Nhà thơ Mai Trung Tĩnh
(1937 - 2002)
Thế giới thơ Mai Trung Tĩnh có thể dễ dàng gợi nhắc một câu chuyện cổ Đông Phương được truyền kể từ nhiều thế kỷ trước khi Socrate nói cái câu: "Hãy tự mình hiểu lấy chính mình".
Chuyện kể:
Thuở ban sơ, sự xuất hiện của vị thần trí tuệ đã dấy lên một cuộc rượt bắt quyết liệt. Ở khắp nơi, con người đều ráo riết truy lùng do khao khát nắm được thần trí tuệ trong tay. Vì vậy, thần phải liên tục trốn chạy.
Trước tiên, thần trốn vào vùng rừng núi với ý nghĩ nhờ những lớp vách đá và cỏ cây trùng điệp xoá lấp mọi dấu vết của mình. Thần đã nghĩ lầm. Con người biết ngay thần đang trốn ở đâu nên lập tức vạch cây, xẻ núi lùng sục ngày đêm. Thế là thần phải tìm nơi ẩn trốn khác.
Thần quyết định chui xuống đại dương. Nhưng, mặt nước mênh mông trên khắp địa cầu vẫn không đủ che chở cho thần. Con người không tìm thấy dấu vết thần trong các vùng rừng núi đã đoán chắc là thần đang ẩn mình dưới đáy biển. Cuộc lùng sục từ mọi phía liền ào xuống đại dương và tiếp diễn vô cùng gay gắt. Biển sâu lại dậy sóng, sau khi rừng rậm, núi cao đã bị dẫm nát.
Không còn chỗ dung thân trên mặt trái đất, thần đành bay thẳng lên trời với hy vọng con người sẽ nản chí ngưng truy tầm. Một lần nữa, thần lại lầm. Nỗi khát khao nắm bắt được thần vẫn càng lúc càng tăng và con người theo thần bén gót. Vừa bay lên không trung, thần đã phát hiện ngay tình trạng đang bị bám đuổi sát nút từ mọi phía.
Lúc này thần không còn nơi trốn tránh và lâm cảnh nguy khốn cùng cực.
Thần không còn đủ thời giờ suy tính mà chỉ kịp hành động chớp nhoáng kiếm lấy một chỗ tạm ẩn mình. Trong lúc cấp bách, thần đánh liều chui ngay vào cơ thể con người.
Cái quyết định táo bạo bất ngờ này lại trở thành quyết định tuyệt vời của thần.
Nỗi háo hức tìm bắt thần của con người không hề suy giảm, hướng truy tróc vẫn ngày một mở rộng thêm nhưng thần đã có thể ung dung nghỉ ngơi trong sự bình an tuyệt đối.
Câu chuyện ngưng ở đây với ít nhất hai câu hỏi sừng sững:
- Phải chăng con người đã đi quá xa trong cái đà hướng ngoại đến nỗi quên hẳn bản thân mình?
- Phải chăng con đường tự tìm hiểu bản thân của con người khuất khúc mịt mù hơn mọi con đường lên trời xuống biển?
Dù nghiêng về cách giải đáp nào thì hình ảnh con người vẫn hiện lên qua vóc dáng bơ vơ của một thân phận lạc loài trôi giạt với hàng trăm ngàn nghi vấn. Và, càng nỗ lực giải đáp, con người lại càng mất phương hướng. Mỗi lời giải đáp dường như chỉ mở bung ra thêm hàng trăm ngàn nghi vấn khác.
Nỗi khát khao hiểu biết từ thuở ban sơ còn ngùn ngụt cháy, nhưng con người luôn quay cuồng trong tối tăm về chính sự hiện diện của mình. Những điều được gọi là nguồn vui, là hạnh phúc, là chân lý trên đời … cứ như những bóng ma chập chờn ẩn hiện dưới trăm ngàn hình thức.
Quay về hướng nào con người cũng bắt gặp những màu sắc tươi hồng, những âm thanh dịu ngọt.
Nhưng thoáng chốc mọi thứ lại biến dạng ngay thành những nỗi đau đớn, những lời gào thét hãi hùng. Sự hoá thân chớp nhoáng này không chỉ đơn giản do tính phù du mà dường như đã biểu hiện tính muôn màu của một sự việc nào đó khiến con người vốn đang quay cuồng trong tăm tối lại càng quay cuồng thêm vì không thể phân biệt nổi cái giả với cái chân, không thể nắm bắt được bản chất của mọi điều đang hiện ra ngời ngời trước mắt.
Đây chính là hình ảnh con người trong thơ Mai Trung Tĩnh. Con người nồng nàn yêu thương cuộc sống, khao khát trông tìm ánh sáng hạnh phúc và chân lý nhưng bị giam cứng trong ngôi nhà ngục hoang mang vì lạc hướng.
