Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng
(Hình: Thái Kim Lan)
1- Trong số năm nhà văn nữ trẻ của miền Nam khoảng 1954-1975, phong cách Nguyễn Thị Hoàng tác giả Vòng Tay Học Trò khác biệt hẳn mấy người kia. Còn nhớ lần đầu gặp bà trên đường Phạm Ngũ Lão là khoảng 1961-63, lúc ấy cả bà lẫn tôi chưa ai có tác phẩm in thành sách, nhà văn nữ đang là một cô giáo, còn tôi là biên tập viên tuần báo Kịch Ảnh, một trong ba tờ báo chuyên về phim ảnh lúc ấy, hai tờ kia là Điện Ảnh và Màn Ảnh. Tòa soạn tờ Điện Ảnh của anh em ông Nguyễn Ngọc Linh ở gần khu Chợ Cũ, hai tờ còn lại ở trên đường Phạm Ngũ Lão, con đường báo chí của Sài Gòn.
Như thường lệ khi có bạn tới tòa báo thăm, người ta rủ nhau ra quán, để được riêng tư chuyện trò cũng có, nhưng thực sự là báo quán Sài Gòn thường thường chỉ là một căn phố nhỏ, không có phòng khách riêng, ra quán bên cạnh là chuyện thông thường. Riêng lúc Nguyễn Thị Hoàng đến là khoảng gần trưa, lần đầu gặp nhau, tôi mời cô bạn văn đi ăn cơm Bắc ở tiệm Quốc Hương đường Trần Hưng Đạo. Từ tòa báo ở góc Phạm Ngũ Lão-Đề Thám, đi bộ trên hè đường Đề Thám khoảng 10 phút là tới quán ăn, góc Đề Thám Trần Hưng Đạo, chỉ đi trên hè phố, không phải qua đường.
Tôi không nhớ những chuyện trong quán ăn, hẳn chỉ là những chuyện bình thường. Còn nhớ là một tà áo dài, nàng mặc quốc phục. Nhớ lắm thì cũng chỉ còn một đôi mắt quan sát. Bữa ăn trưa ấy đã được nhà văn nữ lưu tâm, viết lại vài dòng vào một truyện ngắn. Tôi chỉ thấy vui vui trước khi rời quán ăn Quốc Hương – vừa cầm bút ghi sổ, vừa liếc nhìn người bạn văn. Nhà văn nữ dòng dõi đất Thần Kinh làm như đang ngước nhìn đâu đó ra ngoài khung cửa. Có thể có một tiếng chim sẻ ngoài cửa kêu chăng? Ấy Nguyễn Thị Hoàng luôn luôn lịch sự, một chút khoảng cách, một chút phong lưu thanh nhã. Tôi không nhớ gì hết về bữa ăn đó mãi sau mới có một người bạn tương đối thân nào đó hỏi, đại ý “sao không có tiền còn mời người đẹp đi ăn, ăn xong lại ghi sổ, để nàng đem viết vào truyện ngắn đăng báo.” Mãi sau nữa tôi mới tình cờ thấy cái truyện ngắn ấy của Nguyễn Thị Hoàng, đăng trên báo Văn sau khi tờ tạp chí ấy xuất bản được khoảng nửa năm. Các quán ăn bên cạnh một tờ báo ở Sài Gòn quán nào cũng có một cuốn sổ giao lưu, vì nhà báo ra vào luôn luôn, thường khi uống dở chai bia, vào tòa soạn có việc, như nghe điện thoại, rồi trở ra ngay, hay khi vào bạn bè còn ngồi uống tiếp, uống chai nào ghi một gạch, một số tiền năm ba đồng, người này gọi người kia gọi, cuối bữa mới kết toán: bàn VL bao nhiêu chai bia, mấy cái cà phê, v.v… Cuối tuần hay cuối tháng mới tính sổ.
