28-10-2012 | VĂN HỌC

Mười năm Truyện Ngắn/Vấn Đề Truyện Ngắn trong Văn Chương V.N.

    TAM ÍCH

 

"Hai Mươi Nhà Văn Hai Mươi Truyện Ngắn" là tuyển tập truyện ngắn sớm nhất của Miền Nam, xuất bản năm 1957. Tạp chí Văn Nghệ nơi xuất hiện những truyện ngắn mới nhất của lớp nhà văn trẻ 21, 22 tuổi của miền Nam từ 1960 như Nhã Ca, Viên Linh, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn), Dương Nghiễm Mậu hoặc lớp hơn họ 4, 5 tuổi như Lê Huy Oanh, Lý Hoàng Phong.

"Tuyển Tập Truyện Ngắn Việt Nam" do cán bộ Bộ Thông Tin thực hiện năm 1963 lạc lõng về thời gian, tác giả chết từ thời tiền chiến (Thạch Lam, Khái Hưng) bên cạnh Nguyễn Tuân (đang ở Hà Nội) và Đỗ Tốn không biết ở đâu (chưa tên tuổi).


Tôi đã định không nói từ năm nào đến... năm nào, vạch một biên giới trước và một biên giới sau. Vì đối với xa xưa thì ngày nay chỉ là một cái bóng hàm dưỡng sự liên tục, còn đối với ngày sau thì ngày nay đường còn dài chưa đi hết một hành trình. Ấy là chưa nói rằng chuyện văn chương không phải chuyện toán lý hóa: văn chương cổ kim - nhất là văn chương - chỉ là sản phẩm của một quá trình ăn dâu nhả tơ: ngó như khác hẳn đi rồi, mà thực ra bài văn của bây giờ cũng vẫn mang một mẩu sinh tố biến chất và loạn chất của bài văn của cổ nhân, mà suy đến cực tế cực vi thì lại càng thấy bóng dáng trừu tượng của quá khứ thấp thoáng trong hiện thời. Nhà phê bình hay sử gia cho có muốn đem đơn vị đo lường vào văn chương cũng chỉ là chuyện ép - rất ép. Quả tình không ép thì cũng không biết ăn biết nói làm sao cho... thành chuyện để mà...nói!


Hãy giả tỉ rằng tôi lấy năm 1952 ngày đất nước sắp chia đôi làm... tiêu chuẩn: từ đó mà đi, tôi ăn tôi nói cho dễ - nói về truyện ngắn mà thôi. Xin có một lời phân trần thế cho khỏi có ngộ nhân sau này...


Đương còn buồn cảnh tiêu sơ của văn chương thì hiện ra hai người đàn anh của tuổi trẻ ngày ấy: Hồ Hữu Tường viết Con Thằn Lằn Chọn NghiệpLê Văn Siêu viết Quán Cháo Lú... Tôi chưng hửng: Lê Văn Siêu thì đã đành chứ nào ai ngờ Hồ Hữu Tường tài hoa đến thế! Không lẽ đi chấm thi mà lại còn đi... thi: giá mà anh Tường đừng có tham dự vào cái ban giám khảo chấm truyện ngắn quốc tế ở Việt Nam do báo Mới tổ chức - có tôi trong ban giám khảo - cái người được giải nhất là ông Vũ Đình Lưu hình như ngày nay đương viết và ký là Cô Liêu con người văn chương xưa nay vốn vững vàng; thì có lẽ chuyện Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp đã chiếm giải nhất.


Năm ba năm sau, cùng với đồng bào di cư, có nhiều nhà văn, có nhiều nhà thơ, trong đó có Mặc Đỗ, có Vũ Khắc Khoan. Trí thức giới được thưởng thức truyện ngắn Thần Tháp Rùa của họ Vũ.



