8-12-2019 | VĂN HỌC

Bích Khê (1916 - 1946)

  NGUYỄN TẤN LONG


    Nhà thơ Bích Khê
    (24.3.1916 - 17.1.1946)

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24-03-1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi.


Thuở bé Bích Khê đã tỏ ra là người thông minh và có một trí nhớ mạnh. Năm 13 tuổi, ông học lớp Nhất trường Pháp Việt Đồng Hới, và 1929, đậu bằng tiểu học Pháp Việt; tiếp tục tại trường Pellerin Huế và hoàn tất chương trình Trung Học năm 1932.


Sau đấy, ông ra Hà Nội theo ban tú tài triết học ở một trường tư thục; về kết với một bạn đồng môn và đồng châu tên D... Đ... Cả hai sau này cùng với chị thứ tám của Bích Khê vào Phan Thiết mở trường tư lấy tên Hồng Đức năm 1934.


Năm 1936, chị thi sĩ Bích Khê bị mật thám Pháp bắt giải về giam tại Quảng Ngãi vì tình nghi hoạt động chính trị. Trường thiếu người đảm nhiệm: thừa cơ người bạn Bích Khê liền xoay sở biến tư thục Hồng Đức thành ra của mình.


Chán tình đời, Bích Khê bỏ vào nương náu nơi chùa Ông Rau trên núi Tà Cú (Mũi Né) lấy câu kinh tiếng kệ, cùng trời nước mênh mông khuây khỏa chuyện nhân tình.


Bốn tháng sau, Bích Khê trở về huyện Thu Xaq2 trước sự ngạc nhiên của mẹ; nhưng Bích Khê cố giấu sự thật. Lúc bấy giờ người chị được thả ra. Bích Khê lưu lại quê nhà đọc sách và viết văn. Được một thời gian, Bích Khê nghe ran ngực vì phổi yếu, phải vào nhà thương điều trị hơn một năm.


Cuối 1937, Bích Khê dọn phòng học về ở trên núi Thiên Ấn, rồi lại dời xuống bãi biển. Sau đấy, về nhà xin mẹ cho vào một ngôi chùa ở Phú Thọ để nghiên cứu triết lý Phật và làm thơ. Chẳng bao lâu lại bỏ chùa vì cho rằng tiếng chuông mõ và giới luật không lợi cho sáng tác văn chương và ràng buộc tâm hồn phóng túng. Bích Khê tiếp nối cuộc đời mình trên chiếc song bềnh bồng khắp mặt nước Trà Khúc, bên sông Phú Thọ, Xom Dừa, Cổ Lũy, Sa Ki...


Năm 1938, Bích Khê cùng chị lại trở vào Phan Thiết mở trường Quảng Thuận do ông Lạc Nhân (anh rể Bích Khê) làm giám đốc. Nhà trường qui tụ những người có tâm huyết, lấy việc “khai dân trí” làm tôn chỉ. Học sinh ngày càng đông, gây nhiều tín nhiệm với nhân dân địa phương khiến thực dân Pháp để ý và ra lệnh đóng cửa. Nhờ Ông Lạc Nhân có chân dân biểu ra sức bênh vực ở nghị trường; nhà trường trước sau hai lần đóng cửa, rồi lại mở cửa.


Cuối năm 1939, trường bị đóng cửa lần thứ ba, Bích Khê không cho ông Lạc Nhân vận động; cùng chị trở về Thu Xà.


Năm 1942, bệnh phổi tái phát, Bích Khê phải vào điều trị ở bệnh viện Pasquier Huế 8 tháng, rồi về nhà chạy chữa thuốc Nam, song vô hiệu. Sức khỏe ngày càng giảm.


Tháng Giêng năm 1946, cảm thấy mình không thoát khỏi tử thần, Bích Khê gọi người chị thứ sáu ghi lời di chúc, nội dung như sau:


1. Khi chết không được khóc.

2. Chết xong liệm liền, chôn liền.

3. Liệm rất giản dị, một tấm vải trắng đắp thi hài, một cái hòm thường, và đám tang không kèn trống.

4. Bà con bạn hữu đến phúng điếu, không nhận tiền.

5. Ngày giỗ chỉ đốt hương, trầm và cắm hoa. Không được đặt đồ ăn trên bàn thờ.

6. Các tập thơ, chị Ngọc Sương và anh rể Lạc Nhân mang quyền xuất bản.


Cái đêm tang tóc của gia đình Bích Khê là đêm 17-01-1946. 11 giờ 30, nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, Bích Khê vẫn còn đủ tinh thần lắng nghe những hồi kinh vĩnh sinh. Thời khắc nặng nề trôi, 11 giờ 45 Bích Khê lo ngại tự nhủ: “Tôi chết đêm nay mà”. Đúng giờ 12 khuya thi sĩ qua đời.


