Bài này do chúng tôi yêu cầu nhà văn Bình Nguyên Lộc đặc biệt viết cho Thời Tập nhân số 12, Tháng 10.1974 chủ đề về ông. VL
Nhà văn Bình Nguyên Lộc
(Nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh, Sàigòn, 1973)
Tôi có những lối giải trí kỳ cục lắm.
Đôi khi tôi ra ngoại ô xa để thăm một ông thợ mộc người cùng làng. Sau khi chào hỏi nhau, mừng nhau thì hai người chẳng ai nói với ai gì hết. Không biết ông ấy nghĩ gì chớ tôi thì tôi có niềm vui riêng. Tôi nhìn lại lòng tôi, qua ông thợ đó.
Ông thợ chuyên đóng hòm đựng người (cái săng) cho một trại săng ngoại ô tức nơi mà khách hàng còn dùng săng theo xưa tức ván săng rất dầy, dầy đến bốn phân Tây. Ván thì do một trại cưa kế cận cung cấp cho, nhưng trại cưa ta lại cung cấp ván kỳ lạ lắm. Những ván hẹp bề ngang như là ván hai tấc Tây, ba tấc Tây, bốn tấc Tây, thì họ soạn đúng cỡ hẳn hòi cho khách hàng, còn ván quá rộng, cỡ tám tấc sắp lên thì họ chỉ dọn đúng ở hai chiều mà thôi: đúng ở bề dài, và ở bề dày, còn chiều thứ ba thì họ chẳng thèm biết tới.
Để chúng tôi nói rõ tại sao mà như vậy. Thị trường ngày nay tiêu thụ quá nhiều, nên cây hiếm lần. Ván rộng trên tám tấc không dồi dào lắm, và ít có người dùng, trừ những trại săng, đóng săng theo thời xưa, chế tạo một chiếc săng quá lớn. Vậy có cây rồi, một thân cây dài chín thước chẳng hạn thì họ dằn ra thành năm khúc, mỗi khúc một thước tám bề dài, rồi cho thợ cưa sẻ ra thành hai mươi tấm ván mỗi tấm dầy bốn phân. Cái bề rộng thì họ cứ để vậy không săn sóc tới, dành quyền chế biến cho thợ mộc, vì thợ mộc đóng săng theo lối xưa, dùng gỗ cũng hơi kỳ, không phải cứ sáu tấc rộng hay tám tấc: Trong một chiếc săng, họ dùng hai ba cỡ khác nhau.
Ông thợ mộc bạn của tôi phải đẽo cái biên ván không được săn sóc đó, mà ông ta đẽo theo một kỹ thuật cũng khá lạ lùng. Ông ta cho một nhát rìu vào gỗ, rồi bỏ đó, bước tới nửa bước, cho thêm một nhát khác, mãi cho đến lúc ông ta bước tới đầu tấm ván, thì ông ta mới dùng rìu mà róc như ta róc mía. Tôi chẳng biết tại sao ông ta làm như vậy, hỏi ông ta thì ông ta cũng giải thích chẳng được. Mà ông ta đã hành nghề từ ba mươi năm nay rồi, tức đã giàu kinh nghiệm. Tôi tự tìm hiểu thì mới biết đâu là đâu. Đẽo gỗ theo lối đó, tức là cưa theo cái kỹ thuật của thời mà nhân loại chưa biết cái cưa. Đáng lý gì phải cưa chớ, nhưng ông ta chót làm thợ chuyên môn nên không biết cưa. Vậy, ông ta đẽo, đẽo róc thì đường gỗ bị đẽo sẽ đi ngay, tương đối ngay như đường cưa, chớ đẽo cho xong một nơi rồi mới đẽo nơi khác thì bìa ván sẽ lồi lõm.
Tôi thuộc hạng thợ không biết cắt nghĩa, y như người bạn của tôi. Tôi biết viết văn thì phải làm sao, nhưng bảo tôi phân tách kỹ thuật thì tôi làm chẳng được.
Hình như lý thuyết gia và văn nghệ sĩ là hai thứ người khác nhau: một đàng biết nói, nhưng chưa chắc làm được. Một đàng biết làm nhưng không biết trình bày cách thức làm. Tôi còn nhớ thuở tôi còn theo học trung học thì bên Pháp có một lý thuyết gia tên là Antoine Albalat (Không bảo đảm viết đúng tên ông này, vì đã lâu năm quá rồi). Ông A. Albalat rất nổi danh vì ông chỉ cho thiên hạ cách thức viết văn như thế nào cho hay, mà chỉ rất đúng, vì luôn luôn, sau một tiểu ri, ông có trình một thí dụ cụ thể, trích ở các tác giả danh tiếng. Anh học sinh trung học nào của thời ấy mà văn đều có đọc sách của ông này.
