Nhà biên khảo Bùi Kỷ
(1888 - 1960)
ÔNG là một nhà văn viết chung với Trần Trọng Kim nhiều sách ; người ta đã thấy tên ông ở gần tên nhà học giả họ Trần ở quyển «Việt Nam văn phạm», rồi trong bài tựa sách «Nho giáo», Trần Trọng Kim cũng viết :
« Trước khi đem xuất bản quyển sách này, chúng tôi xin có lời cảm tạ hai ông bạn là ông phó bảng Bùi Kỷ và ông cử Trần Lê Nhân đã giúp đỡ chúng tôi trong khi khảo cứu, thường gặp những chỗ khó hiểu, cùng nhau bàn bạc được rõ hết mọi ý nghĩa ».
Tôi đã nói đến Nho giáo và Việt Nam văn phạm trong mục trên. Ở mục này, tôi chỉ nói đến quyển «Quốc văn cụ thể» của Bùi Kỷ và quyển «Truyện Thúy Kiều» do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.
«Quốc văn cụ thể» (Tân Việt Nam thư xã, Hànội 1932) là một quyển mà Bùi Kỷ giảng rất tường tận về các lối văn và về những cách thức làm các lối văn ấy. Sách chia làm bốn thiên : thiên thứ nhất nói về Việt văn, thiên thứ hai nói về Hán văn, thiên thứ ba nói về Hán Việt hợp dụng thể và thiên thứ tư nói về Văn Pháp.
Ở chương thứ nhất, thiên thứ nhất, soạn giả xét nhận lối gieo vần của Tàu và của ta rất là tinh vi. Hãy nghe :
« Văn nước nào cũng phát nguyên bởi những bài ca dao, là những bài hát có vần. Lối gieo vần của Tàu, bao giờ cũng để chữ có vần xuống cuối cùng câu, thí dụ :
« Anh anh điểu minh,
Cầu kỳ hữu thanh.
Minh với thanh là một vần.
Triển chuyển phản trắc,
Cầu chi bất đắc.
Trắc với đắc là một vần ».
« Vì vần ở cuối cùng câu, nên bài văn có thể gieo được nhiều vần.
Lối riêng của ta gieo vần khác hẳn lối Tàu, câu trên vẫn ở chữ cuối cùng, còn câu dưới thì vần không ở chữ cuối cùng :
1) Vần ở chữ thứ nhất câu dưới :
« Khôn cho người ta dái
Dại cho người ta thương ».
2) Vần ở chữ thứ nhì câu dưới :
« Cơn đằng đông,
Vừa trông vừa chạy ;
Cơn đằng nam,
Vừa làm vừa chơi ».
3) Vần ở chữ thứ ba câu dưới :
« Đãi cứt sáo lấy hạt đa, Đãi cứt gà lấy tấm mẳn ».
4) Vần ở chữ thứ tư câu dưới :
« Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ ».
5) Vần ở chữ thứ năm câu dưới :
« Gái không chồng như nhà không nóc.
Trai không vợ như cọc long chưn.
Lối này sau thành ra song thất ».
6) Vần ở chữ thứ sáu câu dưới :
« Mồng tám tháng tám không mưa,
Chị em bán cả cầy bừa mà ăn.
Lối này sau thành ra lối lục bát ».
(Quốc văn cụ thể, trang 20 và 21)
Xét nhận và so sánh như vậy, thật là rõ ràng vô cùng, người chưa hiểu thơ văn là gì cũng có thể hiểu ngay được.
Những chương nói về lục bát, song thất lục bát và những biến thể của lục bát và song thất như hát xẩm, hát nói cũng rất tường tận, lại được cái vắn tắt nữa, làm cho người xem có thể dễ nhớ.
Văn ta và văn Tàu xuất nhập tương tự như nhau, nên tuy mỗi bên đã có từng thể tài riêng mà hai lối văn vẫn có thể dùng lẫn vào một bài được. Hãy nghe Bùi Kỷ giảng như sau này :
« Lối lục bát khác với lối từ khúc là vì câu bát gieo vần ở chữ thứ sáu mà từ khúc thì gieo vần ở cuối câu. Song cứ xét nguyên về lối lục bát, thì thấy cứ trong bốn câu lục bát, có hai câu từ khúc. Thí dụ :
« Khối tình lăn lóc cổ câm,
Cõi trần được một tri âm đã nhiều ».
