7-3-2024 | VĂN HỌC

Đọc sách Trở Lại Mật Khu Sình Lầy của Nguyễn Bửu Thoại

  HỨA HOÀNH


“... có thể tôi sẽ bị kỷ luật, hoặc bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận, nhưng tôi vẫn làm [tha chết cho các anh], vì tôi chưa đánh mất nhân tính và vẫn tin ở chủ trương ‘Đem đạo nghĩa thắng hung tàn...” (TLMKSL, trang 383)


“... tội nghiệp những đồng bào dân quê bị lừa: họ tưởng mình chiến đấu cho một chế độ lý tưởng, nào ngờ trở thành nạn nhân oan nghiệt của chế độ ấy.”

Quyển “Trở Lại Mật Khu Sình Lầy” của Nguyễn Bửu Thoại làm tôi mất ngủ đêm cuối tuần. Tôi bị quyển sách lôi cuốn, đọc mãi đến hai giờ sáng. Anh Nguyễn Bửu Thoại là một người rất nhân hậu, kể chuyện thành thật, không khoe khoang, cũng không tự đề cao mình. Sách của anh đã làm cho tôi thấy lại những mảnh đời gian khổ của đồng đội, của chiến hữu, chiến đấu trong hàng ngũ Quân Lực VNCH. Những ai từng sống trong giai đoạn đó (1955-1975) chắc chắn ít nhiều đều chứng kiến, cảm nhận được cảnh chiến tranh với những chết chóc như “thương tích, trực thăng tản thương, đôi chân nát nhừ, poncho bó kín, bọc đựng xác, nhà xác, ngăn tủ đá đông lạnh tử thi, hòm gỗ phủ quốc kỳ, vành khăn tang và giọt nước mắt...” (trang 445) cùng với những cảnh chiến đấu gan dạ, hào hùng, những hy sinh cao cả... tất cả chỉ vì một lý tưởng bảo vệ tự do cho miền Nam trước hiểm họa xâm lăng của Cộng Sản.


Hàng hàng lớp lớp thanh niên thế hệ sống có lý tưởng, say mê lẽ phải, ý thức nghĩa vụ của người trai thời loạn, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ một lý tưởng tự do trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong khi đó, những người cán binh CS đã vong thân vì bị nhồi sọ bằng chủ thuyết ngoại lai, tự nguyện làm lính đánh thuê cho chủ nghĩa CS mà tưởng mình có chính nghĩa qua chiêu bài “giải phóng miền Nam”.


Đọc “TLMKSL”, chúng ta sẽ hồi hộp căng thẳng vì những trận chiến khốc liệt, con người coi cái chết dửng dưng, nếu không nói theo văn chương “nhẹ như lông hồng”... Lồng vào những trận đánh căng thẳng là một mối tình vừa đằm thắm, nồng nàn, vừa pha chút lãng mạn. “... người đi nay rừng, mai bụi, kẻ ở ngày nhớ đêm trông, giấc ngủ chập chờn mộng mị... Nhưng tất cả cái đó hun đúc lại thành câu thề son sắt, thành vàng đá thủy chung...” (trang 445).


Đọc “TLMKSL” của Nguyễn Bửu Thoại, chúng ta như sống lại thời chinh chiến. Những trận đánh đẫm máu, những cuộc hành quân gian khổ như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Chúng ta sẽ thấy người lính VNCH là những chiến sĩ có lý tưởng, có lương tri, có lòng nhân, và là những người giữ được nhân bản. Trong phần mở đầu, tác giả NBT đã viết:

“... Cuộc chiến tranh máu lửa đau thương trên quê hương VN ta vừa qua đã phơi bày và để lại cho chúng ta biết bao điều đắng cay chua chát, biết bao điều nghịch thường, phi lý về phẩm giá của một con người. Quyển sách nhỏ này kể lại những chuyện nhỏ, ở một đơn vị cũng nhỏ, nhưng đã phát sinh nhiều sự kiện to lớn từ những... con người. Những con người vốn mang thân phận cỏ nội hoa rừng, cũng biết sợ hãi khi nhận nhiệm vụ đi vào hiểm nguy chết dễ sống khó, nhưng vẫn hiên ngang tiến bước, không thối lui, không tránh né, không xin xỏ, so đo, và nhất là không quay lưng bỏ cuộc đầu hàng”

