“Hạnh phúc là một tách cà-phê và nhạc Trịnh Công Sơn.”
Đấy là một trong những định nghĩa về hạnh phúc, đọc được trong một tuyển tập những bài nhận định về nhạc Trịnh Công Sơn, ấn hành trong nước. Tôi không rõ người viết câu ấy căn cứ vào đâu để cho định nghĩa này. Thực trạng đời sống và sinh hoạt văn hóa văn nghệ ở trong nước chăng? Bao nhiêu là quán xá lớn, nhỏ ở ngoài đường, trên phố thường xuyên “chơi” nhạc Trịnh Công Sơn để thu hút khách, để những người khách bước vào đó tìm kiếm chút hạnh phúc.
Cà-phê một mình, cà-phê hai mình
Hạnh phúc như thế kể cũng đơn giản. Chỉ là chuyện ngồi quán, mắt nhìn từng giọt cà-phê lặng lẽ nhỏ từng giọt, từng giọt, trong lúc tai lắng nghe tiếng nhạc vỗ về để suy ngẫm chuyện đời, chuyện cõi sống cõi chết, phận người phận mình, hay chỉ để ngậm ngùi tiếc thương về một cuộc tình đã mất, một người tình đã xa, để thấy…
đời mình là những quán không…, hoặc
tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy…, hoặc
tình đi âm thầm, nghìn trùng như vết sương…
Thế nhưng, cà-phê đâu có bắt buộc phải “đi” với nhạc họ Trịnh. Người ta vẫn có thể nói khác đi một chút:
“Hạnh phúc là một tách cà-phê và nhạc…” (của ai đó mình yêu thích), hoặc
“Hạnh phúc là một tách cà-phê và tiếng hát…” (của ai đó mình yêu thích), hoặc
“Hạnh phúc là một tách cà-phê và những bạn bè”, hoặc
“Hạnh phúc là một tách cà-phê và người mình yêu”… vân vân.
Tương tự “rượu ngon” phải có “bạn hiền”, cà-phê ngon phải đi với cái gì “ngon” nữa thì mới gọi là ngon. Cần phải “cà-phê và…” cái gì đó nữa, chứ cà-phê một mình thì chưa đủ… hạnh phúc.
“Một tách” (cà-phê) thì cũng được vậy nhưng phải có “hai mình” thì mới ngon. Tôi có được cái “trải nghiệm” này từ một quán cà-phê ở đường Cao Thắng, Sài Gòn, trước 1975. Café Chiêu. Quán này không có cô chủ quán hay cô cashier xinh đẹp nhưng cà-phê thì tuyệt, nhạc thì chọn lọc và cách bày biện bàn ghế, cây cảnh, tranh ảnh với tone màu sẫm hài hòa tạo cảm giác ấm cúng, trầm lặng. Đến quán cà-phê này là phải đến vào buổi tối, là phải ngồi ở vuông sân nhỏ ở ngoài vườn, trong bóng tối mờ mờ tỏa ra từ những ngọn đèn màu vàng đục, nghe nhạc trôi đi chầm chậm, nghe đêm trôi đi chầm chậm…
“Thưa anh chị dùng gì?”
“Cà-phê sữa nóng. Một tách.”
“Thưa chị dùng gì?”
“Vừa nói xong. Một cà-phê sữa nóng.”
“Thưa… vậy là hai cà-phê sữa nóng?”
“Không. Một cà-phê sữa nóng.”
Cô bé thoáng chút bối rối, nhưng rồi quay đi, không hỏi thêm. Lát sau, mang ra một tách cà-phê, đặt nhẹ lên mặt bàn.
“Anh thử xem, vừa chưa?” Những ngón tay xinh xắn khuấy nhẹ chiếc thìa nhỏ.
“Em thử đi. Em vừa là… anh vừa.”
“Không. Anh thử đi.”
“Không. Thử thách nhau làm gì. Khỏi cần thử cũng biết là ngon.”
