Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt
Cứ Tết đến là tôi nhờ Hà hoặc người nhà đi mua dùm chậu hải đường về chơi. Màu đỏ thắm thật đẹp và lâu tàn, hoa rụng xuống vẫn tươi luôn hằng tuần. Tôi ưa loài hoa đó từ năm Hà rủ đi chơi chợ Hoa Sài Gòn.
Cúc vạn thọ, mai, hướng dương... thì nhiều vô số. Mặc dù Đà lạt cũng có hải đường nhưng ở chợ Tết, hoa này được đóng hàng mang từ ngoài Bắc vượt đường xe lửa vào thành phố.
Đường xa thế nên hoa đắt lắm. Tôi mua một chậu hải đường và một chậu trà mi chúm chím nụ xuân. Sau Tết, tôi giao cho Phạm Tường, nhà thơ xứ Quảng vì nhà anh rộng rãi có chỗ cho cây cối. Rồi mấy năm nay, chợ hoa chẳng hiểu sao không thấy bóng dáng giống hoa này nữa.
Tôi nhớ lại mấy câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:
cam chóng ra thăm gốc hải đường
hái hoa về để kết làm tràng
Đó là lúc cụ từ quan đời nhà Mạc về ở ẩn. Cũng vì lấy cảm hứng từ Bạch Vân Am của nhà đại ẩn mà tôi viết bài thơ Bạch Vân với mấy câu ngụ ngôn:
Thượng Đế người dệt vải
Quăng thoi nhật nguyệt sầu
Tháng năm đờ đẫn lại
Lá vườn rơi về đâu
Hồn tôi như mây trắng
Dàn lên bao vòm cầu!
Dạo chợ một lúc không tìm thấy chậu hoa ưa thích, tôi hơi buồn nhớ tới hai câu đầu của một bài thơ:
Em bảo ta đi ngắm Hải Đường
Loài hoa đẹp nhất của Đông Phương
(Lạc Đạo Thi)
Thi phẩm Lạc Đạo Thi khoảng ba trăm bài tôi đang soạn cho in.
Chợt Hà nói:
- Thôi, không mua hoa thì mình đi dạo và mời anh đi ăn chay một buổi.
Gặp một kẻ bụi bặm giang hồ là tôi mà rủ ăn chay thì hơi lạ. Nhưng Hà noi:
- Ở đây quán chay rất ngon, anh nên ăn cho biết.
Nghe lời Hà, tôi bắt đầu ngồi sau chiếc xe cà tàng mà đáng lẽ phải cho vào viện bảo tàng từ lâu. Thích nhất là gặp thời buổi trộm cướp đầy đường, xe cộ ơ hờ dễ bị đánh cắp. Thế nhưng chiếc xe này dù có bỏ lăn lóc đi đâu cả tuần lễ, bỏ quên rồi trở lại thì nó vẫn còn nằm y... chỗ cũ. Không tên trộm nào dẫn đi cả!
Tưởng cơm chay ở đâu, té ra Hà chở tôi đi từ ngã chợ Thái Bình tới đường Phạm Ngũ Lão khu làm báo cũ. Con đường chạy thẳng ra vườn hoa Sài Gòn gần chợ Bến Thành vốn là nhà ga cũ. Bây giờ là phố Tây ba lô. Lúc tôi còn nhỏ theo bà ngoại đi bán trái cây ở chợ Thái Bình, ban đêm mang cam quít đi thật mau qua nhà xác sau lưng rạp Khải Hoàn vì sợ ma!
Đúng ra gần hai mươi năm rồi chưa từng trở lại, mặc dầu ngày xưa tôi ăn ở khu vực này như là mái nhà thân yêu, con đường quê hương của tôi. Khi vừa qua khỏi chợ Thái Bình, chợ búa sầm uất và ồn ào quá, khác thời xưa ban đêm đèn dầu leo lét bên cái sạp nhỏ của bà Năm vọng cổ bán rượu đế. Tôi và Điện Quang tức nhà thơ Quang Linh, kéo theo cả cụ Lê Văn Trương đi uống rượu ở hẻm Nguyễn Văn Dụng đi từ ngã tư quốc tế, sau lưng rạp Nguyễn Văn Hảo ồn ào từng đêm khách coi cải lương về khuya như sóng vỗ.
Tôi và Quang Linh, Chương Đình Thu nhà gần đó thường đêm chơi khuya ngồi xuống chiếc sạp bằng thanh tre, yêu cầu bà già Năm bán rượu hát cho nghe những điệu vọng cổ buồn buồn trong đêm vắng.