« Vườn đào gió sớm mưa chiều,(Từ khúc)
Biết ai mà giải mọi điều đảm can ».
Tựa kề bên trúc bên lan,(Từ khúc)
« Bên mai bên cúc bàn hoàn nỗi tây,
Trương cầm lỏng phím chùng dây ».(Từ khúc)
« Con cờ thắt túi bàn vây cũng thừa ».
(Quốc văn cụ thể, trang 131 và 132)
Rồi trong lối thét nhạc có lẫn cả song thất lục bát và từ khúc.
Thi ca Việt Nam sở dĩ phong phú được là nhờ ở những lối biến thể, mà cho đến những bài thơ mới tám chữ bây giờ cũng chỉ là một lối biến thể của những bài hát ả đào.
«Quốc văn cụ thể» của Bùi Kỷ là một quyển xét nhận về các lối thơ văn và phương pháp làm thơ văn rất có giá trị, và nó đã có được cả ba điều hay là vừa gọn gàng, vừa đầy đủ, lại vừa sáng suốt nữa.
«Truyện Kiều» mà in ra chữ Nôm, đến nay, đã có rất nhiều sách, nhưng người ta phân biệt hai bản khác nhau, là : bản phường in tại Hà Nội, do Phạm Quý Thích (hiệu Lập Trai, người làng Hoa Đường, tức nay là Lương Đường, Hải Dương) đem ra khắc, và bản Kinh do vua Tự Đức sửa chữa lại.
Còn chuyện « Kiều » xuất bản bằng quốc ngữ gần đây cũng nhiều, nhưng những quyển có đề tên người sao lục và chú thích, thì có mấy quyển này là hơn cả :
- Kim Vân Kiều (Bản in nhà nước 1875) do Trương Vĩnh Ký biên khảo.
- Kim Vân Kiều (in tại Hà Nội 1913) do Nguyễn Văn Vĩnh chú thích.
- Kim Vân Kiều chú thích (biên tập trong khoảng 1902-1903) của Bùi Khánh Diễn (in cách đây hơn mười năm tại nhà in Ngô Tử Hạ).
- Truyện Kiều do Nông Sơn Nguyễn Can Mộng hiệu đính và chú thích (in tại Imprimerie d’Extrême Orient, Hà Nội, năm 1936).
- Vương Thúy Kiều, do Nguyễn Khắc Hiếu chú giải (Tân Dân Hà Nội xuất bản năm 1940)
- Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo (in lần thứ hai do Vĩnh Hưng Long thư quán xuất bản năm 1927).
«Truyện Thúy Kiều» do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo căn cứ vào bản Phường vì những lẽ sau này : bản Phường tuy cũng có sửa đổi lại vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng đều một giọng : chủ ý của biên giả là muốn giữ cho đúng với bản cũ, chứ không phải muốn làm cho hay hơn. Biên giả không thể theo cách khác được vì hiện nay tập nguyên văn của tác giả không tìm thấy nữa.
Một điều mà người đọc nhận thấy là trong « Truyện Thúy Kiều » do Bùi Kỷ biên khảo, rất có nhiều chữ khác với những bản quốc ngữ kể trên, mà những chữ hiệu đính ấy ta có thể coi là đúng được. Thí dụ những chữ sau này :
Trong những bản của Bùi Khánh Diễn và Nguyễn Khắc Hiếu, người ta đọc thấy câu : «Thoi vàng bó rắc, gio tiền giấy bay » ; trong những bản của Nguyễn Can Mộng và Nguyễn Văn Vĩnh, câu ấy là : « Thoi vàng hồ rắc, gio tiền giấy bay » ; còn trong bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, câu ấy là : « Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay ». Nguyễn Du người Hà Tĩnh mà ở miền Nghệ Tĩnh, vàng hồ gọi là vàng vó. Như vậy, để là vàng vó có lẽ mới đúng với nguyên bản.
