Đỗ Long Vân (trái) & Đinh Cường,
Đà Lạt mùa mưa 1996
Sinh ra đời mỗi người dường như đã có một số mệnh riêng dưới một vì sao lấp lánh nào đó. Giáo dục và xã hội hẳn nhiên là rất quan trọng trong việc làm thành nhân cách cá nhân, và như vậy tính xã hội hóa đã kết hợp với một điều gì đó rất siêu nhiên, kết hợp cùng nhau để tạo thành khuynh hướng của mỗi con người. Chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy người này thì rất thích giao du, dễ phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện xã hội, nhưng người khác thì lại rất cô độc. Cô đơn và cô độc ngay giữa đám đông người.
Mỗi lần nghĩ đến ông Đỗ, và gần đây nghe tin ông qua đời ở quê nhà, tôi bất giác bồi hồi sống lại với hình ảnh ấy với rất nhiều ấn tượng trong lòng. Dáng vẻ nho nhã, cuộc sống lương hảo, nhân ái, khuôn mặt chìm ẩn trong một vẻ gì đó rất sâu sắc và bí ẩn, tuy vậy vẻ bề ngoài của ông vẫn cho thấy có một điều gì đấy không bình thường và đối với một số người nào đó thì có thể là hơi quái dị. Hiển nhiên, ông có một kiến thức sâu rộng, cũng như luôn sống với cuộc đời và thời đạt cùng những vấn để trầm trọng chung quanh, tôi vẫn cảm thấy ông như một hiền giả của một thời cổ xưa nào, điều đó càng như khắc hằn sâu thêm những nét kỳ lạ và bí ẩn của một cuộc đời cô quạnh, đơn độc.
Tôi lớn lên giữa một thành phố hiền hòa nhưng lại gặp vào một thời kỳ đầy giông bão của lịch sử. Chính giữa thời kỳ ấy tôi được gặp ông Đỗ. Và đối với tôi, đó là một hình ảnh đầy biểu tượng của thời đại. Nhập vào giữa lòng thời đại nhưng vẫn như rất xa lạ với chung quanh. Chung quanh biến cố tháng Mười Một năm 1963, thành phố Huế sinh trưởng cửa tôi đã trở nên một chiếc nôi biến động của miền Nam. Tuổi trẻ cùng với thế hệ của tôi đã bị thôi thúc dồn dập từng mỗi ngày, mỗi giây phút với thời sự càng lúc càng khốc liệt. Những người bạn của tôi, người đứng bên này, người đứng bên kia, có người thì bơ vơ lạc lõng giữa hai giòng chảy dữ dội. Những người có lòng dạ, nhiều ưu tư, với cáí nồng nhiệt hừng hực đều vội vã đi tìm một con đường. Lúc tôi sắp vào đại học, ngay cả khi chưa đậu tú tài đôi, tôi đã có nhiều dịp gặp ông Đỗ, trong những buổi tụ tập chuyện trò với mươi anh em, hoặc những buổi ngồi quán café Dung, quán Bạn, quán Lạc Sơn, những buổi chiều mưa gió của Huế. Ông Đỗ là giáo sư ở trường Văn Khoa, nhưng không như các vị khác thường nghiêm nghị ở giảng đường, ông dễ la cà với chúng tôi chẳng có chút ranh giới nào cả.
