Giao thừa trong bài này, xin thưa trước là giao thừa Tây, chẳng phải giao thừa Ta. Nhập gia tùy tục, sống ở đất nước người thì cũng cần hội nhập vào đời sống, văn hóa của người, nhờ vậy mà người Việt được đón Tết đến hai lần trong năm và có đến hai “tháng Giêng là tháng ăn chơi” để mà phát huy truyền thống “làm ít chơi nhiều” của người mình.
Những năm đầu ở Mỹ bạn bè thường rủ tôi ra downtown Seattle xem màn bắn pháo bông ngoạn mục vào lúc nửa đêm để đón Tết dương lịch. Sau này, ngại lái xe ra downtown vì nạn kẹt xe khủng khiếp và khó tìm parking nữa tôi bèn “di tản chiến thuật” sang ngôi nhà của vợ chồng người bạn nằm trên một sườn đồi để cùng đón giao thừa với chủ nhà và bạn bè. Tại đây mọi người có thể vừa nhậu lai rai ngoài ban-công trên lầu hai vừa phóng tầm mắt nhìn ra cái view duới thấp là cảnh trí downtown với ngọn tháp Space Needle lừng lững để thưởng ngoạn màn trình diễn pháo bông đón chào năm mới mà chẳng cần phải đi đâu xa xôi. Cũng có năm tôi mời bạn bè đến nhà họp mặt tất niên, gọi là để tổng kết tình hình sinh hoạt trong năm và cùng nâng ly chúc nhau sức khỏe, công việc, tình cảm đều tốt đẹp, tươi sáng hơn trong năm mới.
Năm nay thì tôi có hơi mệt mỏi và cũng lười di chuyển nên chỉ muốn nghỉ ngơi dưỡng sức và đón giao thừa ở nhà với vợ con, ai rủ rê cũng kiếm cớ từ chối. Thế nhưng, ở đời vẫn hay có cái “nhưng” nằm ngoài chương trình, ít hôm trước ngày cuối năm bất ngờ tôi nhận được tin không mấy vui: một chị bạn thân ở Houston (TX) đột ngột qua đời. Thực ra, trước đó bạn bè và những người thân đều e chị khó vượt qua nổi căn bệnh ngặt nghèo nhưng vẫn nuôi chút hy vọng mong manh và không hề nghĩ rằng chị sẽ đi trong năm nay. Không chỉ là bạn học cùng lớp từ những ngày xưa thân ái mà giữa chúng tôi còn có mối giao tình khá thắm thiết của những người bạn có chung một bề dày kỷ niệm buồn vui, hơn cả những anh em bà con họ hàng chỉ được cái tiếng còn tình nghĩa thì lạt lẽo, phất phơ. Sau cú bàng hoàng và sau phút hội ý với nhau vợ chồng tôi cùng đi tới quyết định là cần phải có mặt trong buổi tiễn đưa người bạn thân quý này. “Không thể nào bỏ lỡ cơ hội này,” vợ tôi nói, “đàn đúm ăn nhậu thì lỡ dịp này còn dịp khác chứ tiễn đưa lần cuối người thân của mình thì chỉ có một lần trong đời.” Nghe được “lời hay ý đẹp” ấy tôi rất cảm khái bèn nhanh chóng lấy vé tàu bay và dặn dò vợ cẩn thận, “Anh đi em ở lại nhà, đừng quên… cúng giao thừa.” Theo chương trình tang lễ thì chiều thứ Năm trong tuần là lễ viếng dành cho những bạn học cùng lớp cùng trường, và ngày này lại rơi đúng vào ngày đầu năm dương lịch. Tôi quyết định lên đường trước đó một ngày.
