15-06-2012 | VĂN HỌC

Lê Hữu: Chút Duyên Văn Nghệ

    BÍCH HUYỀN

Khi anh Lê Hữu hỏi ý kiến tôi để đưa bài “chuyện trò về nhạc phổ thơ” mà tôi thực hiện với anh vào trong sách này, như là một Phụ Lục, tôi nói đùa là phần Phụ Lục ấy nên có thêm cái “phụ chú” nữa cho… có hậu. Anh cười và nói “Được chị viết cho ít hàng thì hay quá. Và tiện tay, xin chị đặt giúp cái dấu chấm hết cho cuốn sách.”

Anh Lê Hữu muốn đóng cuốn sách lại, vì theo anh, “Trừ tiểu thuyết Kim Dung, một cuốn sách trên ba trăm trang là khá dày, dễ làm người đọc… mệt và chán.”


Trong lúc trò chuyện với anh về “nhạc phổ thơ”, tôi ghi nhận một điều, cách nói chuyện và trả lời các câu hỏi của anh không khác lắm cách anh thể hiện trên những trang viết. Anh đi sâu vào các chi tiết, phân tích cặn kẽ và không ngại đưa ra các nhận xét của riêng mình (sau khi “rào đón” rằng “chỉ là ý kiến riêng, có khi sai”), với những dẫn chứng khá thuyết phục. Khi viết về bất kỳ đề tài nào, âm nhạc chẳng hạn, tôi chắc khó ai viết kỹ hơn anh. (Cũng chính vì thế, khi biên soạn thành chương trình phát thanh, tôi đã phải loay hoay cắt bỏ rồi… tiếc nuối, không biết nên lấy đoạn nào, bỏ ý nào cho chương trình thời lượng chỉ 15 phút. Vì vậy, anh Đỗ Quý Toàn, tức bình luận gia Ngô Nhân Dụng của báo Người Việt, đã có lần khen tôi là một… “nhà bếp núc giỏi”! Xin phép được “khoe” như thế, vì đấy cũng là một kỷ niệm đẹp với 17 năm biên soạn Thơ-Nhạc trên làn sóng VOA).


Không chỉ là “những câu chuyện nhạc Việt” như cách gọi đơn giản của anh, trong sách này còn là những bài nhận định về âm nhạc có hệ thống và bố cục chặt chẽ, có dẫn nhập và kết thúc tròn trịa. Điều lý thú, người ta tìm thấy nơi anh một lối viết mới thay cho những bài khảo luận khô khan như vẫn thấy từ trước đến giờ. Người ta đọc bài anh viết như nghe một người kể chuyện có duyên, đặc biệt là những “khám phá” từ cái nhìn và cảm thụ thật tinh tế, bén nhạy về con người, sự việc qua những bài viết thật công phu.


“Những bài viết thật công phu”, nhận xét ấy không của riêng tôi mà của nhiều người. Nhà thơ Du Tử Lê chẳng hạn, trong một bài nhận định về âm nhạc Nguyễn Hiền trên Người Việt, đã trích dẫn những đoạn trong bài “Nguyễn Hiền, nhạc, thơ tràn muôn lối” của Lê Hữu và nêu nhận xét: “Trong bài viết công phu chứa đựng nhiều phát hiện mới mẻ của mình, tác giả Lê Hữu đã chỉ ra nhiều điều mang đầy tính thi sĩ của cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Đó là những phân tích, tôi nghĩ có thể ít người thấy được, nếu họ Lê không viết ra…” Hoặc, tạp chí Văn Học, số đăng bài “Ảo giác Trịnh Công Sơn” của Lê Hữu: “Bạn đọc có thể không chia sẻ với tác giả một số điều, nhưng theo nhận định của Văn Học, đây là một bài viết công phu vào loại hàng đầu về Trịnh Công Sơn từ trước đến nay, trong nước cũng như hải ngoại.”


Những người khác có thể yêu thích những “bài viết công phu” khác của Lê Hữu như “Người lính trong nhạc Nguyễn Văn Đông” (làm cho người ta thêm yêu mến, thêm quý trọng người lính VNCH), hoặc về các nhạc sĩ tên tuổi của miền Nam, hoặc về những bài hát được yêu thích một thời… Người ta tìm thấy nơi anh một con người yêu cái đẹp và đi tìm cái đẹp, một tâm hồn phong phú và giàu cảm xúc với giọng văn lôi cuốn, có lúc khôi hài, có khi thật cảm động, qua những câu văn rất đẹp, rất “thơ”. Những bài về Đoàn Chuẩn-Từ Linh, về nhạc sĩ Nguyễn Hiền, về Hà Nội… là những bài đẹp tựa… bài thơ. Những người bạn văn nghệ của tôi khi đọc hoặc nghe những bài của anh qua các chương trình phát thanh, đều nói rằng anh có lối viết làm cho người ta phải… xao xuyến, phải bâng khuâng.


Những trang viết của anh thường đầy ắp những ý tưởng, và được nhiều người đọc chia sẻ. Tuyển tập này, theo thiển ý của tôi, có ý nghĩa đặc biệt, đóng góp vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về nền tân nhạc phong phú và đa dạng của miền Nam ngày trước mà anh gọi là “Âm nhạc của một thời”, đồng thời cũng chia sẻ với người yêu nhạc những nét đẹp đầy tính nghệ thuật của dòng nhạc Việt.

Riêng tôi, không thể nào không nhắc đến các “Chương trình thơ-nhạc” được thực hiện từ những bài viết của anh trên các làn sóng phát thanh (VOA, Radio Bolsa, Chân Trời Mới…) rất được thính giả trong và ngoài nước tán thưởng. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng những lời tán thưởng ấy cần phải được chuyển đến tác giả của những dòng chữ ấy.

Và sau cùng, điều làm tôi vui hơn cả là, qua đó, tôi có được với anh Lê Hữu chút duyên văn nghệ. Nếu không, nói như anh (trong bài viết về âm nhạc Nguyễn Hiền): “Nếu không có cái ‘duyên’ ấy thì dẫu có đi hết cuộc đời mình cũng chẳng ai gặp được ai.”


Bích Huyền

(Trích "Âm nhạc của một thời" của Lê Hữu)