Nhà văn Xuân Vũ
(1930 - 1.1.2004)
(Nguồn: Tạp chí Khởi Hành)
1968, Những Ngày Đầu Cộng Tác
Còn nhớ đó là vào khoảng 1968, chính sách Chiêu Hồi, chiêu tiếp cán bộ, bộ đội Việt cộng về hợp tác với chính quyền Quốc Gia đang phát động mạnh, Nhật báo Tiền Tuyển của Cục Tâm Lý Chiến, Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, đương nhiên tham dự, hỗ trợ chính sách của Chính phủ, của Quân Đội. Nhà văn Xuân Vũ Bùi Quang Triết, sau mười năm tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954, nhân cơ hội về Miền Nam công tác sau đó, đã tìm dịp chọn tự đo trong chính sách này, và năm ấy anh thành công.
Một hôm anh được dẫn vào Toà soạn Nhật báo Tiền Tuyến, đặt tại số 2 đường Hồng Thập Tự, đơn vị tôi phục vụ Quân dịch từ ngày đầu nhập ngũ năm 1966 tới ngày chót giải ngũ năm 72. [Thời hạn mà một thanh niên phải phục vụ nghĩa vụ quân sự với đất nước là ba năm; tôi đã phục vụ tới sáu năm.] Suốt thời gian đó là Thư ký Toà soạn Tiền Tuyến, trừ khoảng hơn hai tuần lễ làm Quyền Chủ nhiệm kiêm Quyền Chủ bút tờ báo, khi Trung tá Chủ nhiệm Hà Thượng Nhân và Thiếu tá Chủ bút Phan Lạc Phúc đi công du, một người qua Đài Bắc, một người sang Hán Thành, trong cùng một thời gian, hình như khoảng 1970, 71. Công việc dễ dàng thôi, -vì hai vị ấy, nhất là Trung tá chưởng môn, đã tạo được một không gian văn hoá hài hoà, mọi người tôn trọng nhân nhượng lẫn nhau- song những đồng nghiệp trong tờ báo có cấp bậc cao hơn tôi không thấy làm (như các Đại úy Dzư văn Tâm (Thanh Tâm Tuyền), Huy Vân, Hoàng Văn, các Trung uý Khuê, Lê Tất Điều, thành ra tôi phải làm vậy. Nhân sự (quân số} tờ báo cũng không nhiều, kể cả hai ê-kíp thợ in của trung sĩ nhất Tiều, mười sáu người, và trung sĩ Tây, mười sáu người, cùng thợ đúc, thợ in, biên tập viên, phóng viên, nhà văn, bỉnh bút, cộng lại cũng chỉ khoảng hai trung đội. Dàn typo (dàn chữ) của nhà in, nhất là nhà in chuyên in báo hàng ngày, có khoảng ba chục người, luôn luôn là một khu rừng đầy anh hùng hảo hán, cũng không thiếu lục lâm, nơi không dung những ký giả vốn là ký thật, những tay ngang nhảy vào làng báo; song hai anh Tiều và Tây lại là hai bạn nhậu "nào thì zô" với tôi, cho nên không có vấn đề.
Trong giới xắp chữ của các nhà báo nhà in ở thủ đô miền Nam, nhiều tay cũng là những nhà văn nhà thơ chưa nổi danh (có người sau này trở thành thi sĩ và chủ nhà xuất bản như Nguyễn Vương), nên họ nhìn ra ngay những anh công tử bột và những anh bán cao đơn hoàn tán trong vai ký giả, nhà báo. Một số họ cũng đã thấy tôi ra vào các nhà in, nhà báo ở Sài Gòn khi còn là một gã thiếu niên mười bảy tuổi; có người tự nhiên "đến đưa anh một cái" mà tôi không nhớ họ là ai, nhưng khi họ nhắc đến một nhà in, một tờ báo mà họ đã làm, thì tôi hiểu ngay. Với các bỉnh bút, các nhà văn viết tiểu thuyết trang trong, như Mai Thảo chẳng hạn, hôm nào chậm trễ đưa bài, hay không đưa, toà báo sẽ có người viết thay; viết thay còn dễ hơn là viết ký tên mình.