Đánh xe ra phi trường vào ngày năm cùng tháng tận trong cơn mưa lạnh chiều đông, ngước nhìn bầu trời xám xịt màu chì tôi thoáng chạnh lòng cho cái số ăn Tết (tây) xa nhà của mình. Càng chạnh lòng hơn khi nghe trong xe vẳng ra tiếng kèn saxo lẫn tiếng huýt gió bài “Tombe la neige”, bài hát mà người bạn mới qua đời của tôi từng yêu thích. “Ngoài kia tuyết rơi đầy. Anh không đến bên em chiều nay…”
Theo lịch bay thì sau khi đến phi trường Phoenix (AZ) hành khách sẽ tạm nghỉ ở đây hơn một tiếng để chờ chuyến bay chuyển tiếp sẽ hạ cánh xuống phi trường San Antonio (TX) khoảng 11 giờ đêm. Ông bạn thân của tôi ở đây sẽ ra đón và ngày hôm sau tôi sẽ theo xe của vợ chồng bạn đi Houston để dự lễ tiễn đưa người bạn chung của chúng tôi. Từ phi trường về nhà bạn chỉ hơn mười phút lái xe và theo dự kiến thì chúng tôi sẽ kịp nâng ly “chúc mừng năm mới” trong ngôi nhà ấm cúng của vợ chồng người bạn. Thế nhưng, lại một lần nữa “người tính không bằng trời tính”, vừa đặt chân đến cái boarding gate đi San Antonio đã thấy dòng chữ thông báo chuyến bay tạm hoãn 45 phút. Thật chán mớ đời, tôi tự an ủi thôi chịu khó chờ một chút vậy, quý hồ đừng trễ hơn nữa là được. Đến lúc sắp sửa hết 45 phút thì lại đọc được dòng chữ khác, xin… hoãn thêm 45 phút nữa. “Trời đất! Vậy là thua rồi,” tôi chỉ biết kêu trời. “Vậy là mình đến Texas sau nửa đêm rồi!” Nhìn quanh, hầu hết hành khách đều mặt mũi méo xẹo như tôi, có lẽ ai cũng muốn đặt chân lên thềm nhà mình trước khi năm mới kịp đến. Vẫn chưa hết, đến lúc 45 phút sắp sửa trôi qua thì trên bảng lại hiện lên dòng chữ xin… hoãn thêm 30 phút nữa. Thế này thì quả là lợi dụng quá đáng lòng kiên nhẫn của khách hàng. Tôi lại nhìn quanh, ai nấy trông lừ đừ, uể oải, nhưng đã bớt vẻ rầu rĩ, có lẽ vì lỡ rồi cho… lỡ luôn. Kể ra thì hành khách cũng khá dễ chịu, hoặc vì… bó tay, không thể làm gì hơn được.
Đồng hồ chỉ 10:40 PM lúc tôi tìm được chỗ ngồi trên tàu bay, và sau khi gài dây an toàn cẩn thận tôi biết chắc mình không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đón giao thừa ở… trên trời. Ít phút trước khi máy bay cất cánh, người trưởng phi hành đoàn bước ra nói ít câu đại khái cám ơn sự kiên nhẫn của hành khách và xin lỗi đã để mọi người phải đợi chờ khá lâu. Tiếp theo ông ta nói đùa, thực tình thì hãng máy bay cố ý làm như vậy để cho tất cả hành khách trên chuyến bay đặc biệt này được “enjoy celebrating New Year’s Eve in the sky”. Mọi người đều cười vui vẻ để tỏ ra thông cảm và rộng lượng. Lúc này thì hành khách có vẻ thoải mái hơn vì… không còn gì để mất, dù sao thì cũng đã “lỡ chuyến tàu” và bù đắp lại là được đón Tết ở trên trời, chuyện khá hi hữu mà không phải ai muốn cũng được. Mọi người bây giờ có việc để làm là hướng về màn hình trước mặt theo dõi kim chỉ giờ và chờ đợi phút giây countdown đón chào năm mới.
Trước giao thừa ít phút thì cô tiếp viên đẩy cái xe đến từng dãy ghế và rót mời khách những ly sparkling juice óng ánh màu vàng nhạt.
