5-6-2023 | VĂN HỌC

Vài Ghi Nhận Sau Khi Đọc Lại "Đời Thủy Thủ" Của Nhà Văn Vũ Thất

  LƯƠNG THƯ TRUNG


    Nhà văn Vũ Thất

Trong văn chương Việt Nam thập niên 1960-1970, khi nhắc đến đề tài chiến tranh không thể không nhắc đến các bút ký chiến tranh như Đời Phi Công của Toàn Phong-Nguyễn Xuân Vinh; Dấu Binh Lửa, Dọc Đường Số 1 của Phan Nhật Nam, Y Sĩ Tiền Tuyến của Trang Châu, và Đời Thủy Thủ của Vũ Thất. Hồi ấy, năm 1969, Đời Thủy Thủ có mặt nhưng thật tình ra lúc ấy dù tôi đã vào đời, đi đó đi đây cũng bộn, cứ mỗi lần ghé lại thành phố nào, tôi thường hay tìm vào các nhà sách để lựa mua vài cuốn sách để vừa làm kỷ niệm với nơi mình vừa mới ghé qua và cũng để đêm đêm sau giờ đi làm nơi nhiệm sở có dịp đọc lại các trang sách ấy; và tôi nhớ có đọc Đời Thủy Thủ của nhà văn Vũ Thất, và thú thật mình đâu biết tác giả là ai và ở đâu; nhưng chắc chắn là nhớ lại những cuộc tình trong Đời Thủy Thủ như luôn luôn chực chờ nổ ra những trận chiến trong tình trường ở tuổi đôi mươi của những ngày cách nay gần nửa thế kỷ.


Câu chuyện kể ngay từ chương đầu đã cho thấy sự xung đột giữa nhân vật Hiền, Thanh và Bằng khi họ sắp chia tay: “… Thật ra, anh cũng hiểu từ ngày Thanh xuất hiện trong ngôi nhà này, thì sự hiện diện của anh chỉ là thừa. Tuần lễ vừa qua anh muốn trắc nghiệm một lần chót. Kết quả đã quá hiển nhiên. Hiền có thể cho anh vài phút nói mấy lời từ biệt?” ( trang 9)


Cuộc tình tay ba giữa Hiền, Thanh và Bằng còn kéo dài mãi về sau này, nhưng trước Hiền nhân vật Võ Bằng còn có Bạch Tuyết giữ chân chàng trai trẻ thôi hết lang bang qua lời văn trong Đời Thủy Thủ: “Hiền nhớ đúng. Thời đó chính Bạch Tuyết là người chấm dứt mọi lang bang của tôi với các cô gái khác, là người tôi vô cùng hãnh diện khoe khoang với bạn bè. Cuộc tình đang nồng thì Nha Trang hết lớp trung học, buộc tôi phải về Sài Gòn. Rồi đang khi thư qua thư lại thì đột nhiên Hiền nghênh ngang giẫm bước vào đời tôi. Tôi đau khổ vì Hiền và lãng quên Tuyết.” (chương 1, trang 10)


Dường như cái thời của những năm trong thập niên 1960-1970, quan niệm tình yêu trai gái được tác giả cho nhân vật Võ Bằng nói với Hiền hay nói với chính mình ngày xa xưa ấy như một bút tích về tình yêu mà tác giả để lại cho thế hệ hôm nay, bây giờ:


“Hiền ạ, tình yêu tự nó đến rồi tự nó đi và tự nó không có lỗi lầm gì. Tình yêu là những cuộc đuổi bắt. Người đuổi hay người bị bắt đều có quyền hoán đổi vị trí bất cứ lúc nào…” ( trang 11)


Dù nói là nói vậy thôi, dù “hoán đổi vị trí” nào đi chăng nữa nhưng người đọc vẫn thấy có cuộc đuổi bắt nào mà không mệt mỏi và có cuộc từ ly nào mà không đau thắt trái tim yêu: “Lần trước, sắp vào quân trường, anh được một vòng tay ôm tiễn đưa. Lần này, sắp về đơn vị mới, cũng vòng tay ôm đó. Anh không trở lại là đúng. Có trở lại thì vẫn nhìn thấy đôi môi thuộc về người khác.” (trang 13)


