Nhà thơ Nguyễn Phan Thịnh
(1943 - 2007)
Tôi sẽ không hề gặp anh nếu không có chuyến về vội vã thăm quê hương, lần thứ hai sau hơn hai mươi năm lưu xứ. Nơi gặp gỡ: một quán ăn ở gần khu chợ Tân Định. Tôi đã có dịp liên lạc với anh trước đây trong thời gian cộng tác ngắn ngủi với tạp chí Hợp Lưu ở cương vị chủ biên. Sau này, mối dây liên lạc được thiết lập trở lại, thường xuyên và bền chặt hơn qua tạp chí mạng damau.org ngay từ những số đầu tiên. Anh nằm trong số rất ít bạn bè ở VN được thông báo về chuyến đi của tôi.
Quán vào những đêm cuối năm khá đông khách. Anh ngồi ở chiếc bàn nhỏ tranh tối tranh sáng gần lối vào, chắc là để dễ quan sát khách đến. Anh nhận ra tôi không mấy khó khăn, có lẽ nhờ vào bộ dạng ngơ ngơ ngáo ngáo của tôi. Trong số những người mà tôi có cơ duyên được gặp trong chuyến đi này, anh trông có vẻ khắc khổ nhất. Cao, gầy, tiều tụy. Và đôi mắt của người đã nhìn, đã thấy, và đã sống những điều mình nhìn thấy. Đôi mắt của người làm chứng.
Những người bạn khác chưa đến, họ bận tham dự một cuộc hội họp nào đó. Nhưng không hề gì, điều này giúp chúng tôi có được một khoảng thời gian cho riêng mình. Câu chuyện bắt đầu dễ dàng và sôi nổi. Xuyên qua anh, tôi hiểu được thêm rất nhiều về những nỗi niềm mà giới viết lách miền Nam xuất hiện trước và sau 1975 đã gánh chịu trong hơn một phần tư thế kỷ qua trên chính đất nước mình. Những trù dập, những dọa dẫm, những phân biệt đối xử dưới nhiều hình thức. “Như vết thương không có cơ hội kéo da non,” anh ví von. Tôi cũng được nghe anh chia sẻ cái nhìn khá nghiêm khắc về những “hoạt động” và ”thành quả” của tạp chí Hợp Lưu. Không hề có những nỗ lực hòa giải hòa hợp nào hết, ít nhất là ở trong nước, anh khẳng định. Tiếp đó là cuộc thảo luận về khả năng “vượt biên giới” của Internet. Có lẽ đây là đề tài mà chúng tôi dừng lại lâu nhất trong quãng thời gian có được. Anh có vẻ quen thuộc với đặc tính và hiệu ứng của weblog và các nhu liệu mang tính xã hội khác.
Trong đêm trước hôm rời Sài Gòn, tôi có cơ hội gặp lại một số anh em. Đó là một buổi tối vui, chỉ tiếc anh không đến được. “Tiếc quá, tôi bị cái bao tử nó hành…” anh cho biết trong điện thoại. Vào lúc đó, tôi không biết chắc anh đã biết gì về tình trạng nguy kịch của mình hay chưa. Tôi chỉ biết mình đã tiếc vô cùng không gặp được anh thêm một lần nữa.
chúng ta nói chuyện văn chương
những websites, blogs, một số tác giả
một số bài thơ, văn xuôi
một số quan điểm sáng tạo trong ngoài
và tất nhiên chúng ta nói đến đời sống
đến hợp lưu, hòa hợp hòa giải
những cách nhìn khác nhau
những lập trường khác nhau
và thế là dù chung một khát vọng giống nhau
chúng ta nhìn ra nhiều vấn đề khác biệt
chúng ta giống nhau rất nhiều
nhưng cũng khác nhau không ít
…
Ở trên là một vài đoạn trong “Lời Chúc Trước Giao Thừa” tôi nhận được ít hôm sau khi trở lại Hoa Kỳ. “Chắc không cần phải đề tặng,” anh viết. Tất nhiên là không cần, anh Nguyễn Phan Thịnh thân mến! “Chiến Tranh, Những Điều Chưa Nói” và “Hoà Âm Quỷ Điệu” là hai bài thơ cuối cùng tôi nhận được từ anh, dành cho damau.org chủ đề Chiến Tranh. “Hòa Âm Quỷ Điệu,” theo lời dặn dò của anh, được đăng tải dưới bút hiệu Trần Lý Nhiên Đăng. Theo dự tính, bút hiệu này sẽ được dùng cho những tác phẩm mà nội dung và cung cách diễn đạt không cần thiết phải mang tính dè dặt, trông trước ngó sau vì an nguy của bản thân và gia đình. Sự dè dặt bây giờ đã không còn cần thiết cho cá nhân anh nữa.
Tin anh ra đi đến trước hết từ họa sĩ Rừng. Sau đó là một điện thư ngắn của Thận Nhiên và bản tin của tienve.org từ Hoàng Ngọc-Tuấn. Rõ ràng, anh có được sự quan tâm của bạn bè. Anh đã để lại trong họ, những người ở lại, một hay nhiều điều đáng ghi nhớ.
Với tôi, cùng với những bài thơ của anh, đó là đôi mắt. Mệt mỏi và tiều tụy nhưng, ngay cả trong cái tranh tối tranh sáng của quán nhậu đêm cuối năm, thỉnh thoảng lại sáng lấp lánh những điều muốn gởi đến người đối diện. Những điều đã sống qua, đã nhìn, đã thấy, đã ghi lại. Đôi mắt làm chứng của một thời nhiễu nhương.
Bây giờ thì đôi mắt anh đã khép lại. Nhưng những điều anh đã viết xuống, trước và sau khi chiến tranh chấm dứt, dưới một hay nhiều cái tên, sẽ còn đó, lấp lánh trên cao, gởi cái nhìn phán xét xuống những thế lực của trù dập, của bất công, của trá ngụy. Nhìn xuống từng ngày, từng tháng, từng năm. Đôi mắt nhân chứng nay đã trở nên bất khả xâm phạm của Nguyễn Phan Thịnh. Của những Nguyễn Phan Thịnh.
05.29.07