Trong bản của Bùi Khánh Diễn và của Nguyễn Văn Vĩnh, người ta đọc thấy câu : « Hàn gia ở mái tây hiên ». Mái tây hiên thì thật vô nghĩa, vì đó là lời Đạm Tiên chỉ cái nhà của mình, tức là cái mả, mà nói là « hàn gia » cũng như nói : tệ xá, tệ ốc vậy. Trong bản của Bùi Kỷ, câu ấy là : «Hàn gia ở mái tây thiên», tức là nói : ở cánh đồng phía tây. Nhưng phải chữ mái chưa được lọn nghĩa, không lẽ Nguyễn Du lại dùng chữ «mái» để chỉ là : phía. Trong bản của Nguyễn Khắc Hiếu và của Nguyễn Can Mộng, câu ấy là : «Hàn gia ở mé tây thiên». Như vậy, có lẽ đúng hơn cả. Nguyễn Khắc Hiếu lại còn chú rõ hai chữ « tây thiên » là con đường đi ở chỗ mộ địa mà ở về phía tây.
Lại như câu : « Sen vàng lãng đãng như gần như xa » trong bản của Bùi Kỷ, thì trong bản của Nguyễn Khắc Hiếu hai chữ ấy là «lững thững», trong bản của Bùi Khánh Diễn cả câu lại là :« Nhạc vàng lảng sảng như gần như xa ». «Lững thững» cố nhiên là không thể nào có cái nghĩa là : mập mờ hay không rõ được. Trong bản nôm, nguyên hai chữ ấy là 浪蕩. Như vậy phải đọc là «lãng đãng» mới đúng với chữ nôm. Nhưng hai chữ « lãng đãng » kể là chữ Hán thì còn có nghĩa là : phóng lãng, du đãng, chứ kể là tiếng nôm coi như là một chữ cặp đôi thì không có nghĩa gì cả. Không thể nào bảo « lãng đãng » nghĩa là mập mờ hay không rõ, như lời chú thích của Bùi Kỷ được. Ngay trong quyển «Việt Nam tự điển» của ban Văn Học hội Khai Trí, hai chữ «lãng đãng» cũng không có. Như vậy, chỉ có thể để là «lững thững» mới có nghĩa vì mấy chữ «như gần như xa» đã có cái nghĩa là : mập mờ, không rõ rồi. Nhiều khi bản nôm chép đi chép lại mãi, hóa sai đi. Không lẽ nào tác giả lại đi dùng hai chữ không có trong tiếng Việt Nam.
Đến những câu như : «Rước mừng đón hỏi dò la», «Dột lòng mình cũng nao nao lòng người», «Ông tơ gàn quải chi nhau» trong bản của Bùi Kỷ thì những chữ : «rước mừng, dột lòng, gàn quải», đều là những chữ cổ, đời trước thường dùng, hiệu đính lại như thế thật là rất có lý. Những chữ : «chào mừng, thiệt lòng, ghét bỏ» ở các bản khác có lẽ là những chữ người sau sửa lại, không đúng với bản cũ.
Trong quyển «Truyện Thúy Kiều» do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo có những chữ cổ đính chính lại như thế, hay có những chữ thuộc về tiếng miền Nghệ Tĩnh, như chữ «thốt» trong câu : «Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang» là tiếng mà người Việt Nam ở Trung Kỳ thường dùng, nhưng đôi khi hai ông cũng không khỏi quá thiên về mặt ấy.Thí dụ chữ «nghĩ» trong câu : «Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung», biên giả cho là chữ «nghỉ» và giải nghĩa là : va, nó, ông ấy, v.v… Thật ra không phải như thế. Tôi đã có dịp đem chữ ấy hỏi mấy người rất có học thức ở Nghệ Tĩnh, các ông này đều nói : «Chính là chữ « nghĩ » mà trong tôi thường đọc là « nghị » chứ không phải là nghỉ ». Rồi các ông còn nói thêm :« Nguyễn Du viết như thế là có ý nói : nhà ấy kể cũng khá. Chứ tiếng nghỉ kia để chỉ vào những người kém mình, ít khi dùng trong văn chương, vì ngay lúc nói thường, người ta cũng còn dè dặt ». Trong bản của Nguyễn Khắc Hiếu cũng để chữ «nghỉ», nhưng như thế là sai. Chữ «kiếm» trong câu : « Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương » trong bản của Bùi Kỷ cũng không lọn nghĩa. Trong nhiều bản, chữ ấy là «thắp». Như vậy có lẽ đúng hơn. Biên giả quyển « Truyện Thúy Kiều » giảng nghĩa chữ «kiếm» là : để đem dâng, đem lễ. Nhưng trong « Việt Nam tự điển » của ban Văn Học hội Khai Trí không làm gì có nghĩa ấy mà chính ra trong thứ tiếng Việt Nam thông thường, nghĩa ấy cũng không có nốt.