Xuân Vũ đi vào làng văn làng báo Miền Nam Tự Do một cách đặc biệt. Theo tiểu sử trong mấy cuốn sách của anh, thì anh có nghề viết từ khi còn thiếu niên, nhưng đó là chuyện trước kia. Tại Sài Gòn, một buổi sáng Chủ bút Phan Lạc Phúc giao một hồi chánh viên là anh cho tôi, dặn rằng từ nay anh làm việc với Thư ký Tòa soạn của tờ báo. Bài anh sẽ đăng trên trang ba của Tiền Tuyến, mà tôi là người chịu trách nhiệm các trang 2-7, 3-6. Báo chỉ có tám trang mỗi ngày, tôi phụ trách một nửa; nửa kia gồm các trang l-8, 4-5, do đại úy Huy Vân phụ trách. Xuân Vũ đưa ra một xấp bài, nhan đề là Đường Đi Không Đến.
Nhìn Xuân Vũ, trước cũng như sau, cảm nhận của tôi không thay đổi. Anh người thấp, mặt vuông, vai u, lè phè, cử chỉ nhanh nhẹn, vầng trán cao, chịu lắng nghe và nói ít. Dung mạo một người như anh, tôi nghĩ, nhìn qua cái gì là biết cái ấy, nhưng làm hay không là chuyện khác. Lông mày rậm và ánh mắt tinh anh là điều dễ thấy nhất ở anh. Điều nữa là hình như không bao giờ anh đi giầy. Anh thường đi dép.
Tôi không chỉ làm việc biên tập với Xuân Vũ suốt thời gian anh viết Đường Đi Không Đến trên tờ nhật báo, ngày lại ngày qua cả năm, mà sau này còn làm việc với anh cùng một phòng, tám giờ một ngày, khi tôi vào làm Đài Mẹ Việt Nam, bất ngờ và cấp tốc, thay cho sự thiếu vắng anh Khánh, Trưởng phòng Biên tập, bỏ ngang công việc đột ngột. Đài Mẹ Việt Nam có trụ sở ở số 7 đường Hồng Thập Tự, nhưng đài phát tuyến ở Đông Hà, phát thẳng ra Bắc vĩ tuyến 17; thính giả chính là cán bộ và bộ đội cộng sản, "vì dân miền Bắc làm gì có 'đài' mà nghe," như người cố vấn Mỹ nói.
Chủ bút Phan Lạc Phúc dặn dò gì anh hồi chánh viên Xuân Vũ là chuyện trước đó, phần tôi thì bổn phận rõ ràng: tôi chịu trách nhiệm trước khi phổ biến bài của một hồi chánh viên. Anh ta có thể là người chân thành tìm tự do, một Victor Kravchenko khoảng hai mươi hai năm trước (so với 1968) rời bỏ Liên Bang Sô Viết rồi viết I Chose Freedom, -cuốn sách mà bất cứ tay chiến tranh chính trị nào cũng muốn biết qua- hay anh ta cho tôi vào tròng, tuyên truyền cho Việt cộng ngay trên tờ báo chính thức của quân đội, là chuyện tôi phải "ngửa cổ ra mà lãnh," nếu chuyện đó xảy ra. Tầm mức ấy khiến tôi là người đã đọc Đường Đi Không Đến từng dòng, từng chữ, và đọc không những giữa hai dòng chữ mà còn giữa hai con chữ nữa, từ khi nó ở dạng bản thảo, viết kiểu chữ nghiêng, mà chữ nghiêng thường khó đọc hơn chữ đứng.
Tôi đã hỏi anh nhiều lần sau một câu, một kỳ, tôi còn đề nghị với anh nhiều câu nhiều kỳ khác. Tôi hoàn toàn tin anh và chúng tôi đối với nhau như hai đồng nghiệp từ đó. Anh Xuân Vũ lúc đó còn nói tôi tha hồ sửa [đó là chuyện tự nhiên của một Thư ký Toà soạn đối với bài lai cảo, bài cộng tác- nhưng không có gì phải sửa nơi anh] cũng như trong một lá thư chụp lại in trong bài này, viết trước khi anh mất khoảng năm tháng, anh bảo tôi viết cái dàn bài cho anh, để anh theo đó mà viết lại toàn bộ vụ Nhân Văn Giai Phẩm cho Khối Hành (xem phóng ảnh bức thư). Anh cũng lưu ý chưa bao giờ làm thế với ai, nhưng với Khởi Hành [tờ báo có "chiều sâu" như anh viết ở một thư khác] là chuyện khác.
