12-10-2020 | VĂN HỌC

Văn dĩ tải đạo và Nguyễn Văn Sâm

  NGUYỄN TUẤN HUY


    Giáo sư Nguyễn Văn Sâm

Tôi không phải là học sinh của Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham. Tôi là hậu sinh đẻ sau ông 62 năm tức là gần ba thế hệ sau. Thí dụ, GS. Kham là thầy của GS. Lưu Khôn. GS. Lưu Khôn là thầy của GS. Đỗ Chiêu Đức. GS. Đỗ Chiêu Đức là người mà tôi kính trọng như một bậc thầy trong lĩnh vực Hán văn. Thầy của tôi cũng là đệ tử của GS. Kham. Khi thấy thầy mình và các đồng môn viết những bài biên khảo kính tặng GS. Kham như những nén hương dâng Thầy trong ngày giỗ làm tôi suy nghĩ về con người và sự nghiệp của GS. Kham. Ông đã làm gì để có được sự kính trọng của nhiều người và đặc biệt là của các môn sinh đã thành đạt sau này.


Ban đầu tôi tưởng rằng vì GS. Kham sống lâu nên có nhiều thời gian để nghiên cứu, thực hiện nhiều phương án hơn những học giả cùng thời của ông. Người ta thường hay nói sống lâu thì thành lão làng. Nhưng khi nhìn lại lý lịch nghề nghiệp của ông thì thấy rằng ông đã thực hiện được rất nhiều thành quả trước khi về hưu. Ông đã là một người nhà giáo tiên phong, giữ nhiều chức vụ quan trọng khi còn đi giảng dạy. Sau khi về hưu ông vẫn tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, giúp đỡ những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam giúp họ tìm tài liệu, góp ý trong lĩnh vực Hán Nôm. Khi còn sống, GS. Kham đã hướng dẫn, trao đổi và góp ý với thầy của tôi trong việc phiên âm các tác phẩm Nôm. Thầy tôi đã nhờ GS. Kham hiệu đính những công trình phiên âm của ông lúc ban đầu. Điều này cho thấy cho dù GS. Kham sống lâu hơn các đồng nghiệp nhưng ông đã dùng trọn vẹn thời gian vào trong công việc phát triển văn hóa cho đến cuối đời mà không phí phạm thời gian. Thêm nữa, ông đã dùng tuổi thọ của mình, trải dài đúng một thế kỷ, để có một cái nhìn tổng quát về lịch sử văn hóa Việt Nam, làm một nhịp cầu nối kết giữa cổ học và tân học, góp tay đào tạo một thế hệ trí thức Việt Nam cận đại để tiếp tục phát triển văn minh đất nước.


Tính ra thì GS. Kham cùng thế hệ với ông ngoại của tôi. Ông ngoại tôi sinh năm 1903 và mất năm 1998, hưởng thọ 95 tuổi. GS. Kham sinh năm 1908 và mất năm 2007, hưởng thọ 100 tuổi. Ông ngoại tôi nối gót cha mình và học chữ Nho khi còn bé nhưng sau này ông lại làm thầy giáo dạy chữ quốc ngữ ở quê nhà. Ngược lại GS. Kham được đào tạo tại Pháp. Ông có bằng Cử-nhân Văn-khoa (Licence ès Lettres) tại Đại-học Sorbonne năm 1934 và Cử-nhân Luật-khoa (Licence en Droit) tại Đại-học Luật-khoa, Paris năm 1934. Tuy nhiên ông đã dùng kiến thức hấp thụ được từ người Pháp để áp dụng vào việc phát triển văn hóa Việt Nam. Tuy rằng có bằng cử nhân văn khoa của Pháp nhưng ông lại chọn giảng dạy và nghiên cứu văn học Hán Nôm giống như ông ngoại tôi đã học chữ Nho như những thanh niên của thế hệ đó. Điều mà tôi vẫn chưa tìm được giải đáp là GS. Kham tốt nghiệp tại đại học Pháp, như vậy thì ông đã học Hán Nôm ở đâu và trong thời gian nào?