Lê Văn Trương đã chết từ lâu, Quang Linh bây giờ ngoài tám mươi làm đại đức chùa Trúc Lâm ở Hóc Môn. Ông là bạn thuở hàn vi cùng đi bán báo với mẹ con nhà thơ Vũ Anh Khanh, tác giả bài Tha La Xóm Đạo và tập truyện Nửa Bồ Xương Khô xuất bản thời Pháp thuộc, bán chạy vào bậc nhất thời đó. Vũ Anh Khanh ra Bắc, sau trốn về Nam, bị bắn chết trên sông Bến Hải. Có người nói có thể Vũ Anh Khanh bị bắn bằng tên vì lúc đó có những tay phục kích ở bờ Bắc sông Bến Hải chuyên bắn tên để không nghe có tiếng nổ. Một số người vượt sông Bến Hải vào Nam tìm tự do cũng bị chết như thế.
Qua chợ Thái Bình một quãng ra hướng Sài Gòn, tôi nhìn thấy nhà cửa thay đổi hẳn, nhất là nhà Xuất Bản Nguyễn Đình Vượng và tạp chí Văn của Trần Phong Giao cho đến nhà phát hành lớn nhất nhì miền Nam thuở ấy là Sống Mới cũng mất dấu.
Tiệm sách Khai Trí ngoài Lê Lợi thì còn nhưng bị tịch thu và mang tên khác. Ông Khai Trí bị tù tư sản. Khi về, ông thường đi qua nhà sách, đứng lại, chỉ vào đó và nói với người đi đường đây là nhà của tôi! Nhiều người ngỡ ông điên mà không biết ông chính là chủ căn nhà sách lớn đó. Bao nhiêu công lao mồ hôi nước mắt tạo ra chỉ trong phút chốc đổi đời mà thiên hạ bảo là thằng ngu dạy thằng khôn! Ông đã mất sạch cơ nghiệp khổng lồ đó.
Hà chở tôi qua một nơi mà tôi thân thương lui tới nhất. Đó là tòa soạn và là nhà in Thư Lâm Ấn quán của con gái cụ Đông Hồ, nơi đặt tòa soạn của bán nguyệt san Phổ Thông của Nguyễn Vỹ và Nguyễn Thu Minh.
Minh Đức Hoài Trinh lúc về rất thân tình với tôi cùng chị Tuệ Mai, Phương Đài. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Phát là đại tá Địa Phương Quân, tác giả nhiều thơ đăng trong tao đàn Bạch Nga và một tập sách rất giá trị: Cảm Nghĩ Cửa Một Người Thầy Thuốc.
Ông rất thương tôi lúc đó vừa tuổi quân dịch. Ông lấy xe đưa tôi vào Bộ tư lệnh Địa phương quân. Không có Tướng, chỉ có Đại tá như ông là lớn nhất. Ngoài viết báo làm thơ, chơi thân với Nguyễn Vỹ, trong Địa phương quân ông kết nạp được rất nhiều dân văn nghệ tài ba lừng lẫy nhất bấy giờ trong Ban văn nghệ Địa phương quân do đại úy Tô Công Biên, một người rộng lượng và nghệ sĩ trông coi. Lúc đó Du Tử Lê thường dắt ca sỹ lên hát Đài phát thanh Quân Đội, tôi thì viết chapeau [lời dẫn đầu]. Tài tử có Khả Năng, Thanh Việt, Phi Thoàn, Lam Phương, Nguyễn Đình Nghĩa thổi sáo...
Đại tá Phát cho tôi vào Địa phương quân làm lính kiểng. Thường thì tôi ra viết báo cho Dân Ta, Phổ Thông, Văn, Sống (đầu tiên của Lý Đại Nguyên, sau có Sống của Chu Tử), Sóng Thần, tòa soạn ở Võ Tánh gần nhà thờ Huyện Sỹ. Cũng tại đây, nhà thơ Tân Hiến, em văn nghệ của Lê Văn Trương đã nằm chết ở dưới đó, có lẽ vì bệnh già và thiếu thuốc trong cơn nghiện. Ong Tân Hiến là một pho tự điển sống về Thi Ca Đông Tây Kim Cổ, nhất là thơ trong thời chiến tranh Việt Pháp.
Tôi còn nhớ có lần đang sửa bài ở tòa soạn báo Phổ Thông, ngồi ngoài quán café trước Thư Lâm Ấn quán Phạm Ngũ Lão, thì bỗng một chiếc xe jeep trờ tới, một ông ở tổng thống phủ đi thẳng vào nhìn tôi hỏi:
- Ai là Trần Tuấn Kiệt mà ngon quá vậy?
Tôi nhìn lên, hơi đổ quạu vì câu hỏi có vẻ thách thức. Tôi đứng lên khỏi bàn và nói:
- Trần Tuấn Kiệt là tôi đây. Có chuyện gì?
Người thiếu tá đẹp trai đó bỗng cười huề! Nói:
- Tôi là thi sĩ Nhất Tuấn đây! Mời anh đi uống cà phê.
