Nhà thơ Vương Tân
(1930 - 2015)
Những người làm văn nghệ mà tôi quen biết sớm nhất là Vương Tân, Xuyên Sơn, Khoa Hữu, Đồng văn Khải vào những cuối thập niên 50s, đầu 60s. Trong số đó, có người không bao giờ gặp lại như Xuyên Sơn, hay ra đi đã lâu như Đồng văn Khải, có người trùng phùng không phải thời như Khoa Hữu, song Vương Tân chỉ hội ngộ trên mạng ảo, qua chữ nghĩa. Cho đến tin thư về Vương Tân cũng đã bỏ cuộc chơi mà đi khi năm cùng tháng tận này.
Khi Xuyên Sơn làm thư ký tòa soạn cho tập san văn Thế Hệ vào cuối thập niên 50s đó, không xuất bản ở Sài-gòn nhưng ở tận vùng sông Hậu xa xôi đó (chủ nhiệm là dân biểu thời Đệ Nhất Việt nam Cộng hòa) cho đến lúc tôi gặp mặt chàng công tử Nam kỳ đeo kính gọng vàng ở quán cà phê trên vỉa hè đường phố Hiền Vương Sài-gòn, thì Thế Hệ cũng đã đình bản.
Gặp lại Vương Tân vào lúc nhà thơ khoác áo ký giả Hồ Nam ở toà soạn nhật báo, có trang văn nghệ mà thỉnh thoảng tôi vẫn gửi đăng thơ, nơi tấp nập nhộn nhịp vì đất nước xã hội càng xáo trộn, khu vực truyền thông được mùa như diều gặp gió...; tôi còn nhớ có những cô nàng mới gia nhập làng báo như LTH và tôi cũng có dịp được làm phiền chở cho đi đây đó...; dạo ấy Vương Tân/Hồ Nam còn được hiệu trưởng một trường tiểu học chương trình Pháp nhờ trông nom một nhật báo mới, và Vương Tân đề nghị tôi phụ trách trang Sinh viên/thanh niên. Song tôi cũng chẳng cộng tác bao lâu vì không có thì giờ; tôi cũng không có duyên nợ với công việc làm báo. Sau đó, mỗi người một công việc khác nhau. Tôi không có dịp gặp Vương Tân. Vả chăng, những ngày tháng ngồi ở La Pagode (sau nhiều năm bỏ viết) với bạn bè, tôi cũng chưa hề thấy Vương Tân đến đó.
Cho đến những ngày ở Mỹ, với trang mạng điện tử gio-o vô tình làm nhịp cầu để chúng tôi liên lạc được với nhau. Vương Tân qua Lê thị Huệ có email của tôi, và do đó tôi mới biết nhà thơ phải bỏ đất Sài-gòn, như một cố quận về Tiền giang, tên một thành phố thân quen "Mỹ Tho", song một tên đường quái đản "Lê thị Hồng Gấm (?!!)".
Cũng may, qua gio-o, đọc được thơ Vương Tân:
Kẹt giữa bầy chó sói
Vung bút lên chống đỡ đến cùng
......
hay:
Đời đâu cần gì ta
Ta sống chi chật đất
những vần thơ bị vây quanh bởi bầy chó sói, những ức uất nghẹn ngào, song tuyệt vời.
Nguyễn Thiên Thụ, một người bạn khác của tôi đã dẫn thơ tình của Vương Tân:
Buổi sáng đầy cơn sốt
Nắng vàng nắng vàng run
Một mình tôi nằm khóc
Thương nhớ em vô cùng
Tình yêu vừa mới rụng
Hai đứa mình xa nhau
Những ngôi sao cách trở
Mỗi đêm một lần sầu
và nhận xét: thơ Vương Tân mang tính cách triết lý. Ông viết về thành phố, về cuộc đời và quan niệm cuộc đời buồn nôn:
Thành phố như người mù
Tiếng hát ai cô quạnh
Ngõ hẹp đêm bơ vơ
Cuộc đời người đi trốn
Thời gian những giảo hình
(Nguyễn Thiên Thụ, Văn học sử Việt nam hiện đại, tập III)
Mấy nét kỷ niệm với Vương Tân: trong Tết 2015 trên gio-o, tôi có cho bài proême Sinh bất phùng thời, qua thư điện tử, Vương Tân nói ngay: bài thơ bạn tuyệt vời. Song trí nhớ của Vương Tân cũng đáng nể, so với tuổi già, khi tôi hỏi: bạn có nhớ bài thơ của tôi trên trang văn nghệ bạn phụ trách ở nhật báo nào, và tên bài thơ, có mấy câu:
Mesdames et messieurs,
...
Hồn Do thái hoang vu
Lang thang ngoài đất lạ
...
được trả lời ngay: nhan đề bài thơ bạn là Hài kịch trong khi tắm, trên trang văn nghệ báo Quyết tiến.
Cái tình văn chương quý mến nhau nhiều khi chỉ từ những cái nho nhỏ thế đấy.
Thính thoảng tôi có viết về những người cầm bút quen biết đã chết, như Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Xuân Hoàng khi họ mới nằm xuống.
Đây cũng là Ai điệu nhà thơ vừa qua đời: Vương Tân, mượn ngay câu thơ của chính bạn tôi:
Người chết người thương nhớ
Bâng khuâng và buồn dâng
Nguyên Ngư ơi! Nguyên Ngư!
Tết sắp tới, Cây Mùa Xuân của những người văn nghệ cũ với nhau ở miền Nam mất đi một hình bóng thân thương đầu đàn!