Và do đó tôi đã có ý kiến giờ chót vào diễn trình Giải Văn Chương Toàn Quốc 1972, khi Mai Thảo làm chủ tịch Hội đồng Giám Khảo bộ môn Văn, và anh hỏi tôi lúc ở Toà soạn Khởi Hành trên đường Phạm Ngũ Lão:
- Ngày mai phải có kết quả Bộ môn Văn đưa lên Phủ Quốc Vụ Khanh. Hai cuốn vào chung kết là Mùa Hè Đỏ Lửa của Phan Nhật Nam và Đường Đi Không Đến của Xuân Vũ. Cậu thấy thế nào?
Giao tình của Xuân Vũ với tôi thường trực hơn khi ở Đài Mẹ Việt Nam, từ 1974. Anh vẫn không khác mấy năm trước, còn tôi thì đã giải ngũ và không còn làm Khởi Hành (tờ báo chính thúc của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội), mà làm tờ Thời Tập của riêng mình. Nhờ làm việc tám tiếng một ngày với nhau tôi biết thêm một điều về anh: anh cần ngủ trưa. Chỉ có đâu ba mươi phút để ăn trưa, mà anh phải ngủ khoảng ba mươi lăm phút là ít. Cho nên anh thường ngủ quá giờ ăn của mình.
Ban biên tập thường trực của Đài, lãnh lương tháng có tám người, mà ba là hồi chánh viên, ngoài tác giả Đường Đi Không Đến còn có một đạo diễn từng đi học ở Mạc Tư Khoa về, và Thượng tá Tám Hà, Trung đoàn Phó gì đó mà địa bàn hoạt động là quanh vùng Nha Trang, Khánh Hoà.
Xuân Vũ đi làm bằng xe đạp, có lẽ nhà ở quanh đó, vùng Thị Nghè, cách sở vài cây số. Trong các biên tập viên tôi biết chỉ một mình anh đi xe đạp, không phải anh nghèo. Anh không có cung cách một nhân viên sở Mỹ, dù Đài Mẹ Việt Nam thực tế là trực thuộc Toà Đại sứ Hoa Ký tại Sài Gòn.
Ngoài ban biên tập còn các biên tập viên cộng tác, là những người được mời viết trên căn bản bài, viết bài gửi vào (không ngồi trong đài, và lãnh nhuận bút từng bài) mỗi bài tùy theo hạng, nhưng tối thiểu là ba ngàn, tối đa là năm ngàn một bài để đọc trong năm phút. Còn nhớ cộng tác viên của đài lúc đó có Túy Hồng, Võ Phiến, Lê Tất Điều. Túy Hồng, phụ trách viết Câu chuyện Phụ nữ thay thế Du Tử Lê nên có tên trong danh sách cùng Thanh Nam và các con đi Hoa Kỳ, trong khi Du Tử Lê không có tên, mặc dù sự thay thế chỉ xảy ra có ba tháng trước tháng 4.1975.
Những ngày gần Tháng Tư không khí Đài Mẹ Việt Nam trầm lặng trong bí ẩn. Khoảng tháng ba chúng tôi đã được hỏi một câu giản dị thôi, nhưng không giản dị về phía người hỏi: "Theo bạn, tình hình sẽ ra sao nếu miền Nam có một giải pháp liên hiệp?" Thượng tá Tám Hà, Xuân vũ và tôi nhìn nhau. Chúng tôi lắc đầu, hay có thể diễn tả như thế. Riêng tôi, câu trả lời được nói ra rõ ràng: "Theo tôi thì liên hiệp chỉ có nghĩa là cộng sản sáu tháng sau."
Đây là buổi họp của giữa các nhân viên Việt Nam và các cố vấn Mỹ từ Tòa Đại Sứ qua. Trong một buổi họp khác, một tờ giấy được đưa cho mọi người, trong có một câu hỏi đáng nhớ: "Nếu chiến sự lan tới Sài Gòn, Đài phải di chuyển ra một hải đảo, bạn có sẵn sàng đi theo Đài không?"