Từ đó về sau, riêng của ba ông đàn anh ấy, thiên hạ không đọc thêm một truyện ngắn nào nữa: cũng có thể là, sử... xanh văn học sẽ viết những trang mới những trang khác; cũng có thể là họ khiêm tốn nhường vị trí cho những người trẻ tuổi sau này..., và viết loại khác, thể khác, thứ khác... Bỗng có Võ PhiếnDoãn Quốc Sĩ ra đời... Nói bỗng có lẽ là hàm hồ: không chừng họ Võ và họ Đoàn đã có mặt rồi! Võ Phiến viết rất cám dỗ: người đọc văn Võ Phiến tưởng như đang ngắm hoa - còn cái truyện trong nghệ phẩm có thể chỉ là những mẩu truyện phong phú thời kháng chiến ngoài Trung ngoài Bắc. Con người đã sống nên viết rất sống.


Rồi kẻ trước người sau, cả một số người đã có mặt, đương có mặt, sắp có mặt - trình diện trong văn giới, ai nấy vị trí rõ ràng, ai có màu sắc nấy, ai có vẽ nấy...


Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Nam, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nhã Ca.


Và nhất là Mai Thảo: giữa lúc mọi người viết theo một điệu - hay cũng vốn là hay, hay cũng đã hay rồi: cũng như Lưu Nghi, Vũ Hanh... một sớm ra đời rồi cứ thế tiếp tục... cuộc "hành trình" - thì Mai Thảo đi hai... bước: nửa giai đoạn trước của Thảo thật chưa có gì là ghê gớm lắm bỗng một sớm, mấy năm lại đây, Thảo tạo hẳn cho mình một kỹ thuật viết văn không giống ai nhiều, phong phú , vương hương sắc lạ, nói rằng khéo như một thứ điêu khắc mới chơi vơi nơi thính giác cũng chẳng sai nào - nhất là bài tựa cuốn tiểu thuyết Chú Tư Cầu của Lê Xuyên tôi đọc rồi tôi hết ngờ vực về cái tài của người có tài nữa. Các bạn kiếm đọc mà coi...


Nhưng đến đây tôi phải nói ngay để bà con hết thắc mắc. Hiện có mấy người làm tôi tuyệt đối lạc quan ở loại văn truyện ngắn mà ở Âu Châu đã có một nhà văn học gọi là loại văn cao đẳng (genre supérieur) - mà tôi rất đồng ý. Đồng ý bởi vì viết truyện ngắn là phải theo một "văn phạm", dù muốn phóng bút tới mức nào... khác hẳn với viết truyện dài là nơi mà thiên hạ muốn... bơi lội mấy cũng được: bơi lội gần gần thì tiểu thuyết thành một bộ ba cuốn như của Manès Sperber, của Lawrence Durrel, bơi lội xa quá thì tiểu thuyết thành một bộ... dài như một con sông - đúng là roman-fleuve - thao thao mấy cũng vẫn thao thao được!


Chứ truyện ngắn mà lại dài quá đi một đoạn đường thì hết là ngắn mà lại thành tiểu thuyết hẳn hoi mất rồi như Trại Tân Bồi của Hoàng Công Khanh, Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, Le Vieil Homme et La Mer của Hemingway... cuốn nào cũng chỉ trên dưới một trăm sáu bảy chục trang nhỏ!


Số là tôi muốn nói tới một số năm người và một số ba người. Năm người trên là Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Kiêm Minh, Nhất Hạnh và Chinh Ba. Ba người dưới là Viên Linh, Trần Dạ Từ và Song Linh *. Thanh Tâm Tuyền thì lẽ dĩ nhiên rồi!


 

Trang đầu của Tuyển tập Truyện ngắn đồ sộ, công phu, và giá trị nhất của Miền Nam
 do nhà thơ Nguyễn Đông Ngạc thực hiện năm 1973: gồm 45 nhà văn mọi khuynh hướng,
trong đó, sự chọn lọc chỉ kém chính xác khoảng 2 hay 2.5%.
Mặt khác thiên về tác giả gốc Bắc, thiếu vài tác giả gốc Nam.

Tôi cũng như ai - nào có khác được ai: thỉnh thoảng dại dột nghĩ rằng, u mê cho rằng phải là Gertrude Stein, Hemingway, Samuel Beckett... mới thần tình. Truyện ngắn của họ mới là tài hoa, thật là tài hoa - thật là tuyệt bút! Nói nôm nói na, thì cứ thú thực quách rằng chỉ có nhà văn Âu Mỹ mới là... quán thế!