Sự nghiệp văn chương của Bích Khê gồm có:

- Tinh Huyết, thơ, do Trọng Miên xuất bản năm 1939. Tựa của Hàn Mặc Tử; bạt của Trọng Miên. Tập thơ gồm 4 phần:


1. Nhạc và lệ, tặng Hàn Mặc Tử (trang 23 đến 38).

2. Đẹp và Dâm, tặng Trọng Miên (trang 41 đến 54).

3. Cuồng và Ánh sáng, tặng hai anh Thoại và Hường (trang 57 đến 81).

4. Châu (trang 85 đến 105).

- Tinh Hoa, thơ (1938-1946), sắp xuất bản.

- Đẹp, thơ, 1939, chưa xuất bản.

- Ngũ hành sơn, thơ, chưa xuất bản.

- Lột truồng, tự truyện, chưa xuất bản.

- Mấy dòng thơ cũ, thơ, (1931-1936), không xuất bản.

- Thơ Bích Khê (1988).


Thi bản Bích Khê đăng trên các báo Tiếng Dân, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Người Mới, lấy bút hiệu Lê Mộng Thu hay Bích Khê.


*


Hàn Mặc Tử đã có cái nhìn quán xuyến thế giới thơ của Bích Khê khi ông ghi lại những dòng sau đây trong bài Tựa tập Tinh huyết.

“Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thân dị. Và đem chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có tính cách khác nhau :

1. Thơ tượng trưng.

2. Thơ huyền diệu.

3. Thơ truy lac."

*


Khi bước chân vào dòng đời, Bích Khê đã ghi ngay tâm tư của mình cho hậu thế trong bài Nấm mộĐề bia trước mộ.


Đó là nhân sinh quan của nhà thơ. Một đôi mắt đối diện với thực tại của cuộc hiện sinh:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử! (Cổ thi)


Tự ngàn xưa, ai đã sống mà không chết; sớm muộn gì cũng chỉ là:

Trăm năm còn có gì đâu,

Chẳng qua một nấm có khâu xanh rì!

(Cung oán ngâm khúc)


Nếu quan niệm “sinh kí tử qui” là đem cuộc sống thả vào dòng thời gian, phó mặc cho định mệnh: họ chấp nhận sự sinh tồn theo luật đương nhiên của vũ trụ. Tinh thần họ vì đấy mà bình thản trước cái Sống và cái Chết.


Với nhà thơ Bích Khê, chúng ta thấy thi nhân đã làm chủ cái Sống và cái Chết của mình. Khi sống thì nhân đã hưởng thụ tất cả những gì mà người cho là nguồn sống, và lúc chết, thi nhân gửi lại vào cõi sống những tâm tư của mình, để nguồn tâm tư ấy sống mãi trong lòng thế nhân.


Vậy thì đối với thi nhân chết không có nghĩa là mất, mà chỉ là làm một chuyến “tiêu dao” rồi cũng trở về nhân thế. Ta hãy nghe thi nhân đưa ra ý niệm ấy:


Mây tuyết thời gian bay tựa nhạc,

Hồn tôi đã thoát để tiêu dao.

(Nấm mộ)


Đời người là một thoáng thời gian mà thi nhân hình dung như đám mây trắng trôi trên khung rời xanh, chập chùng như điệu nhạc, trong đó gói ghém đủ sắc thái tâm tư.


Điệu nhạc thất tình lục dục của con người, ai cũng đều trải qua trên đường tơ thời gian ấy. Nó là biểu tượng cái tinh thần đã sống của con người! Khi bản nhạc đời chấm dứt là lúc chúng ta phải rời khỏi phòng nhạc.


Tuy nhiên, khi vừa rời phòng nhạc, dù muốn dù không cũng đã mang trong người ít nhiều cảm giác. Thi nhân là người đã trao lại cho kẻ đến sau những cảm giác ấy. Đám mây rồi tan, điệu nhạc rồi dứt, nhưng cảm giác tồn tại trong lòng thời gian:

Những tờ thơ nát đầy hơi hám,

Tay khách đa tình sẽ chuyển trao.

(Nấm mộ)


Hỡi người đời! Ai đã từng bảo kiếp người là “phù sinh”, là “bóng câu”, là “tên bắn”, hãy đến trước mồ thi nhân xem những dòng đã ghi trên mộ chí, do thi nhân tự tay đề cho mình trước khi chết:


ĐỀ BIA TRƯỚC MỘ


Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng,

Bút thần: sông lạnh ánh sao rơi!

