận động thanh niên sinh viên và cả quần chúng tham gia sinh hoạt chính trị, xã hội lập các hội đồng tư vấn địa phương và vận dụng mọi khả năng để thực hiện một mục tiêu xa hơn nữa là dân chủ mà chính Vua Bảo Ðại đã nhắm tới qua khẩu hiệu “Dân Vi Quý” của ông như triệu tập quốc hội, và soạn thảo hiến pháp. Những thành quả này đã được báo chí đương thời ca ngợi và hưởng ứng và các tài liệu, báo chí, sách vở của phía không Cộng sản đều nhắc đến với nhiều thiện cảm…”

Cộng sản đã nhận định như thế nào về chính phủ Trần Trọng Kim? Có phải là một vu cáo lịch sử trắng trợn? Trong tác phẩm của mình, Trường Chinh viết: “Tháng tám năm 1945 bị Quân Ðội Xô Viết đánh bại phát xít Nhật đầu hàng không điều kiện. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Ðông Dương mà đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt Trận Việt Minh cùng toàn thể nhân dân Việt Nam tổng khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật thiết lập chính quyền nhân dân trong toàn quốc.”


Chỉ trong hai câu mà chứa đựng những sai lầm để bóp méo lịch sử. Nhật Bản không bị quân đội Nga Xô Viết đánh bại mà phải đầu hàng Hoa Kỳ vô điều kiện vì hai trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Thứ hai là cuộc biểu tình ngày 17 tháng 8 năm 1945 không phải do Việt Minh tổ chức mà là của Tổng Hội Công Chức nhằm ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim vào lúc Nhật đã đầu hàng. Việt Minh chỉ lợi dụng sơ hở của ban tổ chức để làm một việc là cướp ngang cuộc biểu tình này rồi sau đó mới cướp chính quyền mà thôi.


Nội các Trần Trọng Kim từ nhiệm đã xảy ra một cách bất ngờ không phải do tình hình nghiêm trọng đòi hỏi mà vì rạn nứt nội bộ do những thành phần thân Việt Minh nằm vùng hay bị ảnh hưởng tuyên truyền của Việt Minh gây ra và đòi hỏi. Tất cả nằm trong chủ trương của những người này ngay từ đầu. Người trực tiếp đứng đằng sau họ là Tôn Quang Phiệt và những người thực thi là Tổng Lý Phạm Khắc Hòe và 3 bộ trưởng Hồ Tá Khanh, Trần Ðình Nam và Nguyễn Hữu Thí. Hoàng đế Bảo Ðại nói với Thủ Tướng Trần Trọng Kim: “Ông đang làm được việc, sao lại xin thôi và ông htôi thì lấy ai thay thế? Hồ tá Khanh và Trần Ðình Nam đề nghị Nội các rút lui nhường chỗ cho Việt Minh. Nhưng sau này, Hồ Tá Khanh lại than thở:

“Tôi lầm rằng Hồ Chí Minh vẫn là Nguyễn Ái Quốc chắc cũng nghĩ như tôi muc đích là giải phóng đất nước, thuyết Mác-Xít chỉ là phương tiện. Vì e ngại quân Pháp trở lại, sự hợp nhất mọi lực lượng quốc gia là điều cần thiết và Hồ Chí Minh phải tạo dựng ra cuộc liên hiệp (Mặt trận Việt Minh phổ biến tư tưởng ấy). Tôi chuẩn bị lần lần cuộc nắm quyền cho Hồ Chí Minh và ông ta sẽ tiêu biểu cho tinh thần quốc gia… Than ôi! Ảo vọng! Tôi đã lầm một cách đau đớn. Tôi có một phần trách nhiệm vì nhận định sai lầm về bọn môn đệ của Xít ta lin và về Hồ Chí Minh. Tôi xin thú nhận…”

Giáo sư Phạm Cao Dương viết: “Trong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng đế Bảo Ðại và lần thứ hai vào ngày 2 tháng 8 năm 1945 bởi Chủ tịch lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh. Hai lần cả thảy nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh mà không biết hay không học bản tuyên ngôn của Vua Bảo Ðại. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn…”


Bản tuyên ngôn của Vua Bảo Ðại nhằm ba mục tiêu chính yếu là hủy bỏ một hòa ước Triều đình Huế đã ký với pháp tuyên bố Việt Nam độc lập đứng vào khố Ðại Ðông á trong chương trình phát triển chung đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào “lòng thành” của nước Nhật. Bản tuyên ngôn có nội dung:


“Cứ tình hình chung trong thiên hạ tình thế riêng cõi Ðông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này điều ước bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập.


Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Ðại Ðông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.


Vậy chính phủ Việt nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhatä đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.”


Còn bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh thì tuy là lời kêu gọi cả nước nhưng thực chất là nhắm vào các nước đồng minh đang sắp đổ quân vào để giải giới quân Nhật. Mở đầu Hồ Chí Minh đã trích dẫn một số câu trong phần đầu của Bản Tuyên Ngôn Ðộc lập của Hoa Kỳ và một câu trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của cách mạng Pháp.


Những nhà viết sử ở trong nước đã bóp méo lịch sử, cố ý bỏ quên những chi tiết không có lợi cho phía Cộng sản để tạo dựng lịch sử mới theo quan niệm Mác Xít. Nhà viết sử Hà Văn Tấn trong một bản tham luận đã viết và chỉ trích các nhà sử học Hà Nội là đã mắc bệnh thiên lêch do đó đã bỏ qua nhiều sự kiện lịch sử. Liên hệ tới sự thực và sử học, sử gia Trần Quốc Vượng trong các bài viết như “Trong Cõi”, “Những Ý Kiến Về Lịch Sử, Truyền Thống và Hiện Trạng Dân Tộc của một Sử Gia Trong Nước” cũng phê phán lối viết sử theo chủ nghĩa Mác lê Nin khiến lịch sử bị sai lạc. Những nhân vật lịch sử như vua Bảo Ðại, Thủ Tướng trần Trọng Kim… cũng bị cái nhãn quan Mác Xít tạo dựng thành những nhân vật sai lạc theo ý của chính quyền Cộng sản.


Ðọc một cuốn sách gần 800 trang trong một bài viết là một công việc vô cùng khó khăn. Tâm thành với lịch sử và kiên nhẫn đi tìm tài liệu trong suốt một thời gian dài để có một tác phẩm xúc tích đầy đủ như ước nguyện của một người dạy sử và viết sử, cá nhân tôi sau khi đọc xong đã cảm thấy điều đó và tự nhủ sẽ phải đọc lại để tìm cho được nhựng điều mà không phải chỉ có giáo sư Phạm Cao Dương để ý tới mà còn có tất cả chúng ta…


Nguyễn Mạnh Trinh

Nguồn: sangtao.org