Nhà văn Hồ Minh Dũng
Học Xá: Nhà văn Hồ Minh Dũng sinh năm 1942 tại Huế. Tốt nghiệp Khóa 23 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ở tù 6 năm, đến Mỹ năm 1993 (California). Hiện ở tại Atlanta, Georgia.
Khởi sự viết văn từ năm 1964, cộng tác với nhiều tạp chí ở miền Nam trước 1975. Tại hải ngoại có bài trên Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21...
Tác phẩm đã xuất bản:
- Hoa Vạn Hạt, Cuối Mùa (Đại Nam, 1996)
- Câu Nam Ai, Thất Lạc (Văn Mới, 1997)
- Một Mình Em, Đến Giữa Đời (Văn Mới, 1998).
Cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, trên một số tạp chí xuất bản tại miền Nam Việt Nam, người đọc đã bày tỏ lòng yêu mến đặc biệt, dành cho một cây bút trẻ thời đó, là nhà văn Hồ Minh Dũng.
Sau Thế Uyên và Y Uyên, có thể nói, Hồ Minh Dũng là một trong vài nhà văn thường trực phản ảnh chiến tranh trong sáng tác.
Cùng thời với Hồ Minh Dũng, là nhà văn Trần Hoài Thư, một cây bút cũng chọn phóng chiếu đời sống hàng ngày của mình vào thế giới truyện ngắn.
Nếu trong sinh phần văn chương của Trần Hoài Thư, người lính chỉ là một cái cớ hay người lính chính là tác giả, với những ưu tư, triết lý về lẽ tử sinh, về một tình yêu tuyệt đối, lãng mạn, thì người lính trong sinh phần truyện ngắn của Hồ Minh Dũng, những năm cuối thập niên 60, lại chỉ là nhân chứng. Một nhân chứng với tất cả tính khách quan của mình. Người lính trong truyện của họ Hồ, thời gian này, là bất cứ một người lính nào trên chiến trường miền Nam Việt Nam, thuở đó. Không nhất thiết, đó phải là Hồ Minh Dũng. Cũng nhất thiết, người lính đó phải mang hình ảnh hay đại diện, để nói hộ, nói thay cho họ Hồ.
Nếu người nữ trong thế giới truyện của Trần Hoài Thư là một hình ảnh của một dòng suối cứu rỗi, với tất cả phần thiên thần, ngôi cao, thì người nữ trong truyện của Hồ Minh Dũng, lại là một người nữ bình thường, một người nữ vùng thôn dã bị chiến tranh thổi dạt ra thành phố. Những người nữ này trở thành trung tâm, thành chính diện của thế giới truyện ngắn Hồ Minh Dũng, đôi khi bị ngòi bút tác giả lột trần, xé rách trên những trang sách nạn nhân, đời thường và thảm kịch.
Ngòi bút Hồ Minh Dũng, có cái lạnh cần thiết của một nhà văn, băng giá, lãnh đạm nhìn ngắm và ghi nhận một góc độ, những tiêu biểu cho bức tranh xã hội miền Nam. Một xã hội hoang mang, lẩy bẩy trong những mâu thuẫn và thảm thương đương nhiên của nó, lúc chiến tranh tung hết những cánh tay bạch tuộc, quơ quào, quấn, xiết những cuộc đời Việt Nam cuối thập niên 60. Mỗi truyện ngắn mang tên Hồ Minh Dũng, do đó, đã là một tiếng kêu tắt, nghẹn. Một tiếng nấc cụt ngủn trên chính những giọt máu bất hạnh mà tự thân truyện ngắn ấy, vắt xuống cho người đọc, cho nhân gian.
Sinh năm 1942 dưới bóng rợp âm âm lãng quên của những lăng tẩm, cùng những bức trường thành rêu úa của một Huế thấm, rịn niềm kiêu hãnh bập bềnh thất lỡ, Hồ Minh Dũng đã sớm chọn văn chương, như chọn mặt bên kia của đồng tiền khổ nạn quê hương.
Tốt nghiệp khóa 23 Thủ Đức, bương trải và sống sót qua nhiều mặt trận, nhiều trận đánh, cuối cùng, được trở về làm phụ tá Trưởng phòng Tâm Lý Chiến, Sư đoàn 1 BB, Hồ Minh Dũng đã dùng chính vốn sống của mình, đầu tư vào truyện ngắn, vào văn học miền Nam... Ông đã đóng góp phần tươi tốt nhất của tài năng và trí tuệ của mình, cho hai mươi năm chữ nghĩa phồn thịnh và sung mãn này.
Sau bảy năm tù cải tạo, cuối 1993, Hồ Minh Dũng định cư tại Hoa Kỳ. Thoạt tiên là miền Nam, California, trước khi quyết định đưa hết gia đình về Atlanta, Georgia.
Tính gắn bó nơi con người nhà văn mang tên Hồ Minh Dũng, theo tôi, là điều đáng khâm phục nhất. Bởi vì ngay tự bước chân tỵ nạn thứ nhất, trước bao nhiêu thúc bách ngặt nghèo để có thể thích ứng được với cuộc đời tỵ nạn, Hồ Minh Dũng vẫn dành thì giờ cho chữ nghĩa.
Trong lúc biết bao người đã bỏ cuộc, gồm luôn cả những người đã bước qua đoạn đường định cư bầm giập thì Hồ Minh Dũng, vẫn nghiến răng, một mình, lội ngược cuồng lưu. Ông viết mê sảng, viết hối hả giữa bề bộn khó khăn vật chất, vây quanh. Ông viết, như thể nếu để chậm một ngày, ông sẽ không còn cơ hội viết nữa.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ở California, ông đã hoàn tất tập truyện "Hoa Vạn Hạt Cuối Mùa." Một tập truyện cho thấy, một Hồ Minh Dũng lìa, tách khỏi một Hồ Minh Dũng xa xưa. Một tập truyện cho thấy, một Hồ Minh Dũng đã đẩy, mở được một cửa khác cho truyện ngắn, cho văn chương. "Hoa Vạn Hạt Cuối Mùa," hay Hoa Vạn Hạt Đầu Mùa? Đầu, một mùa gặt văn chương mới. Đầu, một mùa gặt truyện ngắn, với con số có thể lên tới hàng trăm, chỉ trong vòng năm năm ở quê người. Đầu, một mùa gặt chữ nghĩa nhằm vinh danh con người, vinh danh những sinh vật tội nghiệp, lầm than nhất, trên mặt địa cầu này. Và tựu thành của Hồ Minh Dũng, hiển nhiên đã có những hy sinh âm thầm, không nhỏ, của người bạn đời và, những đứa con của họ .