"Một anh chàng khổng lồ đứng dưới chân núi, lăn những tảng đá xanh lên những triền núi dốc ngược của sự ngu dốt rực rỡ và những điêu ngoa hào nhoáng".
Hình ảnh ví von này của Nguyên Vũ khi viết về Mai Trung Tĩnh đã phác hoạ khá sắc sảo con người trong thơ Mai Trung Tĩnh và thơ Mai Trung Tĩnh. Thơ Mai Trung Tĩnh chính là tiếng nói của một tâm hồn ấp ủ những hoài vọng vô cùng nhưng lại không vượt nổi những hệ lụy ràng buộc của một kiếp người hữu hạn về mọi mặt.
Vị thần trí tuệ xuất hiện từ buổi ban sơ có lẽ đang ngon giấc ngay giữa trái tim hay khối óc của con người. Nhưng khoảng cách giữa thần và người lại xa thẳm. Cho nên, con người vẫn phải làm cái việc vô vọng là lăn những tảng đá xanh lên triền núi dốc ngược? một triền núi hình thành bằng sự thần tượng hoá những ngu dốt và điêu ngoa của chính con người kéo dài theo lịch sử.
Tiếng thơ trong cảnh ngộ này có thể chỉ là tiếng than oán não nề về nỗi khốn cùng hay hơi thở dài tuyệt vọng vì ý thức rõ trạng huống bất lực bi thảm của bản thân con người. Nhưng, tiếng thơ này không có trong thơ Mai Trung Tĩnh.
Tuy không vượt nổi cái thân phận hữu hạn bị trói buộc giữa muôn ngàn hệ luỵ, Mai Trung Tĩnh vẫn tự tìm được cho mình một lối thoát để có thể tạm rời xa ngôi nhà ngục hoang mang u uất. Những ưu tư giăng mắc bám theo anh như hình với bóng nhưng không xé nát tâm tư anh và những hoài vọng không thể hiện hình thành thực tế vẫn không trở thành những ngọn roi chí tử.
Từng khoảnh khắc thời gian nào đó, Mai Trung Tĩnh vẫn tìm được thư thái cho tâm hồn qua một ánh nắng buổi sáng, một bông hoa đang hé nở, một nụ cười chan chứa yêu thương hoặc một hơi ấm từ bàn tay bè bạn…
Buổi sáng anh trở dậy ra lan can nhìn xuống đường
Anh nhìn cuộc đời ở dưới ấy
Không khí trong lành đất trời cỏ cây chim chóc
Và tiếng nói của người vào châu thành
Tâm hồn anh đã ngủ giữa đám ồn ào
Con ngựa khỏe lành gõ móng nhịp đều buổi mai
Người thợ rảo chân trong gió sớm
Mỗi ngã tư như hội học trò
Dù quay cuồng giữa muôn ngàn băn khoăn khắc khoải, Mai Trung Tĩnh vẫn có được bóng mát của sự bình yên do thái độ thản nhiên chấp nhận mọi sự hiện hữu trên đời, bất kể đó là mất mát, là điên cuồng, là ngược ngạo…
Đây cũng chính là điều khiến thơ Mai Trung Tĩnh ít hiển hiện bóng hình sôi nổi của thời đại mà anh đang sống, một thời đại in hằn dấu vết những tai ương khốc liệt. Có lẽ trước mắt Mai Trung Tĩnh, thời đại nào cũng chỉ là một khoảnh khắc phù du so với thời gian vô cùng của cuộc sống. Cho nên, mọi tai ương đều chỉ là cát bụi trước cái Hữu Hạn bi thảm mà con người phải gánh chịu từ kiếp này qua kiếp khác. Không một tai ương nào đủ tầm vóc đọ nổi với cảnh ngộ lạc hướng của con người trên đường truy lùng ánh sáng trí tuệ có thể soi tỏ dung nhan Hạnh Phúc và Chân Lý.
Mai Trung Tĩnh không thể rời khỏi thời đại của mình, nhưng anh đã đặt mọi thời đại vào dòng sống miên viễn để đối mặt với cuộc đời muôn thuở. Đây là cuộc đối mặt từng dày vò tâm tư không biết bao nhiêu con người nhưng với riêng Mai Trung Tĩnh, anh đã giữ được nụ cười gánh chịu mọi thương đau.
Tiếng thơ Mai Trung Tĩnh đã trở thành tiếng thơ của một tâm hồn chứa đầy ước vọng nhưng biết nhận phận mình để thản nhiên đi giữa những tai ương.
Anh kêu ca ư? Đừng!
Buổi sáng tỉnh dậy, tôi muốn nói đem niềm tin cho tâm hồn.
Cuộc đời không bao giờ bỏ tôi.
Tôi phải đi xuống và can đảm nhận lấy những phần việc
Trong thơ Mai Trung Tĩnh, dường như bóng dáng lão ngư ông của Hemingway không ngừng thấp thoáng.
Một con người mang thân phận bi thảm của kiếp người với nỗi khát khao tuyệt vọng kéo dài từ vạn kỷ sống giữa một thời đại khốc liệt mà hình hài vương đầy thương tích của một thân phận nạn nhân.
Nhưng đó là con người không ngừng thiết tha yêu thương cuộc sống và vẫn bình thản đi tới kể cả khi hình hài đang phản bội chính mình.
Mai Trung Tĩnh tên thật: Nguyễn Thiệu Hùng
Lễ trao giải Văn Chương Toàn Quốc 1960-1961: Mai Trung Tĩnh đầu tiên tính từ phải.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, làm thơ từ khi 15 tuổi và đã có Thơ đăng báo từ 1953. Nhưng phải đợi đến khi ông cùng Nhà thơ Vương Đức Lệ được trao giải thưởng Văn chương toàn quốc 1960-1961 với tập Thơ "40 bài thơ của Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ", Bông Lau xuất bản, thì làng văn hóa miền Nam mới thức giấc choàng dậy như vừa tìm thấy ngôi sao lạ.
Sang Mỹ định cư ở Thủ phủ tiểu bang Maryland, thành phố Annapolis năm 1995, Mai Trung Tĩnh cũng chỉ làm được 3 bài Thơ rồi ngã bệnh. Một trong ba bài cuối cùng, có một bài - Như thế - nói lên tâm trạng của ông ở quê người:
Vẫn mây trời như thế
Nắng vẫn như thế
Gió và mưa như thế
Nhưng ta không còn phải sống những giây phút như thế
Thành phố ta ở không như thế
Những bộ mặt quanh ta không như thế
Ngôn ngữ ta nghe và báo ta đọc không như thế
Âm nhạc ta nghe cũng không bị nghe như thế
Và những giấc ngủ của ta
Những giấc mơ của ta
Không còn bị như thế
Duy có một điều
Trong chỗ sâu kín nhất của lòng ta
Ta cảm thấy vẫn còn như thế
Có lẽ mãi còn nguyên như thế.
(Annapolis, 1995)
Nhưng Mai Trung Tĩnh không còn như thế. Căn bệnh não đã lấy mất đi một phần lớn thân thể của anh. Mai Trung Tĩnh đã phải mổ ở bệnh viện John Hopkins (Baltimore) bởi những Bác sỹ danh tiếng của Hoa Kỳ. Nhưng ngặt nghèo thay, bệnh não không dừng chân để Mai Trung Tĩnh có thể tiếng tục làm thơ. Anh bị tê liệt thân thể chỉ một thời gian ngắn sau khi rời bệnh viện. Và từ đây, người Thi sĩ nổi tiếng của Văn học Miền Nam đã phải bó tay trước định mệnh. Anh phải vào Nursing Home - Baltimore để có thể được chăm sóc, sau khi vợ anh, chị Vũ Thị Thảo và các con anh không có đủ phương tiện và khả năng y học giữ anh ở nhà.
Khi chúng tôi cùng với Nhà thơ Vương Đức Lệ, hai nhà văn Uyên Thao và Hà Bỉnh Trung lên thăm, lúc đầu anh chẳng nhận ra ai, kể cả Vương Đức Lệ là người đã sống bên anh, viết chung, diễn thuyết và "đàn đúm" với nhau trên 50 năm! Mãi khi Vương Đức Lệ tự giới thiệu và giới thiệu những người cùng có mặt thì Mai Trung Tĩnh mới biết. Gương mặt, tuy còn đầy sức sống nhưng cô đơn, lạ lùng chợt sáng lên. Anh cố gắng dơ cánh tay khẳng khiu ra bắt tay chào chúng tôi và những câu chuyện vui như pháo Tết bắt đầu. Giọng nói của anh vẫn như thế, nhưng chậm chạp và không tròn trịa. Bộ óc anh đã đem lại cho anh sự sống minh mẫn tương đối bình thường, nhưng anh chỉ còn cử động được nhiều của một cánh tay bên phải. Mai Trung Tĩnh nằm như thế đã hai năm rồi. Anh không còn khả năng làm được gì cho chính bản thân mình.
Nhưng hạnh phúc và may mắn làm sao, bên cạnh anh, một ngày hai buổi sáng chiều, còn có người bạn đời - chị Vũ Thị Thảo -đã đem hết sự sống và lòng thương yêu của một người vợ hiền chăm sóc, phụng dưỡng mọi việc mà Mai Trung Tĩnh đã bất lực. Nếu không còn chị Thảo và hai người con thì Mai Trung Tĩnh không còn được như hôm nay, tôi có cảm nghĩ như thế! Mai trung Tĩnh qua đời lúc 9giờ 25 ngày 20/12/2002.
(06-01)