Chữ «ghé» trong câu : « Khách đà lên ngựa người còn ghé theo » cũng không đúng. Người ta nói « ghé thuyền » vào bến, còn người ta nói «nghé mắt», chứ không ai nói « ghé mắt ».
Trong bản của Bùi Kỷ, mấy câu :
« Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng,
Nách tường bông liễu bay ngang trước mành.
Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng… »
Hai chữ «nghiêng nghiêng» làm lạc vận. Cố nhiên câu : «Nách tường bông liễu bay sang láng giềng» ở các bản khác không được rõ nghĩa và có lẽ không đúng với bản cũ, nhưng hai chữ «nghiêng nghiêng» cũng không được ; chính là hai chữ «chênh chênh» mới phải, như vậy vừa hợp với vần «mành» ở trên và xuống câu dưới cũng không sái vận mấy. Hai chữ này, bản của Nguyễn Khắc Hiếu chép đúng.
Lại câu : «Đục như nước suối mới sa nửa vời». Hầu hết các bản, cả bản của Bùi Kỷ, đều chép là « đục ». Chính ra chữ « đục » đây là chữ «giục», vì chữ « đục » xét ra thật vô nghĩa : nước mới sa nửa vời thì đục làm sao được ? Sa nửa vời thì chỉ có thể «mau» mà thôi. Câu ấy chính là :
«Giục như nước suối mới sa nửa vời ;
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài… »
Chữ «giục» đây vừa có cái nghĩa là : giục giã, thúc giục, lại vừa có cái nghĩa : cấp bách, mau lẹ, và lại vừa đối chọi với chữ «khoan» ở dưới. Tác giả có ý tả tiếng đàn lúc thì «mau» như nước mới sa nửa vời, lúc thì «khoan» như cơn gió thoảng. Hai câu :
« Trong như tiếng hạc bay qua,
Giục như nước suối mới sa nửa vời ».
Do ở hai câu thơ chữ Hán sau này :
清如鶴淚飛天上
急似流泉送小溪
« Thanh như hạc lệ phi thiên thượng
Cấp tự lưu toàn tống tiểu khê ».
Hai câu chữ Hán này chính để tả tiếng đàn khi thì trong như tiếng hạc kêu trên trời cao, khi thì mau như tiếng suối chảy xuống cái khe nhỏ.
Quyển «Truyện Thúy Kiều» do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo tuy có một vài chữ cần phải xét lại, nhưng so với các bản khác bằng quốc ngữ xuất bản gần đây, thì vẫn là một quyển có giá trị hơn cả. Có thể nói : bây giờ chỉ có hai bản, bản do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim chú thích và bản của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú thích là kỹ hơn cả.
Bùi Kỷ vốn là một nhà văn rất ham thích truyện « Kiều » ; về nàng Kiều ông đã ngâm vịnh nhiều bài nhưng tôi không nhớ được hết. Ông có làm một bài trường thiên song thất lục bát «Viếng Thúy Kiều», đăng trong «Nam Phong Tạp Chí» (số 121, Septembre 1927) vào giữa năm quyển «Truyện Thúy Kiều» in lại lần thứ hai. Bài ấy ý tuy cổ, nhưng giọng thật thiết tha. Mấy câu ở đoạn kết như sau này :
« Đã mang lấy nghiệp vào thân
Riêng đâu cho khách hồng quần mà thôi.
