02-03-2016 | VĂN HỌC

Nguyễn Tôn Nhan, Cuộc Hành Trình Đầy Ắp Tiếng Rồng Ngâm

 NGÔ NGUYÊN NGHIỄM


Nhà hán học Nguyễn Tôn Nhan
(1948 – 2011)

Ngậm trầm thiêng trở lại giấc du mộng hoang sơ, hiển hiện một sự trầm tích kỳ diệu của tinh hoa trời đất, tất cả như ánh sáng trăng soi rọi xuống hồn hoa. Lữ khách ngồi bên tảng đá xanh, rêu phong tích tụ từ ngàn năm trước, chìm ngất giữa không gian đầy tiềm thức cô độc bay vật vờ trong ảo giác thực hư. Chính cái ảo diệu phi thường đạo đó, đã lập trình một thế giới tuyệt diệu mang đầy chất liệu phong thần, đưa đẩy hoang sơ chìm đắm giữa trận đồ lập thể và đầy phong vũ. Từ đó, bao nhiêu đột biến của tâm thức dàn trải suốt nẻo về, luôn luôn tức khắc biến sinh, phù ảo hằng hà sa số hoạt cảnh, từ tâm hiện cảnh. Thoắt biến thoắt hiện, dàn trải bao nhiêu phong cảnh hoạt hoá tận cùng mọi nẻo trời riêng, đổi thay lớp lớp như khói phù du len lỏi vô chừng, mà trong lớp áo "máy huyền vi mở đóng ào". Cái chớp nhoáng biến thiên tận cùng mọi vật thể trong vũ trụ, xoay vần khi tụ khi tan, chuyển hướng từng giây khắc biểu hiện tích tắc suốt phương ý bao la. Mênh mông, vút ra khỏi tầm nhìn của nhân thế, ngoài trí tuệ quy hồi giữa cơn giác ngộ phi thường, lữ khách bừng sáng bản lai mà hằng hà kiếp số đóng lớp giữa cuộc phiêu du định mệnh.


Ánh sáng loé cuối đường hầm, bật sáng cả tâm can và rực rỡ trái tim đang từng cơn lốc chìm ngấm giữa những cuộc hôn mê, ảo giác phủ chụp như chiếc lưới thiên la địa võng, giam lỏng bản thân trong cái sắc không. Bao nhiêu cái biết, cái sáng hoá của tha nhân, cũng chỉ là một ngọn nến lẻ loi bùng cháy bi thảm giữa bão bùng gió táp. Nhỏ nhoi như hạt bụi lăn lóc tự nơi nào ai biết ai hay, nếu một phen hạt bụi phong trần cố vươn mình lên tiếng thì còn chờ có kẻ tri âm, như tiếng đàn reo rắt cô đơn bên dòng suối vắng, còn ngóng tai chờ đợi trượng phu. Bước vào tuổi thanh xuân, những đột biến tâm thức mà trăm người xuyên suốt bước qua ngưỡng cửa cuộc đời, định số sàng lọc vài con thiêu thân đủ sắc màu tục luỵ cho chìm đắm giữa nghiệp văn chương. Trước bao nhiêu văn thi sĩ, ai người lại chọn trước được cho buổi đầu tiên chấp bút, vì vậy thơ là diện mạo diễm ảo bước vào cõi lòng cho thi sĩ ở buổi sơ khai... Một Đặng Thư Cưu, với dòng thơ tuyệt diệu reo rắc tinh hoa đã ôm lấy nghiệp thi ca trước khi là một nhà văn lão luyện kỳ tài. Một Nguyễn Tôn Nhan cũng từ Thánh Ca mà hơn sau 30 năm đã trở nên một học giả đầy chiêu thức đặc thù trong nghiên cứu văn học Trung Quốc. Một Mịch La Phong, thiếu thời đã là một thi sĩ, nghiễm nhiên thành đạt sâu sắc trên Phong Thuỷ Thiên Văn, Lịch Pháp... thi ca đã chấp cánh cho biết bao nhiêu lữ khách văn nghệ hào sảng trên chiếc thảm đỏ lễ nghi, nghiêm túc bước vào mọi ngõ ngách nghệ thuật.