Thực ra Ba Sao Giữa Giời của Bình Nguyên Lộc... một vài truyện ngắn nào đó của Sơn Nam, truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài của Nhất Hạnh, truyện Bài Thơ Trên Xương Cụt của Chinh Ba và cái truyện ngắn gì gì đó của Kiêm Minh đăng trong tuyển tập "Hai Mươi Truyện Ngắn Chọn Lọc" ra đời vào năm 1960* (* Chú thích của Khởi Hành: đó là truyện ngắn Ngày Thứ Nhất, in năm 1957 không phải năm 1960), nếu có ai dịch nổi cái hay trong kỹ thuật hành văn của họ - thì tôi quả quyết rằng đến văn chương Âu Mỹ cũng phải nhường vị trí. Tôi xin nói điều ấy với cái tinh đời chật hẹp của tôi về sự so sánh đông tây trên phương diện tài hoa và thần tình.


Những người tôi kể đó, lẽ tự nhiên là có khác mầu sắc, khác hương vị, khác tác phong, khác một tấc một phân về kích thước và hướng bút pháp - hay cũng có người lỡ mũi dao mũi kéo trong khi "điêu khắc", cũng có người hớ đi một tí, vụng đi một ly, chênh chếch đi một âm thanh của nhạc tính văn chương... Những dùng viễn kính mà nhìn, thật đáng đại diện cho văn hương Việt Nam về truyện ngắn, cho người năm châu và người bốn biển trầm trồ.


Thật là thiệt thòi cho dân tộc Việt Nam, bắc giáp Trung Hoa, nam giáp Ấn Độ Dương, đông ngó đại dương lớn, tây vươn cho tới Ấn Độ, to lớn đã không bao nhiêu, lại còn bị bao nhiêu lẽ tình cờ lịch sử chó má làm cho vấp váp đủ đường, khổ sở lắm mới mở mày mở mặt được - đến cái truyện ngắn là cái hơn người - hơn đứt đi đấy - thì lại vượt biên giới không được: cho có vượt được cũng mất hút đi như tăm cá trong đại dương!


Mà dù cho có vượt được cũng không có cách nào cho người bốn biển năm châu thưởng thức: người ta dịch cái ý chứ ai dịch được cái hay - cái hay nó trừu tượng như hương vị, nó thoang thoáng, nó như chất thần tinh-éther- chỉ có thông minh riêng của một dân tộc là đón được. Nó là thành tố của dân tộc tính kia mà! Trừ trường hợp dịch Âu ngữ ra Âu ngữ - xin nói rõ vậy!


Còn lại ba người trẻ tuổi - tôi nói ba chứ thực ra là bốn năm, vì mười năm đau ốm đã làm trí nhớ chúng tôi bội bạc lắm nhớ không hết, xin lỗi đồng bào!


Ăn dâu thì phải nhả tơ. Bao nhiêu dâu cho bao nhiêu tơ, ngày nào ăn dâu và ngày nào nhả tơ? Có kẻ ăn ít dâu nhưng quan năng hồ dị mộng (hormone) phong phú nên chất sáng tạo miên miên không ngưng - cũng có người ăn dâu nhiều mà phiến chất biến chất loạn chất gợi trăm hoa cùng đua nở... Hemingway có lối độc thoại (monologue intérieur) và vẽ tranh tâm lý khách quan (psychologie objective), còn Jean-Paul Sartre sinh đẻ sau tác giả Pour qui sonne le glas cho nên tổng hợp trữ tình cổ điển La Hy (lyrisme classique gréco latin) với duy nhiên (naturalisme) đã bỏ Emile Zola qua Mỹ rồi lộn lại Châu Âu, cõng thêm một mẩu rắc rối và thi vị ngây dại sáng đủ bao nhiêu ánh sáng các vì tinh tú của Faulkner, đồng thời thấm một chút tinh thần vội vàng, ngăn ngắn, dẻo, của nếp sống tư tưởng thời hậu thế chiến chán chường - sinh sinh hóa hóa trong chất sáng tạo của tác giả La Putain respectueuse... đã sẵn có bút pháp của chính mình.