Khoảng một năm trước 1975 nhà văn Nguyễn Thị Hoàng có ghé toà soạn tạp chí Thời Tập mà tôi làm chủ nhiệm chủ bút, đặt trong nhà in Phúc Hưng của anh em chúng tôi tại đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, ngay góc chợ Nancy. Năm trước tôi có xin chị một truyện ngắn, đăng trong số Xuân Giáp Dần 1974, đó là truyện Nến Hồng. Lần đến thăm này thấy chị bất an, dường như chuyện gia đình đã khiến phong cách nhà văn nữ có điều không như ý, gầy hơn, khắc khổ và không còn vẻ thanh thản ngày nào, nhất là những ngày chị mang đôi găng tay trắng, ngồi xe hơi có tài xế mặc đồng phục, đội mũ cát-két lái. Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến chuyện năm bà ra chợ, tôi vẫn thấy tác giả truyện ngắn “Đêm tàn oanh trảo” một mình một chợ, xa hơn, lặng lẽ hơn, và quí hơn, dù không gặp quá hai ba lần. Chút suy nghĩ có lan man, nỗi lan man khúc mắc của âm thanh thành phố đảo, Nha Trang, với màu đỏ thẫm của những cành lụu khô, gió thổi xào xạc, con người thao thức lẻ bạn vẫn quày quả đi tìm bóng hình xa khuất. Truyện ngắn đó hơi lạ vì nhân vật xưng tôi là đàn ông, xục xạo đi tìm một người nữ là Mimi, ngược lại với truyện Nến Hồng, trong đó Chi Lan người nữ đi tìm một bóng ma. Chi Lan là ai, chúng ta có thể đoán, điều không đoán được là thời gian: nàng mới 21 tuổi. Thế mà nàng đã rất già: “Đời này hay một đời nào khác, xa xôi, cũng chỉ còn là một, là cõi vắng vẻ không cùng của quên lãng và lẻ loi.” (Nến hồng).
Chi Lan có chìa khóa của một ngôi nhà cổ kính, sang trọng, không phải của nàng, một đêm cuối năm nàng bị ý muốn chinh phục, lặng lẽ và táo tợn, tới ngôi nhà hoang, với một ngọn nến hồng, âm thầm tới mở cửa ngôi nhà mênh mông hoang vắng đó.
“Tôi đã nhìn thấy tôi trong gương trước khi ra ngoài. Không son phấn, không nước hoa, cũng chẳng cần bận tâm chọn lựa màu áo, kiểu giầy như mọi lần, đi tới phía đám đông để lạc loài trong thiên hạ.”
Rồi nàng đã ở trong ngôi nhà mà nàng – một người nữ 20 tuổi – đã từng tưởng tượng với hờn ghen: “Vài ba bước về phía trước kia là cầu thang láng bóng lên lầu… thế giới lạ lùng chưa bao giờ biêt tới. Thế giới của những chiếc khăn tắm dài lộng lẫy, những loạt lọ nước hoa kế sát tấm gương sát tường, những gối chăn tình tự nào, những bóng dáng vào ra trang điểm gọi mời nào chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng hờn ghen." (Nến hồng, Thời Tập số 2, trang 76).
2- Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11 Tháng Mười Hai, 1939 tại Huế, dạy học trước khi bước vào làng văn qua tạp chí Bách Khoa với truyện từng kỳ sau được xuất bản thành sách là:
-1966: Vòng Tay Học Trò, tác phẩm đầu tay.
-1967: Trên thiên đường ký ức, Tuổi Sài Gòn, Vào nơi gió cát.
-1968: Cho những mùa xuân phai, Mảnh trời cuối cùng, Ngày qua bóng tối, Về trong sương mù.
-1969: Đất hứa, Một ngày rồi thôi, Vực nước mắt, Tiếng chuông gọi người tình trở về.
-1970: Vết sương trên ghế đá hồng…
Nguyễn Thị Hoàng, tuyển truyện 12 tác giả Bìa tuyển truyện 12 tác giả. (Hình: Viên Linh cung cấp)
Từ Nguyễn Thị Hoàng đến Hoàng Đông Phương
Bìa tuyển truyện 12 tác giả
(Hình: Viên Linh cung cấp)
Một trong những tác phẩm khác của nhà văn nữ này là cuốn sách chị thực hiện với tư cách giám đốc nhà xuất bản Hoàng Đông Phương, đó là cuốn “Tuyển Truyện” [12 nhà văn]. Có sách trong tay mà chúng tôi không thể biết đích xác năm sách ra đời, vì ấn bản hải ngoại chỉ đề giá bán, mà không in phần lý lịch sách, không có khoản nào ghi ngày tháng sách được giấy phép xuất bản, in ở nhà in nào, in bao nhiêu bản, chỉ có ba dòng ở bìa sau cho biết tên nhà xuất bản và tên địa chỉ người chủ trương: “Thư từ bản thảo gởi về: Nguyễn Thị Hoàng, hộp thơ 339, Sài Gòn.”
