28-4-2020 | VĂN HỌC

Hoàng Yên Trang / Trần Như Liên Phượng

  NGUYỄN CÁT ĐÔNG


    Nhà thơ Hoàng Yên Trang
     (1936 - 10.6.1965)

Hoàng Yên Trang, Trần Như Liên Phượng là hai bút hiệu của cố trung úy Trần Văn Thạch. Nhà giáo nhập ngũ. Ra trường Bộ Binh Thủ Đức tình nguyện chọn đơn vị tác chiến binh chủng Biệt Động Quân.

Nhà thơ tử trận vào ngày 10-6-1965 tại chiến trường Chương Thiện, lúc anh vừa đúng 29 tuổi.

Thời sinh tiền, nhà thơ đã xuất bản 2 tập thơ: Đi HoangĐêm Không Ngủ. Tập thứ 3 Làm Thân Con Gái chưa kịp ra đời thì anh tử trận.


Thơ Trần Như Liên Phượng rất quen thuộc với độc giả trẻ thời ấy. Ít ai biết Trần Như Liên Phượng là một thầy giáo và sau này là một trung úy BĐQ.


Trên nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức khóa 24 năm 1966, nhà thơ Cao Thoại Châu viết về cái chết của Trần Như Liên Phượng/Hoàng Yên Trang như sau:


“Cái chết của những người làm văn nghệ mặc áo lính thật khó nói, không có một ranh giới rõ rệt giữa cây súng khi rời khỏi tay chàng và thơ chàng viết ra (...) nếu viên đạn vô danh nào ấy đi chếch sang một bên chút nữa thôi thì Phượng sẽ lớn lên, không phải lớn lên để thành Trung úy người sống mà lớn lên như người làm thơ mà tôi chờ đợi...”


Sau này, nhà thơ Nguyễn Cát Đông có một bài hồi ức về Trần Như Liên Phượng (tạp chí Thư Quán Bản Thảo số 22 tháng 1-2006). Nay chúng tôi xin đăng lại.


Về phần trích đăng những sáng tác của Trần Như Liên Phượng, chúng tôi đăng truyện ngắn Trên Đường và một số thơ chúng tôi sưu tầm được. Truyện ngắn Trên Đường xem như là di cảo, anh gởi đến tòa soạn tạp chí Văn Học chỉ 2 ngày trước khi anh nằm xuống.


*

TRẦN NHƯ LIÊN PHƯỢNG

(NGUYỄN CÁT ĐÔNG)


Tôi đọc thơ Trần Như Liên Phượng trên các báo nhiều năm trước khi được gặp anh. Gặp không bao lâu thì anh vĩnh viễn ra đi ở tuổi tròm trèm ba mươi.


Đầu năm 1964, Lan Sơn Đài từ nhiệm sở dạy học Sóc Trăng trở về quê nhà Cái Vồn, ghé Cần Thơ bàn với vài anh em viết lách việc làm tờ Tiếng Động Mùa Hạ (về sau đổi thành Tiếng Động). Tờ tạp chí không sống dai. Và thành phần nồng cốt cũng ra đi gần hết: Trần Văn Thạch (Trần Như Liên Phượng) ra đi trước nhứt, rồi đến Lê Văn Hiến, Lan Sơn Đài, Quách Dược Thanh (chết bức tử trong tù CS), Ưu Thức Nguyễn Văn Tâm, Kiều Tâm Khánh. Hình như bây giờ còn lại chỉ có Triều Uyên Phượng và Nguyễn Cát Đông.


Trần Như Liên Phượng chết trẻ đang lúc tài năng sung mãn. Một đêm thượng tuần tháng 6 năm 1965 anh em Tiếng Động đã làm một đêm canh thức tại căn nhà nhỏ số 59 đường Cống Quỳnh Cần Thơ để khóc người bạn thơ đã bỏ anh em mà đi quá vội. Chỉ 3 hôm trước đó, ngày cuối tuần đầu tháng 6, KTK và NCĐ đã đón tắc ráng vào Kinh Năm thăm Trung Úy Thạch khi sư đoàn 21 Sét Miền Tây đang dưỡng quân ở đó.


Chúng tôi mang vào cho anh 2 cây thuốc Lucky Strikes, anh chia cho cả đại đội, chúng tôi hứa sẽ gởi thêm vào. Thuốc chưa gởi kịp thì Thạch đã ra đi. Thạch nói lính chiến sống chết bất thường, anh hút Lucky để cầu may. Cái may mắn của Thạch thì chúng tôi không thấy, chúng tôi chỉ thấy 3 cái tên 3 người con gái anh yêu (Như, Liên và Phượng) đã vận vào sinh mệnh của anh. Con tạo đố hường nhan; một hường nhan như Kiều đã sống dỡ chết dỡ, thế mà Thạch dám mang vào mình 3 cái hường nhan thì tránh sao khỏi mệnh bạc. Hoàng Yên Trang, một bút hiệu viết truyện của Thạch, cũng lại là một hường nhan!!!


Thêm một lần chào kính người bạn thơ đã ra đi bốn mươi năm trước.

Houston, Nov. 2005

Nguyễn Cát Đông

(nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 22 chủ đề Viết trong khói lửa, tháng 1-2006)


Nguyễn Cát Đông

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo Số 83, tháng 1-2019
Chủ đề: 10 khuôn mặt văn nghệ hy sinh trong chiến trận