“Is it champagne?” tôi hỏi, nhìn ly nước vàng óng sủi tăm.
“Crisp apple cider,” cô mỉm cười, “but if you think it’s champagne, it should be champagne.”
Tôi ngoái nhìn ra mảng trời lấp lánh sao đêm ngoài ô cửa và cảm thấy đất trời như đang rạo rực chuyển mình để sửa soạn bước vào nghi thức bàn giao giữa năm cũ và năm mới. Thế rồi, cái thời khắc mọi người hào hứng trông đợi đã điểm, tất cả cùng lớn tiếng đếm… 9-8-7-6-5-4-3-2-1 và cùng nhau nâng ly trong tiếng reo vui “Happy New Year!” Vợ chồng người Mỹ già ngồi cạnh chìa tay sang tôi, “Happy New Year!” và tôi cũng lần lượt bắt tay từng người nói “Chúc Mừng Năm Mới!” Bà vợ hỏi tôi nói gì, tôi trả lời là Happy New Year nói bằng tiếng Việt. Bà bảo tôi lặp lại chầm chậm cho bà học câu ấy.
“We got the longest flight of the year,” ông chồng nói.
“Exactly,” tôi gật đầu. “The flight spans two years.”
Trong số hành khách chỉ mình tôi là người Việt. Bên cạnh tôi, cách một lối đi là anh chàng người Hoa. Anh ta làm việc ở Phoenix và lấy vacation về thăm vợ con ở San Antonio. Anh tỏ ra ngạc nhiên khi biết tôi từ nơi xa về đây dự đám tang người thân. “Very good!” anh ta nói, chìa ra ngón tay cái. Tôi không rõ anh nói “tốt” là tốt cái gì, việc tiễn đưa người bạn mình hay là việc đi cái đám táng ngày đầu năm là điều tốt lành.
Với các phi hành đoàn từng có hàng ngàn giờ bay thì việc đón giao thừa trên trời không phải chuyện lạ lùng gì, tuy nhiên đối với hành khách thì không phải là ai cũng có dịp trải qua những phút như thế trong đời. Vào thời khắc mà hàng tỷ người bên dưới mặt đất kia đang náo nức cử hành những nghi thức đón chào năm thứ 15 của thế kỷ 21 thì tôi cùng hơn một trăm hành khách trong chuyến bay này đang “lướt” đi trên những tầng mây chót vót trong lòng con chim sắt khổng lồ có tên là Airbus A320. Đường bay nối liền khoảng cách từ Arizona đến Texas trong đêm đen này cũng là đường bay nối liền khoảng cách giữa không gian và thời gian của năm cũ và năm mới. Tôi quả là đã bay một vòng bay dài thật dài, nói như ông già người Mỹ kia, giữa bầu trời cao mênh mông để thực sự tận hưởng cảm giác phiêu bồng của khoảnh khắc gọi là “trời đất giao hòa”.
Máy bay từ từ giảm độ cao và nghiêng cánh khi gần đến phi trường và tôi nhìn thấy qua ô cửa nhỏ những quầng sáng tỏa ra giữa nền trời đen thẫm trông như những chiếc dù đủ màu treo lơ lửng trên thành phố lung linh dưới thấp. Những chùm pháo bông vẫn lác đác nở xòe trong đêm để chào mừng năm mới. Tôi nhìn đồng hồ, 12:50 AM.
Người bạn trờ xe tới đón chỉ ít phút sau khi tôi bước hẳn ra phía ngoài. Trời mát lạnh, trăng gần tròn. Câu đầu tiên chúng tôi chào nhau cũng là “Happy New Year!” Cám ơn hết sức ông bạn quý phải nhọc lòng đón đưa lúc nửa đêm về sáng. Nghe tôi kể chuyện phải đợi dài cổ mới leo lên được tàu bay, ông bạn nói đùa, “Vậy là ông bị L. chơi khăm rồi, bắt ông đón giao thừa trên trời cho bỏ ghét.” (L. là tên người bạn vừa qua đời. Ông bạn tôi nói thế vì sinh thời cô bạn này nghịch hết biết).
