Nhà văn, Nhà báo Uyên Thao
Tiếng nói người viết văn
Trong thời gian từ hơn mười năm nay, Tủ sách Tiếng Quê Hương của nhà văn nhà báo UyênThao phụ trách đã phát hành rất nhiếu tác phẩm giá trị của các tác giả trong và ngoài nước. Nỗ lực này nhằm góp một tiếng nói của người viết văn nêu lên thực trạng xã hội đang diễn ra cả bên trong và bên ngoài Việt Nam. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn nhà văn Uyên Thao mặc dù ông đã hơn tuổi 80 và đang chiến đấu với căn bệnh khó trị từ nhiều năm qua, về sinh hoạt được xem là khó khăn và đòi hỏi rất nhiều hy sinh này:
Mặc Lâm: Thưa ông, ông có thể cho biết các hoạt động của ông bắt đầu cho sự nghiệp văn chương chữ nghĩa vào lúc nào?
Nhà văn Uyên Thao: Tôi bắt đầu viết lách vào những năm 51-52 ở Hà Nội nhưng cái đó tôi chẳng nghĩ là nghề nghiệp mà giống như là một loại sở thích tự nhiên của tuổi trẻ lúc đó, vậy thôi.
Mặc Lâm: Sau đó khi vào Sài Gòn ông có còn tiếp tục nghiệp viết cũng như sách vở nữa hay không?
Nhà văn Uyên Thao: Khi vào Sài Gòn thì việc chính của tôi vẫn là cái việc tham gia viết lách, báo chí. Đầu tiên là khoảng năm 53, tôi tham gia tờ Đời Mới. Sau đó thì tham gia nhiều báo lắm mà giờ thì cũng không nhớ hết. Chỉ có là liên tục cho đến sau này thôi.
Mặc Lâm: Vâng, trước năm 75 thì tờ báo hay cơ sở xuất bản nào ông cộng tác trước khi ông qua Mỹ?
Nhà văn Uyên Thao: Thời gian cuối cùng ở Sài Gòn thì tờ báo tôi cộng tác là Sóng Thần. Tờ báo này do tôi lập ra. Tờ báo bị thu hồi giấy phép vào cuối năm 74. Từ cuối năm 74 cho đến ngày mất Sài Gòn và sau đó thi hầu như tôi không tham gia làm báo nữa.
Mặc Lâm: Thưa ông, theo như trí nhớ của chúng tôi thì tờ Sóng Thần có một thời gian rất nổi tiếng và bán rất chạy ở Sài Gòn. Bây giờ lại biết ông chính là người sáng lập ra nó nữa thì thật là thích thú. Ông có thể cho biết lý do nào mà chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đã lấy lại giấy phép, thưa ông?
Nhà văn Uyên Thao: Cái đó thì mình phải nhìn lại chút xíu. Vào khoảng năm 70 thì có chuyện xảy ra ở Nha Trang là chuyện của anh Hà Thúc Nhơn. Lúc đó anh ấy là bác sĩ ở quân y viện Nha Trang. Anh ấy không đồng ý với chuyện của quí vị cầm quyền cứ lợi dụng những chức vụ của mình để làm tiền này nọ nên anh ấy phản đối và tố giác những chuyện làm ăn không ra sao hết. Chuyện này dẫn đến kết quả cuối cùng: do bị dồn ép quá, anh ấy giống như nổi loạn với đám thương phế binh nằm ở trong bệnh viện rồi cuối cùng anh ấy bị giết chết. Sau khi anh ấy bị bắn chết, một người bạn của tôi là anh Phạm Văn Lương, trưởng khu giải phẫu ở Đà Nẵng, học cùng trường Quân y với anh Nhơn có vô gặp tôi và nói “bây giờ thằng Nhơn nó chết như vậy, tôi không thể để yên được, phải tìm cách để nhắc nhở về cái chết của nó”. Đấy là lý do chính khiến chúng tôi lập ra tờ Sóng Thần.
Tờ báo xác định tiếp nối công việc của Hà Thúc Nhơn đã làm. Tôi tố giác những vụ tham nhũng có thể làm nguy hại đến tình hình chung của đất nước. Cũng vì lý do đó mà tờ Sóng Thần được coi là nói lên tiếng nói chung, hợp ý với mọi người. Vì vậy lúc đó số báo in lúc đó mỗi một ngày lên đến gần 200.000 số.