Sau nghìn thu nữa trên trần thế,

Hồn vấn về trong bóng nguyệt soi.

(Tứ tuyệt)


Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa bướm, khi tỉnh dậy chưa biết mình là Trang Tử hay là bướm. Đời là cõi mộng? - Phải! Nó là cõi mộng, nhưng theo thi nhân, trong cõi mộng ấy lại có cõi thực! Kẻ nào sống với những gì mất mát tức là sống với mộng, và cũng có nghĩa là họ đang chết! Kẻ nào sống với những cái vĩnh cửu tức là họ sống với thực, và chẳng chết bao giờ:

Ngô đồng nhất diệp lạc,

Thiên hạ cộng bi thu.

(Ngô đồng rụng một lá,

Thiên hạ buồn thu qua.)


Lá ngô đồng rụng để tiễn biệt một mùa thu, không có nghĩa là tình thu bị tiêu diệt. Mùa thu qua, tình thu vẫn còn đọng lại. Một vệt sao rơi trên dòng sông lạnh, vệt sao mất, nhưng hình ảnh rực rỡ trước khi tắt của ánh sao vẫn lưu lại với dòng sông.


Vậy thì người đời nên thấy cái gì tạm bợ, cái gì bất diệt để phân định đâu là mộng, đâu là thực.


Bích Khê đã tìm cõi sống ngàn thu, cõi sống ấy ngay trong trần thế! Bởi vì có ai dám quả quyết rằng sau ngàn năm nữa, ở thế gian này không có một kẻ nào ngồi dưới bóng trăng mà ngâm lên những tiếng lòng, những cảm giác của thi nhân đã lưu lại trên “những tờ thơ nát đầy hơi hám” kia! Nếu có kẻ làm như vậy, ai dám bảo Bích Khê đã chết?


Mùa thu này, thi nhân cảm thấy ý sống mình tràn dâng, và muốn trải sức sống ấy vào lòng nhân thế:


Rồi một mùa thu vô hạn thương,

Trở về với biếc chập chờn hương

Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ

Muốn thổi tiêu vàng giữa khói sương.

(Nấm mộ)


Ngàn thu trước ngàn thu sau ai bảo là xa cách khi tâm hồn cùng rung lên một nhạc điệu? Không! Tâm tư con người vượt ra ngoài thời gian và không gian để trường cửu. Ngàn thu trước lá ngô đồng rụng tiễn thu, khói biếc xây thành, rặng liễu khóc sương, thì ngàn thu sau vẫn với lá ngô đồng rụng tiễn thu, khói biếc xây thành và rặng liễu khóc sương. Những cái đó không thay đổi, tại sao không có một thi nhân ngồi giữa trời thu thổi lên tiếng tiêu hòa theo gió như một thi nhân ngàn thu trước đã làm?


Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh

Về chốn thôn già viếng mả tôi

Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ

Trên mồ con quạ đứng im hơi.


Mây thu buồn trĩu thấp, thảm cỏ úa xanh xao là biểu tượng một mùa và con quạ đen ngòm trên nấm mộ kia phải chăng đang chứng kiến tâm tư con người âm ỉ sống giữa thời gian và không gian, một nguồn sống muôn thuở của người không bao giờ chết?


Phải chăng những tâm tư trên đây đã ảnh hưởng đậm vào luyến ái quan và thi nghiệp của Bích Khê sau này?


*


Bây giờ chúng ta hãy bước vào dòng tâm tư của thi nhân.


Nhiều người đã đem so sánh cuộc đời thơ Bích Khê và Hàn Mặc Tử - đôi bạn gần gũi nhau cả cuộc sống lẫn cõi chết - chúng ta phủ nhận điều đó.



Nếu Hàn Mặc Tử xem sự vật trên đời chỉ là biểu tượng của tâm hồn, và những Mộng Cầm, Mai Đình, Thương Thương... (trong Thơ Hàn Mặc Tử) là hình bóng thiếu nữ mà thi nhân dựa vào đó để khai thác những cảm nghĩ say sưa của tâm hồn; thì với Bích Khê những Song Châu, Bích Thủy, Ngọc Kiều (trong Tinh huyết) cũng chỉ là những thể chất tượng trưng cho cái đẹp trong tâm hồn mình.


Thi nhân tìm cái đẹp, nhưng không thuần túy ở thể chất. Cái đẹp ấy từ thể chất bốc ra, chuyển sang cảnh giác, rồi vươn lên một bực để biến thành cái đẹp của tâm linh.


