2-8-2023 | VĂN HỌC

Dương Nghiễm Mậu và Tủ Đựng Sách Rỗng Không

  KHUẤT ĐẨU

Tùy bút của Khuất Đẩu



Nhà văn Dương Nghiễm Mậu

Viết về Dương Nghiễm Mậu, trước đây, bây giờ và mai sau, nhiều người đã viết, đang viết và sẽ viết. Có nghĩa rằng, dù Vũ Hạnh muốn những đứa con tinh thần của anh “an giấc ngàn thu” [1] qua những trận phần thư sau 75, nhưng chúng vẫn không chết.


Trong một bài trả lời về việc Vũ Hạnh phản đối nhà xuất bản Phương Nam đã tái bản 4 tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu, Phạm Xuân Nguyên hiện là chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, đã nhắc khéo người mang tên “thằng gù ở bên hông nhà thờ Đức Bà” rằng, trong tự điển văn học do miền Bắc xuất bản, đã không thể không ghi tên Dương Nghiễm Mậu và dành riêng 4 trang để viết về thân thế và sự nghiệp sáng tác của tác giả.


Từ Điển và bài viết về Dương Nghiễm Mậu của nhà phê bình VH Thụy Khuê (Kệ sách Học Xá)

Cái mà Vũ Hạnh vừa soi mói vừa mỉa mai gọi là dòng chảy âm thầm đó, tức là văn học miền Nam trước 75, thực sự là một dòng sông lớn vẫn miệt mài xuôi chảy không ngừng về đại dương văn học của dân tộc.


Vũ Hạnh chỉ còn là một tên biệt kích già, (chính ông ta nằm vùng ở miền Nam làm biệt kích văn hóa), sau khi chỉ điểm để đưa hàng loạt nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng vào chốn lao tù vẫn không được đảng cho nắm giữ chức gì, bị bỏ rơi như một con mèo ốm, nhân cơ hội tái bản sách của Dương Nghiễm Mậu liền meo meo cho mọi người biết rằng hãy còn có “ta” đang hấp hối trong đống rác của lịch sử.


Trước sự ồn ào thù hận không vì giai cấp mà vì ganh tài, nhà văn một thời thao thức đi tìm con đường dấn thân, “của người trí thức, người sĩ phu trước một hiện tại lịch sử, hành động hay không hành động, hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào”, [2] anh chỉ mỉm cười.


Có người bảo đó là nụ cười an nhiên vì tin ở mình, có người bảo đã đến chỗ tĩnh lặng của chữ Thiền.


Tôi, thì tôi không nghĩ như vậy. Ai mà không đau xót khi thấy những đứa con tinh thần của mình bị vùi dập không thương tiếc. Không chừng nụ cười đó chính là tiếng khóc khô không lệ, như Xuân Diệu từng viết.


Tôi được một lần đến thăm anh cùng với Lữ Kiều.


Chỗ tiếp khách chỉ có mấy chiếc ghế, một cái bàn con và một cái tủ rỗng. Một cái tủ trong ngôi nhà trống tềnh toàng, rộng hơn một thước cao hơn hai thước, không ngăn kệ, không cửa nẻo với 5 mảnh ván cũ xỉn đóng khung cái không gian lạnh lẽo như trong một cái áo quan. Cái tủ ấy đã từng chất đầy sách của chính anh trước tác, của bạn bè và đương nhiên là của các nhà văn lớn đông tây kim cổ. Trước tôi, Trần Vũ một lần ghé thăm anh có viết về cái tủ sách không có sách ấy. Nó là chứng tích của một thời phần thư ô nhục, mà cái chế độ lớn tiếng tự xưng là ưu việt này gây nên.


Không chỉ riêng anh, ở miền Nam này, nhà nào cũng có một tủ sách bị hốt sạch như thế. Nhưng rồi, người ta tìm cách lấp đầy khi cái cơn cuồng nộ ngu muội kia qua đi. Đó là chưa nói tới những tủ sách ở miền Bắc được thay dần toàn những thứ “phản động, đồi trụy”. Việc săn lùng sách miền Nam đã trở thành một mốt mới, một thức tỉnh của những người lâu nay khát gió thèm mây, trong số đó đương nhiên là những nhà văn nhà thơ cuối đời nhận ra những gì mình viết chỉ là một tấm bia mộ, như Nguyễn Khải.


Nhưng với anh, tủ vẫn để trống không, vẫn như một cái huyệt mộ. Tôi tưởng tượng, những đêm mất ngủ, bên tách trà, một mình anh với cái tủ, không biết anh đã nói những gì với nó. Một lời xin lỗi hay một cái nháy mắt rằng, cái ngày ấy không còn xa!


Cái tủ rỗng không ấy, mới nhìn thì thật vô duyên, nhưng ngắm kỹ thì lại hóa hay. Nó như một con mắt trừng trừng nhìn vào quá khứ dù đã bị móc mắt. Nó còn là vết xăm lên trán một nhà văn. Nó cũng còn là một thách đố thầm lặng, là chiếc áo quan mở sẵn để chờ khâm liệm cái thây ma nô dịch kia.


Còn một điều này nữa, khi đứng dậy ra về, tôi nhận ra trên chiếc ghế sơn mài mình vừa ngồi là khuôn mặt cách điệu của một trong những kẻ gieo tai ách lên đất nước này. Sơn mài là một nghề kiếm cơm của anh sau 75, khi được cụ Nguyễn Gia Trí chỉ vẽ cho một vài thủ thuật. Anh đã tỉ mẫn đem những khuôn mặt của quỷ bày lên đó cho mọi người đặt đít ngồi xuống.


Hóa ra anh lại còn thâm hơn các cụ thâm nho ngày xưa.


Khuất Đẩu

29/11/2012


[1] Chữ dùng của Vũ Hạnh

[2] Phạm Xuân Nguyên


Khuất Đẩu

(Thư Quán Bản Thảo số 55, Tháng 1-2013)