Nguyễn Tôn Nhan đi vào thơ ca như một tia chớp sáng tận khung trời riêng hào nhoáng và rực rỡ. Khoảng năm 1962-1963, ào ạt một không khí di thực của các sĩ phu Bắc Hà, tạo một tư tưởng sáng hoá mới cho văn chương miền Nam, bằng những khuynh hướng cận đại, tạo làn gió tân kỳ và tuyệt diệu cho dòng văn nghệ triết học tự do phóng khoáng, vượt thoát tư hướng cổ điển của thi ca và văn chương thời thượng, còn nép ở xó nhà quê chung thuỷ, có hậu... Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, một hành giả đạt ngộ lúc 20 tuổi, đã đẩy cho thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hùng tâm bước vào một lối giải thoát, chứng ngộ cho con đường sáng tạo riêng mình. Cũng như Ngày Sinh Của Rắn, Phạm Công Thiện đã đẩy lùi tư tưởng thơ cổ điển với những hải nguyệt phong vân vần điệu đơn cách, bay khởi hàng rào tư tưởng siêu thực đương thời, chấp vá cho thi ca tượng trưng len vào khoảng không diệu vợi của nền văn chương thế giới.


Tất cả người cầm bút trẻ hầu như đều canh cánh bên lòng, sự sáng tạo kỳ thú của một phong thái mới ứng phó với cái văn chương vần điệu, chìm đắm trong cái hình ảnh "Có chim mộng về bay đầu giường" bằng trực giác đầy khoa học siêu nhiên và mạnh bạo "Tôi thủ dâm mặt trời/Sinh ra mặt trăng", có nhiều đóng góp kỳ lạ làm hứng khởi cho các cây viết trê, coi như chuẩn mực đập phá cái cũ đưa hiện thực trần trụi và ngôn ngữ là còn khuất trong một cõi đạo lý cổ điển ra trình diện với mặt trời. Cái hay dở hậu xét, nhưng trong giai đoạn cách đây hơn 40 năm nay, phong trào Hippy và lối hội hoạ trình diễn, thật sự tô điểm và giúp sức cho cái mới được tạo dựng, được hỗ trợ tương quan. Ta hãy nghe Nguyễn Đăng Thường bày tỏ khi cầm thi tập Thánh Ca của Nguyễn Tôn Nhan lúc 16 tuổi, thi tập đầu tay báo hiệu trước một tài năng mới, mà Thường tâm sự:

"khá táo bạo, thậm chí có tí hương vị Rimbaud, một Rimbaud không vô thần": cái ngạc nhiên thích thú lúc ấy tất nhiên đến từ ngôn ngữ, vần điệu, hình ảnh, vừa giản dị tươi mát, hồn nhiên như thể tác giả đã ứng khẩu thành thi, vừa tân kỳ, siêu thực. Nhiều câu thơ được lặp đi lặp lại nhưng không gây nhàm chán. Thiên nhiên vẫn được nhân cách hoá nhưng không để phụ hoạ cho tình cảm con người, mà gần như ngược lại, trời, sao, mây, nắng, mưa, chim... đều có cá tính và hầu như chống chọi thi nhân: Trời ngập đầu trong nước xanh / Sao đi lang thang / Mây cắn nát cả hồn / Nắng nằm trên nóc nhà ga / Mưa dửng dưng / Chim có kinh... Thi nhân chỉ "nhận định tình thế", không than van kể lể về số phận hay tình yêu, chàng (thi nhân) và nàng như những kẻ hoàn toàn xa lạ nhau.