Trong thời kỳ phôi pha của giới trí thức Việt Nam, các học sinh được đào tạo trong một môi trường văn hóa Pháp, lệ thuộc vào chương trình giáo dục của mẫu quốc. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ kể trong thời gian ông còn đi học tại Lyceum Gia Long ở Hà Nội, những vị thầy như Vũ Đình Liên, Nguyễn Khắc Kham đều dạy bằng tiếng Pháp, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp giống như tôi nói chuyện với đồng nghiệp và bạn của tôi bằng tiếng Anh bây giờ. Nhưng chính những người đã du học ở Pháp, đã có bằng cấp của Pháp, họ đã từ từ tách dần ra khỏi sự lệ thuộc vào văn hóa Pháp để hình thành một nền văn hóa Việt Nam riêng biệt và đặc thù. Khi các trường đại học được thành hình sau biến cố Việt Nam dành được tự chủ, thoát khỏi sự đô hộ của Pháp, họ trở thành các giáo sư giảng dạy ở các trường đại học, đào tạo một thế hệ trí thức mới cho Việt Nam, cung cấp nhân lực cho các đại học để tiếp tục đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong khi những học sinh ở trong nước tiếp tục xuất ngoại du học để nâng cao trình độ thì ở trong Miền Nam, chất lượng và văn hóa đã trưởng thành và đang trên đà phát triển để đạt được tiêu chuẩn quốc tế. Rất tiếc sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa đã làm ngưng lại sự phát triển này. Những giới trí thức đã thoát ra được nước ngoài như GS. Kham và các học giả khác họ vẫn tiếp tục nghiên cứu, phát triển văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Đó là gương của GS. Kham và những người như thầy tôi là luôn luôn học hỏi, tìm kiếm, phát triển nền văn hóa Việt Nam cho dù có đang sống xa quê hương hoặc được huấn luyện trong một nền văn hóa khác.


Để theo gót thầy tôi thì tôi cần phải biết hoặc hiểu những công trình của ông. Khi nhận xét về những tác phẩm của nhà văn và học giả Nguyễn Văn Sâm (NVS) tôi thấy có thể được chia ra làm ba lĩnh vực chính. Thứ nhất là ngôn ngữ và sinh hoạt của người miền Nam. Thứ hai là để quảng bá triết lý sống giống như một nhà tiên tri kêu gọi mọi người sống cho công bằng. Thứ ba là nghiên cứu và phiên âm những tác phẩm Nôm. Trong ba lĩnh vực này, tôi chỉ học được ở thầy về triết lý sống. Cách sử dụng ngôn ngữ của người Nam là tôi chịu thua vì chẳng những tôi không phải là người Nam mà còn lại sinh trưởng ở Mỹ. Có thể nói tôi biết nhiều chữ tiếng Mỹ hơn tiếng Việt. Còn chuyện học chữ Nôm tôi cũng chê luôn. Thầy rủ tôi học chữ Nôm vài lần nhưng tôi vẫn còn ham mê học những cái khác. Tôi coi chữ Nôm như là một thứ ngôn ngữ không còn được thực dụng. Học chữ Nho đi phố tàu còn đọc được các bảng hiệu. Đi thăm các lăng tẩm, chùa chiền còn đọc được vài chữ Hán khắc ở trên tường. Khi đi du lịch ở bên Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc còn có cơ hội đọc chữ Hán.

 

Chữ Nôm thì chỉ có ở trong sách vở từ đầu Thế Kỷ 20 trở đi. Chữ Nôm là một thứ ngôn ngữ chết vì nó không có sự thay đổi. Không còn ai dùng đến nó nên nó không được phát triển và cập nhật. Các tác phẩm Nôm đang được lưu trữ là một số nhỏ so với tác phẩm khác và chỉ có giới hạn. Đa số đã thất lạc hoặc hư hại. Họa hoằn lắm thì người ta mới khám phá ra được một bản chép tay mới còn sót ở trong một thư viện cá nhân nào mà chưa ai biết đến. Do đó tôi không cảm thấy sự cần kíp, gấp rút của việc học chữ Nôm vì đa số các tác phẩm Nôm phổ biến đã được nghiên cứu và phiên âm. Mai mốt khi học được chữ Hán có lẽ tôi mới quay về học chữ Nôm cho vui với tuổi già. Trong lĩnh vực thứ ba này, thầy tôi đã trở thành một cây cổ thụ sau bao nhiêu năm tháng trời tìm tòi, phiên âm những tác phẩm Nôm khuyết danh chưa từng được ai khởi công. Nếu như tôi chịu khó theo thầy từ ngay buổi đầu thì bây giờ tôi cũng được thừa hưởng bóng mát của thầy. Ngày xưa thầy tôi nghiên cứu dưới sự hướng dẫn và khuyến khích của thầy mình là GS. Kham. GS. Kham là người hiệu đính cho những bản phiên âm đầu tay của thầy tôi. Sau này thì chính thầy tôi đã trở thành một học giả thông thạo về chữ Nôm để có thể hiệu đính cho những tác phẩm phiên dịch Nôm của các học giả trong và ngoài nước.