Bước qua chương 2 của tập truyên là khởi đầu đời binh nghiệp của Hải quân Thiếu úy Võ Bằng khi về trình diện đơn vị mới với một Thiếu tá hạm trưởng đầy uy quyền, nhưng khung cảnh ở đây cho thấy tình huynh đệ chi binh được hé lộ qua lời ông Hạm trưởng nói với vị tận sĩ quan mới về trình diện đơn vị mình: “Tàu này, sĩ quan nào cũng bay bướm, nhất là ông hạm phó bất kể sắp cưới vợ nay mai. Riêng tôi dù đã có vợ, có con mà vẫn còn thích… độc thân tại chỗ. Nếu anh không bay bướm, anh hóa thành người hùng cô đơn! Tôi chủ trương làm việc hết mình thì chơi cũng phải hết mình. Cái khó là trong mọi trường hợp, anh phải biết đặt công vụ trước tư vụ. Cái khó hơn nữa là khi anh chơi hết mình, anh phải chơi cho đẹp, cho phong nhã, nghĩa là không được gây buồn phiền cho gia đình, gây tai tiếng cho Hải quân. Đồng ý?”


Cũng ở chương 2, tác giả còn nhắc nhở vị tân sĩ quan: “Theo thông lệ, chức vụ sĩ quan ẩm thực thường dành cho các sĩ quan mới ra trường. Một chức vụ không có gì khó khăn, là lo ăn uống cho toàn thể thủy thủ đoàn. Nó chỉ đòi hỏi ở anh đức tính liêm khiết và không ẩu tả. Tôi thích những người bay bướm nhưng lại ghét những người ẩu tả.” (trang 18)


Các lời của vị Hạm trưởng nói với vị tân sĩ quan như vừa tâm tình, vừa ban lịnh ấy mà tôi vừa trích dẫn, qua kinh nghiệm bản thân có thời cũng gặp các cấp chỉ huy rất trẻ thì tôi thấy rằng ở đây có thể nói là một trong những ưu điểm của phong cách chỉ huy của các cấp chỉ huy trẻ trong các đơn vị hành chánh cũng như quân sự lúc bấy giờ. Hay nói cách khác, tác giả ghi lại rất thực về những bỡ ngỡ của người mới về đơn vị và những ân cần của một cấp chỉ huy đầy kinh nghiệm dành cho một vị tân sĩ quan. Tình huynh đệ chi binh là ở chỗ khởi đầu và gần gũi ấy!


Ở chương 2, thiếu úy Võ Bằng khóa 11 Hải quân đã gặp lại Tâm hồi học lớp đệ Tam B3 ở Nha Trang, nay là sĩ quan hải quân tốt nghiệp trước Võ Bằng một khóa nhưng tới chương 3, hai người bạn học ngày cũ mới sống lại thời còn là học sinh khi Võ Bằng yêu Tuyết. Mà cái nét tiểu thuyết nó cũng nằm ở đây thôi! Giữa Tuyết và Võ Bằng , giữa Tuyết và Tâm, đều có những trao đổi ái tình thì thử hỏi làm sao mà không có chút gì nhoi nhói trong lòng khi biết người yêu của mình không còn là của mình nữa rồi. Thế là lại phải gượng vui làm hòa và nhà viết truyện họ thành công khi người đọc thấy xót xa trong lòng về những mối tình ngang trái ấy!


