Đọc xong cuốn TLMKSL của Nguyễn Bửu Thoại, ai cũng rõ ràng đây là một cuốn nói về “chiến tranh”, nói rõ là “chiến tranh VN”, và nói rõ hơn nữa là “chiến tranh diễn ra trên một địa bàn chính xác là miền đồng quê sình lầy của miền Nam Việt Nam”
Một cuốn sách như thế ra mắt vào 25 năm sau cuộc chiến Việt Nam chấm dứt có muộn không?
Giá trị của nó có lỗi thời không?
Cảm tưởng của nhiều tầng lớp đọc giả sẽ như thế nào? Cảm tưởng riêng của lớp người Việt Nam từng tham chiến trực hay gián tiếp đồng chiến tuyến với tác giả và cảm tưởng của người dân Việt nói chung, của lớp con cháu Việt Nam sẽ ra sao?
Cuốn TLMKSL nói chí tình là một tập tự truyện của một sĩ quan trừ bị của Quân Lực VNCH khi anh còn là một chuẩn úy từng giữ chức trung đội trưởng ở mặt trận tiền phương, trực tiếp vào sanh ra tử như những bạn khinh binh đồng đội.
Nhưng được viết gần như dưới dạng chất hồi ký, tác giả đã ghi rõ nhiều địa danh làm bối cảnh và nhiều nhân danh có thực làm nhân chứng. Nhưng cái đặc sắc nhất của cuốn sách nầy lại không phải là một ký sự chiến trường tầm thường mà là một tác phẩm văn chương rất độc đáo: với một văn phong ngôn ngữ chơn chất của người miền Nam, Nguyễn Bửu Thoại mô tả trực tiếp sự việc qua điệu nghệ gói ghém đúc kết một cách vô cùng sống động rất nhiều dự kiện diễn biến trên thực tế. Sự sống động cơ hồ rành mạch rõ ràng và nóng hổi như đập vào mắt, vang dội vào tai. Tác giả quả là một người có văn tài nên viết văn cũng giống như một nhiếp ảnh gia kinh nghiệm tài ba cộng thêm một khối óc tư duy điệu nghệ.
Về khía cạnh chính xác của bối cảnh, ta có thể nói đây là một tập lưu ảnh bằng lời tuyệt vời về một giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam hay là những đoạn phim combat xác thực, tuyệt đối không dàn dựng hư cấu trên đài truyền hình. Qua những dòng chữ của cuốn sách, tôi cảm thấy như lỗ tai mình hầu như có thể nghe tiếng đạn bay veo véo qua tai, cảm thấy ù tai tức ngực trước màn bom, những tiếng nổ của phi pháo kinh hoàng. Qua nhiều đoạn sách, tôi vẫn rùng mình ớn lạnh với vài cảnh tử thi chiến trận không toàn thây.
Về khía cạnh diễn biến nội dung với bao nhiêu tình tiết nhân vật, qua những trang giấy dàn trải của Nguyễn Bửu Thoại sống nay chết mai đến nỗi không cầm được nước mắt. Đọc Nguyễn Bửu Thoại, ta thấy tình gia thất là những yếu tố mủi lòng khiến chúng ta xúc động cho những giọt nước mắt của các bà mẹ, những người con gái mới yêu, mới cưới cảnh sinh ly tử biệt do chiến tranh gây ra. Những đoạn mà tác giả mô tả những lần gặp gũi ngắn ngủi để rồi thoắt chốc chia tay với người bạn gái hậu phương làm cô giáo ở quận lỵ, viết thật hay! Lại có nhiều đoạn, chúng ta phải chia xẻ nhiều nỗi uẩn khúc tâm tình của người lính tiền phương tham chiến đã chết mà oan hồn còn uất nghẹn.
Chiến tranh là một điều khốc hại, nhưng trớ trêu thay nó trở thành một điều tất yếu để giải quyết những vấn đề tranh chấp của nhân loại. Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những “cuộc hí trường” nối tiếp xen kẽ nhau giữa những màn giao lưu chung sống êm ái trong hòa bình với những màn chém giết lẫn nhau khốc liệt.
Ngày xưa, cuộc tranh chấp về biên giới đất đai hay quyền lợi chỉ đơn thuần hạn chế giữa hai quốc gia nhỏ, việc chinh chiến chỉ bằng đạo cung, hành quân chỉ bằng lính bộ, bằng kỵ mã, bằng thuyền và thông tin bằng đánh trống, đốt lửa... thế mà cũng tạo ra những vần thơ thê lương đầy nước mắt và ly biệt của một cuốn Chinh Phụ Ngâm Khúc:
Bóng cờ tiếng trống xa xa,
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.