Vậy đó, chúng tôi nói với nhau bằng những “ngôn ngữ của tình yêu”. Rồi chúng tôi chia nhau tách cà-phê, như chia nhau những thời khắc của hạnh phúc, những thời khắc của tình yêu. Chúng tôi nhấm nháp từng ngụm nhỏ cà-phê, như nhấm nháp từng ngụm nhỏ hạnh phúc, từng ngụm nhỏ tình yêu. Chúng tôi nhắp dè sẻn từng ngụm cà-phê, gần như chỉ chạm môi, như sợ tình yêu sẽ cạn bớt, vơi đi. Một tách cà-phê cho hai người. Được quá đi chứ, sao không? Tình yêu là chia sẻ mà. Và khi chúng tôi tìm môi nhau “trong bóng tối mờ mờ tỏa ra từ những ngọn đèn màu vàng đục” ấy, chúng tôi lại san sẻ một lần nữa chút vị cà-phê sữa nóng trên những đầu lưỡi. Khi cà-phê bắt đầu nguội, chúng tôi gọi một tách khác, và cứ thế…
Những lần sau đó, chủ quán biết ý, tự động đặt lên mặt bàn một tách cà-phê sữa nóng và lặng lẽ rời đi, không hỏi han gì nữa. Ngồi bên nhau, có lúc chúng tôi nói đủ thứ chuyện, có lúc chúng tôi thật im lặng. Âm nhạc trôi bềnh bồng lẫn trong hương ngọc lan thoảng trong đêm.
Đêm thơm như một dòng sữa… (1)
Và không gian, thời gian như đọng lại.
Một thời để yêu, một thời để ngồi quán
Lâu lắm mới nghe lại bài hát cũ ấy, giọng hát cũ ấy. Nghe mà nhớ quán cà-phê ấy vô cùng.
Cô bạn ấy đã lấy một người khác (trong lúc tôi còn ở trong tù). Chắc cô chẳng còn phút giây nào nhớ đến tôi, cũng như chẳng còn nhớ nổi những cái tên của những quán cà-phê mà cô từng cùng ai đó bước vào. Nhiều năm sau đó tôi có dịp về lại Sài Gòn nhưng không muốn đi ngang con đường ấy. Tôi mong sao con đường ấy đã thay tên (như nhiều con đường đã thay những cái tên lạ hoắc sau ngày thành phố ấy thay tên, đổi chủ). Tôi mong sao quán cà-phê ấy không còn đấy nữa, như nhiều quán cà-phê đã biến mất sau cuộc đổi đời ấy, như cô gái ấy đã biến mất khỏi đời tôi. Nghe nói con đường ấy vẫn còn tên cũ, nghe nói quán cà-phê ấy vẫn còn tên cũ, vẫn còn ở nơi đấy và đã “nâng cấp” lên hai, ba tầng gì đó. Tôi không có ý định tìm về chốn cũ, để ngồi nhìn những chiếc ghế trống, và để gọi “một tách cà-phê cho một người”.
Đi tìm lại quán cà-phê cũ là tìm về dòng sông đời mình, là tìm lại chút hơi hướm hạnh phúc của những đời người đã cũ, nói văn vẻ là tìm lại những “dấu chân kỷ niệm”, tìm lại bóng hình nào đã đi qua đời mình. Tìm, nhưng không mong gì gặp được.
“Không hiểu người ta biết uống cà phê trước khi biết yêu hay là sau khi biết yêu?” Câu này khá thú vị, đọc được trong một bài “tản mạn” về những quán cà-phê quen tên từ trong nước ra đến ngoài nước. (2) Câu hỏi không dễ trả lời, riêng tôi chỉ biết chắc một điều, tách cà-phê ngon nhất phải là tách cà-phê của những kẻ đang yêu. Cứ thử yêu đi thì biết, cứ thử nhâm nhi cái chất lỏng sanh sánh, đen đen ấy để thấy cái vị đăng đắng hay ngòn ngọt của cà-phê cũng đâu có khác gì vị đắng hay vị ngọt của tình yêu.
Hầu như ai cũng có một quán cà-phê để nhớ, để quên, và để kể lại cho người khác nghe. Nói về những quán cà-phê là nói về “một trời kỷ niệm”, là nói về những năm tháng tươi đẹp nhất của một đời người. Ôi, những quán cà-phê đã xa như dĩ vãng, những quán cà-phê của những ngày vui mơ hồ, những quán cà-phê của một thời để yêu, một thời để… ngồi quán.
Quán cà-phê, một nơi chốn yên bình, một không gian êm đềm. Ngồi quán cà-phê mình yêu thích, một nơi sang trọng hay một chỗ tồi tàn, là hạnh phúc thu nhỏ. Những quán cà-phê cũng làm thân ái những tình bạn. Ngồi với nhau ở quán cà-phê là ngồi giữa những tình bạn ấm áp và dễ chịu.
Cà-phê cũng đưa con người lại gần với nhau hơn. Thường thì ít ai (nỡ) từ chối một tách cà-phê.
“Cà-phê chưa? / Cà-phê chứ? / Cà-phê nhé?”
“Tuyệt! Cám ơn.”