Trong lĩnh vực thứ nhất, nhà văn NVS nằm trong khuôn khổ của những nhà văn miền Nam tiền phong như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Nhà văn miền Nam Hồ Trường An (HTA) chắc có lẽ nằm ở trong một thể loại riêng với một lối tả chân có một không hai của ông. Họ đã ghi lại những âm thanh, sắc nét, con người miền Nam như đã được thấm vào trong xương tủy của họ. Không biết vô tình hay cố ý, NVS viết như thể hồi tưởng lại những gì ông đã đọc, đã chứng kiến được trong cuộc sống của ông. Giống như một nhà họa sĩ có những hình ảnh ở trong đầu cần được vẽ ra. Nếu NVS và HTA đều là hai bà già trầu thì HTA chảnh chọe, chải chuốt, điệu bộ còn NVS là một bà già bình dân, mộc mạc, hiền lành hơn. Cũng cùng là giọng văn miền Nam nhưng truyện của HTA mang một sắc thái riêng mà khi đọc tôi nhận ngay ra được văn của ông ta. Đôi lúc đọc truyện của HTA tôi có cảm tưởng đang nhìn ngắm một bức tranh với nhiều màu sắc và chi tiết tỉ mỉ. Đây cũng là một cái thú vui khi đọc truyện của HTA.

 

Truyện ngắn NVS không mang sự chải chuốt, tỉ mỉ giống như HTA nhưng hầu hết đều hàm chứa một khái niệm đạo đức, một triết lý sống. Có thể nói triết lý này phản ảnh tâm hồn của người Nam. Một triết lý sống đã được nhà văn Hồ Biểu Chánh quảng bá và ghi lại trong số tác phẩm đồ sộ của ông. Các nhân vật chính ở trong truyện của Hồ Biểu Chánh đều sống cho đúng đạo nghĩa cho dù có bị thiệt thòi đi chăng nữa. Nhưng kết cục thường thì kẻ hiền được thưởng còn kẻ dữ bị trừng phạt. “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”, luật quả báo được áp dụng triệt để. Tôi không thấy NVS quan tâm đến luật quả báo nhưng ông ta thiết tha đến luật công bằng. Ông xót xa trước những bất công ở trong xã hội cho dù sự bất công đó đến từ Cộng Sản hà hiếp người dân hay người có tiền bạc, quyền thế bóc lột người nghèo cho đến những trẻ em bị lạm dụng tình dục. Truyện của NVS giống như là một tấm gương với một cái khung sơ sài, mộc mạc. Nó không tô điểm, đánh bóng sự thật nhưng phản ảnh lại cái tốt và cái xấu của con người. Tuy nhiên dưới cặp mắt công bằng của NVS, thường thì trong cái xấu nó có cũng cái tốt và trong cái tốt nó cũng có sự lạm dụng ở trong đó.


Một trong những truyện ngắn của NVS đã gây ấn tượng cho tôi khi mới bắt đầu đọc truyện của ông là “Tống Gió” trong tập truyện ngắn “Câu Hò Vân Tiên” xuất bản năm 1984. Đây là tập truyện ngắn thứ hai của ông sau tập truyện ngắn đầu tiên “Miền Thượng Uyển Xưa” xuất bản năm 1983. Trong truyện, người thầy pháp đã dùng sự mê tín dị đoan của người dân để sai khiến họ đào mương, khai thông nước tù, phát triển vệ sinh và phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên ông đã lợi dụng những nghi thức cúng kiến để mang lại một mối lợi cho cá nhân ông. Đây là một sự nhận xét sâu xa về tâm lý và bản chất con người đối với một thanh niên ở đầu lứa tuổi hai mươi như tôi nên đã làm cho tôi phục ông sát đất. Chưa kể là lối hành văn của NVS giới thiệu cho tôi một thế giới riêng biệt của miền lục tỉnh nhắc lại cho tôi cảm giác thú vị, phiêu lưu mạo hiểm khi đọc “Hương Rừng Cà Mau” của Sơn Nam lần đầu tiên. Người ta đọc truyện để giải trí. Tôi đọc truyện của NVS để học triết lý sống của ông. Ông là một nhà văn theo truyền thống “văn dĩ tải đạo”.