Ngươi được hỏi phải viết vào tờ giấy câu trả lời và ký tên. Nghe thì giản dị, nhưng đó là một câu hỏi sinh tử nếu anh đang là quân nhân tại ngũ, hay công chức đương nhiệm. Nếu anh ký nhận đồng ý theo Đài, di chuyến ra một hải đảo, là anh hứa sẽ đào ngũ, và đào nhiệm với Chính phủ và Quân đội nước anh. Với tôi thì giản dị vì đã giải ngũ từ cuối năm 72. Nhưng không rõ các bạn tôi như Đại úy Hoan, an ninh trong đài, ở chung Trại Học sinh Sinh viên Di cư Gia Long Phú Thọ với tôi hồi xưa; công chức Bộ Thông tin Đoàn Thế Nhơn (Võ Phiến) và Trung úy Lê Tất Điều, quân số thuộc Cục Tâm lý chiến, sẽ quyết định ra sao. Chính Hoan kéo tôi ra hành lang, nói nhỏ là "nguy quá, tao không thể đào ngũ. Đ.M. tao khinh thằng nào đào ngũ."
Cố vấn về tổ chức quân sự của Việt cộng là nguyên Thượng tá Tám Hà, ngồi sau cái bàn bên tay mặt; bạn hồi chánh viên của tôi là Xuân Vũ, ngồi ở một góc tối, chỉ nhìn. Như nhìn vào khoảng không. Tôi nhớ hai tháng sau đó ở Guam, chỉ qua một đêm, sáng hôm sau mái tóc Bác Tám thắng phơ!
Vào giữa tháng ba, những người đã ký vào tờ giấy di tản nhận được lệnh "phải tự túc lương khô cho năm ngày ăn đường." Câu này được viết lại như nguyên văn, nếu không là nguyên văn.
Những đầu óc đa nghi, đúng hơn là những đầu óc phân tích tin tức (dù không để làm gì,) thì suy luận rất dữ. Tôi vào phòng cố vấn Ed. W., người trực tiếp để nói chuyện nếu có vấn đề gì. Từ khi nghe tôi nói "liên hiệp có nghĩa là cộng sản sáu tháng sau" thì anh biết rõ ý tôi. Bây giờ tôi muốn dò ý anh về ý nghĩa của "lương khô ăn năm ngày đường" nó ra sao.
Lạ thay không hiểu câu chuyện ra sao mà trước khi bước ra khỏi phòng anh, một câu nói nhỏ lọt vào tai tôi:
"Trong Đài này có Việt cộng. Việt cộng có danh sách nhân viên của đài. Tên anh nằm trong danh sách political analyst, nhớ nhé."
Tôi quay lại nhìn anh nhưng anh đã quay lưng ra, đang lục lọi hay làm như lục lọi cái gì đó trên cái kệ thấp.
Rồi cũng không hiểu là từ đâu nhiều người nói rằng năm ngày lương khô có nghĩa là quãng đường đi mất năm ngày. Đi tầu thủy từ Sài Gòn tới Guam chẳng hạn, nghe nói mất năm ngày.
Tôi cùng gia đình rời Sài Gòn qua ngả phi trường Tân Sơn Nhất vào sáng sớm 19 tháng 4.1975 trên chiếc vận tái cơ DC 3. Bình thường không rõ nó chứa được bao nhiêu người, chuyến ấy chỉ có 26 hành khách, mà gia đình tôi đã là mười người. Nhìn quanh chỉ thấy một người quen mà thôi. Hai ngày sau tại Phú Quốc, trên một địa điểm được cho biết sẽ là nơi đặt trụ sở tạm thời của Đài Mẹ Việt Nam, chúng tôi nghe tiếng ông Thiệu từ chức qua làn sóng Đài Phát Thanh. Chai whisky của kịch sĩ Vũ Huyến chuyền tay Thanh Nam, và tôi. Đó là một đêm trăng non, mờ mờ, không có gió mà nghe xa xa có tiếng sóng biển mơ hồ rất nhỏ. Chúng tôi nghe được cả hơi thở của nhau.