Sau mười năm nổi tiếng, ông ta rao sẽ cho ra một quyển tiểu thuyết dài. Cả nước Pháp và các thuộc địa Pháp đều hồi hộp mong đợi, vì đinh ninh rằng văn của ông ta nhất định là phải hay, vì ông ta thạo thật sự tất cả các cách thức để làm văn hay. Tác phẩm được báo trước ra đời rồi thì cả nước Pháp phì cười. Ông ta đã áp dụng đúng những tiểu ri do ông ta trình ra, nhưng văn của ông ta thì hóa ra cái gì ấy.
Thế nên tôi không dám viết tiểu ri văn nghệ. Nay tạp chí Thời Tập yêu cầu tôi trao kinh nghiệm viết văn lại cho các bạn tre thì tôi rất bối rối, một là vì tôi không biết nói ra, như ông thợ mộc bạn của tôi, hai là kẻ làm, nói không làm sao mà hay cho bằng lý thuyết gia. Mỗi người một công việc, giẫm chân lên nhau như ông A. Albalat thì e sẽ hỏng cả đi chăng? Tuy nhiên tôi vẫn nhận viết, thử xem sao, viết một lần mà không đúng thì thôi, chẳng hề gây hại cho ai hết.
- Kinh Nghiệm Thứ Nhứt:
Không thành nhà văn thì không có sao cả, chẳng hai cho ta, mà cũng chẳng hại cho đời. Làm một công chức liêm cần, cũng tốt như là một nhà văn. Tôi thấy vài bạn trẻ tuyệt vọng và đau khổ quá khi họ không thành công.
- Kinh Nghiệm Thứ Nhì:
Viết văn là một việc có thể học được cho thành công nếu có người dìu dắt đúng mức, và nếu mình chịu nghe người đó. Dĩ nhiên không kể những người tự tạo. Những người này thì chẳng cần ông thầy nào hết.
- Kinh Nghiệm Thứ Ba:
Viết văn thành công cũng không trở thành nhà văn được, nếu ta chẳng có gì để nói ra. Có gạch, có xi măng, có ngói, nhưng thiếu ông kiến trúc sư thì xây cất sao được.
Vào thời tôi còn làm báo, tôi kinh ngạc lắm mà thấy nhiều bài lai cảo hay không chỗ chê. Hiện tôi có một tập thơ, cắt ở các báo, để dành ngâm chơi, mà không có nhà thơ nào được tôi cắt bài, mà làm được bài thứ nhì cả. Về truyện ngắn cũng thế, họ viết quá hay, nhưng viết được có một bài rồi tịt ngòi hai mươi năm, thế thì làm sao mà thành nhà văn, nhà thơ được? Vậy phải có cái gì để nói ra rồi mới nên tập viết văn, và phải có cho thật nhiều, bởi một đời văn cũng hơi dài, hai ba mươi năm là thường, mà phải viết đều đều, không đều như người chuyên nghiệp thì cũng phải đều tương đối, vài năm có một tác phẩm, hai mươi năm có lối mười tác phẩm, chớ còn ông Saint Thomas d'Aquin không tái sanh để thốt ra câu: "Tôi sợ kẻ chỉ viết một quyển sách." Chỉ có ông thánh đó mới sợ như vậy thôi, người khác không sợ đâu.
- Kinh Nghiệm Thứ Tư:
Phải đọc tương đối hết các tác phẩm nổi danh trong nước và ngoài nước thì mới xong. Một người bạn trẻ đã hỏi han tôi về cách viết văn, tôi chỉ cho anh ấy đọc vài tác phẩm Việt vì anh ấy không biết ngoại ngữ. Ba tháng sau anh ấy trở lại, tôi hỏi thăm tin tức về việc đọc sách, thì anh ấy chẳng thèm đọc gì cả. Nên biết điều này là trên đời có những thiên tài, tự nhiên mà họ giỏi, chẳng cần phải nỗ lực. Anh bạn đã hỏi han tôi, chắc không phải là thiên bài. Nếu anh ấy là thiên tài thì anh ấy đã chẳng thèm tìm tôi để hỏi cái gì. Vậy thì anh ấy phải nỗ lực. Nhưng mà nỗ lực tới mức nào kia chớ. Quyên sách mà tôi khuyên anh ấy đọc là quyển Nằm Vạ của Bùi Hiển. Bùi Hiển đã tiến đến hai thước bề cao mà anh ấy chẳng hay biết, anh ấy chỉ nỗ lực có một thước tám, mà sau Bùi Hiển đến 40 năm thì anh ấy sẽ đi tới đâu?
