Cái đó, cái mà cho đến hôm nay, chưa một vị thiện- trí-thức, chưa một vị bồ-tát nào mô tả được hình tướng, xác định được thể chất, cái đó có thể giản dị như mưa và nắng, hiện hữu rất tự nhiên -mặt trời lại mọc lúc đêm tàn- nhưng cũng lại có thể vô cùng phức tạp, ẩn hiện vô lường... (1)
Cái đó của Vũ Khắc Khoan thường hay hiện về trong tôi như một hiển linh, một hiện diện. Nhưng càng hiện diện bao nhiêu, "nó" lại càng "tuyệt mù" chừng ấy. Có lẽ trong văn chương ta, trừ Vũ Khắc Khoan ít người chú ý đến "cái đó". Phải vậy mà ta ít khi có văn chương đích thục chăng?
Tòi đã từng đọc truyện của Thanh Bình, trong truyện cửa Thanh Bình tôi chưa bắt gặp cái đó. Hôm nay, được đọc thơ của Thanh Bình (2). Tôi thích. Dường như trong thơ, Thanh Bình đang đi tìm cái đó.
Đêm rủ nhau nằm bên sương cỏ
Trái đất thơm da thịt ướt mềm
Có phải tình nào cũng như gió
Càng thổi cho đầy dập tắt thêm.
Có và Không cùng một lúc. Hỏi đấy. Đáp đấy. Phủ định. Xác định. Đều có cả. Nhung cả hai đều mơ hồ, đều vắng mặt như nhau: Tình là gió? Gió là tình? Đầy? Vơi? Vơi? Đầy? Thổi? Tắt? Ai đi đâu? - Đêm. Ai rủ nhau nằm? - Đêm. Đêm nằm trên Đất: hình ảnh đẹp, lạ và bí mật. Ở Thanh Bình có sự hẹn hò, hoan lạc giũa đêm và đất. Ở Thanh Bình dường như đang chớm nở ý hướng khám phá nhũng bí mật của thiên nhiên và thòi gian, muốn thiên nhiên hóa, vật chất hóa con người:
Em nhỏ nhoi như một hạt bụi
Anh không thể cắn em ra nữa
(Gió)
và người thơ không nề hà, mặc cả trái tim:
Bán cho em trái tim của anh
Dù nhịp điệu bất thường tan nát
Anh cứ giao hàng rồi phiêu bạt
(Mặc cả)
Dường như người thơ còn muốn xé thời gian và không gian: Muốn lấp những khoảng cách, để tìm đến một thực tại đầy, không trống, không chia. Nhưng chính "cái đó" cũng lại là không tưởng:
Hãy khép cửa chia niềm quá khứ
Miếng thời gian huyên náo ngoài kia
(Đi qua)
Thơ Thanh Bình mang nỗi đau về những cõi không biết của con người; cõi ấy mênh mông, vô tận, và cũng là con đường của nghệ thuật: con đường tìm tòi, nhưng không biết thực hiện như thế nào? Bản chất nó là gì? Vẽ thế nào? Viết thế nào? Thế nào là thơ? Là không thơ? Là hội họa? Là dòng sông? Là con người? Là cuộc tình?
Em biết vẽ thế nào về một dòng sông ngồi khóc
Những giọt nước mắt sám hối
Đắn đo mặc cả từng niềm đau đá cuội
Vâng em biết tô màu thế nào cho hài hòa với hạnh phúc bèo trôi
Khi những hạnh ngộ rồi cũng trăm nhánh chia phôi
Khi những đíên mê rồi cũng trở thành con nước cạn
Khi anh là những đám rêu rong dật dờ trong mùa tình hạn hán.
(Vô ảnh)
Cũng có khi Thanh Bình tìm cách giải thích những câu hỏi về tình yêu, tình người, cuộc sống, nhưng rồi sự trả lời hiện đến chỉ là đêm tối. Đêm là cúu cánh, là tình yêu, là vũ trụ của Thanh Bình:
Phải không anh rồi em cũng yêu đêm
Em khát đêm như môi hôn bóng tối
...
Đêm càng sâu em càng không thể sờ chạm nắm với
(Ngụ ngôn)
Vật chất hóa những ý niện trừu tượng như "đêm", như "quá khứ" có phải là một cách nhìn vô vọng về thực tại "sờ mó" được của người (yêu) hoặc người (không yêu)? Chối bỏ thực tại hiện thực, để tìm đến thực tại trừu tượng, thực tại vô hình, phải chăng là đi tìm lối thoát cho sáng tác?
Và sáng tác là gì? Nếu không chỉ chẳng-là-gì-cả. Ở đây, chúng ta gặp lại Vũ Khắc Khoan:
"Cái đó -chính nó- đôi khi vẫn thấp thoáng trong tôi, hóa trang thành những lời tra vấn trớ trêu, những tại sao ray rứt, lảng đảng quanh tôi, tưởng như dễ dàng nắm bắt, bỗng lại xa vời, nhòa dần, biến hẳn, tuyệt mù" (3)
Sáng vả sống chẳng qua cũng chỉ mịt mùng hai chữ tuyệt mù. Và dường như Thanh Bình đang tìm đến vùng tuyệt mù đó.
Chúc Thanh Bình thượng lộ bình an.
(Lời giới thiệu tập thơ
Trốn Vào Giấc Mơ Em, Paris, cuối thu 1996)
1. Đọc Kinh của Vũ Khắc Khoan, An Tiêm, 1990, trang 14.
2. Trốn Vào Giấc Mơ Em, thơ Nguyễn Thị Thanh Bình, Thanh Văn xuất bản, Los Angeles, California 1997.
3. Đọc Kinh của Vũ Khắc Khoan, An Tiêm, 1990, trang 15.