Hàn Mặc Tử nói về Bích Khê:

“Sự phát triển bồng bột quá, dồi dào quá, sẽ đưa linh cảm chàng đến một địa hạt siêu thần hơn, thơ chàng cũng như hồn chàng, sẽ qua hết những không khí nhiệm màu, bay cao đến tột cùng của Nước Trời hay chìm đắm xuống đáy sâu Địa ngục.


Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần của "Đau khổ". Chàng là người đã “Sống". Những tình cảm sâu xa dù là ở cõi tiềm thức đi nữa, cũng đã hơn một lần nảy nở rồi..."

(Trích Tựa Tình Huyết)

Nhận xét của Hàn Mặc Tử quả đúng với trạng thái tâm thần của Bích Khê, con người đã sống qua một thứ tình cảm đã ăn sâu tận tiềm thức.


Hình tượng bên ngoài kích thích cảm giác, thi nhân liền đưa hình tượng ấy vào tiềm thức để khai sinh cho hình tượng một sắc thái mới; sắc thái tượng trưng. Cho nên các nhà thơ tượng trưng không tìm cái Đẹp ở thực thể, mà cái Đẹp siêu việt trong thực thể.


Hàn Mặc Tử nói:

“... Tình cảm càng giàu sang bao nhiêu, tâm hồn chàng càng thánh thoát bấy nhiêu. Tư tưởng vì thế nhiều khi biến đổi bất thường, tin tưởng đó rồi lại nhờ vực liền. Với thời gian, trí tuệ sẽ tiến hóa, đi tới một mực quá khích, lay chuyển hết các sợi dây thần kinh trong người thi sĩ, xô đẩy thi sĩ đến những bến bờ xa lạ của cảm giác, đăm chiêu sa ngã vào sự khoái lạc của thần hồn cũng như của thể xác. Ở những miền thú vị chưa khai phá, thi sĩ sẽ nhờ sức trụy lạc đưa đẩy tới. Là vì luôn luôn, thi sĩ khát khao hoài vọng cái mới, cái đẹp, cái gì rung cảm hồn phách chàng đến tê liệt, dại khờ, miễn là có tính chất gây nên để mê, khoái lạc...”.

(Trích lời Tựa Tình Huyết)

Với nhận xét trên, Hàn Mặc Tử đã thấy rõ yếu tố căn bản của nhà thơ Bích Khê là vay mượn cái đẹp của hình thể kích thích tâm linh để thoát ra ngoài hiện hữu.


Cho được rõ ràng hơn, Hàn Mặc Tử thêm:


"Thi sĩ Bích Khê là người có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thực sẽ biến thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại thấy xô sang địa hạt huyền diệu..."


Như thế có nghĩa là Bích Khê đã sống bằng sự rung chuyển của tâm linh qua sự va chạm tuyệt đối của cảm giác.


Khi nhìn người yêu có đôi mắt đẹp, thi nhân vượt lên cái đẹp hiện hữu, đưa cảm giác mình vào cõi mộng đến độ lúc nào cũng bắt gặp đôi mắt ấy ẩn hiện trong mây, trong gió, trong hoa, trong lá, và bàng bạc khắp ngoại giới, bao trùm cả vũ trụ tâm linh:


Bỗng đôi mắt hiện hình - Đôi mắt ngọc

Ôi đôi mắt! - Toàn thân tôi rởn ốc!

Toàn thân tôi tràn ngấm vị say sưa,

Và cảm giác và khoái lạc, xô bồ

Làm rung động cả tinh thần khí phách!

(Đôi mắt)

Sự truyền cảm hình ảnh của đôi mắt quá mãnh liệt, đưa thi nhân đến một trạng thái hỗn độn. Người rùng mình trước sự xuất hiện đột ngột của ánh mắt, nhưng khi hình ảnh được lọc qua cảm giác, tức là khi cảm giác nhận chân được hình tượng hằng mơ tưởng, liền tỏa dần ra một khoái cảm say sưa. Các dây thần kinh rung chuyển đến mức độ không còn thấy thực thể bên ngoài nữa, mà đã biến thành một thứ ngọc thạch, một thứ ánh sáng thiên thần, một thứ âm thanh trong suốt, những thứ ấy tác động mạnh ở tâm linh giới, đến độ tiềm thức không còn nhận được chân thân của nguyên thể:


– Hỡi đôi mắt! Nơi người là ngọc thạch

Nơi giếng người phản chiếu ánh thiên thần

Nơi suối người giữ kín tiếng châu ngân

Nơi triển lãm cả một bầu tiên động

Nơi rung rinh cả một trời thơ mộng

Người là ai? Người hỡi! Người là ai?