Nhưng dù gì thì gì, tình bạn giữa Tâm và Bằng vẫn chưa đến nỗi tan tác như ở chương 4, Võ Bằng đã xác nhận: “Việc gặp lại Tâm đã giúp tôi đỡ ngỡ ngàng nơi chốn lạ.” Và bao giờ tiếng gọi của trái tim cũng mãnh liệt khi những người tình cũ có dịp gặp lại nhau, nhưng trớ trêu thay, lúc bấy giờ Võ Bằng lại nghĩ: “Tôi hình dung Tuyết qua lời mô tả của Tâm. Rồi không biết do mối liên kết nào mà thay vì hình bóng Tuyết hiện ra lại là vóc dáng của Hiền. và vóc dáng tuyệt vời đó mỗi lúc thêm rõ mồn một. Cùng với vóc dáng là cái cảm giác nhớ nhung da diết ào ạt xâm chiếm. Cuối cùng tôi gần ngộp thở với niềm khát khao gặp lại nàng” (trang 43)


Trong các chương kế tiếp, người đọc bị tác giả dẫn dắt qua hết những bất trắc này đến bất trắc khác trong các bước đường tình ái của nhân vật Võ Bằng. Ở chương 5, Tâm, Tuyềt và Võ Bằng; ở chương 6 lại có Hiền tìm thăm Võ Bằng và cũng có gặp Tâm, nhưng lần này Võ Bằng tỏ ý muốn rời Hiền nên cuộc gặp cũng chẳng có gì vui; rồi chương 8 lại Tâm, Tuyết và Võ Bằng; chương 10, chương 11, chương 12 và nhiều chương khác nữa, có thêm nhiều người đẹp nữa nhưng tôi không thể mất lịch sự đến độ quên để bạn tìm đọc những chương sách còn lại trong truyện dài “Đời Thủy Thủ” này để biết cuối cùng Hải quân thiếu úy Võ Bằng sẽ ghé lại bến nào trong những ngày trái tim bị bầm giập ấy? Thành ra, tôi đành phải dành lại phần lần dỡ những trang sách còn lại trong Đời Thủy Thủ này cho bạn.



   Bìa truyện dài “Đời Thủy Thủ” của Vũ Thất do Thư Ấn Quán tái bản 2012

Nhưng có một điều này tôi xin thưa cùng bạn, vì “Đời Thủy Thủ” không phải chỉ viết về tình yêu của các nhân vật không thôi mà mục đích chính như tựa sách đã nói rõ đó là đời của một thủy thủ, nên rải rác trong các chương sách không thể thiếu những cảnh sinh hoạt trên chiến hạm, những cuộc hải hành trên sông, trên biển mà tôi tin chắc rằng từ trước tới nay, tức là từ lúc tôi còn nhỏ đi học, sau này lớn lên rồi vào đời, rồi về quê làm ruộng giăng lưới giăng câu và nay khi tuổi đã già, tôi chưa thấy ai tả lại trận chiến của các chiến hạm nói chung và trận chiến ở Vũng Rô, một vịnh nhỏ nằm giáp ranh Phú Yên và Nha Trang từ trên ngọn Đèo Cả cao chót vót nhìn ra ngoài vùng biển ấy, nói riêng, mà hay như vậy trong quyển sách này. Phải là một thủy thủ tài tình với óc quan sát và nhận xét khá tinh xác mới có thể viết chương sách về trận chiến cách nay tròn năm mươi năm (1965) mà đọc lại như mới vừa xảy ra bây giờ. Vừa hồi hộp, vừa lo sợ về mối hiểm nguy trong một vùng lửa đạn và nhất là vừa cảm động và nễ phục cái tình chiến hữu của những người lính và các cấp sĩ quan có mặt trong trận chiến này.