Tôi không biết ông Đỗ du học ở Pháp vào năm nào nhưng vào thời kỳ Đại học Huế vừa thành lập được vài năm thì ông Đỗ trở về góp tay vào thành phần giảng huấn, tạo nên một vẻ riêng biệt cho trường Văn Khoa của Huế. Trong khi giảng dạy ở trường Đại Học, thỉnh thoảng ông viết bài khảo cứu và phê bình về Mỹ học và Văn học cho tạp chí Đại Học. Những bài viết với một bút pháp hết sức độc đáo, từ tư tưởng đến chữ nghĩa, cái gì cũng rất mới mẽ với chúng tôi. Thêm vào đó, ông lại sử dụng những phương pháp bình luận quả là khá mới vào thời kỳ đó như hiện sinh, hiện tượng luận và cấu trúc quả đã mang lại nhiều sinh khí mới cho nhu cầu tư tường và học thuật bấy giờ. Ngay cả những điều đã cũ kỹ như duy vật biện chứng pháp hay phân tâm học với Sigmund Freud, Carl jung... nhưng qua ngòi bút của ông thì cũng tuôn chảy ào ạt đầy sức sống và vẫn trở thành rất mới mẻ. Vận dụng chữ nghĩa bằng một phương pháp vững chắc, lại tạo nên sức lôi cuốn mãnh liệt như ma thuật.
Thời kỳ tôi lớn lên, tôi thấy có ba người cầm bút dã làm được chuyện đó là ông Đỗ, Phạm Công Thiện và nhà tư tưởng Kim Định. Cả ba người, tôi đều có cảm giác là họ không được học chữ quốc ngữ nhiều thời thơ ấu, lớn lên rồi mới được học chữ Việt, cho nên trong văn từ của họ có nhiều cái khập khiểng, ấp a ấp úng, nhưng chính ở đó lại tạo nên cái bút pháp độc đáo riêng biệt. Tất cả đều tuôn chảy rất mênh mông và vô cùng thơ mộng, có lẽ vì dòng tư tưởng tiềm ẩn dưới các con chữ họ muốn chuyển đạt đến cho mọi người. Lúc này đọc lại các trang viết của ông Đỗ như Dòng nước ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương, Thử phác họa một bản đồ địa ngục trong thơ Chế Lan Viên, Vô Kỵ giữa chúng ta, Kiều ABC, Những phân tích về Vũ Trọng Phụng, Nguyên Sa hay hội họa của Đinh Cường, chúng ta sẽ thấy sự đóng góp rất đặc biệt của ông trong việc đưa ra một cách nhìn và thưởng lãm văn chương nghệ thuật.
Trong một bài viết mới gần đây, nhà văn Nguyễn Quốc Trụ nhắc đến ông Đỗ và tôi nghĩ rằng Nguyễn Quốc Trụ đã nhìn thấy đúng tính cách, quan niệm và vai trò của ông Đỗ trước đây. Nguyễn Quốc Trụ cho rằng ông Đỗ có tham vọng đi tìm dấu chân đầu tiên của con người qua dấu ấn ngôn ngữ, cái thứ ký hiệu mà thòi gian phải run sợ và đầu hàng. Và như vậy, trước và sau hết, văn chương mới là quan trong, quan trọng trước cả tác giả. Văn bản, tác phẩm tồn tại mà không cần đến tác giả nữa, cho nên tác giả của những bài thơ ký tên là Hồ Xuân Hương dù là "năm cha bảy mẹ" cũng chẳng hề gì. Cái quan trọng chỉ còn là dòng thơ Hồ quân Hương. Nguyễn Quốc Trụ trong một câu nói rất mơ hồ lại gợi nên trong tôi những nét phác vẽ vô cùng sống động về ông Đỗ: quan niệm phê bình của họ Đỗ có vẻ như muốn tin rằng có văn chương rồi mới có con người. Một nhà phê bình văn học là "nhà văn của những nhà văn". Tương lai chúng ta sẽ vẫn có những nhà phê bình, những người bỏ công làm công việc sắp xếp tác giả, khuynh hướng, thời đại... nhưng có được một họ Đỗ, thấy cũng là một may mắn.