Chiến sử VN không phải chỉ ghi bằng những trận đánh long trời lở đất như An Lộc, Mùa Hè đỏ lửa, Quảng Trị kiêu hùng, hay Khe Sanh đầy máu lửa... mà còn là những trận đánh nhỏ của những quân nhân anh dũng hy sinh “vị quốc vong thân” mà tên tuổi họ không được nhắc đến. Chính những trận đánh nhỏ liên miên là những chiến công hiển hách nhất, thử thách nhất... mà lại bị lãng quên nhất. Người chiến sĩ QLVNCH chiến đấu vì tự nguyện, vì lý tưởng, chứ không phải vì danh lợi:


“Luôn luôn nuôi chí hiên ngang

Không sờn nguy hiểm, không màng hiển vinh.”


Có đọc “TLMKSL” của Nguyễn Bửu Thoại, chúng ta mới thấy hết những gương hy sinh cao cả của đồng đội, chiến hữu, của những người chiến sĩ vô danh, xả thân chiến đấu vì đại nghĩa quên mình, trong đó tác giả kể rõ tên tuổi của những người đồng đội mà anh còn nhớ, ghi lại để ngưỡng mộ, tưởng niệm, và tri ân.


Sống cùng một thời đại lịch sử nhiễu nhương, tôi chắc những ai đọc sách này cũng chia sẻ được với tác giả nỗi bi thảm, kiêu hùng, cũng như uất ức nghẹn ngào khi biết rằng cuộc chiến đã bị phản bội từ xa. Với đồng đội, đồng ngũ, đọc sách “TLMKSL” để thấy lại một thời chiến đấu cùng chung một lý tưởng chiến đấu bên nhau, ai mất ai còn. Đồng bào trong nước, các thế hệ đời sau nhớ chiến sử này mà biết rõ sự hy sinh lớn lao, cao cả của những người trai thời loạn, của cha anh đã chiến đấu anh dũng và đã chết thật vinh quang cho quê hương để đồng bào được sống tự do trong hai mươi năm.


Anh Thoại, một người sĩ quan chiến đấu can đảm, nhưng cũng là một con người độ lượng và nhân bản. Trong anh lúc nào cũng hiện hữu tình người dù là với kẻ thù, với đồng đội, hay với đồng bào anh. Anh đã cưỡng lệnh thượng cấp khi anh tha chết cho 4 thương binh VC làm cho họ xúc động đến nghẹn ngào. Là người sống có lý tưởng, có đạo lý, anh từ chối giết địch ngã ngựa, không còn tấc sắt để hộ thân, thật sự làm cho chúng ta xúc động. Nghĩa cử của anh thà chịu tù, chịu ra tòa án mặt trận chớ không thể nhẫn tâm giết đối phương đã bị thương không còn sức chiến đấu, tự vệ mà anh bắt gặp trong hoàn cảnh bi thảm của họ. Anh là hiện thân của những người chiến sĩ VNCH có lòng nhân với kẻ thù của mình. Anh Thoại kể lại một lần vào tận bệnh xá của địch:

“... Thạch Chêm, Trưởng Toán Quân Báo Đại Đội dùng đầu súng M16 hất cái mùng ra để kiểm tra bên dưới. Tôi đã suýt kêu lên: Một đoạn ruột của anh lòi ra khỏi bụng và đã ngã màu đen! Lòng tôi nặng nề chùn xuống. Là con người, là đồng loại, tôi ngỡ ngàng thương cảm cho các anh!... Người lính miền Nam, đối diện với lực lượng xâm lăng miền Bắc, chỉ để tự vệ và giữ gìn cuộc sống êm ấm cho đồng bào. Quân Lực VNCH không dạy người chiến sĩ mang trong lòng sự thù hận nào....