Cái không khí của Ngày Sinh Của Rắn bàng bạc trong tận cùng của thi tập Thánh Ca, nhưng cái da thịt của tác phẩm Nguyễn Tôn Nhan là sự náo nhiệt của một sự quày quả bước ra khỏi tâm thức của một nhân loại mù bước đi xuyên thấu tách rời khỏi lộ trình của những bước chân quen thuộc, mà một không gian cổ kính của ngày tháng phong kiến còn như tơ nhện giăng đầy giữa tư thức điển cố. Cái bất chợt của nhận thức hôm nay, đột biến giữa chu kỳ không gian mới: "Tôi mọc trên núi cao / Trổ trái buồn bốn mùa". Hình như, bước đi của chàng thi nhân trẻ tuổi vội bước quá xa trên tầm ngắm dự phóng một đạo ngộ, vừa đạt được trong giây phút thoát thai nên "Mưa chập chờn ướt sũng cơn điên / Tôi suốt đời vẫn quấn tã xanh"... ở một cư địa "Của buổi chiều chua kịp vỡ". Một thời thượng đế sáng tạo ra vạn vật, dù là một ý thức hão huyền để đưa đẩy thơ vào một cơn hồng thuỷ chìm đắm bốn bề ảo vọng của huyền thư: "Tôi bay lên rừng sương thu / Dơi về cánh rất mỏng / Biển chìm tôi ngã đề / Tôi phán hãy có những mặt trời / Tôi nhận chìm thượng đế / Động máu tươi". Nguyễn Tôn Nhan đã đánh dấu ở tuổi thành niên, một sự bay nhảy nghiệt ngã, phá phách, tung đôi cánh thuỷ tinh trong một không gian đầy tinh tú uy nghi. Cái mới làm Nguyễn Tôn Nhan khuynh khoái, động lòng với nhũng cách tân, mà đóng góp bằng những tri thức của một nhà thơ chập bước vào đời bằng đôi gậy thi ca, cho động cánh hoàng hôn. Dù sao đi nữa, tung tích của Thánh Ca vẫn lẫn khuất vào cái mơ hồ của thế sự, nếu không có một Nguyễn Đăng Thường đã hơn 30 năm tình cờ bảo lưu cổ vật cho cuộc triển lãm kỳ bí ngày hôm nay.


Có thời gian anh em văn nghệ đồng chiếu, thường xuyên giao lưu gặp gỡ quen biết nhau tự nắng sớm mưa chiều. Cùng tâm huyết bước vào thơ, hoan hô cật lực xây dựng khu vườn tâm huyết, ở thời buổi mà tất cả báo chí văn chương được coi như kinh điển gối đầu giường như Văn, Khởi Hành, Văn Học, Bách Khoa, Thời Tập... anh em chung chiếu thường xuyên xuất hiện với tác phẩm như một niềm say mê đại thể. Tôi rất mê thơ Nguyễn Tôn Nhan, nhất là những sáng tác đăng trên Khởi Hành với những kiệt tác có một phong cách lướt thướt biến thiên trước ngõ sống vô thường. Lúc này Nguyễn Tôn Nhan đã bước vào một thế giới thơ âm hưởng nhiều không khí Lão Trang, tách hẳn bước đi động vọng của một chàng Hippy áo hoa, phá vỡ ngôn ngữ chiêu linh ở Thánh Ca. Anh có hẳn một phong cách thi ca đằm thắm và kiêu sa hơn, dĩ nhiên là phong thái tiêu dao, sáng tạo khiến túi thơ Nguyễn Tôn Nhan nặng trĩu tài hoa như một lão phu càng tục luỵ và nặng vẻ phiêu bồng.