Thật là quí hóa: ba bạn Viên Linh, Trần Dạ Từ, Song Linh đã đọc Hemingway và Jean-Paul Sartre - đọc gần đọc xa, đọc ít đọc nhiều, đọc hơn đọc kém - đã đọc và đã "nhả tơ." Cái lối hấp thụ này nguy hiểm lắm: Khéo thì nhả tơ mới tơ nhung tơ lụa - rất Á Đông nhưng rất mới, không sống sượng, không lủng củng, không ngây ngô; mà vạn nhất nếu không khéo thì sẽ ngớ ngẩn ôi là ngớ ngẩn, và văn nhân sẽ làm người thất cước - mất thành, mất chân, mất tự nhiên.



Cũng may, cũng như Lưu Nghi đã mơ hồ chiếm được chất Lỗ Tấn, các anh Viên Linh, Trần Dạ Từ, Song Linh - nên thêm Nguyễn Đình Toàn sau này - đã thấm được hương vị Hemingway và Sartre... Của người thành của mình, cùng với của chính mình làm một, và cả hai của người và của mình phối hợp thành của chính mình - nhà văn Việt Nam đọc sách Tây để viết văn thì viết văn Việt Nam vậy. Ai chưa quen, mới đọc thấy bỡ ngỡ, sau sẽ quen... Một nếp thời thượng hay một nếp thời trang, bao giờ lúc đầu cũng vất vả khi ra trình diện với thiên hạ... Lần lần thời gian sẽ lôi sẽ kéo sẽ cuốn thị giác và thính giác vào khí hậu - và nghệ thuật là gì, nghệ thuật còn là sản phẩm của thói quen của cái thành tố ưu tú của thị giác và thính giác,... Quá trình của nghệ thuật bắt đầu bằng tấp tểnh của chối bỏ và ngưng và hoàn toàn ở hướng thừa nhận của thông minh sáng tạo (intelligence créatrice).


Ngày xưa, khi coi báo Văn Nghệ, tôi nhận định như thế về Viên Linh và về Trần Dạ Từ...


Thành ra đối với tôi, ngoài những nhà văn thơ có giá trị khác, hai chàng họ Trần và họ Viên là hai người hứa hẹn nhất - trên phương diện kỹ thuật hành văn. Họ còn trẻ hơn Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc kia mà! Tuổi trẻ cũng là một điều kiện gây ra can đảm và gây kiên tâm... Trong khi tôi chưa biết Chinh Ba bao nhiêu tuổi và trong khi tôi chưa được đọc thêm một người mà tôi cho là một ngôi sao sáng nhất hiện thời là Nguyên Ngọc [viết trên Văn Nghệ ngoài Bắc] đã viết Đất Nước Đứng Lên cách đây mấy năm... Một khi đã có kỹ thuật độc đáo rồi rồi chỉ còn hai ngả: một là chỉ viết những truyện tầm thường thì rồi tài sẽ đứng lại - hai là dùng kỹ thuật của mình để kể những truyện độc đáo, thì tương lai lộng lẫy không biết đâu là chừng. Tương lai chờ các bạn!


Còn với Nguyên Ngọc thì lại khác hẳn: dâu không từ Nga từ Mỹ từ năm châu bốn biển tới cho nên tơ là tơ thuần Á Đông, thuần Việt Nam: đây là tinh hoa thuần túy của đất nước của gấm vóc.

Tôi nói tinh hoa mà không ngượng miệng chút nào! Xin ngả nón rất thấp!