Khi hình bóng đã bước vào địa hạt tâm linh thì không còn là thực thể nữa. Đôi mắt không còn là cặp nhãn cầu vật chất của nhà giải phẫu, mà nó trở thành một ảo hình liên tục quay cuồng làm lệch lạc sự nhận thức bình thường của giác, dẫn đến một trạng thái tâm thần chơi vơi như lạc vào cõi hư vô.


Những cảm giác bàng bạc rong tâm linh tỏa ra muôn hình, vạn ảnh, tràn ngập trong tưởng tượng người thơ:


Nhạc khiêu vũ đâu đây làn sóng múa

Tôi tưởng chừng... da thịt biến ra thơm

Những đầu lâu rã hết khí xanh dờn,

Những xiêm áo bay rờn trong cảnh mộng

Cả địa ngục đi vào trăm lỗ hổng

Bắn tinh ra trộn trạo giữa nguồn hương.


Chúng ta còn làm sao hiểu nổi trong tâm linh giới của thi nhân, khi mỗi cử động của đôi mắt đều khua dậy một nhạc điệu Nghê thường làm tan biến cả thể xác, áp đảo mọi hình bóng đang chờn vờn trong vùng ảnh hưởng của nó, buộc hình ảnh ấy phải nô lệ cho cái đẹp nhất của tâm linh.


Hỡi đôi mắt châu báu của muôn đời

Cho lòng ta ấp yêu nguồn suối lệ

Hồn ta say trong nhạc vàng kể lể

Tình ta dâng trong gợn sóng thu ba,

Cả máu đào, tủy trắng với xương ma

Cùng tinh loãng là bao nhiêu bảo vật

Để xây đắp bàn thờ cao chất ngất

Lút mây xanh là lút cả thiên thai.


Qua lăng kính tượng trưng, những thực tế kinh tởm được chuyển thành cái Đẹp mà thực thể chỉ còn là hư không.


Bỗng đôi mắt rưng rưng đượm rớm khóc

Nhưng cười nụ trong mùa hoa ánh ngọc

Ta là Châu! Thi sĩ! Ta là Châu!


Những thể xác thường tình, những bóng sắc hiện hữu đã được thi vị hóa đến độ không còn hình ảnh rõ rệt. Chúng ta chỉ thấy lờ mờ trong hào quang - chúng tôi muốn nói thực thể bị bao trùm trong tưởng tượng của thi nhân - tỏa ra ngàn vạn sắc hương.

Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới

Của lời thơ lòng đẹp - Hạt châu trong -

Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng

Tràng âm hưởng như chiều thu sóng nắng

Trong vòm xanh - Màu cưới màu, bình lặng

Gây phương phi chiếu sáng ngả sang mờ

Vì hình dung những sắc mắt, non tơ,

Như mặt trời lọc qua khóm liễu, một

Hoàng hôn - Ôi, đàn môi, chim báu tới

Chữ biến hình ảnh, mới lúc trong ngâm;

Chữ điêu khắc, tỉa nghệ thuật sầu câm

Đầy thẩm mĩ như một pho thần tượng.

Ở bức tranh lõa thể, sự trần truồng, dâm đãng không còn là thứ khả ố làm chúng ta xốn mắt, khó chịu; thi nhân đã biến những sắc thái ấy qua ý vị của thơ, của hương, của nhạc, của tuyết, của ánh sáng:

Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ

Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi này?

Nàng ở mồ! Xiêm áo bỏ đâu đây?

Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm,

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?

Mắt ngời châu rung ánh sóng Nghê Thường,

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc,

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc,

Vài chút trăng say đọng ở làn môi

(Tranh lõa thể)

Bài Tranh lõa thể của Bích Khê trích trên đây đã được Hàn Mặc Tử nhận xét:

“Trực giác của thi sĩ mạnh quá đến nỗi thấy nhan sắc lên hương, thấy cả bóng nghê thường đương nao nao gợn, và so sánh hai hàng nước mắt trong trắng của nàng là hai chiếc đũa ngọc. Vi thấy mái tóc u huyền xinh như một mùa thu mươn mướt, thi nhân bảo đấy là đêm đang ngủ mơ...


Nếu chẳng phải là một nghệ thuật siêu thần, thi nhân làm sao đưa đến một nguồn sống phong tình mà thanh khiết cho giai nhân? Để có cái ma lực huyền diệu cám dỗ được ngũ quan của người trần...