 

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi viết lời tựa cho tập truyện “Khói Sóng Trên Sông” xuất bản năm 2000 đã viết “Truyện của ông không có cái ma thuật lôi cuốn người đọc bằng thứ chữ nghĩa thời thượng, cũng không có những mối tình cuồng nhiệt làm cho người đọc nín thở lật từng trang, nhưng truyện của ông [ký của ông!] như một thứ thức uống có phản ứng chậm, những giọt đầu tiên tưởng như không mùi vị, nhưng càng nhấp càng thấy ngon, nó thơm ngát đầu lưỡi và nó để lại một chút hơi cay đôi khi làm ta chảy nước mắt.” Thật vậy khi ở lứa tuổi 20, đọc truyện của NVS tôi chỉ cảm thấy cái mộc mạc, bình dân nhưng tha thiết, chân thành của nó. Nhưng 30 năm sau khi đọc lại tôi mới cảm thấy được cái hay, cái tinh túy của triết lý Nguyễn Văn Sâm. 14 năm sau, “Người Đi Trên Mây” đã trở thành người thiên cổ nhưng những nhận xét năm xưa vẫn là lời nói của một tri kỷ. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu, sáng tác trên con đường nghệ thuật để tỏ bày tâm trạng của mình.


Một trong những triết lý sống của NVS là “ăn bánh trả tiền”. Câu nói ngộ nghĩnh này là một nghĩa rõ ràng của sự mua bán, nhưng nó có nghĩa bóng để ám chỉ sự sòng phẳng trong mua bán dâm. Dĩ nhiên là tôi không có ám chỉ việc này mà chỉ muốn nhấn mạnh sự công bằng sòng phẳng trong mối quan hệ giữa người với nhau, không lợi dụng, bóp chẹt kẻ yếu thế hơn mình. Đây là một quan niệm sống cao thượng mà người ta thường thấy ở những vị tu hành, hiền triết, quân tử hơn ở người đời. Câu nói nghe rất đơn giản nhưng khó thực hiện. Giống như 10 điều răn Đức Chúa Trời của người Công Giáo chỉ tóm lại vỏn vẹn trong bốn chữ đó là “mến Chúa yêu người” nhưng có bao nhiêu người thực hiện được? Mỗi Chúa Nhật có bao nhiêu người Công Giáo đi nhà thờ nghe các vị linh mục giảng đạo để thuyết phục họ để thực hiện điều răn trên. NVS không phí phạm nước miếng rao giảng như các linh mục nhưng ông dùng ngòi bút của ông để kêu gọi, thách đố người ta sống theo luật công bằng, đừng gian lận của ai. Nếu vì lòng tham mà chiếm đoạt của người khác những gì không thuộc về mình thì phải có trách nhiệm mà đền bù lại cho họ.

 

“Ăn bánh trả tiền” là tinh thần sống công bằng trong xã hội và cuộc đời cá nhân. Sở dĩ tôi thích dùng cụm từ này vì một câu chuyện thầy kể cho tôi mà tôi thấy nó dễ hiểu và chân thành giống như triết lý của ông. Ông kể chuyện hồi nhỏ mẹ ông cho tiền để mỗi sáng ăn quà khi đi học. Một hôm ông đang ngồi ăn xôi thì bà bán xôi bị phú-lít rượt chạy chưa kịp thâu tiền. Ngày hôm sau ông đến ăn xôi rồi trả tiền bà gấp đôi để bù lại cho ngày hôm qua. Bà bán xôi cảm động nói trong số bao nhiêu người ăn xôi của bà ngày hôm qua, chỉ có ông là không thừa cơ hội ăn quịt của bà. Bà ta tiên đoán rằng sau này chắc chắn nó sẽ trở thành người đàng hoàng. Ông nhập tâm câu nói của bà bán xôi thành một lời tâm niệm, quyết chí học hành để sau này được trở nên người. Đó là một ước mơ đơn sơ của một đứa bé, muốn sống sao cho nên người. Nhưng trong xã hội có bao nhiêu kẻ chỉ chờ có cơ hội để ăn quịt như gian lận tiền chính phủ, buôn bán lừa lọc, chiếm đoạt của cải, mạng sống, nhân phẩm của người khác. Đó là những mô típ mà ta có thể thấy ở trong truyện của NVS mà ông ta muốn thách đố mọi người sống theo lẽ công bằng theo tinh thần của những nhà văn miền Nam tiên phong như Hồ Biểu Chánh.