Một vài nét nữa cho xong một bức tranh thủy mạc - tạm xong. Rất tạm. Tạp Chí Phổ Thông của ông bạn Nguyễn Vỹ, số Xuân năm Bính Dần hay Ất Tỵ gì đó, có đăng một truyện ngắn ký là Lan Đình... và tuần báo Vừng Đông của ông Nguyễn Xuân Hòe mới rồi có đăng một truyện ngắn ký là Trương Đạm Thủy... làm tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên chỉ vì thấy rằng nhân tài Việt Nam hoặc chớm nở, hoặc đã có mặt, còn hứa hẹn rất nhiều - thưa rằng chẳng đáng bi quan. Có những lúc người ta cử tưởng là mọi chuyện đứng lại, ngưng lại... và đến đây là tối đa, đến kia là biên giới, đến kia sinh tố đã cạn mất rồi... thì lại là những lúc những vì tinh tú đủ cỡ đủ kích thước đủ dung tích hiện ra và hiện ra! Nếu cứ tường sắp phải ô hô ai tai về văn chương thì chả hóa ra đã đến thời chết khô chết héo rồi ru?


Mầm hy vọng phát sinh như một mầm măng - hy vọng trưởng thành, lớn dần, vạm vỡ, có bề ngang, có bề dài... Đủ bề và nhiều bề.


"Làm văn phải có cái khí phách, cái ý thức, cái liêm sỷ và lương tâm của kẻ sĩ. Bởi vì phần tinh thần nó nặng lắm, không thì hãy trở về làm phu vác gạo. Chốn văn chương không phải phường ảo thuật." SONG LINH (1942-1970)


Lâu nay tôi cứ nghĩ. Nghĩ rằng truyện ngắn, thật khó viết cho hay. Thế mà nhà văn Việt Nam lại thành công ở truyện ngắn: Thành công đến đỗi nếu lịch sử đừng có chó má gây những trường hợp ngăn trở thiên tài Việt Nam vượt... tuyến thì trên chiếu văn nghệ quốc tế, truyện ngắn Việt Nam chẳng cần chen lấn cũng có vị trí lớn!


Hay là dân tộc ta chỉ quen thành chuyện lớn và chuyện khó? Có lẽ thế thật đấy: lịch sử đã chứng minh nhiều lần... Nhất là và kể cả cái chuyện khó nhất là chuyện tháo những cái ách... Ấy chết, lạc đề...

Sắp Xuân Bính Ngọ, 1966


Tái bút: Chuyện văn chương vốn là chuyện viết bao nhiêu cũng vẫn còn... có nhiều nhà văn truyện ngắn khác nữa đã có mặt - nhưng vì thẩm quyền trí thức của tôi có hạn... Đành quên! Hãy tạ tội. Hẹn ra năm sẽ viết về nhiều phương diện.

(Trích Tuần báo Nghệ Thuật số 14+15, Sàigòn, tháng 1&2. 1966)


Tam Ích

(Khởi hành số 179, Tháng 9.2011)

* Chú thích của Khởi Hành:

Nhà văn Song Linh (cố Thiếu tá TQLC Nguyễn Văn Nghiêm), từ trần khi trực thăng bị bắn rớt trên mặt trận Kiến Phong hôm 24.1.1970, lúc vừa 28 tuổi. Anh sinh ngày 15 tháng 12.1940 tại Nam Định, theo học Trưởng Thiếu Sinh Quân tại Hà Nội, theo trường di chuyển vào Mỹ Tho, Vũng Tàu, xuất thân khóa 2 Sĩ quan Đặc Biệt Nha Trang, phục vụ 1ần lượt tại TĐ 32 và 39 BĐQ, TĐ 4 TQLC, Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu, 3 Anh dũng Bội tinh cấp Sư đoàn và Trung đoàn, 1 Chiến thương Bội tinh. Năm 1966 du học Hoa kỳ tại Texas và Virginia. Tác phẩm đầu tay: "Thức Giấc Nửa Khuya," tập truyện ngắn, Văn xb. Bài viết cuối của anh do anh cầm tay mang đến Khởi Hành, Sài gòn, đăng trên Khởi Hành số 42, 26.2.1970, nhan đề "Muỗi Cạnh Đền và những hoài niệm bâng khuâng." Xem thêm Song Linh trên Khởi Hành số 96, 10.2004, Hoa Kỳ, chủ đề "Các Nhà Văn Chết Trẻ."