Khoảng một tuần sau chúng tôi được tụ tập trong một bãi đất trống. Tại đây có mặt Xuân Vũ. Lúc ấy không nghe một tiếng nói, mặc dù ai cũng muốn lên tiếng hỏi sao giờ này lại lên xe hơi. Ít phút sau mới biết chúng tôi sắp được chở tới quân cảng Phú Quốc để lên tàu đi Guam. Phải rồi, năm ngày lương khô là đây.
Không rõ có chuyện gì xảy ra giữa Túy Hồng Thanh Nam và Xuân Vũ, mà Thanh Nam muốn đến gần chúng tôi, và tách xa Xuân Vũ ra. Nhưng Thanh Nam đã dặn dò tôi từ lâu, từ lúc còn ở Sài Gòn, là lúc nào cũng phải ở gần anh, nên tôi không thắc mẳc.
Cũng từ đó, hăm sáu hăm bảy năm sau, tôi không bao giờ còn gặp mặt Xuân Vũ nữa, tuy có điện thoại và thư từ, cho đến cách đây khoảng ba năm thì sự liên lạc mới tái tục liền liền hơn, dù không đầy một năm sau thì anh ra người thiên cổ.
Chuyện tái tục có tính cách nghề nghiệp khởi sư khi Khởi hành đăng bài về Đào Duy Anh trên số 80. "Hồi ký Đào Duy Anh, từ bản thân đến ấn phẩm." Bài đó tới tay Xuân Vũ, ít ngày sau có thư anh gửi tới toà soạn:
"Gửi Viên Linh thân mến
Già mẹ nó rồi mà cứ tưởng còn như hồi ở Xè Goòng 1973 uống cái chai Cointreau của bạn ở số 7 Hồng Thập Tự. Người xưa đâu tá cả rồi?
Thấy có Hồi ký Đào Duy Anh thì muốn đọc. Ông già đó với Nguyễn Tuân là tôi đọc liền. Đó là trí thức, văn sĩ. Ông nói câu này:
"Lập trường không thay được khoa học."
Còn Tố Hữu thi bảo: "Cần gì khoa luật ta có chính trị.
Hai câu đó tôi nhớ, ghi lại không dám thêm thột chữ ông à. Như nước với lửa vậy.
Nay tôi thấy hình ông nhận không ra hồi mìnhh ra Phú Quốc. Cái đêm bị ăn cắp sạch láng mà vẫn xách [...] qua Mỹ. Khởi Hành nay đã 28 năm. (1)
Mình đang viếtt ĐĐKĐ tiếp. Mô tả cặp chân Ba lê của cô Thu, nay đã trên 70 rồi, không biết có còn đẹp không. (2)
Ông đã đi vào ngõ ngách của báo chí chứ không phải đại bang,, đại lộ, nhưng cái ngõ ngách rất lạ rất đôg khách đến nhậu. Phải dân "nhậu" văn chương thì mới đọc Khởi Hành. Đến số này tôi mới cất để đọc đây. Cám ơn. Bẫy Ngầm. (3)
Tôi phục ông thât đấy và cám ơn.
Đường đi không đến.
Xuân Vũ. 22.5.03"
1. Đêm 29.4 cả toán nhân viên Đài Mẹ Việt Nam bị ăn cướp có súng chặn lại, cứ 10 va-li thì họ lấy 9, cho lại 1.
2. Có lẽ Thu Hà, nữ xướng ngôn viên Đài Mẹ Việt Nam. "70 rồi..." là tác giả tự nói mình, chứ không phải nói Thu Hà.
3. Bẫy Ngầm 1à quán cà phê tại đường Cao Thắng Sài Gòn, VL, Xuân Vũ hay gặp nhau ở đấy.
Xuân Vũ và Nhân Văn Giai Phẩm
Tôi đã yêu cầu Xuân Vũ viết bất cứ gì anh biết về NVGP, từ người đến việc, viết như quay phim như chụp ảnh, liên tục cũng được mà từng pha cũng được. Cứ dương máy lên mà chụp, rồi thảy cho tôi. Đi chợ cứ mua loạn lên, về thảy cho tôi, tôi làm đầu bếp, xào nấu kho chua kho mặn món khô món ướt là chuyện của tôi.