Nguyễn Văn Sâm sống 40 năm đầu ở Việt Nam và sau đó định cư tại Mỹ. Trước năm 1975, các tác phẩm đã xuất bản của ông là những nghiên cứu về văn chương Nam Bộ. Trong thời gian sống ở bên Mỹ, ông mới bắt đầu sáng tác truyện ngắn. Vì ông đã sống gần một nửa đời ở quê hương và hơn một nửa đời còn lại tại hải ngoại, ông có được những nhận xét về cuộc sống của con người ở trong hai xã hội, đặc biệt là người Việt ở hải ngoại. Tuy nhiên những nhân vật của ông cho dù họ đang sinh sống ở hải ngoại nhưng vẫn mang nặng một sắc thái Việt Nam. Có lẽ ở trong huyết quản của ông mang một dòng máu Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Đình Chiểu nên cho dù ở đâu thì nó vẫn hướng về quê hương, xứ mẹ. Gần đây tôi được đọc những truyện ngắn mới của NVS và tôi thấy những truyện được viết trong khung cảnh ở Việt Nam vẫn là hay nhất. Tuy rằng truyện được viết ở trong khung cảnh Việt Nam, thời gian không nhất định nhưng những nhận xét về luân lý, tâm lý vẫn mới mẻ, trung thực và ứng dụng trong mọi thời gian. Những truyện ngắn như “Xóm Giếng” còn mang thêm một giá trị như một di tích lịch sử ghi lại đời sống, sinh hoạt của người dân Sài Gòn trong một khoảng thời gian quá khứ.


Tôi không được đi theo thầy tôi học chữ Nôm như thầy tôi đã học từ GS. Kham. Tôi đi theo thầy tôi để học về nhân sinh quan của ông. Những học trò nào mà muốn tôn vinh thầy của mình thì tiếp tục công trình của họ. Cũng giống như NVS tiếp tục phiên âm các tác phẩm bằng chữ Nôm để cống hiến cho nền văn học Việt Nam, tôi cũng muốn giới thiệu triết lý sống của NVS bằng cách dịch sang Anh ngữ một ít truyện ngắn của ông. GS. Kham khuyên rằng khi dịch thơ thì nên dịch ý và đừng dịch quá sát nghĩa. Vì có sự khác biệt trong văn hóa nên khi mình dịch quá sát nghĩa, người đọc không hiểu được sự khác biệt này nên có thể không nắm được ý hoàn toàn. Trong khi đó, văn của NVS là văn giọng Nam, nên khi chuyển qua Anh ngữ thì có thể nó sẽ mất âm điệu miền Nam đặc thù đó đi. Hơn nữa, một người ngoại quốc hoặc một người Việt Nam sinh trưởng ở tại Mỹ liệu họ có thể hình dung và cảm nhận những hình ảnh quê hương Việt Nam hay không? Những người Việt như tôi thì có thể dễ dàng bị đánh động bởi những hình ảnh đó. Người ta hay nói “vô tri bất mộ”. Nếu người ngoại quốc không có một khái niệm hoặc một hình ảnh về Việt Nam ngoại trừ những hình ảnh chiến tranh hoặc trong sách báo du lịch thì liệu họ có thể thông cảm, rung động với những nhân vật Việt Nam hay không? Trong vai trò vừa là dịch giả vừa là người biên tập, tôi sẽ chọn những câu truyện nào mang tính chất tâm lý và luân lý có thể áp dụng trong bất cứ xã hội và thời gian nào. Tôi muốn theo gương của Hồ Biểu Chánh. Hồ Biểu Chánh không dịch truyện nhưng ông phóng tác cho phù hợp với giọng nói bình dân. Điều này cho thấy cho dù câu truyện được xảy ra ở Việt Nam nhưng khi mình kể lại bằng giọng Mỹ thì người đọc ngoại quốc mới cảm thấy câu truyện gần gũi với họ. Còn nếu như mình kể chuyện bằng giọng Việt Nam thì cho dù mình có viết bằng tiếng Anh, người đọc vẫn cảm thấy xa lạ, không liên hệ đến họ. Sẽ chỉ có một số ít chịu khó đọc vì muốn hiểu biết thêm về Việt Nam.