Kẻ chinh chiến ngày xưa, gian khổ chết chóc ngoài sa trường, nào đâu dám oán thán gì với đấng quân vương tượng trưng cho quốc gia xã tắc, cho công pháp của thần dân, chỉ nhẹ nhàng nói: Trên trưởng gấm có hay chăng nhẽ, Mặt chinh phu ai vẽ cho nên... hay cùng lắm chỉ nói: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi, Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi, Chinh Phu tử sĩ mấy người, Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn....
Còn ngày nay, vấn đề tranh chấp về ảnh hưởng kinh tế, ý thức hệ, quân sự lan ở một cấp độ rộng lớn liên quốc gia hay bàn cờ quốc tế. Về sức tàn phá của chiến tranh thì phải nói đến sự sát hại cộng đồng của những mìn đạn tân kỳ, những màn hành quân thần tốc, những trận mưa pháo khiến con người chết trong chớp nhoáng, chết như rạ, chết chẳng toàn thây.
Một câu hỏi căn bản đặt ra: Những người chinh chiến và nạn nhân chiến tranh hiện đại hướng cái lòng oán trách về ai? Chết cho một lý tưởng cao quý được tuyên dương khiến cho linh hồn ngậm cười trong cõi u linh thì đối với gia đình họ không có gì phải thắc mắc. Nhưng cũng có rất nhiều cái chết vô cùng dũng cảm cho một niềm tin nhưng chết trong uất nghẹn, trong tủi nhục, thì về hậu thế: nào ai mạc mặc, nào ai gọi hồn!! Câu hỏi nầy đã đến với tôi sau khi đọc tập tự truyện của Nguyễn Bửu Thoại nhan đề là “Trở Lại Mật Khu Sinh Lầy”.
Hai mươi lăm năm trôi qua kể từ ngày chiến tranh Việt Nam chấm dứt, câu hỏi đó đã ám ảnh phần lớn chúng ta khi có dịp tư duy về quá khứ.
Chúng ta oán hận chăng những thế lực siêu cường, những âm mưu quốc tế lấy đất nước ta làm một hí trường tranh chấp? Chúng ta oán hận chăng lớp người lãnh đạo miền Nam trước đây đã không sáng suốt đi vào một cơ cấu chánh trị cầu viện đu dây trong một ván cờ đấu trí thử sức siêu quốc gia? Miền Nam bỗng trở thành “một tiền đồn chống Cộng cho thế giới tự do” trong khi cái mục tiêu thiết thực chính đáng cho nền tự chủ độc lập cho Việt Nam không được người dân Việt Nam hành xử quyết định. Có một thời khi Tòa Bạch Ốc nhức đầu thì Dinh Độc Lập của ta nhẩy mũi liên miên.
Chúng ta oán hận chăng nhà cầm quyền Cộng Sản sân si mù quáng theo chủ nghĩa quốc tế vô sản để bần cùng hóa nhân dân để bao nhiêu lớp biển người lính trận phải chết vùi dập dưới những trận mưa bom dọc dãy Trường Sơn hay những mặt trận gọi là để “giải phóng miền Nam”? Già Hồ từng làm thơ rằng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Ta thắng giặc Mỹ, chúng ta xây dựng đất nước hơn mười lần xưa”. Thế mà ngày nay, họ đang đi vào chính trị ve vãn cầu cạnh kẻ thù mà họ cưỡi ngày xưa để tự nguyện làm một con cờ Ngụy tân thời trong một ván cờ mới trong khi đất nước lạc hậu chậm tiến với nhiều di tích chiến tranh chưa hồi phục!
Nhìn vào chính trường hiện nay, chúng ta ngơ ngác tự hỏi: Tại sao hoàn cảnh các quốc gia khác cũng nằm trong cái tư thế tương tự xung đột Cộng Sản Tự Do triền miên lại may mắn hơn Việt Nam…?
Rõ ràng là một tấn bi hài kịch nhưng đã chọn đất nước ta làm sân khấu hí trường và người dân hai miền Nam Bắc chúng ta làm những diễn viên! Những dòng lệ mà hậu thế xót thương nhỏ xuống khóc cho người lính trận nằm xuống phải công bình tuôn nhỏ cho hai miền Nam Bắc. Một đàn tràng giải oan phải dựng cho khắp toàn thể Việt Nam!