Trong lúc cùng vợ chồng chủ nhà nhâm nhi cốc rượu vang nơi bàn ăn, tôi tỏ ý tiếc đã lỡ mất dịp cùng cả nhà countdown và nâng ly đón chào năm mới.
“Ông vẫn còn một cơ hội.”
Ông bạn nói và bật TV lên cho tôi thấy cảnh thành phố Seattle sáng rực ánh đèn, người người đổ tràn ra những đường phố chính, náo nức chờ đợi phút giây ngọn tháp Space Needle biến thành cây pháo hoa muôn màu thắp sáng cả bầu trời trong đêm… giao thừa (giờ ở Seattle đi sau giờ Houston đến hai tiếng). Và chúng tôi lại hăng hái… nâng ly “Happy New Year” lần thứ hai cho hai thành phố cách nhau hơn năm giờ bay này.
Và buổi chiều hôm ấy, tại nhà quàn Vĩnh Phúc, anh em chúng tôi tụ họp nhau để viếng thăm và tiễn chào lần cuối người bạn gái thân quý. Trong số đông bạn bè có những người cũng đến từ những tiểu bang xa (không rõ họ có đón giao thừa ở trên trời như tôi). “Đừng bi lụy quá, nhẹ nhàng thôi, vui vui một chút càng tốt cho bớt nặng nề,” các bạn tôi nói thế khi đề nghị tôi thay mặt bạn bè để có vài lời tiễn biệt người đi xa. Tôi nhớ đã nói những lời sau cùng với bạn mình:
“L. có biết không? Hôm nay người ta đã gỡ xuống tờ lịch cuối cùng của năm cũ và treo lên tấm lịch mới để đón chào năm mới 2015. Năm mới đến rồi đó, L. ơi! Giá mà L. bước chậm lại một chút thôi thì chúng mình sẽ cùng đếm… 5-4-3-2-1 và cùng nhau bước sang năm mới. Vui biết chừng nào!
Ôi, vậy là năm mới không có L. rồi!… Nhưng cũng không hề chi. L. có biết vì sao không? Vì rằng những bạn bè của L., tuy chẳng có hẹn hò gì trước nhưng đã từ khắp nơi khắp chốn cùng nhau đón chào năm mới bằng cách tìm đến với L. trong ngày đầu năm này, như muốn nói với L. rằng ‘L. chưa bao giờ rời xa bạn bè cả’, và bạn bè cũng không bao giờ muốn rời xa L., cô bạn ‘má lúm đồng tiền’ xinh đẹp và dễ mến của bọn mình. Và cũng nhờ vậy, hôm nay đây chúng mình đã có được cuộc họp mặt thân tình giữa bạn bè đúng vào ngày đầu năm thật là ấm cúng và đầy tình thương yêu. Như thế thì năm mới, năm cũ gì cũng vậy thôi khi mà tình cảm của bọn mình lúc nào cũng vẫn cứ mới, vẫn không hề cũ đi chút nào. Có phải thế không L.?”
Tôi còn muốn nói thêm một điều nữa, nhưng không tiện nói vì có chút riêng tư, đó là lời cám ơn bạn mình đã cho tôi được tận hưởng cảm giác kỳ thú… đón giao thừa trên mây. Một cảm giác thật lạ lùng mà mỗi khi ai hỏi đến tôi đều trả lời là “cảm giác lâng lâng thoát tục, thấy đời nhẹ tênh như là bóng mây, như là rũ sạch hết mọi muộn phiền của thế gian này”; hay nói gọn hơn, cảm giác bềnh bồng, lơ lửng của “người đi trên mây”. *
(1/2015)
* Tên một truyện dài của Nguyễn Xuân Hoàng