Muốn trong sạch mà đời nhem nhuốc.
Quá khôn ngoan nên bước lỡ làng,
Ấy ai bảy thước ngang tàng,
Đến chìm nổi cũng bẽ bàng như ai !… »
Rõ là giọng «thương người đồng bệnh» ; lời cứng mà ý sâu. Bùi Kỷ có cái gọng thơ bao giờ cũng đúng mực như thế. Ông còn đăng nhiều bài khác nữa ở tạp chí «Nam Phong» và phụ trương văn chương của «Trung Bắc Tân Văn» thuở xưa, phần nhiều là trường thiên.
Trong báo «Trung Bắc Tân Văn» (Hà Nội), ông còn đăng nhiều bài Đường luật và hát nói rút ở tập «Ưu Thiên đồ mặc» chưa xuất bản. Có mấy bài nhan đề là : Tết, Thân, Thế, Ưu, Lạc đều tỏ ý rất là ung dung và lãnh đạm với cuộc đời bon chen.
Hãy đọc bài «Thế» :
«Đã trót vào đời phải biết đời,
Vui lòng nếm đủ mọi nghề chơi.
Say mà mê tít còn hơn tỉnh,
Khóc chẳng ăn thua cũng phải cười.
Sá quản kêu mưa mồm chẫu chuộc,
Mà toan phơi nắng mặt đười ươi.
Vào đời đố biết bao giờ chán,
Quả phúc dây oan cũng thế thôi».
Người ta thấy thi sĩ không những rất ung dung và lại còn hoài nghi một cách chua chát nữa. Khóc đã không ăn thua thì cũng cười vậy, mà rồi rút cục mong gì ? Quả phúc dây oan thì có khác gì nhau. Thi sĩ tin ở thuyết định mệnh, mà cũng vì thế mới giữ được thái độ ung dung, nhàn tản.
Bài thơ trên này của Bùi Kỷ còn có cái giọng hào hoa phóng đạt như giọng thơ Nguyễn Công Trứ ; lời lại rất cứng và đối rất chỉnh, đáng là một bài Đường luật khuôn mẫu.
Gần đây, ông có đăng một bài nhan đề là «Truyện Trê Cóc» trong «Khai trí tiến đức tập san» (số 4, Juillet-Décembre 1941) để hiệu đính áng văn cổ này.
Bài khảo cứu này, ai đọc cũng phải nhận là rất công phu. Trước hết, ông tóm tắt sự tích trong truyện, nói về cách kết cấu rồi nói về văn pháp và tâm lý trong truyện. Hai mục sau là hai mục đáng chú ý hơn cả.
Về văn pháp «Truyện Trê Cóc», ông nói tuy vắn tắt mà rất tường tận về cách gieo vần, cách dùng chữ và cách đặt câu.
Cách gieo vần trong truyện này là một cách rất thô sơ, cũng như cách gieo vần trong những cuốn văn cũ: Hoàng Trừu, Phương Hoa, Cúc Hoa, Thạch Sanh.
Trong « Truyện Trê Cóc » có những câu:
«Bọt bèo lầm nước tối tăm,
Động tin trê mới nổi lên hỏi dò».
Hay những câu:
« Cóc rằng sao khéo lo quanh,
Can chi chịu phí xem tình làm sao».
Vần «tăm» mà lại hạ xuống vần «lên», vần «quanh» mà lại hạ xuống vần «tình». Biên giả cho là cách gieo vần ở đây «thuộc về lối cổ vận văn».
Về cách dùng chữ thì « Truyện Trê Cóc » là một cuốn văn đặc biệt về mặt về mặt dùng được gần hết những tiếng việc quan bằng chữ Hán. Đó là những chữ : «minh tra, cứu vấn, bản nha, phát sai, bàng tiếp, đoạt nhân thủ tử, hỏa quang kiến diện». Những tiếng tố tụng này nhập vào tiếng nôm ta tự lâu đời, nên đã thành những tiếng rất thông thường, ai ai cũng hiểu nghĩa.