Mặc Lâm: Mất tờ Sóng Thần cũng như rời bỏ những công trình đã làm trong một thời gian rất dài tại miền nam Việt Nam, khi qua Mỹ, ông có thể cho biết việc đầu tiên của ông có dính líu tới sách vở là gì không, thưa ông?
Nhà văn, Nhà báo Uyên Thao phát biểu về Tủ Sách Tiếng Quê Hương trong một lần giới thiệu sách hồi năm 2012.
Nhà văn Uyên Thao: Khi qua Mỹ thì mình gần tới tuổi 70 rồi thì nói ngay ra lúc đó sức mình cũng không còn nữa mà mình cũng chẳng biết làm gì nữa. Có một điều tôi nghĩ là tất cả những hình ảnh mình thu nhận được trong thời gian mình sống ở trong nước cứ thúc đẩy mình hoài.
Điều mà làm tôi không thể quên được là cái cảnh năm 72 khi tôi đứng trên đoạn đường ở chỗ Mỹ Chánh. Nhìn thấy hình ảnh lúc đó trước mắt tôi, giữa những đám xác chết ngổn ngang có một đứa nhỏ nó vẫn nằm trong tay mẹ nó và đang ngậm vú mẹ. Hai mẹ con đã trở thành hai cái xác khô quắt lại bởi vì đó là những cái xác đã chết cách đó hàng tháng rồi. Hình ảnh ấy tôi nhớ mãi. Tôi tự hỏi tại sao một đứa trẻ chưa biết gì ở trong cuộc sống này, chỉ có thể nhay cái vú mẹ là một xác chết mà không một ai nhìn tới; Tại sao người mẹ kia lại có thể phải chết như vậy?
Tôi nghĩ đấy là biểu hiện cho thân phận của những người dân Việt Nam. Điều này không phải cho một số người nào đó mà cả dân tộc mình bị đày đọa như vậy. Trong khi đó từ Nam ra Bắc mình thấy tất cả những người nắm quyền hành trong tay đều đòi hỏi những người khác phải nhớ đến ơn của mình. Ơn của họ là cái gì? Là gieo rắc tai họa cho tất cả mọi người như vây?
Tôi nghĩ bây giờ mình phải làm sao nói được cái thực tế đó, ít nhất thì cũng nhắc nhở được một số những thực tế tệ hại mà đất nước mình, người dân mình phải trải qua trong gần một thế kỷ. Từ thập niên 30-40 cho đến bây giờ. Tôi nghĩ mình phải cố gắng lưu lại bằng chữ nghĩa thôi chứ mình không biết làm bằng điều gì hơn vậy nữa. Tốt nhất là in sách, sưu tầm những tác phẩm giống như là nhân chứng của thực tế cuộc sống đất nước mình. Đấy là lý do chính để tôi làm và coi như việc duy nhất tôi làm sau khi tôi sang đây.
Phổ biến tác phẩm trong nước
Mặc Lâm: Vâng, chắc có thể từ ý nghĩ đó nên hiện nay trong tay chúng tôi có tác phẩm viết về Nguyễn Chí Thiện: Trái Tim Hồng do tủ sách Tiếng Quê Hương của ông phụ trách vừa mới in ra. Thưa ông, bên cạnh tác phẩm của Trần Phong Vũ viết về Nguyễn Chí Thiện, theo như chúng tôi được biết, trước đây Tiếng Quê Hương cũng đã từng in rất nhiều tác phẩm ở trong nước mà cụ thể là nhà văn Tạ Duy Anh. Ông có thể nhắc đến một vài chi tiết mà đã hướng đến việc ông in ấn tác phẩm của Tạ Duy Anh không ạ?
Nhà văn Uyên Thao: Tôi nghĩ là trong số những người cầm bút ở trong nước mà có những tác phẩm mình cần phải giới thiệu với mọi người thì Tạ Duy Anh là một trong số những người đó. Tủ sách tiếng Quê Hương in hai tác phẩm của Tạ Duy Anh. Cuốn đầu tiên là cuốn Đi Tìm Nhân Vật và cuốn thứ nhì là Sinh Ra Để Chết. Nói chung tôi nghĩ cái nhìn của Tạ Duy Anh đối với cuộc sống ở Việt Nam cũng phù hợp với cái nhìn của những người trong Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Tạ Duy Anh nhìn thấy rằng người Việt Nam từ lúc chào đời cho đến lúc nhắm mắt thì không có cuộc sống bởi vì tất cả những cuộc sống ở Việt Nam kéo dài suốt từ nửa thế kỷ trước cho đến bây giờ chỉ là cõi chết thôi do con người bị đày đọa đủ thứ. Bởi thế Tạ Duy Anh mới đặt tựa đề là Sinh Ra Để Chết chứ không phải để sống. Tôi nghĩ đó là những tác phẩm phản ảnh đúng những thân phận của con người Việt Nam mình vì vậy mà tôi in tác phẩm của anh Tạ Duy Anh.