Thế rồi tôi mời Nhất Tuấn uống nước trước tòa soạn Phổ Thông!
Sau khi Nhất Tuấn quay xe thì nhà văn Nguyên Vũ tới. Tác giả Vòng Tay Lửa ngồi xuống tán gẫu một hồi. Lúc này tôi vừa in bản thảo Lời Gởi Cây Bông Vải (chiếm giải nhất Văn học Quốc gia). Một lát Trần Lam Giang lại ghé. Chúng tôi chơi rất thân với nhau. Trần Lam Giang là chủ tịch sinh viên ở Văn Khoa Sài Gòn trước kia.
Nguyên Vũ cầm tập bản thảo đọc có câu viết về Tết Mậu Thân như sau:
Giặc Bắc rút khỏi thành
Để lại nhiều xác thúi
Nguyên Vũ la lên:
- Sao mày gọi nó là giặc Bắc?
Trần Lam Giang nói to:
- Chúng là giặc Bắc chớ là gì?
Tập này tôi in vào năm 1969 do Động Đình Hồ vẽ bìa!
Qua vài căn phố là đến Tòa Soạn báo Khởi Hành do Viên Linh là Tổng thư ký. Viên Linh ngoài tài làm thơ, lúc này dường như thường đăng thơ ở Sáng Tạo, Nghệ thuật của Mai Thảo và Thế kỷ Hai mươi của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch. Lúc làm báo, Viên Linh thường giữ chức vụ quan trọng nhất. Anh còn viết cho Tiểu Thuyết Thứ Năm, số tác phẩm đồ sộ đến nay không tài nào nhớ hết. Cụ Tam ích viết cho Phổ Thông với ông già Thiếu Sơn. Bậc đàn anh còn có Hồ Hữu Tường, sau đi tù về 1963 tôi nhờ cụ viết báo Liên Minh, tôi làm tổng thư ký với Mặc Tưởng, Nguyễn Thụy Long, Phạm Hồ...
Một người lúc nào mặt cũng đỏ au đẹp trai như người Âu Châu, làm một tờ báo bán chạy qua mặt cả báo Phổ Thông, đó là anh Khánh Giang, dịch giả lão thành. Cả nhà phê bình văn học Thượng Sỹ thời Tin Mới xưa kia, có những bài phê bình các nhà văn nhóm Tự Lực Văn Đoàn rất sâu sắc cũng góp mặt.
Tòa soạn còn Thẩm Thệ Hà lúc ấy đi dạy hay qua Chợ Cũ uống cà phê với tôi. Nhà ông bên Khánh Hội, Thanh Việt Thanh có viết một quyển về cuộc đời của ông. Thanh Việt Thanh làm ở Công Chánh, dịch sách báo cho Nguyễn Vỹ. Bà Ái Lan là một nữ sĩ vợ của ông Triệu Công Minh làm tổng thư ký cho Dân Ta. Lúc đó anh Trần Đức Lai làm báo Dân Đen in quyển Cậu Chó nổi tiếng dâm thư. Quyển này và các quyển Rặng Trâm Bầu, Chú Tư Cầu của Lê Xuyên sau 75 bị CS liệt vào danh sách cấm và được Tám Ly là Trương Đắc Sinh sưu tầm về trưng bày ở triển lãm.
Trương Đắc Sinh hồi trẻ là bạn học với tôi ở Trường Tân Thanh có Thiên Giang, Tam Ích, Bùi Giáng dạy văn, sử. Tôi theo Sinh về Tầm Vu chơi nơi rừng bụi um tùm. Tôi nói, ở đây coi chừng có Việt Cộng, Sinh nói không có gì đâu. Tôi đâu ngờ mình ở trong nhà Việt Cộng. Trương Đắc Sinh tức Tám Ly coi "tội ác Mỹ" sau này.
Lúc đó Mai Chửng, nhà điêu khắc số một Việt Nam đi cải tạo, biết có tài nên được rút về làm ở đó. Tôi có ghé chơi với anh. Sau đó anh vượt biên sang Mỹ. Mai Chửng về lại Việt Nam thì lâm trọng bệnh nằm ở tầng 7 nhà thương Chợ Rẫy. Lúc đó Hồ Hữu Thủ có rủ tôi đi cùng Nguyễn Trung vào thăm, Mai Chửng nói:
- Tao về đây gặp đủ mặt anh em, có chết cũng an lòng rồi.
Nghe nói khi người nhà đưa anh lên máy bay về Mỹ nửa đường anh mất trên máy bay. Ngày giỗ của anh ở Sài Gòn. Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thụy Long và tôi đều có đến cả.
