17-4-2024 | VĂN HỌC

Đọc Thơ Hồ Thanh Nhã: Trân Trọng Với Cuộc Đời

  PHAN TẤN HẢI


     Nhà thơ Hồ Thanh Nhã

Làm thơ từ những ngày còn đi học bậc trung học, Hồ Thanh Nhã vẫn thiết tha với nghệ thuật thi ca -- đó là mối tình đầu và cũng sẽ là mối tình cuôi cùng của ông với dòng sữa ngôn ngữ Việt đã, đang và sẽ chảy xuyên suốt tâm hồn ông.


Bây giờ đã trải qua mấy năm vào lứa tuổi thất thập cổ lai hy, thơ của Hồ Thanh Nhã vẫn thiết tha, vẫn dịu dàng, vẫn trân trọng với cuộc đời... bất kể rất nhiều gian nan trong đời đã trải qua -- những ngày tham dự cuộc nội chiến Bắc-Nam trong cương vị sĩ quan thiết giáp Quân lực VNCH, rồi những ngày trong các trại tù, tới ngày định cư vào Mỹ theo diện H.O. năm 1993...


Thế hệ của nhà thơ Hồ Thanh Nhã đã có rất nhiều người vắng mặt -- những người bạn tử trận, những bạn tù chết trong trại, và rồi khi sang Hoa kỳ với những người bạn không ra thoát nổi bệnh viện.


Với quá nhiều đau đớn và hạnh phúc đã trải qua trong cuộc đời, Hồ Thanh Nhã đã viết từng dòng thơ rất cẩn mật.


Khi đọc thơ Hồ Thanh Nhã, chúng ta có cảm giác như các dòng chữ này là một phần xương da máu thịt của nhà thơ -- trân trọng, dịu dàng.


Hãy hình dung một thi sĩ vào tuổi cổ lai hy tới bên một bến vắng... Đó là bài thơ “Bến Xưa” trang 56-58 trong thi tập Giọt Nắng Thiên Thu của Hồ Thanh Nhã, trích:

“...Người đi đã từ lâu

Sờn vai bao lớp áo

Mây im trời hết bão

Qua một thời biển dâu


Anh từ mỏi chân đi

Quay lưng cùng phố thị

Tìm mùi hương dạ lý

Mất từ buổi chia ly


Bến xưa chiều gió lên

Người về không kịp hẹn

Con đò ngang ghé bến

Chở một người khách quen


Bến xưa cú kêu sương

Sao rơi trời đã muộn

Tuổi đời nay đã luống

Tìm lại thời nhớ thương...”

Đó là nhìn về một thời quá khứ... và rồi, khi hội ngộ, khi gặp lại những bạn một thời tác chiến, và cả những bạn một thời ngồi chung trong một góc trại tù.


Trong bài “Hội Ngộ” nơi trang 32-35, trong thi tập Giọt Nắng Thiên Thu của Hồ Thanh Nhã, trích:

“...Năm nao đi chiến dịch

Lửa đỏ trời Trị Thiên

Năm nao ngàn vết xích

Cắt nát vùng Tây Nguyên?


Ánh hỏa châu rực rỡ

Xé rách màn đêm đen

Mùa nước về châu thổ

Ngang dọc khắp bưng biền


Đêm nao rời đất giặc?

Lấp lánh trời sao đêm

Sương rơi trên pháo tháp

Lạnh buốt đôi vai mềm


Người về từ An Lộc

Người đến từ Chu Pao

Đánh lớn vùng Tam giác

Vết thương chiều Xuân nào...”

Bạn chiến đấu một thời, rồi bạn xưa hội ngộ... Vậy còn, những hình bóng giai nhân một thời tuổi trẻ nơi đâu?


Trong bài thơ “Người con gái sông Đà” trang 24-27 trong thi tập Giọt Nắng Thiên Thu của Hồ Thanh Nhã, trích:


“...Bây giờ nơi xứ lạ

Mòn mỏi cánh chim bay

Rừng phong khô xác lá

Trải thảm lối đi dày


Bây giờ em ở đâu?

Mây chập chùng bản vắng

Bây giờ thương nhớ nhau

Chỉ còn là nổi đau…”


Và rồi, nhà thơ nhớ tới những bạn tù đã nằm xuống xuống viễn. Hồ Thanh Nhã đã giúp tìm mộ bạn tù...


Đó là cơ duyên cho bài thơ “Tìm Mộ” nơi trang 40-41 trong thi tập Hương Thơ Đầu Gió, trích:

...Anh nằm giữa đỉnh đồi hoang vắng

Mát rượi tàn cây dưới bóng sao

Con suối vòng cung qua mấy trại

Nhảy tung bọt sóng tháng mưa rào...


...Anh đến Sơn La rồi ở lại

Bạn bè sau đó cũng về Nam

Chiều nay trở lại tìm anh đó

Chớp mắt qua rồi mấy chục năm

.

Cây sao cổ thụ rồi đâu mất

Còn chỉ mênh mông sắn phủ đồi

Cách ngã ba này trăm rưỡi thước

Mồ hoang viễn xứ lạnh mưa rơi...


...Tôi dắt con anh trở lại đây

Mênh mông nghĩa tận khói hương dầy

Về Nam hương hỏa mồ yên tịnh

Chắc cũng còn hơn thổ trạch này.

Đặc biệt, bài thơ “Tìm Mộ” đã được nhạc sĩ Hào Quốc phổ nhạc.


Bản nhạc được hát rất cảm động ở đây:


Tìm Mộ, Sơn La. Thơ: Hồ Thanh Nhã. ♫ Nhạc : Hào Quốc. Guitare Trémolo

Thơ cảm động, nhạc cảm động, tiếng đàn cảm động, giọng ca cảm động...


Hai tập thơ của Hồ Thanh Nhã đều có những dòng thơ rất cảm động, rất thiết tha.


Hiện nay, nhà thơ Hồ Thanh Nhã đã xuất bản 2 Thi phẩm:


1- Giọt nắng thiên thu - xuất bản năm 2009

2- Hương Thơ đầu gió - xuất bản năm 2016


Độc giả muốn tìm mua, xin liên lạc:

Hồ Thanh Nhã

9791 Ashford Ave

Westminster, CA 92683

(miễn cước phí trong nội điạ Hoa kỳ)

Email: nhaho2009@yahoo.com

Phone: (714) 696-4413.

Phan Tấn Hải

24/12/2016

Phan Tấn Hải

vietbao.com