Những chuyện trò bên tách cà-phê thường không có chủ đề gì nhất định. Không có những đề tài lớn lao, to tát được mang ra thảo luận, mổ xẻ trên mặt bàn cà-phê. Chỉ là chuyện tâm tình vụn vặt, chuyện thời tiết thời sự, chuyện văn hóa văn nghệ, chuyện mới chuyện cũ, chuyện vui chuyện buồn, chuyện lan man, chuyện phất phơ, không đầu không đuôi… Đôi lúc cũng có những bàn cãi, tranh luận sôi nổi, nhưng không gay gắt, hầu hết chỉ là những câu chuyện phiếm, những cuộc tán gẫu, mạn đàm, nói như người Mỹ chỉ là “a small talk” hoặc “a chat over a cup of coffee”. Người Mỹ vẫn nói “coffee talk”, “coffee table”, “coffee time”, “coffee break”…, nhưng ít nghe nói “coffee drop”, và nhất là không gọi giọt cà-phê bằng cái tên rất thơ, rất văn nghệ là “giọt buồn”, “giọt đắng”, “giọt sầu” như người Việt mình (cứ làm như uống cà-phê là uống “thú đau thương” vậy), và cũng chẳng có cái thú ngồi nhìn ngắm những giọt buồn, giọt đắng ấy lặng lẽ nhỏ từng giọt, từng giọt xuống đáy cốc (hay đáy tim) để… “tôi chợt nhìn ra tôi”.
Mỗi quán cà-phê có một số khách quen thuộc, khi đã “chịu” quán cà-phê nào rồi thì người ta chỉ muốn bước vào quán ấy, chứ không phải quán xá nào khác. Quán cà-phê trở thành một nơi gặp gỡ, một chốn hẹn hò lý tưởng. Bạn bè rủ rê nhau, chỉ nói “Ra quán cà-phê” là mọi người đều biết rõ điểm hẹn ở đâu. Tất cả, chỉ là thói quen. Từ cái tên quán, từ cô chủ quán (hay cô nàng cashier ngồi làm kiểng), từ những bàn ghế, một chỗ ngồi, một góc nhìn, một bức tranh, một bức tượng, một bình hoa hay một bài nhạc quen thuộc.
Những quán cà-phê thì lúc nào cũng thiếu, lúc nào cũng đủ ở một thành phố như Sài Gòn. Một quán cà-phê là lạ mới khai trương vẫn luôn được khách hàng chiếu cố. Người ta luôn muốn “thử” một quán cà-phê mới xem có gì “đặc biệt”. Thử và so sánh với những quán khác.
“Cà-phê thế nào? Có ngon không?”
Thường là phải ngon, vì những bạn bè ngon, vì những câu chuyện ngon.
“Thích quán cà-phê này chứ?”
“Tại sao hỏi? Thích thì sao, không thích thì sao?”
“Tại vì… có câu ‘Hãy nói cho tôi biết bạn thích quán cà-phê nào, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào’.”
Thì ra là vậy… Ôi cà-phê, nói mãi vẫn chẳng hết chuyện. Không phải tự nhiên mà “cà-phê liền với cà-kê (dê ngỗng) một vần”.
Thế nhưng, tại sao lại cà-phê mà không phải là thứ gì khác? Cà-phê thì có gì là ghê gớm, quan trọng lắm đâu. Nghĩ cho cùng, cà-phê (và thuốc lá) là sản phẩm của con người chứ đâu có làm nên con người. Không giống như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, cà-phê (và thuốc lá) chỉ là nhu cầu giả tạo. Ghiền, chỉ là một thói quen khó bỏ. Liệu người ta có thể nào sống mà không cần đến những quán cà-phê vớ vẩn? Liệu cà-phê có thực sự mang lại chút hương vị cho cuộc sống, có làm đẹp thêm cho cuộc sống? Liệu thực sự có cái gọi là “văn hóa cà-phê” với lại “triết lý cà-phê”, hay chỉ là bày vẽ ra cho có chuyện, chỉ là “tạo dáng” cho ra vẻ văn nghệ sĩ? Đâu đến nỗi như thế! Không có cà-phê thì đâu có… chết ai.
Đúng là “đâu có chết ai” thật; thế nhưng, không có cà-phê thì kể cũng… buồn. Thử tưởng tượng, một sớm mai nào thức dậy, tìm mãi không ra một quán cà-phê trên mặt đất này.
“Một tách cà-phê cho hai người”, làm sao mà tìm lại được, vì làm sao mà tắm lại được hai lần một dòng nước sông.
Lê Hữu
(1) “Dạ lai hương”, nhạc Phạm Duy
(2) “Cà phê lãng du”, tùy bút Nguyễn Công Khanh