25-06-2017 | VĂN HỌC

Nhân đọc bản thảo cuốn “Nguyễn Hiến Lê” của Châu Hải Kỳ

  VÕ PHIẾN (*)


Học giả Nguyễn Hiến Lê
   (1912 - 22.12.1984)

Thời kỳ văn học hiện tại chịu một thiệt thời lớn, là không có những nhà phê bình chuyên nghiệp. Cho nên nó như thể thiếu một cái ý thức về khả năng của chính mình.


Thế hệ chúng ta đã làm được những gì đáng kể? Phần đóng góp của chúng ta vào văn học nước nhà có tầm quan trọng ra sao? Chưa có ai tổng kết, chưa có ai đánh giá. Chưa có tiếng nói nào được tin cậy bảo cho chúng ta biết về điều ấy, cho nên thế hệ này vẫn tự ngờ vực, nếu không phải là tự coi nhẹ mình.


Ở trong trường, học sinh có được trích giảng những đoạn văn ngắn, nhưng không được nghiên cứu về các tác giả thuộc lớp hiện tại, không được nghe nhận định về thời kỳ hiện tại.


Ngày nay nhiều người không khỏi có cảm tưởng rằng thời kỳ huy hoàng nhất của văn chương hiện đại Việt Nam là thời tiền chiến của Tự lực Văn đoàn, thậm chí còn có cảm tưởng như tuồng văn chương Việt Nam ngừng lại sau cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, thi ca ngừng lại với cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Sau đó, là tàn rụi, là không có gì đáng nói nữa.


Ngày nay nói đến tiễu thuyết lắm người vẫn chỉ nghĩ ngay tới Nhất Linh, Khái Hưng, nói đến thi ca liền nghĩ tới Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, nói đến tùy bút thì chỉ biết có Nguyễn Tuân, nói về học giả vẫn còn nghĩ tới Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, nói về sức dịch thuật là nghĩ ngay tới Nguyễn Văn Vĩnh, về một công trình đồ sộ là nghĩ tới Trương Vĩnh Ký v.v....


Thiết tưởng như thế không ai bất công đối với thế hệ chúng ta cho bằng chính chúng ta.


Chỉ nguyên một trường hợp ông Nguyễn Hiến Lê cũng cho ta rõ điều ấy. Về sự nghiệp trước tác vĩ đại ư? Vũ Ngọc Phan viết về Trương Vĩnh Ký. "Sự nghiệp văn chương của ông thật là lớn lao" (...) "Sách của ông có hàng trăm quyễn chứ không phải ít" (...), trong khoảng 35 năm trời, Trương Vĩnh Ký đã cho ra đời biết bao nhiêu là sách, ấy là chỉ mới kể những quyển chính thôi."


Hàng trăm quyển thì sự nghiệp có lớn lao thật, nhưng ông Nguyễn Hiến Lê sách đã vượt con số một trăm quyển từ lâu. Tác phẩm của ông đã xuất bản tới một trăm nhan đề, có nhan đề gồm ba, bốn quyển, dài tới đôi ba nghìn trang sách (trong khi Trương Vĩnh Ký có những quyển chỉ được một vài chục trang, mặc dù được Vũ Ngọc Phan kể như là những quyển sách "chính"). Và ông Nguyễn Hiến Lê viết chưa đầy 35 năm, Còn lâu lắm mới tới thời hạn ấy.


Về công trình dịch thuật ư? Vũ Ngọc Phan nhận xét về Nguyễn Văn Vĩnh như sau: "Đến nay Nguyễn Văn Vĩnh vẫn còn là người giữ giải quán quân ở nước ta."


Người giữ giải quán quân cho đến 1941 (là năm bộ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan ra đời) có 17 dịch phẩm. Còn ông Nguyễn Hiến Lê đã dịch ngót 50 tác phẩm gần gấp ba lần bậc tiền bối lỗi lạc.


Về thành tích nghiên cứu sâu xa ư? Cụ Trần Trọng Kim có một bộ sách biên khảo về Văn phạm Việt Nam thật công phu, trên địa hạt này, cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam của ông Nguyễn Hiến Lê có lẽ còn công phu hơn.


