Nhà văn Nguyễn Thụy Long
(9.8.1938 - 3.9.2009)
Tôi, Nguyễn Thụy Long, là cộng tác viên với Khởi Hành từ nhiều năm nay. Tờ báo cũng đã xuất bản ở trong nước trước năm 1975 tôi cũng đã từng công tác, mến tờ báo và quí người chủ trương có nhiệt tình với văn nghệ. Người chủ trương đã mang lòng nhiệt huyết đó ra nước ngoài và cũng đã được độc giả tiếp nhận.
Tôi một người viết văn, làm báo từ chế độ Cộng Hòa bị kẹt lại trên quê hương suốt 30 năm nay, đã phải nhận đủ mùi tân khổ trên đất nước này, cái khổ nhất cho một người cầm bút là bị hạn chế, cấm cản trong sáng tác, nghĩa là mất tự do khi cầm cây bút, nhiều người đã phải gác bút, trong đó có cả tôi đã phải tự gác bút trong một thời gian dài, trong khi xung quanh chúng tôi có bao nhiêu đề tài hấp dẫn do thời thế, do chế độ sản sinh ra, chúng tôi muốn cầm lại cây bút để nói lên, phản ảnh trung thực đời sống Việt Nam trong mọi lĩnh vực, để tố cáo những hành vi, những khốn quẫn áp đặt lên thân phận đồng bào tôi, và cũng để cười chơi cho đỡ chán đời, tôi cũng hiểu nghề cầm bút phải đi đôi với cái dũng, im lặng đó nhưng không phải không có gì.
Những người cầm bút thuộc chế độ cũ Cộng Hoà, nếu không tìm cách hợp tác với chế độ mới đều bị coi là kẻ thù, thuộc thành phần phản động, chúng tôi hiểu như thế. Sau ngày miền Nam bị giải phóng chúng tôi thường lén làm những bài thơ, những mẫu đời biến thành truyện ngắn, tạp ghi, kể cho nhau nghe, nghĩa là viết văn bằng mồm, gọi là viết "chui", như những câu thơ câu vè, những chuyện tiếu lâm biến thành chuyện dân gian. Tôi ao ước những sáng tác ấy được thể hiện trên giấy. Nghĩa là nhà văn có tự do sáng tác và được phổ biến tới độc giả, không nằm trong một khuôn phép nào ngoài lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, như trước đây chúng tôi đã làm.
Bây giờ chúng tôi lại làm thế trong chế độ mới bị khép là có tội với "nhân dân", những sáng tác "ngoài luồng" chỉ định, là phản động, có thể bị ở tù, và đã có những anh em chúng tôi đã bị nằm tù rồi. Chúng tôi là người nằm trong chăn mới biết chăn có rận, không phải những báo cáo rằng trong đất nước tôi đang sống cái gì cũng đẹp, cũng tốt, đầy tính nhân văn, nhân bản. Nhà cầm quyền làm bất cứ việc gì, ra bất cứ chỉ thị nào, họ luôn miệng tuyên truyền với thế giới rằng được nhân dân đồng tình ủng hộ (!) và họ sẵn sàng đàn áp và khủng bố những ai dám lên tiếng phản đối chính sách của họ.
Chúng tôi phải làm gì để lấy lại sự tự do cho dân tộc mình những người đã chịu bao nhiêu sự uất ức khốn khổ cuả một chế độ bần cùng hoá nhân dân, biến người dân thành nô lệ, cúi đầu phục tùng, dùng quyền lực của mình để đặt ra những luật, nghị định nọ, nghị quyết kia buộc người dân nằm trong vòng kềm toả để họ dễ bề cai trị, nhân danh luật pháp chèn ép người dân, lấy của cải, tài sản của nhân dân để chia chác và làm giàu với nhau, trong khi đó đồng bào ta phải sống rất khổ, dưới mức nghèo khổ, văn chương và báo chí thì tuyên truyền nói tốt cho chế độ, người có lương tâm không thể im lặng mãi được, hoặc làm ngơ trước những dối trá ấy, mà phải phẫn nộ, nạn tham nhũng, hối lộ bóc lột người dân.
Đến tôn giáo, quyền làm người, tự do tư tưởng, pháp luật đều bị xâm phạm thô bạo mà không muốn ai nói đến, nghĩa là có tự do "nướng con đỏ trên ngọn lửa hung tàn.” Người cầm bút chúng tôi vẫn mong mỏi có ngày được ca tụng quê hương giầu đẹp và thanh bình để người dân được có một cuộc sống dễ thở hơn, có tự do hơn như mọi dân tộc khác trên trên thế giới, nhưng chuyện ấy phải có thật, không phải điều giả dối.