Tôi thật sự không biết phải bắt cầu nối kết như thế nào để có thể truyền đạt tâm tình của Nguyễn Văn Sâm, con người, lịch sử và truyền thống Nam Bộ của ông đến cho một thế hệ sinh đẻ ở hải ngoại hoặc cho những độc giả ngoại quốc. Thế hệ của tôi không phải lớn lên trong chiến tranh. Những người sinh trưởng ở hải ngoại như tôi không phải sống trong xã hội Cộng Sản. Chúng tôi không phải đấu tranh với những bất công xã hội Việt Nam là những mục tiêu mà NVS thường hay lên án. Ngược lại chúng tôi phải sống với những sự bất công khác. Một trong những bất công là sự kỳ thị chủng tộc màu da âm ỉ ở dưới mặt nước giống như những cơn sóng ngầm. Ở trong bất cứ một xã hội nào trên thế giới, những người thuộc nhóm thiểu số cũng phải tranh đấu để được có quyền sống bình đẳng với đại đa số.

 

Hiện tại những cơn sóng ngầm ở Mỹ đang nhô lên khỏi mặt nước, gây lên sự chú ý cho mọi người. Người ta đang xuống đường để đòi quyền sống cho người da đen (Black Lives Matter – Mạng sống của người da đen cũng đáng giá), hay phong trào phụ nữ chống quấy rối tình dục (Me Too Movement), hoặc bình đẳng cho những người đồng tình luyến ái. Đó là những đề tài mà những người Việt Nam ở thế hệ trước thường hay tránh đề cập hoặc không chấp nhận. Tuy nhiên đây là những vấn đề xã hội của thế hệ tôi sống trên đất Mỹ. Nó cần được mổ xẻ và tranh luận để đưa đến những nguyên tắc chung mà thế hệ sau như con của tôi có thể dùng một cẩm nang chỉ đạo, một “Gia Huấn Ca” mới của thời đại, tạo nên một triết lý sống như tôi cũng đã từng học hỏi từ thế hệ trước.


Tôi chỉ có thể nối tiếp truyền thống “văn dĩ tải đạo” của thầy tôi khi tìm được cách áp dụng triết lý sống, nhân sinh quan của ông để giúp cho thế hệ sau này có một hướng đi, điều khiển con tàu của họ vượt qua được sóng gió trong thế giới hiện tại. Đã là một người Việt tha phương thì đi đến đâu cũng sẽ gặp sự kỳ thị của dân bản xứ. Điều này cho thấy rằng con người Việt Nam đều có một mối liên kết vượt thời gian và không gian. Câu chuyện của những người dân Lục Tỉnh, trôi nổi, sống tạm bợ ở vùng ngoại ô Sài Gòn để được ghi vào huyền thoại sáng lập trong “Theo Gót Huyền Trân” cũng không khác gì câu chuyện của những người tị nạn Việt Nam lập nghiệp tại đất Mỹ hoặc những nơi khác trên thế giới. Sài Gòn ngày hôm nay không còn giống Sài Gòn ngày xưa. Người dân Miền Nam bây giờ không còn giống người xưa. Ở trong một chi tiết, một nét, một góc cạnh nhỏ nào đó, cái dáng dấp, cái hình bóng, cái cá tính của Miền Nam vẫn còn đó. Mọi sự đã thay đổi theo thời gian.

 

Theo gót thầy tôi không có nghĩa là lập lại những việc thầy tôi đã làm, hoặc là thậm chí tiếp tục những gì thầy tôi đang làm. Nhưng theo gót thầy tôi là đem cái di sản, cái gen mà thầy tôi đã thừa hưởng từ thế hệ trước vào trong hoàn cảnh hiện tại. Mặc dù chúng tôi đang sống trong một xã hội Mỹ văn minh, tự do, sung túc. Những bất công, xáo trộn trong xã hội có thể chỉ từ những tranh chấp đảng phái, kỳ thị chủng tộc không giống như xã hội Việt Nam. Nhưng cái triết lý “ăn bánh trả tiền” của thầy tôi vẫn có thể áp dụng trong đời sống cá nhân tại Mỹ để mọi người có thể sống công bằng, tôn trọng và có sự thanh bình với nhau hơn. Tôi không cần phải nhìn về xã hội Việt Nam hoặc trong quá khứ giống như thầy tôi mà cần ghi lại những gì tôi đang cảm nghiệm được ở trong xã hội Mỹ nhưng với một tâm tình giống như thầy tôi.


Houston, ngày 3 tháng 10 năm 2020


Nguyễn Tuấn Huy

Nguồn: sangtao.org