Sự say mê, tìm kiếm những nguồn hoan lạc vô biên đã dần dần đẩy thi nhân vào bờ bến của Huyền diệu. Ở đây, sự mường tượng của thị như dào hơn nữa, người ta chỉ gặp toàn âm thanh đương ngã ngớn, với muôn màu hương bay lẳng lơ trong lồng nhạc, trong khi có hàng hà sa số là ánh hào quang va vào hồn hoa, chạm nhằm không khí lạ. Không có sự say đắm nào ở Huế xa, hay sự mong nhớ nào cách biệt mà không đến đây để sum vầy, gây tượng đoàn viên của một mùa thơ, mùa trăng bát ngát..."

Mặt khác, chúng tôi lại thấy thi nhân chẳng những chỉ đưa cảm giác vào tâm linh, biến thực thể thành mộng ảo, ca tụng cái Đẹp mà còn lăn xả vào cái Đẹp để thụ hưởng một cách say sưa cuồng nhiệt.

Hỡi đôi mắt! Hồi hộp? Hay yêu thương?

Hay sầu hận? Hay điên cuồng? Chán nản?

Người hiện ra để hình dung ánh sáng

Chụp hồn hoa háo hức giữa đêm thu?

Chụp hồn ma than vản giữa đêm thu

Người có biết lòng ta đương chết điếng

Mửa dòng thơ tràn lan như sóng biển

Là trong dây tất cả phẩm tràng sinh,

Đều đau rên trong vạn trạng thiên hình?

Thụ hưởng những cảm giác say sưa cuồng loạn ấy thi nhân tưởng chừng như muốn gào thét lên vì không còn chịu nổi những cảm kích chực nổ tung trong người. Thi nhân bị cảm giác dồn ép đến độ phải tràn ra ngoài những gì tinh tinh túy nhất - cái tinh túy ấy là thơ, là nhạc, là tiếng rên, là giọng cười, là tất cả những gì chất chứa quá độ của một kẻ cuồng nhiệt.


Chưa hết, khi tâm hồn thi nhân bị sức đam mê thúc giục mãnh liệt đến ngây dại:


Tôi cắn vào trái bổ vỏ xanh mơ

Tìm chất quí thơm tinh mùi khoái lạc

Bằng hơi mộng, trong hàm răng, tản mác

Mộng? Thiên tài? - Trên hỗn độn khỏa thân

Đẹp tỉ mỉ, hỡi Rung động truyền thần,

Ròng âm nhạc của lòng trai ấp mái.

(Duy Tân)


Còn cảm giác nào làm rung chuyển con người hơn thế nữa! Thi nhân đã đưa sự khao khát của tâm hồn đến cực độ như muốn chụp vồ, ôm ghì, riết chặt, vò lăn lộn, rồi buông ra xé nát, phá tan những hình ảnh tươi đẹp đang hiện ra trong tâm tưởng mình. Với sức hủy hoại hình ảnh để thụ hưởng, thi nhân đã run rẩy như người ngạt thở, ngất ngư bằng một nhịp thơ đứt quãng:


Người họa điệu với thiên nhiên, ân ái

Buồn, và Xanh trời. Tôi trôi với bờ

Em biếc - khóc với thu: lời úa ngô

Vàng... khi cách biệt - giữa hồn xây mộ


Càng dùng cảm giác đi tìm cái Đẹp, thi nhân càng đến gần bờ xác thịt. Hàn Mặc Tử phân chất và cho đó là những cảm giác trụy lạc:


Không gian tơ – không gian tơ gợn sóng

Âm thanh gì sắp sửa, Ngọc Kiều ơi!

Hay hơi thở của hoa hồng mơ mo65ng?

Nhịp chèo đâu đưa hồn rơi xa khơi

(Mộng cầm ca)


Cũng như Song Ngọc trong Đôi mắt, Ngọc Kiều trong Mộng cầm ca cũng làm cho thi nhân đê mê đến độ xuất thần:


Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt

Ngọc Kiều ơi! - Này khúc Lạc Mai Hoa.

Suối tóc mát xuống một vườn sương tuyết,

Xuống một vườn sương tuyết của trăng hoa.


Đi tìm cái đẹp trong thể chất, rồi lại bị chính cái đẹp ngoại hình của thể chất ấy đưa cảm giác thi nhân đến cuồng loạn:


Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?

Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?

Đâu hang báu cho người ta phải khóc?

- Trên môi son ta liếc lưỡi gươm mềm!

Người cho ta một thanh gươm rất sắc?

Ô vung lên... cắt mạch nguyệt vàng xanh!

Xẻ mạch trời – mây xô sao năm sắc!

Phăng mạch đêm - hương vỡ ứa ngầm tinh!

Người cho ta một thanh gươm rất sắc?

- Ta điên rồ - múa giữa ánh bình minh.


Chưa thôi, tính chất trụy lạc cuồng nhiệt cứ lần lần đưa thi nhân tới bến bờ xa lạ, và thi nhân càng say mê đắm chìm trong chân trời dâm đãng ấy:


Ôi cặp mắt đa tình ngời sắc kiểm!

Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!

Mát làm sao, mát rượi cả châu thân

Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực

Ôi! Thớ thịt có đàn lên cung bực.

(Bàn chân)


Dù có tính chất sa đọa, với màu sắc hoang dâm, chúng ta không thể phủ nhận những âm điệu rung cảm kì dị trong thơ Bích Khê. Những vật tầm thường như cặp mắt, bàn chân, châu thân, ngực, thớ thịt được thi nhân phổ vào đấy những cảm giác li kì, khiến đôi mắt ngời sắc kiểm; bàn chân biết ve vuốt, mơn man; châu thân mát rượi như được ngâm vào bầu khí quyển thoát trần: các thớ thịt rung chuyển bần bật như “có đàn lên cung bực”.


Đi lần vào địa hạt dâm cuồng này, chúng ta không còn thấy màu sắc thi vị trong tâm tưởng thi nhân. Nếu trước kia, thi nhân đã dùng cảm giác để trừu tượng hóa những hình bóng gợi tình, thì đến đây chúng ta chỉ còn thấy những gì kinh tởm, gớm ghiếc của cảnh trần truồng khả ố. Thi nhân từ địa hạt tâm tưởng - đem cảm giác đi tìm cái đẹp – bước dẫn đến hưởng lạc, rồi bị nhục dục mê cuồng đưa tới tận cùng sa đọa. Cuồng vọng trong nhục dục chưa đủ, thi nhân còn dấn sâu vào “địa ngục”, đem cân não tẩm chất ma túy, đem rượu mạnh ngâm vào mạch máu:


Còn đây! Còn đây! Tiếng rượu hú ma -

Từ thuốc phiện thu nhập khí mồ hoa,

Ừ, tội chi ta không vào địa ngục

Đặng xin nốt ngọc oan ương thề thốt,

Giam chung thân mà sáng quá thiên đường

Đặng ngủ nhờ một đêm với Xuân Hương

Baudelaire! Người là vua thi sĩ!

Cho xin trụm bao nhiêu mùi thị vị

Phà hơi lên, truyền nhiễm thấu trần ai.

(Ăn mày)


Xuống đến cõi tột cùng sát ngã, chúng ta ngỡ đâu tâm hồn Bích Khê bị giam hãm mãi ở đây. Nhưng không, sau khi tìm tới tận cùng của cảm giác cuồng nhiệt qua thể chất, thi nhân thấy đó là chốn bệnh hoạn nên đã trở về với cái Đẹp của tâm tư. Sự quay gót ấy, thi nhân đã đánh dấu trong Người say rượu:


Rạng mai có kẻ về đây!

Ôi! Người say rượu chết nằm queo!

Ngọc sương nức nở tan thành lệ!

Hơi rượu say nồng vẫn quyện theo!


Cái đẹp trường cửu, bất diệt không phải ở trong thể chất! Thể chất chỉ là biểu tượng của cái đẹp trong tâm tư! Thi nhân khi thấy rõ lẽ mầu nhiệm ấy nên đã hồi đầu. Và chúng ta lại thấy những Nhạc, Lệ, Ánh Sáng, Màu sắc, thi nhân ghép thành những dòng thơ thuần túy của tâm tư:

......

Vàng sao nằm im trên hoa gầy

Tương tư người xưa thôi qua đây

Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề

Hoa vừa đưa hương gây đê mê

......

Tôi qua tìm nàng vay du dương

Tôi mang lên lầu lên cung Thương

Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng

Tình tang tôi nghe như tình lang


Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi

Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

......

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông.

(Tỳ bà)

Tỳ Bà: Thơ Bích Khê, Nhạc Phạm Duy, Tiếng hát Quỳnh Dao:  

Đây cả một bầu trời yêu đương da diết, một trời tương tư, một trời âm hưởng chứa đựng sức sống thanh cao, thoát ra ngoài sự đam mê cuồng loạn của nhục dục. Bắt đầu từ đây, thi nhân kéo chúng ta đi lướt thướt trong cõi u hoài, trong thế giới hào quang, gảy cho ta nghe những điệu đàn hòa dịu, ngọt ngào, vô cùng cảm khoái...

Ôi! Nắng vàng thơm... rung rinh điệu ngọc

Những cánh hồng đơm, những cánh hồng đơm

Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương

Màu trắng không gian như gờn gợn sóng,

Từ ở phương mô nhạn mang thơ về,

Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu,

Đây dây trinh bạch khóc mướt trong mơ

Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ?

Ôi cói lầu mây ánh gì kim cương.

Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường,

Thơ bay! Thơ bay vô bàn tay ngà

Thơ ngà ngà say! Thơ ngà ngà say!

Nàng ơi! Đừng động... có nhạc trong dây

Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trời mây;

Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,

Ô nàng tiên nương! – Hớp nhạc đầy hương.

(Nhạc)

Toàn bài thơ là một điệu nhạc tân kì, một biểu tượng đặc sắc, thanh âm xao gợn, nổi trôi, nhún nhẩy như muôn hoa bị cơn gió lùa.


Hàn Mặc Tử nói:

“Ở địa hạt Huyền diệu, ta thấy thi nhân chú trọng về âm thanh và màu sắc. Trong khi nói đến nhạc, thi nhân nghĩ ngay đến những cung đàn chơi vơi, âm điệu rung động cả không gian, và bởi mê man với sự "nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương", thi nhân đã sáng tạo được rất nhiều bản ca thần tình điễm ảo. Và nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngào, ra gì mê tơi, run rẩy, hay âm thầm nức nở, lanh lảnh như giọng cười, mơn man như ân tình đòi hỏi..."

(Trích Tựa Tinh huyết)

Từ thế giới thể chất tội lỗi, thi nhân trở lại với tâm tư tinh khiết thuở ban đầu. Qua một thời khủng khiếp đắm hồn trong trụy lạc, những đam mê sa đọa đọa như theo vật dục thoát ra ngoài con người; giờ chỉ còn lại những gì thanh tao của tâm linh, - chúng tôi muốn nói tâm hồn thi nhân đã thoát tục để đi vào thuần túy tượng trưng.


Vàng thơm khua sắc mát;

Rồng uốn vóc tùng cong

Áo bạch mai khoát khoát;

Môi đào chờ khoái lạc...

Hồn tôi như đỉnh hương

Bốc lên mình thánh giá!

Ý xuân mát đến xương

Ngậm tuyết phun lã chã!

(Xuân tượng trưng)


Ở địa hạt tượng trưng, Bích Khê đã đạt được một thành công đáng kể và về giá trị tác giả Tinh huyết cũng chỉ ở trường phái này. Tuy nhiên không vì thế mà thi nhân không đi sâu thêm một bước nữa. Cuối cùng chúng ta thấy tâm hồn thi nhân bước dần đến lãnh vực siêu tưởng. Thi nhân đã nói lên bằng trạng thái yên tĩnh tâm hồn mình:


“Ta là thơ! Phàm tục hãy qui y

Ta sáng suốt chiếu ra màu Phật tánh".


Với bầu tâm tư yên tĩnh ấy, những khúc nhạc “Nghê Thường" trở thành những khúc nhạc mầu nhiệm:


Ô! Trời hôm nay sao mà xanh!

Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành

Nhung mây tê ngời sao kim cương;

Dạ lan tê ngời say men hương;

Lầu ai ánh gì như lưu li?

Nụ cười ai trắng như hoa lê?

Trắng xóa bên kia rừng Phan Thiết

Thủy tinh ai để long gương hồ?

Không gian xa cừ hay san hô?

(Nghê thường)


Với màu sắc và nhạc điệu trong lĩnh vực này, thi nhân quả đã thoát tục. Chúng ta không còn thấy vướng bận những gì đê mê của thể xác, hay khao khát đắm đuối của tâm hồn. Nó thanh thoát, trong vắt, sáng ngời và rất thanh tịnh.


Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời,

Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.

Vàng phai nằm im ôm non gầy

Chim yên eo mình nương xương cây

Đây mùa Hoàng Hoa, mùa Hoàng Hoa;

Đông nam mây đùn nơi thành xa...

(Hoàng hoa)


Bích Khê là người đã sống, đã va chạm hai đầu thái cực: tội lỗi và thanh cao, vật dục và tinh thần. Tiếng thơ Bích Khê là tổng hợp của tất cả những xao xuyến, thắc mắc giữa tâm hồn và thể xác. Thi nhân đã từ cảm giác đi đến trụy lạc, sa đọa, rồi vươn lên ở địa hạt truyền thần, trước khi kết thúc ở lãnh vực siêu tưởng.


Ngày nay, Bích Khê đã tiêu dao nơi thế giới khác, nhưng Thơ Bích Khê còn đọng mãi trong lòng đời, và nơi đến thơ Bích Khê là nơi đến một thành công lớn trong lãnh vực thơ tượng trưng, một cường độ cực cao trong nghệ thuật diễn tả hình ảnh của thực thể.


Tháng 10-1968


Nguyễn Tấn Long
Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, trang 1330
Nxb Văn Học, 1998