Sau khi chứng kiến Chêm trút hết hai băng M16 vào bụi bình bát “xử bắn giả, bốn tên thương binh VC mới tin rằng tôi tha chúng thật. Tên lãnh đạo nói với tôi trong nỗi xúc động nghẹn ngào:


- Thưa ông, tôi biết ông là người chỉ huy cánh quân này. Tôi không thấy ông đeo lon nên không hiểu cấp bậc của ông, nhưng chắc chắn ông phải là sĩ quan, một tầng lớp mà chúng tôi vừa thù, vừa sợ. Tôi được học tập rằng sĩ quan Quốc Gia gặp chúng tôi là tàn sát, trẻ không tha, già không thương...! Đây là lần đầu tiên tôi gặp được một sĩ quan bằng xương bằng thịt và thấy rằng ông đã không phải con người ghê gớm như vậy. Ông không giống với hình ảnh những sĩ quan sắt máu mà chúng tôi đã có trong ý tưởng lâu nay. Xin thay mặt cho ba anh em, tôi chân thành đội ơn ông...


- Tôi không dám nhận sự cảm ơn... Có thể tôi sẽ bị kỷ luật, hoặc bị đưa ra Tòa Án Binh không chừng, nhưng tôi vẫn làm vì tôi chưa đánh mất nhân tính và vẫn tin ở chủ trương: “Đem đạo nghĩa để thắng hung tàn”. (trang 380-384)

Tôi cho rằng đây là bài học nhân nghĩa lớn của người chiến sĩ VNCH. Họ không giảng giải khô khan, không lên giọng kẻ cả tuyên truyền, nhưng họ hành động vì đại nghĩa, vì lòng nhân, và vì họ chưa đánh mất nhân tính. Tôi hãnh diện với tác giả và tôi nghĩ rằng, ai đã từng cầm súng chiến đấu một mất một còn với CS đều hãnh diện mình đã làm đúng lương tâm mà không cần tuyên truyền.


Những ai từng sống vào thời đó, bây giờ, và mãi mãi về sau cũng đều biết rõ sự thật về cái tổ chức bịp bợm “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.” Đó là sự a tòng một cách mập mờ của tổ chức “mặt Trận Dân Tộc” do Mao Trạch Đông đặt ra để đánh lừa nhân dân Trung Quốc trong thời Nhật xâm lăng.


Khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” thật sự không phải để đánh Mỹ, mà cốt làm hao mòn tiềm lực Quân Đội Quốc Gia và lôi cuốn những thành phần trí thức bất mãn theo họ. Đọc “TLMKSL”, chúng ta sẽ nhận ra một điều: trên lãnh vực quân sự, chúng ta không thua. Chúng ta chiến đấu anh dũng và chiến thắng oanh liệt, nhưng phải uất hận buông súng đầu hàng vì sự phản bội của cấp lãnh đạo, vì đồng minh có nhu cầu gấp rút giảng hòa.


Lê Lợi, Nguyễn Huệ... và những vị anh hùng dân tộc, sau khi đã chiến thắng quân Nguyên, quân Thanh, đã cấp thuyền, ngựa cho bọn bại vong về nước với lòng nhân và độ lượng. VC mệnh danh là đồng bào, anh em, lại trả thù, sát hại những người Quốc Gia dưới ngựa thảm khốc. Hai thái độ của hai hạng người để hậu thế xét xử, lịch sử phán đoán. Hàng trăm ngàn sĩ quan sống đời nông nô, oằn oại trong các trại tù, bị hành hạ, bị nhục mạ chỉ để thỏa mãn hận thù giai cấp và vâng lời của ngoại bang mà các cấp lãnh đạo của CS là kẻ thừa hành.