Bên cạnh đó tôi nghĩ cũng có những tác phẩm có cái nhìn tương tự như cuốn Dạ Tiệc Quỷ của chị Võ Thị Hảo, chẳng hạn. Có những cuốn không phải là sáng tác văn học nhưng viết bằng những cách khác như những cuốn của anh Vũ Cao Quận, của anh Tô Hải. Đại khái như vậy.
Mặc Lâm: Vâng, nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đã chọn những người rất là nổi tiếng ở trong nước hiện nay và những tác phẩm của họ có thể nói là một dấu chứng cho những nhìn nhận lịch sử hiện đại cũng như đã từng xảy ra ở trên đất nước của chúng ta. Tuy nhiên khi nhìn lại vấn đề xuất bản, thưa ông, ở hải ngoại này có hai nghề mà người ta rất sợ: thứ nhất là viết văn và thứ nhì là xuất bản vì hai nghề này không thể nuôi sống bản thân họ cũng như là gia đình, ngoại trừ một số ít rất là hiếm hoi. Khi chấp nhận cái chuyện không thể nuôi sống được chính mình thì Tiếng Quê Hương lấy nguồn nào để mà sống, thưa ông?
Nhà văn Uyên Thao: Về vấn đề thời gian của tủ sách Tiếng Quê Hương thì tôi phải nói với anh là chúng tôi chỉ mới có mặt từ năm 2001 tới bây giờ. Thời gian đó phải nói là đầy gay cấn, giống như tôi là người hành hạ bạn bè của mình thôi. Nói chung là tất cả những người bạn mà đã quen biết với nhau và tán đồng với nhau về một số công việc thì tiếp tay nhau để mà duy trì cái tủ sách để có thể tiếp tục cho đến bây giờ. Còn cái chuyện thu hồi từ bán sách thì hầu như chả bao giờ có đủ cho số tiền mình bỏ ra để in hết. Mình nhờ vào thiện tâm, thiện chí của bạn bè, những người muốn đóng góp vào công việc chung, vậy thôi.
Mặc Lâm: Xin được hỏi ông một câu cuối, hiện nay dĩ nhiên ở hải ngoại này tủ sách tiếng Quê Hương, không nhiều thì ít người ta cũng biết đến; tuy nhiên, ở trong nước sau khi Tiếng Quê Hương phát hành những tác phẩm của Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo hay là nhạc sĩ Tô Hải thì dư luận trong nước theo ông nhận thấy có hưng phấn lắm hay không? Và độc giả có biết nhiều đến tủ sách này không?
Nhà văn Uyên Thao: Nói chung thì chúng tôi cũng nhận được rất nhiều thư ở trong nước liên lạc ra, phần đông những thư đó đòi hỏi muốn có sách của Tiếng Quê Hương để đọc nhưng cũng không biết làm cách gì để mà gởi về được. Thành ra đến bây giờ phải nói thiệt với anh một điều là một số anh em quen biết ở trong đó tìm mọi cách để photo copy ra hay là làm cách nào đó để có thể chuyển cho mọi người.
Bằng cách như vậy thì cũng có thể phổ biến một số tác phẩm nhưng tất nhiên là nó không được bao nhiêu. Chẳng hạn, một anh bạn nói với tôi là cuốn sách của Tô Hải anh ấy có thể photo được 80 cuốn. Con số như vậy là lớn nhất rồi còn những cuốn khác thì nhiều khi chỉ 5 đến 10 cuốn thôi. Sau đó thì tùy, mình giao đến tay mọi người thì bằng cách nào đó họ chuyển đến cho người khác. Tất nhiên cũng rất giới hạn dù là nó cũng có thể phổ biến ở trong nước phần nào.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà văn Uyên Thao về buổi nói chuyện này.