Đọc sách không phải để cóp người ta mà để biết người ta đã tiến đến đâu hầu mình rượt theo họ, và nhất là vượt họ, nếu được. Vào năm nay (1974) mà viết văn hay bằng một nhà văn của năm 1935 thì hóa ra văn càng năm càng lùi hay sao? Từ vài năm nay, sách nước ngoài được dịch tương đối nhiều. Đó là cái lợi thế mà những bạn trẻ của ba năm về trước không có được. Họ muốn tiến bằng các nhà văn Pháp chẳng hạn, nhưng họ không có cách biết Pháp đã tiến đến đâu. Nay thì có thể biết được các nước một cách tương đối. Vì nhiều bản dịch được làm vội vàng tùy theo nhuận bút nên tôi chỉ nói là tương đối thôi, thì con đường dễ đi hơn trước nhiều. Nhưng các nhà văn Việt thì nhất định là các bạn phải đọc cho hết, không đổ thừa tại thiếu bản dịch được.
- Kinh Nghiệm Thứ Năm:
Đa số các nhà văn mới ra nghề, thích viết tiểu thuyết. Sở thích đó, trung lập, không đúng, cũng chẳng sai. Văn có nhiều loại, ai thích loại nào thì viết loại ấy, không nói vào đâu được Nhưng bạn trẻ cần nên biết điều này là có thể bịa câu chuyện được, còn chi tiết thì không. Tả nỗi sợ hãi của một người bám vào một gốc cây khi rơi đến lưng chừng vực thẳm. Cái đó thì không sao mà bịa được, trừ phi mình đã kinh sợ, vào trường hợp khác cũng được, nhưng chính mình đã có kinh sợ tột độ trong đời mình thì tả mới nghe được. Chỉ là nghe được mà thôi còn nghe có thật hay, hay chăng, là một chuyện khác nữa. Vậy có bịa chuyện thì nên tưởng tượng trước về những lớp lang của cốt truyện, để xem nhân vật của mình có phải đi qua những cảnh đời mà chính mình không có sống lần nào. Nếu thế thì nên xoay làm sao cho nhân vật sẽ không trải qua những cảnh ấy. Xoay không được thì bỏ cả câu chuyện là hơn.
Như vậy thì chính trong sự bịa phải có sự thật phần nào, và nếu xét cho chặt chẽ thì chẳng có thể bịa được gì hết. Tất cả những cảnh đời trong đó phải có thật, tác giả chỉ còn thay đổi một chút xíu thôi là cho hai đứa nó lấy nhau, hay xa nhau vĩnh viễn. Bịa ra một câu chuyện khó lắm, khó hơn cả viết ra cái câu chuyện ấy nữa, thì tốt hơn là đừng bịa cho mệt trí, lại còn vấp phải những đoạn viết không trôi vì ta chưa sống qua những đoạn ấy lần nào để biết cảm nghĩ của nhân vật ra sao.
Vậy, không có sống thì viết tiểu thuyết ắt không thành công, sống ở đây không có nghĩa là sống thẳng, mà có thể tạm sống qua trung gian. Nếu ta thuộc nam phái mà viết tiểu thuyết tự thuật cho một nhân vật nữ thì ta đâu còn sống thẳng nữa mà phải nghe bà cô nào đó kể lại. Sống như thế cũng tạm được, vẫn hơn là bịa về đời sống của một người nam phái mà cái đời sống đó thì chính ta chưa sống lần nào.
Về câu chuyện thì nhiều bạn trẻ lại hiểu lầm ở chỗ này: các bạn nghe lời một số nhà phê bình, các ông ấy cho rằng tiểu thuyết có cốt truyện hay thì hoàn toàn vô giá trị. Tại sao lại thế? Cốt truyện chỉ là chuyện phụ thuộc thì cốt truyện hay, hay dở, nào có ảnh hưởng đến tác phẩm được? Nếu tác phẩm hay về các mặt khác thì cốt truyện rủi ro mà hấp dẫn thì có hại gì cho ai kia chớ, chẳng những không hại, còn có lợi là nó giúp người đọc đỡ nhức đầu.