Trong chiến tranh, lưu manh thắng lương thiện, quỷ quyệt thắng ngay thật là chuyện thường tình. Bây giờ những người CS hiện nguyên hình là những kẻ tham quyền cố vị, độc tài tàn bạo, bóc lột nhân dân còn hơn thời thực dân phong kiến. Tội nghiệp những đồng bào dân quê bị lừa: họ tưởng mình chiến đấu cho một chế độ lý tưởng, nào ngờ trở thành nạn nhân oan nghiệt của chế độ ấy. Lịch sử sẽ phân minh, lịch sử sẽ phân công, định tội rõ ràng. Làm vua một nước cắt đất Hoàng Sa nhường cho Trung Quốc, còn Huỳnh Tấn Phát cắt ba hòn đảo nằm ngoài khơi thành phố Kép, phía Tây Bắc hòn đảo Phú Quốc thuộc chủ quyền của VN nhường cho Cam Bốt, bạn gọi hành động đó là gì? Trong khi đó, quân đội miền Nam đã liều chết để bảo vệ từng tấc đất của Hoàng Sa trong những trận hải chiến long trời lở đất, ai chính thống, ai ngụy triều? Kẻ cướp hợp bè kết đảng giữa rừng sâu, rồi dùng sức mạnh dao búa, lừa dối quần chúng để cướp đoạt chánh quyền giống như Mạc Đăng Dung hồi thế kỷ 16 thì bạn gọi hành động đó là gì? Ai chính thống, ai ngụy triều, lịch sử sẽ phân công định tội.


“Trở Lại Mật Khu Sình Lầy” là một quyển sách in đẹp, trình bày trang nhã, chăm sóc cẩn thận, rất đáng cho các bạn yêu sách giữ trong tủ sách gia đình. “Trở Lại Mật Khu Sình Lầy” là một phần đóng góp vào chiến sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, là một đoạn của thiên hùng ca giữ nước của quân dân miền Nam trước làn sóng xâm lăng búa liềm miền Bắc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu “Trở Lại Mật Khu Sình Lầy” với đồng đội, chiến hữu, đồng hương, đồng bào trong và ngoài nước.


Hứa Hoành

Nguồn: Nguyễn Bửu Thoại: Trở Lại Mật Khu Sình Lầy
In lần thứ nhì, 2000

*


              MỤC LỤC

(Trở Lại Mật Khu Sình Lầy)

Lá Thư Thay Lời Tựa -13

Thử Sức Tết Mậu Thân Quanh Thị Xã Cần Thơ -19

Che Đạn Bằng Lá Chuối -33

Bóng Trắng Trong Đêm Mồng 7 Tết -39

Cánh Hoa “Chùm Ruột” Đầu Xuân -57

Chuẩn Úy Đinh Đình Chiến và Tấm “Kim Bài Miễn Tử” -71

Chuẩn Úy Nguyễn Văn Quang và Chiếc Áo Giáp -77

Em “Vô” Đây Ông Thầy! -91

Trung Đội Trưởng Trung Đội Trinh Sát -103

Bất Ngờ -111

“Ngũ Long Công Chúa” và Giấc Nam Kha -117

Trái M.79 và Bầy Trâu Việt Cộng -147

Mật Khu Sình Lầy Hòa Tú và Trái M.26 -153

“Giáp Mặt Rồi Phút Bỗng Chia Tay.” -165

“Bắc Bình” Ba -177

Cũng Không Đến Nỗi Dở Lắm -189

Bàn Chông và Bàn Chân Địch... Tình -195

Vô... (Số) Tội! -205

“Song Hỉ Lâm Môn” -213

Một Bài Ca Cho Anh -227

Đại Úy Nguyễn Xuân Vinh -259

Chủ Đồn Điền Michellin -275

Goodluck Charm -287

Trung Đội Trưởng Lưu Động “Ma” -303

Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 và ông Chuẩn Úy Họ Viên -321

“Pháo Kích” Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng -333

Lá Bông Súng Đứng -351

Đôi Mắt Người Bị Xử Bắn Trong Rặng Bình Bát -363

“Sợ Em Thức Giấc Suốt Đêm” -383

Trở Lại Mật Khu Sình Lầy -413

Tại, Bởi, Một Bài Lục Bát Cho Tác Giả TLMKSL -438

Thư cựu Đại Úy Phạm Đình Quỳnh (trích) -442

Bạt 1: Đọc TLMKSL của NBT- Bài của Hứa Hoành -443

Bạt 2: Cảm Nghĩ Về TLMKSL - Bài của BS Lê Văn Lân -449

Thư Bác Sĩ Trần Văn Khang (trích) -454

Mục Lục -455