Chúng tôi dự đoán cuốn sách ra đời khoảng 1965-67, khoảng đó chúng tôi có ghé thăm nhà văn nữ tác giả cuốn “Vòng Tay Học Trò” tại một căn nhà trong hẻm dốc cầu Lê Văn Duyệt Gia Định, quen gọi khu Cầu Bông. Đó là khoảng bà viết nhiều, và xuất bản sách cho các đồng nghiệp, trong có tôi với cuốn “Cuối cùng em đã đến.”
“Tuyển truyện” gồm mười hai nhà văn, nhưng chỉ có mười một truyện ngắn và một vở kịch được in thứ tự như sau:
- Thanh Tâm Tuyền: Màu trời
- Mai Thảo: Cửa sau
- Nhã Ca: Như giọt nắng vàng
- Viên Linh: Nơi em sẽ đến
- Cung Tích Biền: Trên ngọn lửa
- Nguyễn Quang Hiện: Những luống cải hoa vàng
- Huỳnh Phan Anh: Những cái bóng
- Nghiêu Đề: Vực hồng
- Sơ Dạ Hương: Những ngày ở Sài gòn
- Nguyễn Thị Hoàng: Đêm tàn oanh trảo
- Doãn Quốc Sỹ: Truyện con tinh đời Trần phế đế
[Chúng tôi không nói đến vở kịch vì ở ngoài chủ đề truyện ngắn. Nhan đề tập sách là Tuyển Truyện mà đưa vào một vở kịch, đây chắc chắn là chuyện chẳng đặng đừng của nhà xuất bản. Chẳng hạn tác giả đã cầm nhuận bút tiêu trước, đến hạn chót không có truyện nộp trả nợ nhà xuất bản, đành thế bằng một vở kịch].
Tuyển tập này không có lời nói đầu, không một lên tiếng về lý do tập hợp các tác giả ra sao, tuy nhiên hầu hết các tác giả có mặt đã có tên tuổi, đã sinh hoạt nhiều năm trong ngành viết, riêng Nghiêu Đề nổi tiếng là họa sĩ, Sơ Dạ Hương hay viết những bài tiểu luận nhỏ, hay những bài điểm sách khoảng hai ba trang, ít khi dài hơn. Huỳnh Phan Anh thuộc nhóm “Đêm Trắng,” một cái tên gợi nhớ đên nhà xuất bản Minuit của nhóm Alain Robbe-Grillet, viết truyện ngắn và tiểu luận văn triết, gây một sắc thái sinh động trong cách viết trên một số tạp chí ở miến Nam. Sơ Dạ Hương còn ký tên thật Nguyễn Quốc Trụ, có thể kể cũng trong nhóm này. Nhưng nếu hỏi có một truyện ngắn nào của ta được kể là tân kỳ trong sáng tạo thuộc nhóm này không thì e rằng ta không tìm thấy câu trả lời.
Vậy cuốn Tuyển Truyện của nhà xuất bản Hoàng Đông Phương, 250 trang và 11 truyện ngắn, cũng góp phần xây dựng văn vẻ vào sự phong phú của truyện ngắn miền Nam trong gian đoạn 1954-1975, và ra sớm sủa vào hang thứ ba.
Thơ Nguyễn Thị Hoàng
TRONG CƠN CHĂN GỐI
Trong cơn chăn gối rã rời
Im nghe từng chuyến xe đời đi qua
Và từng chân bước dần xa
Tưởng như mình đã bao giờ vùi chân.
Ung thư lở lói tâm hồn
Niềm đau thân thế rã mòn suy tư
Vườn đời đã nhuốm màu thu
Chim thanh thôi hót trong mù sớm nay.
Thuyền neo mãi bến sông này
Không ai về giữa vòng tay mỏi mòn
Chiều xa gõ nhịp vào hồn
Rạc rời vó ngựa nẻo mòn hoang vu
Vang vang tiếng hát giã từ
Thiên đường địa ngục tôi giờ đi đâu?
(Sau phút đam mê, 1963)