Trang web Tuyển tập Nguyễn Văn Sâm
Bạn muốn tìm những tài liệu cổ về văn học Chữ Nôm? Bạn muốn tìm đọc các tuồng hát dân gian xưa cổ, đặc biệt ở Nam Kỳ Lục Tỉnh? Bạn muốn đọc Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam?
Và nhiều nữa, những truyện ngắn, thơ, bài bình luận liên hệ tới văn học Nam Bộ...
Có một nơi đang lưu giữ các kho tài liệu độc đáo này: Tuyển tập Nguyễn Văn Sâm ở điạ chỉ: https://sites.google.com/site/nkltnguyenvansam/tuyen-tap
Để dẫn ra một văn bản thường được nhiều nhà nghiên cứu văn học Chữ Nôm quan tâm: Tuồng hát bội Nôm thế kỷ 19 có tên là “Trương Ngáo”...
Tuồng này còn có tên là “Người Đi Đòi Nợ Phật.”
Bản này do Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú giải theo bản Nôm của nhà phát hành khắc in tại Phật Trấn,,Trung Quốc, ấn bản năm Mậu Dần 1878.
Trang web Tuyển tập Nguyễn Văn Sâm.
Lời dẫn bản văn ghi nhận:
“...Các tuồng rắc rối, nhiều Hán tự, xuất hiện ào ạt cho tới nửa sau thế kỷ 19 thì bớt dần, tới nay thì tuồng hát bội chỉ là còn lại cái hơi thở, cách dàn dựng, chớ chữ nghĩa hát bội và những gợi hứng cũ từ truyện Tàu đã không còn có mặt.
Câu chuyện của tuồng nầy xoay quanh một người đàn ông có trí khôn chậm phát triển, tàng tàng, không phù hợp với cuộc sống xã hội là Trương Ngáo. Vợ Ngáo sai đem năm quan tiền vừa vay được, đi bổ hàng về bán lẻ lại trong xóm làng để kiếm chút lời độ nhựt. Khi Ngáo đi ngang một ngôi chùa, thấy người ta đang đúc tượng Phật, bèn bỏ tất cả tiền vào lò đúc vì nghe bồn đạo nói cúng tiền đúc Phật là hình thức cho Phật vay, sau nầy rất có lời. Về nhà, Ngáo hãnh diện khoe với vợ về hành vi thông minh của mình. Vợ Ngáo là Ba Bành, một người đàn bà đáo để, đánh cho Ngáo một trận nên thân và bắt đi kiếm lại tiền đem về. Ngáo phải lên đường đi sang Tây Phương, mong tìm Phật đòi tiền, món tiền mà Ngáo coi như mình đã cho Phật vay. Trên đường đi, Ngáo gặp một người đàn bà luống tuổi chưa chồng tên là Như Ý, cô nầy nhờ Ngáo hỏi Phật về chuyện lương duyên trễ tràng của mình. Phật thương tình Ngáo hiền lành chơn chất nên hiện ra, cho thuốc giải trừ chứng dại ngu, ban cho một nhành cây có thể nhìn qua đó thấy cảnh ở xa và ban cho Ngáo một đồng tiền phép có thể hóa ra thật nhiều tiền. Phật còn cải tên Ngáo thành Chơn Tâm dựa trên cái tâm thành thật chơn chất của Ngáo. Phật cũng trả lời về câu hỏi của người đàn bà kia, chỉ cho nàng biết rằng sẽ kết duyên cùng Chơn Tâm. Trở về đến chỗ của Như Ý, Ngáo uống thuốc Phật ban cho nên hết khùng khịu. Anh dùng nhánh cây phép nhìn thấy được cảnh vợ mình giờ đã sang ngang nên quyết định kết duyên cùng Như Ý. Từ đây anh sống cuộc đời an nhàn trong cảnh giàu sang với vợ mới, tên mới và cuộc đời mới, trí huệ mới.
Trong khi Ngáo đi tìm Phật thì ở nhà Ba Bành gá nghĩa với một người đàn ông giàu có chuyên sống bằng nghề cho vay là Lục Tồn. Lục Tồn vốn mê nhan sắc của Ba Bành nên để bỏ vợ nhà, lấy chị ta. Cặp vợ chồng nầy sau đó sa đà vào đường bạc bài, chẳng bao lâu phá tiêu tan cơ nghiệp, trở thành nghèo khổ, phải đi làm nghề múa kiếm, đánh đàn trong một gánh bóng chàng bóng rỗi để mưu sanh.
Và bốn người gặp lại nhau với hai vị thế rất khác biệt khi vợ chồng Chơn Tâm cho rước đội bóng chàng về nhà mình để múa bông tạ ơn Bà do lời hứa trong lần vái cầu xin lương duyên...” (ngưng trích)
Đó là một trong nhiều văn bản hiếm quý trong văn học Chữ Nôm đang lưu giữ ở trang web mới thực hiện có tên là:
Tuyển tập Nguyễn Văn Sâm: https://sites.google.com/site/nkltnguyenvansam/tuyen-tap
GS Nguyễn Văn Sâm đã nổi tiếng với nhiều công trình biên khảo từ trước 1975.
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm sanh tại Sài Gòn, 1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Đại Học Văn Khoa (Sài Gòn) và các trường Đại Học Vạn Hạnh, Cao Đài, Hòa Hảo, Cần Thơ.
Sang Mỹ từ năm 1979, sống bằng nghề dạy học cho tới khi về hưu. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Đã in:
Văn Học Nam Hà (1971, 1973), Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam (1969), Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp (1972).
Qua Mỹ, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm có thêm lĩnh vực sáng tác mới: viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương.
Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lôi Phong Tháp, Sơn Hậu Diễn Truyện, Trương Ngáo v.v...
GS Nguyễn Văn Sâm là thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Trưởng ban Văn chương, Viện Việt-Học. Hiện dạy Chữ Nôm hàng tuần ở Viện Việt Học, California, Hoa Kỳ.
GS Nguyễn Văn Sâm gần đây cho biết ông đang suy tính lui ra khỏi các sinh hoạt trong cộng đồng, kể cả Viện Việt Học, để có thì giờ hoàn tất phiên âm và chú giải 2 pho sách lớn.