Nguyễn Tôn Nhan bước hẳn qua một phong cách mới, điềm nhiên tự tại dẫm nhẹ trên bước đường "Rồng nằm từ buổi chim đi / Vầng trăng rớt lại chút gì âm âm / Rồi ra vạn đại nín câm" để rồi "Chẳng còn vọng một tiếng thầm nào sao?". Nguyễn Tôn Nhan lật bật trồi dậy giữa đêm khuya đầy sao rụng trắng xoá sân nhà, chiêm bao chưa thấu rõ phương nào xuất hiện, thì cơn đại mộng lại chờn dậy một thoáng liêu trai, nhà thơ bước vào giai đoạn Xuất Cốt Ca, như một khuynh hướng sáng tạo thay đổi cho thi ca được lạ mới theo một quan niệm cũng lạ mới, đầy linh phách rung rung, thổi phù theo ánh trăng tàn cuối đông vậy. Cái nhổm dậy giữa một vùng bạch cốt, xõa trần tóc ngã trên vai mà ráng chiều thu cũng ngã bóng cho mười phương vang dội trung đình tiếng kêu, quả thật, có gì phù thuỷ hơn trong buổi chiêu cuốn đi cát bụi thổi nhanh qua kiếp người. Khuynh hướng chuyển động quang hoá trong tập thơ này, đã đánh động như một quan niệm để thơ Nguyễn Tôn Nhan bước vào một khung trời sáng hoá cách tân theo ngõ bước thời gian trôi qua. Nhìn lại, chiếc áo càng được mới đi, có lúc cũng khiến tha nhân cảm thấy an lòng trên sự biến dịch tự nhiên của phong thổ. Nhưng cũng có lúc, khiến người ta tiếc rẻ những lưu trú xứ đầy hạnh phúc và rực rỡ qua những tâm huyết của tác phẩm một thời. Chính cái không khí của "Xuất Cốt Ca, Thánh Ca, đầy rẫy những pháp chiêu của hư thực, mờ ảo trong những ảo giác mênh mông và sương khói liêu trai, đã tạo một dòng thơ tiên đoán mang chút ẩn số, tuỳ tâm người thưởng ngoạn mà thâu nhận tinh hoa một cách khác nhau.


Nguyễn Tôn Nhan bước qua giai đoạn thứ 3 trong thi ca, khiến chùm thơ 3 câu như một sấm thi, loang loáng những lời ẩn dụ, phi thường hay không cũng được trả lời bằng cách thông thấu và trực giác của người đọc. Anh đánh đổ tha nhân bằng những cách phi thường như Nostradamus ấn chứng và diễn đạt. Có ai hiểu nổi sự vô thường và đạt ngộ vẫn trải dài trong định kiếp nhân sinh. Hoạ thì a tăng tỳ kiếp, mới có một kỳ nhân đầu số, sắp xếp thế trận ẩn ngầm như một dự báo, phải chăng người trí không được bước vào suy luận, phỏng đoán mà lạc nẽo mê cung. Vậy thì kẻ vô tình, vô hình chung có bật sáng được tâm thức trước những dòng sấm kỳ bí? Ví dụ "Qua đi. Qua đi. Qua đi / Độ nhau bằng cái chớp mi cuối cùng / Thế là có đủ thần thông". Muốn bừng sáng lục thông, các bậc đại giác phải trải qua hành trình hoá thân hằng bao nhiêu đại kiếp. Dễ gì trước nhỏ 2 tấc phiêu bồng lại nặng nề như một góc núi Tu Di. Khi thì nhẹ như lông hồng, khi thì trĩu nặng chìm sâu biển cả. Giữa cái thực và vô, có bao giờ bước qua cái tử sinh và giác ngộ, để thông hiểu cái niêm hoa vi tiếu "Tay còn đoá sen vàng / Giơ lên cho chí mười ngàn cùng coi / Không ai mỉm chút môi cười".


Tôi nhớ năm 1974, khi Viên Linh sáng lập tờ Thời Tập, một tạp chí được nhiều sự cộng tác và đầy phong cách sáng tạo mới. Nguyễn Tôn Nhan có đăng tạp luận về một bài thơ Hán Nôm Ngôn Hoài của Không Lộ Thiền Sư:

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

Khi Thời Tập ra mắt, tôi có bàn với Nguyễn Mai và anh Viên Linh về câu chót của bài thơ, theo Nguyễn Tôn Nhan tiếng hú dài là một chứng ngộ siêu tuyệt của bài thơ thiền có đượm chút huyền bí này. Theo tôi cái động của tiếng hú không phải là đáp án để làm chấn động cái tĩnh, mà sự đột ngộ "sát na" tích tắc sau tiếng hú và sau sự kiện lạnh hư không mới là kết quả của bài thơ. Tiếng hú rồi hàn thái hư chỉ là tiền đề của đáp án.