Ở đây tôi có một ghi nhận nữa là tài tả cảnh của tác giả, cảnh éo le trong tình trường thì rất éo le; cảnh chiến tranh thì thật là hãi hùng và ghê rợn; cảnh thành thị ngựa xe thì cảnh nào cũng gợi cho bạn có chút bồi hồi nhớ lại có lần bạn đã đi qua những địa danh ấy đôi ba lần. Cái tài của nhà văn là ở chỗ làm người đọc không chán khi đọc sách và nhứt là người đọc lại nhận được ra chính mình nơi những cảnh, những tình trong sách ấy. Tôi nghĩ nhà văn Vũ Thất, ông đã làm được điều ấy cách nay gần nửa thế kỷ. Chẳng hạn khi ông tả Nha Trang, tôi nhớ những ngày của thập niên 1970, tôi có qua con phố Độc Lập nhiều lần, tôi có về Chụtt đôi ba lần với đôi ba lần sợ ma như trong sách, tôi có chiều chiều lang thang dọc theo bờ biển dài cát trắng mà nghe sóng biển rì rào; hoặc khi ông tả cảnh Vũng Rô, tôi nhớ có lần leo dốc Đèo Cả bên này Đại Lãnh (Nha Trang) qua bên kia đèo thuộc vùng Vĩnh Xương của Phú Yên, nhìn xa xa bên tay mặt là Vũng Rô nằm ngoài khơi vùng biển xa mùa ấy; hoặc như khi ông tả cảnh Năm Căn (Cà Mau), cảnh ủi bãi Đồng Tâm (Mỹ Tho) là tôi nhớ vùng đất phía Tây Nam này…, nhiều lắm không kể xiết.


Một ghi nhận khác theo tôi, truyện dài “Đời Thủy Thủ” hấp dẫn là nhờ cái tài dựng truyện đã đành mà cách viết các câu đối thoại giữa các nhân vật, đặc biệt vai nhân vật nào có ngôn ngữ riêng của nhân vất ấy, mà cái hay là đối thoại hợp với từng hoàn cảnh, từng câu chuyện và từng cảnh đời lại ngắn gọn nhưng súc tích, đầy đủ, không dư, không thiếu. Tác phẩm đầu tay mà tác giả viết đối thoại được như vậy tôi nghĩ ông đã là một nhà văn khi chưa viết văn rồi! Vì tôi cũng thường đọc nhiều sách, nhứt là truyện ngắn truyện dài và cả tiểu thuyết trước đây cũng như sau này, tôi ít khi gặp được các tác phẩm có những câu đối thoại tự nhiên và hay như vậy, ngoại trừ Vũ Thất và Lâm Chương là hai nhà văn mà tôi đã được đọc.


Viết về Đời Thủy Thủ của nhà văn Vũ Thất, tôi không mơ mình sẽ đem lại cho bạn điều gì mới mẻ, bởi một lẽ giản dị là tác phẩm này in lần đầu vào năm 1969, tức đã lâu lắm rồi, làm sao mình có thể tìm ra được điều gì mới lạ sau khi cuộc chiến cũng đã tàn rồi sau bốn mươi năm?!? Nhưng có một điều là, sở dĩ tôi đọc lại Đời Thủy Thủ và ghi lại vài cảm tưởng này bởi vì khi tác giả sáng tác tác-phẩm này là lúc tôi cũng chỉ thua ông vài ba tuổi, và có thời tôi cũng ở Nha Trang ba bốn năm, và tôi có biết thế nào là tình yêu thuở đôi mươi và tôi cũng biết thế nào là chiến tranh khốc liệt khi mình còn rất trẻ nên khi đọc lại Đời Thủy Thủ và ngồi xuống ghi lại mấy cảm tưởng này không phải nhằm giới thiệu hay quảng cáo sách cho tác giả, bởi lẽ chắc ông nay cũng không còn cần ai quảng cáo hay khen chê gì về mình; mà ở đây tôi chỉ muốn ghi lại cho mình, cho chính mình mà thôi, và dịp này, cũng như một lời cảm ơn chân thành của một người đọc gởi đến tác giả khi tác phẩm của ông mang mình bồi hồi sống lại một thời hoa mộng của tuổi đôi mươi ngày nào, nay đã xa rồi, xa lắm hơn năm mươi năm!


Hai Trầu

Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 02 tháng 12 năm 2015

(Trích từ cuốn: “Người Đọc & Người Viết”)

nguồn: http://thatsonchaudoc.com/


Lương Thư Trung

Nguồn: vuthat.wordpress.com