Vậy chẳng nên bận tâm lắm về cốt truyện. Cốt truyện hấp dẫn chẳng bao giờ hạ giá tác phẩm được. Người ta xét tiểu thuyết về mặt khác mà bất kể đến cốt truyện. Các bạn chớ nghe lời những cuộc phê bình kỳ lạ như thế rồi bỏ một cốt truyện mà trong đó, cảnh đời nào các bạn cũng có sống qua, như vậy thì quá uổng, vì các bạn có thể thành công, nhờ đã sống qua.
Vài nhà phê bình lại còn cho rằng tiểu thuyết nào mà cái bìa in hình xanh xanh đỏ đỏ là hoàn toàn vô giá trị. Ý kiến này cũng lạ lùng không kém ý kiến về cốt truyện. Xanh xanh, đỏ đỏ là tại nhà xuất bản họ làm thế, chớ nào phải tại người viết và họ chỉ làm thế khi tác phẩm được viết xong từ lâu thì làm sao mà mầu sắc lại ảnh hưởng đến giá trị tác phẩm được.
Vậy các bạn cứ viết, săn sóc đến những cái khác, cốt truyện hay chẳng làm cho các bạn bất tài được đâu, mặc dầu các bạn sẽ bị một vài nhà phê bình chê vì cốt truyện hay và cốt truyện dở cũng hoàn toàn vô can đối với tác phẩm của các bạn. Những thứ khác mới là việc chánh.
- Kinh Nghiệm Thứ Sáu:
Tìm hứng hình như là nỗi băn khoăn lớn của nhiều bạn, tôi thấy rằng có hai ngộ nhận trong việc tìm hứng. Một phái cho rằng hứng tự nhiên mà đến, không thể tìm được. Phái khác thì quả quyết hễ tìm thì hứng phải được gặp. Con người của tôi, không có vậy bao giờ. Tôi tìm mà không bao giờ gặp. Và tôi để vậy thì hứng lại chẳng bao giờ đến. Tôi khác thiên hạ chăng? Nhưng xét ra thì không khác. Tôi e rằng hai ý kiến trên đây là nhận định sai lầm chăng?
Như tôi đã nói ra trên kia là những gì mà ta viết đều phải có sẵn trong lòng ta. Nếu nó vắng mặt nơi lòng ta thì ta làm thế nào để tìm nó được? Vậy tìm hứng chỉ vô ích thôi. Hứng cũng chẳng bao giờ mà tới hết. Ta bù đầu với sự sống thì có cái gì tới được, từ giá gạo, giá xăng, giá thuốc men.
Tôi thấy rằng nhi74ng cái đó có sẵn đó chỉ tới khi nào nó gặp khí hậu hạp cho sự xuất hiện cua nó. Khí hậu đó không phải là sự nằm đó, nỗ lực tìm tòi, hoặc dùng chất kích thích, mong hão rằng nó sẽ đến.
Vậy việc cần thiết là tạo khí hậu. Các bạn rót ra đĩa một vài chục giọt mật thì ruồi sẽ đánh hơi mà đến. Đó là các bạn tạo khí hậu cho hứng tới với các bạn. Tìm ruồi khó lắm. Ruồi tự nhiên mà bay tới thì cũng chẳng thường xảy ra.
Cái khí hậu ấy thì thật ra là có hàng trăm, mỗi khí hậu gợi một hứng khác nhau, nhưng khí hậu nào cũng gợi hứng cả. Vậy cốt là tìm khí hậu chứ không nghĩa là tìm hứng. Vào mùa nóng bức này (Bài này được nhà báo yêu cầu viết vào tháng tư, tức trời đang oi nồng) thì trong buổi xế, bạn chạy lên quán Cây Dừa ngồi chơi một vài tiếng đồng hồ là sẽ có hứng ngay, chớ ngồi quán rượu trong thành phố thì hứng chẳng thèm tới đâu. Nhưng gió mát ở đó, những cảnh, những người, những vật quanh đó, chỉ gợi hứng bạn có vài lần. Thế là phải thay đổi khí hậu, không nên lạm dụng nơi nào hết, vì nơi ấy sẽ hóa ra căn nhà của bạn, tức nó chẳng còn đem hứng lại nữa, sau vài lần, vì bạn đã quá quen mặt với khí hậu ấy rồi.
Quán Cây Dừa, hay nói tổng quát là một khí hậu mới, sẽ gợi hứng như sao? Có thể nó một cuộc đi hứng mát tay đôi năm nào, và nhất là nhắc nhở câu chuyện về sau đó mà bạn phải đi lên trên ấy một mình, còn người bạn đường cua bạn thì đi với người khác, cũng cứ là lên đó. Thế là bạn được một đề tài tiểu thuyết rồi.