"7.26.03
Bạn VL thân mến,
Tôi sẵn sàng viết về NVGP cho KH với sự cảm mến đặc biệt của tôi đốí với VL và KH.
Đây là một sự kiện lịch sử. Vậy tôi yêu cầu VL viết cho tôi cái dàn bài, hoặc yêu cầu gì đó để tôi dò theo đó mà ghi lại.
Tôi chưa bao giờ yêu cầu ai khi họ yêu cầu tôi viết.
Nhưng tôi nghĩ là VL nắm độc giả chắc hơn tôi.
Phân tích cho trúng tâm lý.
Mỗi chữ là một phát đạn.
Vậy đừng ngại gì tôi sẽ làm công việc của sử gia, chứng nhân hơn là nhà văn trong việc này.
Tôi sẽ viết theo dàn bài đó. Không có khó khăn trở ngại gì hết về mọi mặt.
XV."
Bút tự nhà văn Xuân Vũ trong thư gửi VL, 26.7.2003, năm tháng trước ngày từ trần,
trong có những câu: "Vậy tôi yêu cầu VL viết cho tôi cái dàn bài, hoặc yêu cầu gì đó
để tôi dò theo đó mà ghi lại. Tôi chưa bao giờ yêu cầu ai khi họ yêu cầu tôi viết.
Nhưng tôi nghĩ là VL nắm độc giả chắc hơn tôi [?]... Tôi sẽ viết theo cái dàn bài đó."
(Nguồn: Tạp chí KHởi Hành số 119, tháng 9.2006)
Xuân Vũ đã gửi cho tôi những tài liệu quí về NVGP.
Những dòng chữ cuối cùng của đời anh rồi sẽ được gửi tới bạn đọc Khởi Hành.
Những trang viết chữ nhỏ, viết tháu và liền liền, viết dọc và viết ngang gửi tới tôi hình như trong tháng 8. 2003.
Nhà văn Xuân Vũ từ trần
San Antonio, Texas – Hội Ái Hữu Bến Tre – Khánh Hòa thông báo là nhà văn lão thành Xuân Vũ, tên thật là Bùi Quang Triết, đã qua đời vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 1 tháng 1, 2004 tại San Antonio, Texas, thọ 74 tuổi.
Nhà văn Xuân Vũ, sinh quán tại Mỏ Cày, Bến Tre, ngày 19 tháng 3 năm 1930, từng học tại trường College Mỹ Tho, đi kháng chiến chống Pháp và tập kết ra Bắc vào năm 1955. Sau khi hiểu thế nào là Cộng sản, ông đã tìm cách trở lại miền Nam, bỏ Cộng sản. Năm 1963 ông được trở về miền Nam và đã ra Hồi chánh Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1968.
Xuân Vũ được trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1972 với tác phẩm Ðường Ði Không Ðến.
Lễ hỏa táng được cử hành vào ngày Thứ Hai 5 tháng 1, 2004 tại nhà quàn Oakhills, San Antonio, Texas.” (Báo Người Việt)
Sinh tại quê hương của cụ Đồ Chiểu. Các bậc thân sinh của anh cũng là những người yêu thích văn chương, cả hai cụ rất thích làm thơ Đường.
Xuân Vũ đi theo kháng chiến năm 1945, là ủy viên Ban chấp hành chi hội Nam Bộ. Năm 1952 anh được giải thưởng Văn nghệ Cửu Long (của cs).
Văn của Xuân Vũ khi thì vũ bão như giòng sông Giang Khuất, khi thì bình dị như câu hò Vân Tiên bên sông Tiền sông Hậu. Tôi sợ cái trí nhớ vĩ đại của anh: nhớ từ câu hò ở đồng quê nghe được từ khi mới chín, mười tuổi đến cả những địa danh xa xôi ở miền Bắc mà anh đi qua cách đây gần cả nửa thế kỷ.
Đọc Xuân Vũ ta hiểu ngay được nỗi niềm của một người rất yêu quí con người, yêu quê hương, yêu dân tộc. Cái lý tưởng đó của anh đã bị người cộng sản lừa dốí, phản bội."
(Theo Hà Ngọc Cư, Tin Trong Làng, Ngày Nay).