Tôi và Hà vượt qua tòa soạn Phổ Thông cũ. Chiều ba mươi tết nào, tôi đến tờ báo của Nguyễn Hoàng Đoan tìm Huyền Anh thấy tòa soạn trống trơn, lao lên gác không có ai. Tôi chui xuống gác thì thấy anh Nguyễn Mạnh Côn cũng vừa tới. Nhiều tòa soạn đều đóng của nghỉ Tết, anh Nguyễn Mạnh Côn nói:
- Vậy anh em mình qua Trần Phong Giao thăm cụ Nguyễn Đình Vượng, ông Vượng chắc có ở nhà.
Tôi theo Nguyễn Mạnh Côn qua tòa soạn báo Văn gần nhà phát hành Sống Mới. Tôi đứng ngoài, anh Nguyễn Mạnh Côn vào một lát rồi đi ra, trao cho tôi năm ngàn nói, tôi kiếm được, chia anh phân nửa về ăn Tết!
Sau đó tôi nghe đại úy Thanh, Thanh Gõ Ở Cao Thắng, đi cải tạo về nói anh Nguyễn Mạnh Côn chết vì D.A. phản, đi tố cáo việc anh đòi khẩu phần ăn cho tù nhân tất cả đều hầu như chết đói trong tù. Anh Nguyễn Mạnh Côn bị bỏ đói khát mà chết. [Đây là chuyện nghe nói, không ai dám chắc đúng hay sai. Vả chăng D.A. có nói với nhiều người đây là "độc thủ' của Việt Cộng, tung ra để giết mình bằng chính lời đồn của phe mình.]
Một thời đại hoàng kim của văn học nghệ thuật, anh em nhà văn nhà báo chia xẻ từng miếng cơm manh áo, thương yêu đùm bọc nhau sống. Tôi cũng nhớ tới Trần Dạ Từ, Nhã Ca làm báo Ngàn Khơi với Tú Kếu Trần Đức Uyển. Các anh em họa sỹ trình bày bìa cho sách báo như Hoài Nam, Hồ Cẩm Tâm, Nguyên Khai, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Bé Ký, Hồ Thành Đức và các mạnh thường quân của anh em như Phan Bá Thụy Dương, Khai Trí, Trần Thanh Ngọc, bác sỹ Nguyễn Tuấn Phát... đều là những người tài danh một thời đã xuất hiện trên con đường Phạm Ngũ Lão này. Tất nhiên không thiếu Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, Lê Thương; bây giờ chẳng còn bóng ai ở lại. Đã đi xa như Viên Linh, Phan Nhật Nam và Phạm Công Thiện, đã khuất núi cùng Phương Triều và người bạn thân thiết của tôi lúc còn bé là nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu.
Chiếc xe gắn máy cũ chở Hà cùng tôi đến một hẻm lớn, rẽ vào tay phải. Hà dừng lại quán, gọi các món chay rất lạ miệng đối với tôi. Tất cả chung quanh đều xa lạ. Nhiều quán cơm chay, vài căn đối diện sơn phết và xây cất như ngôi nhà cổ thời xưa nào.
Trong khi ăn, có mấy thanh niên ôm từng chồng sách mới đi bán dạo, ghé mời mua sách và cả vé số. Tôi không buồn đọc sách nữa. Tôi với tay cầm sấp vé số ngồi lựa. Tôi chọn 39 là số ông Thần Tài may ra ông Thần Tài sẽ đến với tôi tốt hơn là đọc các loại sách vô hồn kia! Trong cái Tết Quý Ty này.
Ngồi nghĩ vẩn vơ. Năm hết tết đến, thiên hạ, nhất là các doanh nghiệp đang lo lắng vì nợ công nợ tư, lo nhà nước lạm phát tăng thêm đủ loại thuế để rút ruột họ. Ruộng vườn thiên tai, chăn nuôi lỗ lã bị phá sản, nhất là bất động sản đóng băng. Các đội đá bóng bỗng dưng vô chủ... Chỉ có sách ca ngợi tuyên truyền là in vô số để phổ biến mà chẳng ai thèm đọc.
Ông bạn nhà giáo nói với tôi, anh em mình nay đã ngoài bảy mươi, vẫn còn cái mạng để nhìn thời thế cũng thấy hay hay. Tôi nói vui rằng Khổng Tử ngày xưa bảo có số mạng nhưng đừng ngồi dưới bức tường đổ!
Không có Trà My, không có Hải Đường, tôi chọn một cành lan xanh như bích ngọc đem về chơi xuân!
Chợt nhớ ra cụ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam lúc ra báo Văn Hóa Ngày Nay, cho in bài thơ Bá Nha Tử Kỳ của tôi và đặt cho tôi cái tên là Lan Sơ Khai. Nhiều người bạn đã gọi tôi bằng cái tên ấy đến tận ngày nay.
Hơn năm mươi năm qua rồi nhỉ!
Sài gòn tháng Tết, 2013