Cụ Trần nổi tiếng về bộ sách đầu tiên về Nho giáo dày ngót 800 trang, Ông Nguyễn trình bày cả nền triết học Trung Quốc trong một tác phẩm hai cuốn dày gấp đôi. Ngoài ra, ông Nguyễn cũng dành chữ Nho giáo một tác phẩm riêng (Nho giáo, một triết lý chính trị), cho Khổng Tử một tác phẩm riêng (Nhà giáo họ Khổng), cho Mạnh Tử một tác phẩm riêng nữa, dày ngót hai trăm trang, tức gần gấp năm lần cụ Trần nói về Mạnh Tử (chừng 40 trang sách)! Ấy là chưa kể cuốn về Liệt Tử đã xuất bản và cuốn về Trang Tử đã viết xong, chưa in.


Cụ Trần dịch Đường thi, ông Nguyễn dịch Cổ văn Trung Quốc, ngoài ra lại còn trình bày Văn học sử Trung Quốc trong ba quyển, trình bày Văn học Trung Quốc hiện đại trong hai quyển nữa, trích dịch và giới thiệu vài tác phẩm và tác giả cổ điển Trung Quốc, như Sử ký của Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách, Tô Đông Pha. Từ trước tới nay chưa có học giả nào, cựu học và tân học, mà có công giới thiệu cổ học Trung Hoa với chúng ta bằng ông.


Trên đây chỉ mới so sánh về lượng. Xét về phẩm thì văn dịch của Nguyễn Hiến Lê so với của Nguyễn Văn Vĩnh, sách khảo về ngữ pháp của Nguyễn Hiến Lê với sách khảo của Trần Trọng Kim ít nhất cũng mới hơn, kĩ hơn, đánh dấu được một bước tiến bộ.


Đành rằng được như vậy là nhờ ông Nguyễn Hiến Lê có sự ủng hộ của thời gian: Ông đi sau nên rút được kinh nghiệm của người trước. Bất đắc dĩ phải so sánh như trên, chúng tôi không có ý nào bất kính với thế hệ tiền bối cả, chỉ muốn độc giả thấy rằng lớp chúng ta không có gì để thẹn với người trước mà thôi.


Ông Châu Hải Kỳ, với tập truyện ký về Nguyễn Hiến Lê, có thể đem lại cho thế hệ chúng ta niềm tự tin đó.


*


Tác phẩm viết về ông Nguyễn Hiến Lê, tự nó cũng có nhiều điểm đáng nói. Có lẽ từ trước đến nay ở xứ ta chưa bao giờ người ta viết về một tác giả đương còn sống một cách đầy đủ tường tận đến thế. Bộ sách của ông Châu Hải Kỳ gồm cả hai phần, thân thế và sự nghiệp Nguyễn Hiến Lê, in ra có thể được năm sáu trăm trang. Đối với các danh gia các thời trước, trong lịch sử văn học nước ta, hình như cũng chưa có bộ truyện ký nào dày hơn.


Nhưng ông Châu Hải Kỳ không phải chỉ viết nhiều: Ông còn viết kỹ.


Trước khi viết về Nguyễn Hiến Lê, ông Châu chưa quen biết ông Nguyễn. Kẻ Nam người Bắc, chưa biết người, chưa biết về quê nhau; chỉ bằng vào sự tìm hiểu qua các tác phẩm của ông Nguyễn, mà ông Châu Hải Kỳ có thể giới thiệu với chúng ta những nét thật linh động về quê quán, về cảnh nhà, về những người thân của ông Nguyễn, như các cụ thân phụ, thân mẫu, như bà ngoại tổ của ông Nguyễn, v.v...


Tác phẩm của ông Nguyễn Hiến Lê tới nay đã được 100 nhan đề. Phải đọc kỹ ít nhất là một nửa số đó, và đọc phớt qua một nửa kia, rồi mới có thể viết về ông được. Nội công việc đó cũng đủ tốn công lắm rồi. Đọc xong, ghi chú xong, ông Châu Hải Kỳ bỏ ra hai năm nữa để viết, viết tận lực. Ngoài giờ dạy học rảnh lúc nào là viết lúc đó. Có lần ông đau trong một tháng, mất bảy ký lô, vừa mới hơi bình phục lấy lại được hai ký lô ông đã vội viết tiếp.