Về tiếng Hán Việt, Bùi Kỷ phát biểu những ý kiến rất đúng :
«Nay ta thử theo thứ tự xét từ Nguyễn Trãi gia huấn, đến Hồng Đức văn tập, Bạch Vân Am văn tập, rồi đến truyện Hoa Tiên, truyện Kim Vân Kiều, ta nhận thấy con đường phát triển của thứ tiếng Hán Việt hình như đi lên từng cung một : nghĩa là luân lý, triết lý, văn chương, cứ theo một thứ tự rõ ràng ; đó là một luận đề có thể giúp cho sự khảo cứu về Việt văn lịch sử, nhất là về những cuốn văn vô danh ».
(K.T.T.Đ., Tập San, số 4, trang 20)
Đó là những ý kiến rất hay, ta rất nên lưu tâm trong khi xét những áng văn cổ như « Truyện Trê Cóc ». Ý kiến ấy làm cho ta phải nghĩ nhiều về phong trào quốc văn từ lúc khởi phát cho đến sự tiến hóa của quốc văn qua các thời đại.
Về tâm lý truyện này, biên giả viết :
« Cuốn văn này đến nay vẫn liệt vào trong những cuốn văn vô danh, vì chưa tìm ra được tên của tác giả. Cụ Bùi Tồn Am (Huy Bích) có bàn về cuốn văn này, cho là do một vị gia khách ở nhà đức Liễu Vương đời Trần làm ra, ám chỉ vào việc vua Thái Tôn cướp chị dâu trong khi có mang, lấy đứa con anh còn ở trong bụng mẹ làm con mình. Cụ lấy bốn chữ « đoạt nhân thủ tử » làm định án. Nếu theo như thuyết trên này mà xét ở trong cuốn văn, thì ta thấy có nhiều chỗ ám hợp, vì Trê tuy nuôi nòng nọc, nhưng nòng nọc bao giờ cũng vẫn là con của Cóc ».
Biên giả cho là thuyết trên này không phải là không có sở kiến, song hãy nên để làm một điều khuyết nghi, đợi khi có đủ tài liệu, sẽ bàn lại.
Một điều mà người ta có thể biết rõ là tác giả « Truyện Trê Cóc » đã :
« …Muốn mượn một tập văn ngụ ngôn, đem ba điều này để cảnh tỉnh những bậc học thức trong nước, bình nhật nên lưu tâm đến dân tình, đến khi có quyền bính trong tay, nên hết lòng giúp nước, cốt làm thế nào cho lại trị, dân an. Đó là cái tinh thần chân chính trong nền cổ học, hàm súc ở cuốn văn này biết bao nhiêu là ý tứ, ta không nên cho là một truyện mua vui, mà sao nhãng không thể nhận kỹ vậy».
«Truyện Trê Cóc» này biên giả chú thích rất là tường tận. Ông theo phương pháp khoa học mà đính chính và đối chiếu với các bản khác ; vậy ta có thể coi là một bản công phu hơn hết cả các bản « Trê Cóc » khác bằng chữ nôm hay chữ quốc ngữ của các nhà buôn sách phố hàng Gai.Vũ Ngọc Phan
Trong văn giới Việt Nam, ai cũng biết Bùi Kỷ là một nhà văn chín chắn. Ông viết tuy ít, nhưng bài nào ông đã viết hay sách nào ông đã biên, ông đều thận trọng, không bao giờ có sự cẩu thả. Người ta đã thấy tên ông đi kèm với nhà học giả Trần Trọng Kim trên nhiều cuốn sách giá trị ; hai nhà văn họ Bùi và họ Trần đi cặp kè với nhau nhiều lần trên đường văn chương và khảo cứu, làm cho người ta phải nhớ đến cái tên Erckmann – Chatrian [*] trong văn giới Pháp, hai cái tên đi cặp kè và cũng nổi tiếng về văn học và sử học.
* Tức Emile Erckmann và Alexandre Chatrian