Giữa năm 1965, tình hình đất nước bước vào một thời kỳ mới vô cùng nhiễu nhương và ác liệt. Thời buổi loạn lạc nào cũng là môi trường sản sinh ra người tài ba. Nhìn chung quanh lúc bây giờ, tôi thấy nhiều thanh niên tuấn tú cùng thế hệ tôi hay trước tôi vài năm, họ thực là kỳ lạ nếu không nói là xuất chúng, họ có thể trở thành thủ lĩnh chính trị cũng như văn nghệ của một thời đại. Một thi sĩ trẻ với bài thơ dài trên trăm câu Thư gởi những bạn sinh viên trẻ, khi anh đọc lên ngoài quảng trường tôi thấy cả rừng người khóc cười, căm giận, lửa hồng sùng sục trong lòng bước chân theo. Hoặc như một vài năm sau đó, khoảng trước năm 70, tập Ngụ ngôn của người đảng trí ra đời, là một hòa giải tài tình tiếng nói đấu tranh của nhân dân và ngôn ngữ ảo mộng của thơ. Giữa thời kỳ này, đã có nhiều thanh niên trí thức từ bỏ đời sống ở các đô thị để nhập vào cuộc chiến đấu dũng cảm trên các triền núi, rừng rậm đầm lầy. Nhiều vùng nông thôn đã trở thành một biển lửa. Cuộc chiến tranh áp dặt giữa hai miền bùng nổ dữ dội.
Giữa tình cảnh cực đoan ấy, đất Huế hiền hòa đã dần dà trở thành một điểm lửa nóng cháy. Sự lựa chọn một con đường gần như trở thành tất yếu với mọi người. Hẳn nhiên, xung đột và trăn trở trong mỗi con người trước sự chọn lựa không phải là dễ dàng. Và giữa những ngày ấy, tôi thấy ông Đỗ chú tâm xây dựng một vở kịch với ba nhân vật: một thanh niên miền Bắc, một thanh niên miền Nam, thanh niên thứ ba đi theo Mặt trận Giải phóng. Cho đến ngày ông Đỗ rời Huế, vở kịch vẫn chưa hoàn tất, có lẽ vì gút thắt của vở kịch không thể nào tháo ra được. Lòng dũng cảm để chọn lựa chưa đủ trước những đối đầu khác: ánh sáng, bóng tối, đạo đức, lương tri v.v và v.v... pha trộn khốc liệt trong một buổi hoàng hôn của lịch sử. Ông Đỗ không viết xong được vở kịch (mà kỹ thuật viết cũng như vấn đề đặt ra, tôi nghĩ là rất gần với Camus và Sartre), thì việc ông từ bỏ giảng đường trường đại học là chuyện dễ hiểu.
Giữa một giảng đường đông đảo sinh viên, ông nói lời từ giã làm cho mọi người ngơ ngác. Chỉ có tôi và Thục, một bạn học của tôi, vỗ tay đáp lại lời từ biệt của ông. Ông bỏ việc và ra đi không qua một thủ tục nào cả. Một thời gian ngắn sau đó, tôi được đọc một bài thơ của kịch tác gia Bertold Brecht do ông chuyển dịch sang Việt ngữ in trên tuần báo Nghệ Thuật. Đã hơn ba mươi năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn còn nhớ vài câu trong đó dù không được chính xác lắm:
"Ăn bát cơm trong tay, tôi thấy như giật từ tay người đói
Uống ly nước trong tay, tôi thấy như giật từ tay người khát"
Và có một câu mà tôi rất thích:
"Nói chuyện với cỏ cây cũng là một điều tội lỗi."
Rồi còn một câu khác nữa:
Tôi làm ái tình một cách dửng dưng..."
