Chúng tôi đã ngạc nhiên khi nhà văn Nguyễn Văn Sâm nhắn hỏi cảm tưởng về những truyện ngắn trong tập Quê Huong Vụn Vỡ sắp xuất-bản, vì sau những Câu Hò Vân Tiên (1985), Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987) và Khói Sóng Trên Sông (2000), học giả Nguyễn Văn Sâm đã trở về nguồn văn-hóa dân-tộc với những tác-phẩm chữ Nôm, chữ Hán và văn-học Nam-kỳ lục-tỉnh cũng như đã biên tập cuốn tự điển của Huình Tịnh Của có thể tra cứu on-line.
Với tập Quê Huưng Vụn Vỡ, nhà văn Nguyễn Văn Sâm trở lại thể-loại truyện ngắn, phải chăng vì những thôi thúc khác về quê hương đất nước và thân phận người Việt nơi quê nhà và ở chốn tha hương? Tập truyện gồm những truyện ngắn về hai chủ đề chính của văn-học hải-ngoại vốn là quê người và quê nhà, và ở Nguyễn Văn Sâm, nền quá khứ và hiện thực được chăm chút pha trộn như những mảnh tâm sự hay hồi ức. Như với mỗi người Việt chúng ta đã rời quê-hương sống đời lưư xứ, quê nhà đã và luôn vẫn trở về, ít ra là trong tâm trí, có khi là tưởng tiếc, trăn trở, có khi lại là những viên gạch làm nền cho đời sống mới. Và cũng có những cuộc hồi hương để sống lại, để nhận chân hay chỉ đơn thuần làm một cử chỉ gì đó nhỏ nhoi cho bạn bè, thân quyến hay hàng xóm làng cũ ngày xưa. Trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm, hai chủ đề quê người và quê nhà không tách biệt hẳn hòi mà ở mỗi truyện đều có những mảnh đời xưa nay trở đi trở lại, như lòng người mấy khi rạch ròi, tách bạch! Có thể nói Quê Hương Vụn Vỡ đã là những mảnh quá-khứ riêng, của tác-giả, và cũng có thể của chung, của người đọc.
Thật vậy, Quê Hương Vụn Vỡ đưa người đọc trở về với quê-hương đất nước, về thời quá vãng hoặc gần gũi, ở một miền Nam đất Việt, với những câu chuyện về những tình huống đặc biệt tác giả không thể quên hoặc những cảnh sắc đã ăn sâu trong ký ức. Như cảnh đi hốt thuốc ở nhà thuốc Ông Tạ, đi xe thổ mộ. Như những ngôi chùa thuở ấu thời với những kỷ niệm về cái cốc của sư bác, về lời giảng dạy hành phải đi với hạnh Bồ Tát. Hay chuyện ông Sáu Hấu, người quét mộ cụ Phan Thanh Giản ở Ba Tri, Bến Tre – dọn dẹp, quét mộ đã là một cách sống cho phải đạo. Có những chuyện lùi lại những thời thực dân “mã thầu dậu” ở Chợ Lớn, thời Nhựt Bổn, dĩa hát Asia, những tên khu xóm một thời người nay chưa chắc đã nghe qua, hoặc không khí sinh hoạt một thời đã xa, v.v. Đây đó là những tình mẹ bao la, tình cha đôn hậu, những con người chân chất, bình dân, những người lính, thương phế binh, người bán vé số, v.v. với đủ cá tính xấu tốt.
Quê-hương còn là âm vang của những nói thơ, ca vè (như bài Dạy Con Về Nhà Chồng do Cô Tư Sạn ca), và những tiếng rao bán chó, bán đủ thứ tạp lục, cả những tiếng chửi thề trong những khu xóm (như của bà Hương: “Sồn sồn người nhưng du dương giọng, bà Hương có tiếng chửi không khác mấy tiếng hát ru em trưa nắng, mùi mẫn như bài ca dạ cổ hoài lang từ phu tướng lên đường, đã điếu còn hơn nghe mấy con nhỏ xóm dưới kéo vuốt lên cao ngất, nhọn lễu như kim chích nhè nhẹ, nhột nhột vô tim, lăn tăn tới từng sợi dây thần kinh trên khắp cùng thân thể, mấy tiếng chót của một câu hò ruột”).