Trong thâm tâm, chúng ta lớp người còn sống sót đau khổ trong hiện tại, ước ao rằng lớp người trẻ đang lên của con dân Việt Nam qua bài học máu xương quá khứ nên ý thức về vận mệnh dân tộc mà tránh sao cho đất nước mình trở thành một bãi chiến trường tương lai để người ta thử nghiệm vũ khí.
Cuốn tự truyện “Trở Lại Mật Khu sình Lầy” của Nguyễn Bửu Thoại nói về chiến tranh Việt Nam đã ra mắt không muộn màng chút nào cả mặc dù cuộc chiến nầy đã nguội lạnh 25 năm rồi.
Chiến tranh khốc liệt, chiến tranh phi lý, phi nhân vẫn là một ám ảnh cho con người Việt Nam trên lịch sử. Bao nhiêu máu và nước mắt của người Việt từ hai miền đã đổ ra nhưng chung qui thu hoạch được điều gì ngoài sự hoang tàn đổ nát?
Cái trọng điểm của cuốn tự truyện của Nguyễn Bửu Thoại hoàn toàn không nằm ở điểm ca tụng đề cao sự chinh chiến hiếu sát mà là nhắm tác dụng “mạc mặc và gọi hồn” cho những người nằm xuống. VNCH bị bức tử xóa sổ, nhưng không ai dám nói Quân Lực VNCH trong vai trò chiến đấu để bảo vệ miền Nam đã thua vì thiếu chánh nghĩa, vì thiếu hào dũng..
Lịch sử hậu thế sẽ rạch ròi phê phán lỗi phải về ai, nhưng rõ ràng đối với người dân miền Nam, dưới chánh thể Việt Nam Cộng Hòa, chiến trận chỉ là một phương thức “tự vệ” chẳng đặng đừng!
Tuy 25 năm đã trôi qua, niềm hào dũng đó vẫn còn âm ỉ sống mãi trong lòng những người từng chiến đấu cho đại cáo của Nguyễn Trãi là “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Thơ xưa vẫn muôn đời nêu cao cái chính khí hào hùng: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Theo tôi, cuốn sách của Nguyễn Bửu Thoại là một tác phẩm văn chương đã tài tình vẽ lại chân dung xác thực của những người chinh phu miền Nam vị đại nghĩa mà vong thân. Tác phẩm nầy không những đã rửa cái tủi hổ của những người hi sinh trên mà còn là một thiên hùng ca, một tiếng kèn truy điệu làm hiển danh cái cao quí cho những người chinh phu tử sĩ vượt hẳn lên cái quan niệm thường tình của thế nhân dựa vào cường nhược, thành bại mà luận chí anh hùng!
Thư của Bác Sĩ Trần Văn Khang (trích)
... “Trở Lại Mật Khu Sình Lầy” văn phong tự nhiên, chân thành và trong sáng. Mặc dù nói nhiều về đời lính, về những cuộc hành quân, nhưng lại tràn đầy nhân bản. Riêng với cá nhân tôi, cuốn sách gợi lại nhiều kỷ niệm của những tháng ngày phục vụ tại Trung Đoàn 31, vào những năm 63,64, cũng nếm mùi sình lầy tại Vị Thanh, Hỏa Lựu, Ngang Dừa và Kiên Long...
Tôi không chuyên về phê bình văn học, nhưng cũng có vài hàng...:
Nếu “mỗi đời người là một cuốn sách”, tác giả có một cuộc đời rất phong phú về tình người, tình chiến hữu, cũng như những rung động rất thi vị về tình yêu, và “cuốn sách” của Ông là một cuốn sách hay. Còn nếu nói rằng “mỗi người Việt Nam là một nhà thơ, nhà văn”, Ông là một nhà văn nhân hậu và chúng tôi tin tưởng Ông được sự yêu mến của nhiều độc giả, nhất là những độc giả đã từng ở trong quân ngũ.
Bác Sĩ Trần Văn Khang
(Cựu Y-Sĩ Trung Tá, Liên Đoàn Phó LĐ74/QY, hiện có phòng mạch tại San Diego, California, trích thư gởi tác giả, nhân ngày gặp lại (27-01- 2001) sau gần 26 năm chia tay tại Cần Thơ)!