Qua bài thơ ấy, tôi hiểu và cảm được những dấu hiệu truyền đi từ trái tim nhạy cảm và đau khổ của ông Đỗ. Quả là ông đang sống giữa những mâu thuẫn cùng cực của một thời đại khủng khiếp, và ông đang phải chịu đựng một thảm kịch không thể nào hóa giải, giữa những xung đột phải chọn lựa của một con người hành động hay là cuộc đời của một hiền giả cô đơn. Một cõi hỗn mang pha trộn giữa thi ca, triết học, cách mạng, bạo động, bất bạo động đè nặng trên ông. Giữa cõi hỗn mang ấy, tôi thấy nhiều hình bóng hiện ra, thấp thoáng ẩn hiện, từ ái, hiền hòa và hung bạo, quyết liệt. Những Che Guevara, Mao Tse-Tung, Gandhi, Nehru, H.C.M., David Thoreau, Allen Ginsberg, Camus, Sartre và rất nhiều người khác nữa. Cuộc xung đột lớn giữa những hình bóng và các con đường đi tới càng lúc càng như không phân lập được, càng làm cho lòng ông thêm tan nát không cách gì cứu vãn. Những ngày này, tôi nghe nói ông lang thang ở Đà Lạt, có dịp suy nghĩ về Kim Dung và đã diễn thuyết về đề tài này trước một cử tọa đông đảo trong khuôn viên trường đại học Đà Lạt. Tôi cũng đọc được một vài bài viết của ông vào thời khoảng đó trên các tạp chí Hành Trình, Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học do một số trí thức và văn nghệ sĩ có khuynh hướng dấn thân thực hiện. Rồi tôi nghe ông bị bắt đi lính vì không có giấy tờ tùy thân gì cả, ông trở thành một binh nhì hay hạ sĩ gì đó trong quân đội miền Nam.
Vài năm sau, bất thần tôi gặp lại ông trên khu phố sang trọng nhất của Sàigòn, trên lề đường cạnh nhà sách Xuân Thu và quán Pagode. Thùng thình trong bộ quân phục, chắc là chẳng sửa sang gì cả, người ta phát sao thì mặc vậy, ông dẫn chiếc xe đạp trên lề đường, nụ cười hóm hỉnh và đôi mắt sáng long lanh dưới cặp kiếng cận thị. Một vẻ ngoài lặng lẽ hiền hòa càng như làm tăng thêm chiều sâu và bề dày của một tâm hồn cô quạnh. Một thời là giáo sư ở trường đại học và nay là người lính binh nhì cũng không có gì khác nhau. Một con người chẳng màng đến danh và lợi, chẳng coi trọng địa vị, của cải như ông Đỗ thực sự là lạ lùng và chắc là thời nào cũng hiếm hoi. Sau đó, một người bạn cho tôi biết ông đang giữ nhiệm vụ canh cổng ở một trại binh gần khu Tân Sơn Nhất và ông rất tự nhiên, thoải mái với công việc này.
Sau năm 75, tôi lại có dịp gặp ông. Thỉnh thoảng đến thăm ông nơi một căn nhà nhỏ giữa một khu chợ nhỏ ở đường Trương Tấn Bửu (Phú Nhuận) đi vào. Tôi có ấn tượng là ông không còn muốn tiếp xúc gì với bên ngoài nữa. Căn nhà lúc nào cũng đóng cửa im ỉm, có những người bạn đến thăm ông mở cửa, lại có người rất danh tiếng mà tôi không định nhắc tên ở đây, mấy lần đến đều không được gặp, không biết vì ông đi vắng hay là ông không muốn tiếp.
Ông có mấy người con nhưng hình như ở nơi khác; tôi chỉ thấy ông trơ trọi một mình trong căn nhà nhỏ ấy. Sống bình thản và vẫn tiếp tục viết lách, ghi chú cho riêng mình. Đối với tôi, ông Đỗ là hình ảnh của một con người cô độc giữa cuộc đời; rất yêu cuộc đời nhưng vẫn có khoảng cách với chung quanh.
Tôi không biết ông tìm được gì hay có hạnh phúc không với cái thế giới riêng tư tịch mịch của ông, nhưng mỗi lần nghĩ đến ông tôi đều hình dung ngay một bầu khí lặng lẽ, bí ẩn và rất thơ mộng mà tôi vô cùng yêu mến và quý trọng.
Viết để tưởng niệm ông Đỗ Long Vân, nghe tin vừa qua đời ở quê nhà khoảng cuối năm 97
Tạp chí Văn, bộ mới, số 15, 1998)