Nếu không thì công việc ám ảnh ông hoài, ông không yên được và ông đã xin bớt giờ dạy học để viết; có khi viết từ 5 giờ tới 11 giờ khuya, và rốt cuộc ông đã hoàn thành tác phẩm đúng thời gian ông đã định (trước Tết vừa rồi). Nghị lực, sức kiên nhẫn của ông thực đáng phục.


Không phải ông Châu Hải Kỳ viết được kỹ chỉ vì có công, mà còn vì ông thực lòng mến mộ ông Nguyễn, lại còn vì ông rất tinh tế. Thật vậy, có những tác phẩm về ngữ pháp Việt Nam, về triết học Trung Quốc, ông Nguyễn hợp soạn, hợp dịch với các nhà văn khác (ông Trương Văn Chình, ông Giản Chi, v.v...); đọc những tác phẩm ấy ông Châu Hải Kỳ đôi chỗ đã tế nhận được đâu là phần góp công của ông Nguyễn. Nếu không thực lòng yêu tác giả, hoặc nếu chỉ yêu mà không tỉnh thì đâu có thể làm được như thế?


Mặt khác, ông Châu Hải Kỳ có lẽ cũng là người đâu tiên nêu lên cái đặc tài viết Tựa của ông Nguyễn. Và điều ấy đúng.


Còn nhớ khi cuốn Quê hương của Ngu Í được xuất bản với cái tựa của Nguyễn Hiến Lê, anh em ở tòa soạn [Bách khoa] đã một phen ngạc nhiên. Anh Ngu Í? Thì anh vẫn gặp chúng tôi hàng ngày, vẫn nói với chúng tôi đại khái những điều đã nói với ông Nguyễn Hiến Lê. Cuốn Quê hương? Thì anh cũng đưa bản thảo cho chúng tôi xem như đã đưa cho ông Nguyễn. Tuy vậy trước khi cuốn sách xuất bản, không một ai trong chúng tôi ngờ đến những điều lý thú mà ông Nguyễn đã viết ra trong bài Tựa tác phẩm độc đáo nọ, một bài Tựa thật khéo léo tài tình.


Đưa ra cái ý kiến một tuyển tập các bài Tựa của ông Nguyễn Hiến Lê, ông Châu đã tỏ ra là một tri kỷ của ông Nguyễn.


*


Ông Nguyễn Hiến Lê vốn phong độ nghiêm chỉnh, dù với kẻ thân thiết cũng không quá vồn vã. Tuy nhiên ông đối với thân hữu thật chí tình. Sau khi Đông Hồ qua đời, ông Nguyễn có hai thiên khảo cứu đến nơi đến chốn về văn nghiệp của nhà thơ đất Hà Tiên, đặt công nghiệp của họ Lâm ngang hàng với công nghiệp họ Mạc.


Thân hữu của ông Nguyễn và ngay cả độc giả của ông nữa chắc cũng có người định viết về ông, nhưng chưa viết vì thấy hiện ông hãy còn sáng tác đều đều, nay đọc tác phẩm của ông Châu Hải Kỳ, những người ấy phải lấy làm mừng, nhưng biết đâu chẳng có kẻ ngấm ngầm ghen tị.


(Tạp chí Bách khoa, số 426, ngày 17-4-1975)

Võ Phiến

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 75 Tháng 6, 2017
Chủ đề: Những số báo văn học cuối cùng của miền Nam

_____

[*] Bài báo này đã được in lại đầy đủ trong cuốn Nguyễn Hiến Lê – cuộc đời và sự nghiệp sau khi ông Châu Hải Kỳ mất vào năm 1993 do nhà xuất bản Văn học xb (tháng 12- 1993) và được dùng như là “Thay lời giới thiệu”. Nhưng bút hiệu “Võ Phiến” được đổi thành “Văn Phố”. (TQBT)