Mặt khác, quê-hương theo người sống đời lưu xứ mà dân số tị nạn, lưu vong đó sau mấy thập niên nay rơi vào tình huống lão hóa, cao niên. Đời sống ở xứ người, lại thân già, tình cảnh có buồn có vui nhưng phần lớn hiu quạnh, lúc nào cũng thắc thỏm như thiếu thốn, chưa trọn vẹn. Nguyễn Văn Sâm đưa người đọc đến những nhà Dưỡng lão, những bệnh viện, có cả chuyện đi du thuyền (nhưng một chuyện tình và vài mảng quá-khứ lịch-sử được lồng vào), chuyện đam mê viết lách trong khi bệnh nặng không nghe lời bạn khuyên phải thanh thản, buông xã, v.v. Với những triết lý già thể lý với 'lòng sợ chết', chuyện sống chết của người thân, bè bạn, ...Và với tuổi đời, tác-giả không thể không đụng đến đạo lý. Tuổi già nhìn lại cuộc đời nhận ra cái Mê lớn nhỏ đã làm hại con người ta, ngay cả với người tu hành. Rồi những chấp mê hình tướng (kỳ thị không cho con gái lấy người Việt như A Chệt, cha của A Lìn), những phân biệt giai cấp, giàu nghèo, v.v.
Truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm còn gần gũi thời sự với những chuyện tranh chấp biển đất của Trung-quốc, khiến những hố chưn voi chia cắt những người Hoa Việt sống chung từ nhiều đời (Những hố chưn voi trong lòng người). Hay chuyện người Hoa chế biến thực phẩm, dầu mè ra sao (Chuyện đổi chó), chuyện hóa chất, chuyện đẻ mướn, chuyện 'tàu lạ' hoành hành ngoài khơi, v.v. đã xảy ra từ thuở xa xưa rồi! Không lạ, nhưng khi đặt đặt để trong chuyện, thì lạ lẫm hơn bình thường!
Tất cả nếu không đã vụn vỡ tan nát thì cũng có thể là những vụn vỡ còn sót lại, nơi quê nhà, trong tâm tưởng, ở tác-giả (và ở cả người đọc). Tất cả là những tình cảnh đất nước và con người Việt Nam qua những biến cố lịch-sử và chiến-tranh và, vẫn chưa chấm dứt! Trong những truyện về đời sống hội nhập ở xứ người, ông cũng tỏ ra hụt hẫng, ngập ngừng - như nhân vật của ông, trước một số tình cảnh; đó có thể cũng là tình cảnh chung của tất cả người Việt xa xứ! Giữa những chuyện tan nát, đổi đời đỏ đen, sinh lão bệnh tử là những cảnh tượng, tâm tình thật đẹp, thật lục-tỉnh, sẽ ở lại rất lâu với người đọc với những truyện như Quê Hương Mình, Như Nước Trong Nguồn!
Quê Hương Vụn Vỡ đưa người đọc đến với một ngôn ngữ "miệt vườn" đặc biệt. Nguyễn Văn Sâm sử dụng nhiều tiếng đặc "miệt vườn", những phương ngữ làm nên cái duyên của miền Nam lục tỉnh: một lúc hèn lâu, 'quần hoè họ', nói tấn ơn, phủi đít cái rẹt, độ chừng ăn dập bả trầu, lặng trang, vóc dáng liền lạc chắc cứng, từ trước nhẫn nay,… Ông dùng nhiều từ láy: bự xộn, lẽo lự,... Chất Nam "lục tỉnh" còn thể hiện trong cách dùng chữ, trong văn phong cách viết, trong miêu tả nhân vật và tỏ lộ tâm tình. Các truyện đầy hình ảnh, so sánh: ông bà già cúp bình thiếc, sợi gân xanh hình chữ Y nổi lên như cọng rau muống già, … Ở cách đặt tên nhân-vật : Năm Đơ, Ba Gan, Tư Chịu, Tư Cụt, Út Chột, hay thằng Đẹt, thằng Hai Biệt Động Quân, thằng Ba du kích, con Út vượt biên, v.v. Ở Nguyễn Văn Sâm nét đặc thù còn ở chỗ thơ văn Nam-kỳ lục-tỉnh, xưa và nay, được khéo léo thêm vào theo mạch văn.
Cái duyên lục-tỉnh của Nguyễn Văn Sâm nói chung ở chữ dùng tự nhiên, trơn tuột, thân mật, không quá văn-chương hoa hoè, áp đặt mất tự nhiên. Đôi chỗ sai chính tả nhưng trung thành theo phát âm của nhân-vật khiến thêm duyên dáng và nét chân thật. Nói chung, văn chương Nguyễn Văn Sâm tưởng chừng theo truyền thống viết-như-nói, nhưng đã biến đổi, phần nào pha chế và đa dạng thêm với thời-gian.
Quê Hương Vụn Vỡ nói chung là không khí chữ nghĩa, là tấm lòng của tác giả mà ngay trong «Bài Thơ thay lời tựa: Nói với đứa cháu nhỏ mới sanh», tác-giả đã góm ghém tâm sự khi sáng-tác những truyện ngắn mới này. Và với chúng tôi, một người đọc, ngạc nhiên lúc đầu đã được đền bù xứng đáng!
Montréal, 17-09-2011