Cạnh cái bàn mà ngồi chơi là một nếp nhà lá mà chủ nhà là một đôi vợ chồng chuyên bắt ốc mò cua, luôn luôn thân thể bị bùn bao bọc từ chân đến ngực. Đó lại là một đề tài nữa. Tóm lại quả ta phải tìm hứng, nhưng không thể tìm bằng sự nỗ lực mà tìm nhờ khí hậu. Hứng chẳng bao giờ tự nhiên mà đến đâu, mong đợi nó chỉ hoài công vô ích thôi.
Khí hậu phải được thay đổi hoài hoài. Nhưng quanh ta chẳng có bao nhiêu khí hậu chăng? Không, có nhiều lắm, nếu ta chẳng chê cái này cái nọ. Chiều chúa nhật vào một bệnh viện tặng quà bánh vài con bịnh nghèo mà không người thân chăm nom là ta có thể gặp một đề tài không phải luôn luôn gặp, nhưng có thể gặp. Các bạn cứ xách xe Honda, bắt đầu từ Cầu Kho chạy tuốt vào Gia Định rồi trở về thì khó lòng mà gặp hứng lắm, vì cái lộ trình đó quá quen thuộc, chẳng khác bao nhiêu lộ trình từ nhà bạn đến sở làm của bạn thì đâu có phải là khí hậu.
Bạn có đi đường vòng đai mới, qua vùng cư xá Thanh Đa chưa? Nếu chưa thì đi một chuyến. Bạn sẽ kinh ngạc lắm mà thấy con đường đưa lên Bình Dương, mấy năm trước đây, cũng có vẻ khá rộng, ngày nay nó bị con xa lộ Đại Hàn, gặp nó tại chợ Bình Phước, làm cho nó chỉ còn nhỏ bằng bàn tay thôi. Bạn đừng nên dùng xa lộ để tiếp tục con đường mà cứ tiến sâu vào con đường cũ của năm nào. Bạn sẽ nghe một cảm giác kỳ kỳ của cuộc bể dâu, và sẽ được một đề tài. Hiện tôi đang viết một tiểu thuyết đăng báo mà câu chuyện xảy ra tại Bình Dương, cũng chỉ nhờ đã tiến sâu vào con đường bị bỏ hoang ấy mà năm xưa tôi thường dùng. Câu chuyện cũng là câu chuyện năm xưa mà tôi đã quên mất. Chỉ cần một cuộc phiêu lưu loại bỏ túi như vậy là nhớ ra một chuyện có thể biến thành tiểu thuyết mà mình đã quên khai thác, vì lúc mình sống câu chuyện thì mình đâu có viết văn.
Tôi có một người bạn thỉnh thoảng lên cơn điên một lần. Không nặng lắm đi nằm nhà thương nửa tháng là khỏi, nhưng phiền lắm là bịnh thường tái phát. Lần đó tôi bàn với một người bạn khác, nhà thương trị không khỏi hẳn có lẽ vì nhà thương tìm không ra nguyên nhân thật chăng? Vậy ta tìm thử xem sao. Và hai đứa bắt đầu là thầy thuốc nhảy dù. Một tiếng đồng hồ sau, hai đứa đểu đồng ý rằng anh bạn mắc bệnh thiếu sinh lý. Thế nên chẳng thèm nghĩ đến chuyện sáng hôm sau đưa anh bạn đi nhà thương mà liền ngay khi đó đưa anh bạn vào Arc-En-Ciel và gọi vũ nữ tới thật đông nơi bàn chúng tôi. Anh bạn đã nổi cơn từ ban chiều và đang hăng tiết vịt, anh bạn vũ nữ làm tình làm tội, vui trò quá, và hôm sau tôi viết được ngay tiểu thuyết Lữ Đoàn Mông Đen, dĩ nhiên là viết được nhờ những cái biết trước đó mà mình không định khai thác. Nhưng cuộc vui do người bạn lên cơn làm huyên náo vũ trường đã gợi hứng mình rất mạnh, khác với nếu đó chỉ là vào thường với một người bạn bình thường, tức đêm ấy, tôi đã gặp khí hậu lạ.
Tôi kém tiểu ri và xin báo trước rằng không bắt buộc ai nghe theo. Tại nhà báo bắt thì tôi viết, và viết theo chủ quan. Bạn nào thực thi vài kinh nghiệm vặt trên đây mà không nhành công thì nên kể như là tôi nói sai, và bỏ qua đi cho.
(Tạp chí Thời Tập, Số 12, 10.1974, tr. 20-26)