Bài thơ có một chút âm hướng của sấm luận, chính vì vậy khi Nguyễn Tôn Nhan bước vào căn cơ dẫn chứng bằng những tập thơ qua 3 dòng quan niệm thi ca Thánh Ca, Xuất Cốt Ca, Lục Bát Ba Câu... Thì rất dễ hiểu Nguyễn Tôn Nhan thị nhận được cái tinh hoa ngó thấy viễn tượng siêu việt qua thơ, là điều tất nhiên có lợi cho thi nhân. Ngoài cái sáng tạo tự phát minh, thì người thơ phải là một nhân vật tiêu biểu cho chính bản thân và quan điểm thi ca của chính riêng mình. Phải công tâm mà nhận thấy rằng, người thơ đã phá vỡ mọi ý thức bao vây từ trước đến nay, anh tạo dựng và khai sáng được một mật thuyết vi diệu cho chính ngôn ngữ thi ca, vượt thoát qua mọi hình thức vô thường, tạo cho mình một sức mạnh ẩn tàng trong tư tưởng, suy tư, vạch ẩn ngữ tìm tòi một nguồn sáng, vút khỏi lỗ đen chất ngất của thơ hiện tại, vượt qua một cách không khó khăn và diệu kỳ như một huyền thư.


 

Hai tác phẩm của Nguyễn Tôn Nhan, bìa trước và sau (Nguồn: Kệ sách Học Xá)

Bây giờ chắc có lẽ Nguyễn Tôn Nhan vẫn còn lẩn quẩn quanh thơ, làm sao vứt bỏ được thơ đã đeo đẳng theo anh suốt 50 năm nay. Nhưng anh tạm khép lại để thi ca un đúc ẩn tàng trong những khoảnh khắc thừa trừ này. Biết đâu ta lại chẳng đọc được vài sáng tạo mới trong thơ Nguyễn Tôn Nhan? Gần 20 năm nay, Nguyễn Tôn Nhan chấp bút biên dịch và soạn thảo nhiều tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Sự chững chạc, nghiêm túc trong từng tác phẩm đã giúp xã hội thêm nhiều dữ liệu đặc biệt, chấp nối cái nhận định cũ, bằng những nét nhìn về những tác phẩm Trung Quốc, khá riêng cửa nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan. Thâm sâu vào dòng văn minh văn hoá Trung Quốc, vô hình chung Nguyễn Tôn Nhan đã góp thêm cho người đọc những kiến thức và tư hướng đặc thù. Anh hoàn thành dịch thuật các bộ sách: Từ Điển Văn Học Cổ Điển Trung Quốc, Đạo Đức Kinh, Nam Hoa Kinh, Xung Hư Chân Kinh, Tự Điển Thành Ngữ Điển Tích Trung Quốc, Tự Điển Hán Việt Văn Ngôn Dẫn Chứng, và hai tác phẩm lớn dày hơn 2000 trang là Nho Giáo Trung Quốc, Hoài Nam Tử. Tất nhiên tài sản dịch thuật còn trên hàng chục quyển sách khác, đã đưa thư mục của anh càng ngày càng phong phú, đa diện dày đặc hơn.


Phong thái an nhiên tự tại, Nguyễn Tôn Nhan đã bước qua mọi hành trình đầy ắp chữ tâm, ở thi ca, ở dịch thuật... anh còn phong lưu bay nhảy trên thư pháp bằng tiềm lực mãn giác và phiêu bạt...


(Thư trang Quang Hạnh, 09/2008)

Ngô Nguyên Nghiễm

Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi - I