Nhà thơ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu
(1900 - 1976)
Τú-Mỡ ở một biệt thự trên con đường Láng, cách Hà-nội sáu bảy cây số. Một biệt thự nhỏ được chủ nhân làm đỏm cho bằng sự chăm nom tỉ mỉ hơn là bằng những sự phổ bầy lòe loẹt.
Mấy gian nhà gạch cao ráo, thừa ánh sáng, xung quanh đủ các thử cây cối...
Chúng tôi qua ngưỡng cửa, còn đang hỏi thăm thì thi-sĩ ở trong vườn đã vòng theo trái nhà ra tiếp chúng tôi.
Ông mời chúng tôi vào nhà, đi thay bộ cánh làm vườn gồm có cái áo ngắn đút trong quần, một cái quần nhét trong đội nịt. Nếu ông cứ đề bộ cánh ấy tiếp chúng tôi, có lẽ lý thú hơn...
- Chúng tôi lên yêu cầu ông cho chúng tôi được biết « một vài câu chuyện » về ông và văn-nghiệp của ông, sau này có thể làm tài liệu cho cuốn sử văn-học Việt-nam cận đại.
Nghe câu hỏi của chúng tôi, ông nhìn chúng tôi, tỏ vẻ e ngại. Lần này không phải là lần đầu chúng tôi nhận thấy sự e ngại ấy ở một nhà văn mà chúng tôi đến "phỏng-vấn". Các ông ấy viện lẽ rằng mình chưa có tiếng, hoặc có tiếng không biết cái tiếng ấy có còn mãi không. Công việc của chúng tôi làm sợ sớm quá.
. Sau một hồi chúng tôi giải rõ ý nghĩa việc làm của chúng tôi, ông chậm rãi:
– Tôi sinh ngày 14 tháng ba tây năm 1900, tức là ngày 14 tháng hai năm Canh-tí ở phố Hàng Hòm Hà nội.
Lên năm tuổi, ông nội tôi vỡ lòng dạy tôi học chữ nho. Tuy bấy giờ phong-trào học chữ tây đã lan rộng, nhưng ông tôi bảo rằng học vỡ lòng phải học chữ thánh hiền trước, rồi sau muốn học gì thì học.
Tôi học ông tôi vừa hết pho «Tam tự Kinh», sau pho «Dương tiết», thì ông tôi mất. Bấy giờ thày tôi mới cho đi học chữ tây, bắt đầu học a, b, c tại trường cụ giáo Quỷ, tức là thày học đầu tiên dạy tôi quốc-văn vậy.
Học cụ được một năm thì thầy tôi xin cho tôi vào trường nhà nước, tức là trường Hàng Bông (bây giờ là hiệu cao lâu Tự-Hung)
Sau ra trường Hàng Vôi học cho hết lớp nhất, đậu bằng Sơ-học Pháp-Việt năm 1914 với con số 1 đối với toàn xứ Bắc kỳ.
- Khi ấy, ông đã thấy có xu hưởng về quốc-văn, thứ nhất là về thi ca chưa ?
– Có lẽ chưa. Thời kỳ ấy và sau này vào trường Bưởi cũng vậy, tôi chỉ là một người học-trò ranh mãnh, nghịch ngợm... Trái với những học-trỏ chữ nho, vừa nhu mì, vừa lễ phép, tôi nghịch ngợm có thể là biểu-tượng của học trò chữ tây. Nghịch ngợm và ham chơi đến nỗi chỉ trong một năm, bị mất học-bổng.
Được chú ý về cái nghịch, nhưng cũng được chú ý về một vài cái khác nữa. Trong lớp, tôi là một học-trò khá về Pháp-văn, thích đọc Pháp-văn.
Lên năm thứ ba (1916), bắt đầu mắc cái « bệnh » làm thơ.
- . . .
- Một nhà văn, một nhà thơ thường được đào tạo ra bởi những trường-hợp bất ngờ.., Sinh ra đời, ngay cả những người được sống những ngày đầu trong bầu không-khí văn chương, ai dám chắc rằng sau này mình sẽ là một nhà thơ... Do những trường hợp bất ngờ cả.
Năm ấy, thấy hai anh Hoàng ngọc-Phách và Nguyễn-Pho, hai anh giỏi quốc văn nhất lớp, trong trường thường họa thơ với nhau một cách rất khoái chí, mỗi anh một cuốn số tay, chép chép biên biên như hai nhà học-giả.
Chúng tôi học cụ Phèn (Dufresne), một giáo-sư có tiếng là «phi-lô-dốp». Thấy cụ chải cái đầu lật ngược, anh Pho cũng chải cải đầu như thế. Nhất cử nhất động của cụ đều được anh Pho chép đúng cả.
Dưới con mắt nghịch ngợm của tôi lúc bấy giờ, thì xem chừng hai anh tự tưởng là hai bực hiền-triết có cái chí hơn người, còn chúng tôi, một lũ phàm phu tục tử.
Tôi nói không có ý chế riễu hai anh, chỉ muốn nhắc lại một ít ý nghĩ và cảm tưởng của tôi trong thời kỳ còn nhỏ ấy.
Vì tỉnh thích trêu trọc, tôi rủ anh Quế, tinh cũng quái quắc như tôi, kết bạn xưởng họa, mục-đích là làm vế thứ hai của đôi câu đối mà vế bên kia là các anh Phách Pho.
Phách với Pho làm toàn thơ đúng đắn và hay thì Quế với Hiếu chỉ làm rặt thơ nhảm nhí và kém. Bạ cái gì vinh cái ấy : vịnh cái chuông xe điện, vịnh các viên giảm-thị, vịnh các ông giáo .. Thơ nhảm hết chỗ nói, tôi nhắc lại, chỉ cốt nhạo lại hai anh thi-sĩ kia thôi.
Song cũng là cái số, mình sinh ra đề thỉnh thoảng làm thơ, bỡn quả hóa thật, sau đâm ra thích làm thơ.
- . . .
– Thật ra, còn có một chuyện khác, chuyện tình. Phải, cái thơ này trong tâm- hồn thì cái tình cũng nầy trong tim. Cậu học sinh trường Bưởi mới mười bảy tuổi đã yêu một cô gái mười làm tuổi ở phố Hàng Bông. Gọi là yêu, không biết có đúng không. Một thứ tình vơ vẫn, yêu mà không dám tỏ cho người minh yêu biết, và cũng không biết người mình yêu có yêu mình, hoặc biết mình yêu không.
Thích làm thơ, liền nhờ anh Pho chỉ bảo cho... Đề giả lời sự khẩn khoản của mình, anh nhìn bằng con mắt thuong hại mà bảo rằng : « Anh cũng làm thơ ư ? Phải có thiên-khiếu mới được! Có phải ai cũng là thi sĩ được đâu!"
Bực mình, lại phải nhờ anh Phách... Anh tươi cười, nhưng thành thực : « Phải chừa làm thơ nhảm và tập làm thơ đúng đắn đi ». Rồi anh chỉ bảo cho thế nào là niêm luật, bảng bằng, trắc trắc, v. v... Và từ đó, theo anh Phách làm thơ "đúng đắn". Bài đầu làm đưa anh Phách chữa hộ là bài Tương-tư. Tôi còn nhớ :
"Vì ai nên nổi nhớ cùng thương
Một mối tơ tình dạ vấn vương
Sáu khắc mơ màng tình bạn ngọc
Năm canh nhớ tưởng bóng người vàng
Ruột tầm chín khúc vò tơ rối
Giấc điệp năm canh diễn khắc trường
Muốn nhắn cùng ai, ai nhắn hộ,
Mòn đuôi con mắt giải sông Tương»
Sáo quá!
Nhưng hình như cũng tả được một phần nhỏ cái sự tương tư cô gái hàng Bông.
Đọc bài thơ trên, anh Phách cho là khá: "mơ màng người bạn ngọc», "nhớ tưởng bóng người vàng », đối như thế là chỉnh lắm. Duy có « sáu khắc » với « năm canh » cũ quá. Anh sửa:
«Tựa gối mơ màng hình bạn ngọc,
Thấy giăng nhớ tưởng bóng người vàng»
Anh lại bảo hai câu ngũ lục không phải của tôi, tôi đã lấy của một quyển thơ... Thì thật thế. Mình đâm ra phục anh Phách, một người vừa giỏi, vừa biết nhiều.
Anh khuyến nên đọc truyện Kiều, trong có nhiều câu hay, nhiều chữ dùng rất tài tình, ý-tứ rất rồi rào, v. v.. Anh bảo gì, tôi nghe nấy.
Sang năm thứ tư (1917), bắt đầu mê thơ Tản-Đà. Hai quyền "Khối tình con" ra đời, không một bài nào tôi bỏ qua.
Thích nhất là thơ Tú-Xương. Những bài thơ do tạp-chí Nam-Phong sao lục, tôi đọc gần thuộc cả.
Có thể gọi Tú-Xương là thầy học của Tú-Mỡ.
– Vì nhớ ơn ông thày học ấy nên ông mới lấy cái biệt hiêu ngộ nghĩnh là Tú-Mỡ?
Ông giả lời tôi bằng một cái mỉm cười, nhận lấy cái hành động đầy sự biết ơn đối với ông thầy thơ của giòng sông Vị.
Rồi ông tiếp :
– Tuy vậy, vì giữa thời kỳ tình ái còn đang thống quản tất cả những tình cảm và hành động, cái ảnh hưởng về bên Tản-Đà nặng hơn.
– Ông còn giữ được nhiều thứ soạn vào thời bấy giờ ?
- Những bài mà tôi tưởng là có giá trị nhất, phầu nhiều là thơ làm về mối tinh tôi đã kể trên. Thơ sầu thảm, ý và lời đều rất sáo :
"Một mối tơ tình khéo cợt ta
Cợt ta chi mãi hỡi giăng già
Giăng già sao chẳng xe duyên thắm
Dây thắm hay còn gỡ chưa ra»
(Trách giăng già)
«Lòng còn đeo nặng khối tình con;
Đối ngọn đèn khuya gợi mối buồn.
Ngọn bút tình này khôn tả nổi,
Biết cùng ai giãi lấm lòng son"
(Sầu tình)
(mỗi câu thơ có một cái tên sách)
Sau này, tôi biên thành một tập, lấy nhan đề là "Câu cười tiếng khóc», cái nhan đề tôi lấy trong cậu «Cuộc nhân thế câu cười tiếng khóc» của Nguyễn khắc Hiếu.
Tập thơ này tôi không xuất bản.
Theo sự yêu cầu của tôi, ông đứng dậy, lấy trong tủ ra cho tôi xem tập thơ đầu tiên của ông. Tôi rất cảm động khi được cầm trong tay một tập sách cũ kỹ, khổ rộng, bìa vẽ rất công-phu, nhưng mầu mực đã bị thời-gian xóa nhòa gần hết, tôi nhận mãi mới thấy rõ được cái nhan-đề, dưới ký tên Nguyên Trực Hồ trọng Hiếu. Bìa sau vẽ hai cái mặt người – cũng đã nhòa gần hết – một cái cười, một cái khóc.
– Ông nên giữ tập thơ này cẩn thận, nó sẽ giúp rất nhiều cho ai sau này muốn nghiên- cửu, không riêng gì về ông mà về cả một thời đại. Nó có thể là vết tích một trạng-thái tâm- hồn của cái thế.hệ nhà văn 1916-1920.
– Cái thế hệ nhà văn lãng mạn mà sau này anh Song-An là người đại-biều với quyển "Tố-Tâm».
– Ông có thể cho chúng tôi biết những nguyên-do nó làm cho ông bỏ cái lối thơ sầu thảm mà thiên về lối thơ hài hước và trào-phúng!
– Đỗ bằng Thành-chung năm 1918, ở trường ra, tỏi vào làm sở «Phi-năng». Trong những buổi đầu, tôi vẫn còn làm thơ "khuôn sáo", vẫn những tình và mộng.
Sau hai năm làm việc với những điều ngứa mắt chướng tai, đã làm nẩy nở ở tôi cái mầm hài-hước sẵn có, nhưng từ trước vẫn bị cái nhu cảm nó lăm-le đè lụi đi mất.
Bài thơ hài hước đầu tiên của tôi là:
"Bốn cái mong của thầy phán", sau này đăng ở tạp-chí "Việt nam thanh-niên":
"Làm nghề thầy ký với thầy thông
Sống ở trên đời có bốn mong:
Mong tháng chóng qua, tiền chóng lĩnh,
Mong giờ mau hết, việc mau xong,
Miền-đay mong được dăm mười chiếc,
Lương bổng mong tăng sáu bẩy đồng.
Hãy tạm thời nay mong thế thế,
Còn bao mong nữa xếp bên lòng"
Bài thứ hai là bài «Phú thày phán", do anh Nguyễn Tường-Tam sao lục đăng trong Nam Phong. Vì chúng tôi giấu tên nên sau này, nhiều người đã nhầm bài ấy là của Tú- Xương. Tôi không tưởng-tượng được người ta có thể có được những cái lầm lớn đến thế. Trong bài của tôi, có nhiều cái mà thời đại của Tú Xương không có.
Sau tôi cũng làm được những bài khác, phần nhiều đã đăng trong Việt-Nam thanh niên và Tử-dân tạp-chí.
- Cho đến khi ông xuất hiện với Tự lực văn-đoàn, ông có thề cho chúng tôi biết bước đường của ông từ tạp-cht V. N. T. N. đến bảo Phong-Hóa ?
– Năm 1932, anh Nguyễn Tường Tam cho tôi biết anh có ý định cùng mấy anh em lập một tờ báo trào phúng. Tôi quen anh Tam từ khi anh với tôi cùng làm ở sở Tài- chính. Khi ấy anh chưa sang Pháp du học, anh đã để ý đến quốc văn.
Khi ấy sở Tài-chính còn ở Bờ hồ, trong sở chúng tôi bày ra nhiều trò chơi có ích cho sự tiến thủ về mặt luyện tập quốc văn. Thí-dụ chúng tôi giao hẹn, hễ ai nói một câu tiếng Nam mà có xen vào một tiếng Pháp như hầu hết các công-chúc hồi bấy giờ và bây giờ, thì bị phạt.
Ngoài những giờ làm việc, chúng tôi thường đến sở, đóng cửa cho đủ sự yêu tỉnh, anh Tam thì viết văn, tôi thì làm thơ, không thì đọc sách ...
Giở lại với việc xuất-bản tờ Phong Hóa. Trước hết, chúng tôi chỉ có mấy người, đầu có anh Tam, anh Long (anh anh Tam, tức là Hoàng-Đạo), anh Lân (em anh Tam, tức là Thạch-Lam), và tôi.
- ...
– Mấy tháng sau mới có Khái Hưng và một năm sau, anh Thế-Lữ.
Anh Tam thuê một cái nhà ở dưới ấp Thái-Hà đề mấy anh em làm việc. Tôi đi làm thì chở, về là đến đấy bàn bạc về cải “tôn chỉ" của tờ báo và soạn bài vở dự bị cho đủ in trong sáu tháng. Anh Tam vừa viết, vừa vẽ... Anh đặt ra mục này mục nọ, giao cho mỗi người. Anh có cái óc làm việc rất khoa-học, anh đã giao cho ai việc gì thì chỉ chuyên làm có việc ấy.
Nhiều lúc, tôi tỏ ý muốn viết những bài thuốc về loại khác, anh khuyên chỉ nên chuyên về một lối. Có lẽ là một điều rất hay cho chúng tôi.
Tôi có thể nói anh Tam là người đã tạo ra Tú-Mỡ vậy.
Mục Giòng nước ngược đã có, tôi cứ thế mà đúc thơ... Từ 1932 đến bây giờ, mười năm giời làm được mấy trăm bài thơ, soạn in thành hai tập. Kể là ít, nhưng ông rõ cho những thơ ấy làm sau những giờ làm việc mệt nhọc trong sở...
Nói đến dây, ông có vẻ nghĩ ngợi... Tôi đã nắm được đầu mối ý nghĩ ấy, không muốn chờ ở ông một câu chuyện mà thường ông chỉ nghĩ thầm, tôi hỏi sang chuyện khác:
– Ông có một vài thói quen khi làm thơ? Ông làm thơ có dễ như người ta có cảm tưởng khi đọc thơ ông không ?
– Phải có cho tôi một nơi thật tĩnh, tôi nghĩ ban ngày, viết ban đêm.
Chúng tôi đi làm mà còn viết văn, thường bị người ta dị-nghị. Người ta bảo chúng tôi đã lấy thì-giờ đáng lẽ dùng làm việc sở để viết văn.
Tôi không thể nào làm thơ ở sở được, dù là những giờ nhàn rỗi. Nhà nước có thể tin chắc-chắn rằng Phán Hiếu không dùng thì-giờ của nhà nước để làm thơ ! ...
Tôi làm thơ, có khi có hứng viết rất dễ dàng, cũng có khi bí thì đến là chật vật. Khi túng vần thường hay cắn môi, có khi đến rớm máu.
- ...
– Những bài thơ người ta đọc trơn như câu chuyện có vần, ấy là những bài tôi viết vất vả nhất.
- Ông có chịu nhiều ảnh hưởng của các nhà văn, nhà thơ trào-phủng Pháp ?
– Thi-sĩ trào-phúng, tôi ưa đọc Boileau, thứ nhất là René Buzelin; Buzelin chuyên làm thơ châm biếm cho tờ báo Le canard enchainé. Đọc anh này lý-thủ lắm. Tôi nhận có chịu chút ảnh hưởng, vì vậy, có anh em gọi đùa tôi là "Buzelin An-nam", Buzelin là "Tú Mỡ Tây" …
- Thơ châm-biếm của ông có thể làm cho nhiều người mất lòng ; về phương-diện này, ông có kỷ-niệm gì hay hay trong cái đời làm thơ và làm báo của ông ?
– Làm cho nhiều người mất lòng cũng có, cho nhiều người vui lòng cũng có, tôi có thề kề ông nghe hai chuyện làm thí dụ :
Tôi được một người bạn đồng-nghiệp kề cho nghe một câu «chuyện sống» hay hay ; tôi dùng chuyện ấy làm tài liệu cho một bài thơ... Tôi làm bài này cũng như những bài khác, có ngờ đâu sau mấy ngày, tôi hái được một kết-quả không ngờ. Người bị châm-biếm — tôi không ngờ người ấy lại là vai chủ-động trong chuyện kia - đến tận sở làm việc của tôi, đòi sinh sự với tôi... Họ định làm to chuyện, chủ-ý đi đến cái cứu cánh : võ lực.
Sau cùng, sự «gặp-gỡ» của họ với tôi chỉ đem về cho họ mấy giòng cải chính có thể gọi là một cải tên châm-biếm nữa bắn cho họ.
Câu chuyện thứ hai là sau khi tôi làm bài «Hồ Gươm phú», làm có ý nghịch hội- đồng chấm thi văn-chương của hội Khai-trí Tiến-đức, tôi nhận được một cái thơ của cô Thoại Ngữ, một nữ sinh năm thứ tư một trường Cao đẳng tiểu-học ở Huế.
Bức thư khen mình bằng một giọng ngộ nghĩnh hay hay.
Đối với nhà văn chúng mình, được người ta khen, bị người ta chê là thường, riêng lần ấy, đọc thư của «người bạn xa không quen biết", mình thấy như được khuyến- khích, có những cảm-giác nhẹ nhàng và trong-trẻo.
– Ông có tin rằng lối văn hài hước và trào phúng sẽ có một tương-lai trong tăn-chương ta ? Ý ông đối với những nhà thơ Tú Poanh, Bạch-Diện, Đồ Phồn thế nào?
– Có thể tin rằng thơ hài hước tiến được, nhưng hiện giờ đồ đệ của Tú-Xương còn ít ỏi quá. Các ông Bạch-Diện và Đồ Phồn có rất nhiều hi vọng trở nên những nhà thơ trào phúng. Chỉ tiếc rằng hình như các ông không chuyên riêng về lối thơ ấy, ông Đồ Phồn ít làm, thỉnh thoảng còn viết tiểu-thuyết, v. v.. ông Bạch-Diện còn viết những bài nghiên-cứu về kỹ-nghệ, dịch tin tức cho báo hàng ngày. Còn Tú Poanh chỉ là nhà thơ khôi hài, hình như thiếu vẻ sâu sắc và văn chỉ có một lối thôi.
Dù sao — tôi nhắc lại ... tôi rất tin ở tương lai của thể thơ khôi hài và thơ trào phúng trong văn chương ta.
– Hiện nay, ông có sửa soạn một công việc văn-chương nào;... ông có dự định làm thơ khác lối thơ ông vẫn làm từ trước đến nay ?
— Dự-định, tôi tưởng có nhiều quá. Mà có lẽ chẳng riêng gì tôi mới có nhiều dự định, nhà văn nhà thơ chúng ta, không lúc nào là không có những cái mộng con con trong đầu : làm cái này, làm cái nọ.
Ngoài thơ trào-phúng, tôi còn muốn đặt thành văn vần những chuyện cổ-tích, vừa của ta vừa của ngoại quốc. Tôi mới viết xong tập «Công-chúa Bạch-Tuyết và bảy chú lùn» gồm có hơn một nghìn câu.
Truyện là truyện cổ, nhưng mình dàn xếp theo một thể mới, văn viết cho mới, tưởng đọc cũng có lý thú.
Tôi viết để thêm vào những bài ngụ- ngôn đã đăng báo, in thành tập «Ngụ ngôn». Tôi cũng thích thể thơ này, nhưng chưa biết bao giờ làm thêm và bao giờ mới cho sách ra đời được.
Tôi còn muốn soạn những vở hát chèo. Trước tôi hay đi xem Nguyễn đình Nghị ở «Cải-lương hí-viện», thấy anh vừa hát hay vừa soạn vở tài, tôi lấy làm thích lắm. Tiếc rằng vì người mình không biết thưởng thức những điệu hát rất hay, rất Á đông của chèo, theo phong-trào, chạy theo những lối hát mới không nghĩa lý gì cả, thành ra cái tài của anh bị mai một; nay hình như anh đi lang thang, nay đây mai đó. Nếu anh ở một nước khác, anh có thể trở nên một Molière vậy.
Tôi sẽ soạn những bài hát mới theo điệu Bắc cho trẻ hát...
Tôi biết công việc to lắm. Trời để sống, còn đúng sáu năm nữa về hưu sẽ tính toán làm dần.
Câu chuyện đã có thể gọi là dài, chúng tôi cáo-từ.
Thi-sĩ tiễn chúng tôi ra tận cổng.
Nhìn qua lại cái biệt-thự, bên tai còn văng vẳng câu cuối cùng vừa nghe, chúng tôi có cảm tưởng mới được nói chuyện với một thi-sĩ vừa tạm lui vào cái «tháp ngà», sống những ngày ẩn dật giữa những cảnh thiên nhiên, ngày ngày ra ngồi cửa sổ nhìn về phía chân giời, chờ một thời tuơi đẹp hơn.