Điều đó đã thôi thúc tôi hãy cầm lại bút, để viết, sáng tác dành lấy quyền tự do cho chính mình và cho đồng bào tôi đang chịu nhiều đau khổ. Dĩ nhiên những sáng tác ấy ra đời không thể phù hợp với chế độ tôi hiện đang sống, nói chi đến xuất bản, không một tờ báo nào, một nhà xuất bản nào trong nước nhận in, phát hành những tác phẩm ấy, thò ra là đã mất an ninh cho bản thân rồi.
Những bài viết của tôi nằm xếp xó. Tôi lặng lẽ làm việc cô đơn trên căn gác bút của tôi, đó là thú vui trong những tháng năm nhàm chán. Mãi sau khi liên lạc được với anh em, bạn bè tôi mới biết ở hải ngoại có xuất bản những tờ báo của người Việt để duy trì ngôn ngữ, nét văn hóa Việt Nam do bạn bè đồng nghiệp tôi chủ trương, quen có và không quen cũng có, phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, giữ lấy cái hồn dân tộc Việt, người Việt phải mang hồn Việt.
Những bạn bè tôi, những người thân thuộc cổ vũ tôi viết và giúp gửi bài ra nước ngoài, nhưng đồng thời cũng lo lắng cho an ninh bản thân tôi ở trong nước. Điều này thì tôi biết, nhiều anh em đồng nghiệp của tôi còn lại trên quê hương từng bị tù tội, bị tuyên án vì dám làm việc ấy, liên lạc với người nước ngoài, những tội lỗi mà chúng tôi phải mang, bị bôi nhọ danh dự một cách rẻ tiền nào đó như ở chốn kẻ chợ, nghe chướng vô cùng.
Chúng tôi nhẫn nhịn sống, sống để ghi nhận và để sáng tác, hiện tại tôi không bị quản chế, nhưng họ vẫn thường xuyên giám sát theo dõi tôi, quản chế theo hình thức gián tiếp. Trong ba mươi năm qua là những kinh nghiệm sống, là tư liệu cho cuộc đời của những người cầm bút chúng tôi. Tôi mong ước muốn được tự do của chúng tôi phải được đồng bào hải ngoại nghe thấy, đời sống của những con người không được may mắn như các bạn, chúng tôi sống trên đất nước thanh bình mà gặp nhiều bất trắc, điêu linh quá.
Trong những tờ báo tôi gửi bài đến có tạp chí Khởi Hành, chúng tôi đã nối lại mối dây quan hệ, tiếp tục chung sức với ban biên tập, chủ nhiệm là Viên Linh và cùng với tất cả các anh em văn nghệ cộng tác viết bài để phục vụ độc giả đã bao nhiêu năm gắn bó, dành nhiều cảm tình cho tạp chí là điều tôi cảm thấy vui vì Khởi Hành ngày càng có nhiều bạn văn nghệ sĩ cộng tác viết bài không kể các anh em nhà văn, nhà thơ cũ, và có thêm động độc giả, những độc giả cũ có và mới có, điều này làm tôi vô cùng cảm động.
Chúng tôi là những nhà văn, nhà báo, nhà thơ hoặc những nghệ sĩ được độc giả nhớ đến, không bị quên, cũng không bị bỏ rơi. Và riêng tôi, sự quan tâm của độc giả hải ngoại, tôi tin rằng mình không còn cô độc nữa, tôi không bị cố tình làm quên đi như ở trong nước, thậm chí có người anh em nhà văn nhà thơ thuộc chế độ cũ qua đời cũng bị quên đi, hay làm cho độc giả của họ một thời quên đi, một sự kỳ thị nhỏ nhen rõ ra mặt. Tôi trở nên hăng hái sáng tác, nhất là về thân phận những con người Việt Nam suốt mấy chục năm qua ở trong nước. Rất cám ơn tấm thịnh tình của bằng hữu và độc giả dành cho tôi, cám ơn Khởi Hành đã đăng tải những bài viết của tôi để được đến tay độc giả và nhất là cám ơn Viên Linh thay tôi chuyển những lời bộc bạch của tôi đến với các bạn nhân ngày kỷ niệm mười năm của tờ báo, xin cám ơn tất cả các bạn có mặt trong buổi họp mặt này.
Nguyễn Thụy Long
Sài Gòn, tháng 10.05