08-12-2015 | VĂN HỌC

Chuông Gọi Hồn Ai

  TRẦN MỘNG TÚ

Cuối năm nghe hồn rất mỏi
Bụi nào trong mắt cay cay (tmt)

Buổi sáng mùa đông tôi lái xe đi về phía nhà thờ, tôi đi giữa hai hàng cây đã rụng đến chiếc lá cuối cùng, những nhánh cây khô vươn lên bầu trời xám, trông như những bộ xương cá voi khô, trông như ai vừa tung ra những nắm bút chì dài ngoằng, trông như những sợi giây thép cong queo vứt lên không gian. Trông không còn là cây của ngày tháng hôm qua nữa.


Ở một ngã tư, khi vừa ngưng lại chờ đèn xanh, tôi được ngắm một bầy hải âu rất đông, không biết từ đâu kéo đến, chúng bay vần vũ trên những nóc nhà, mầu trắng của cánh pha vào màu xám của bầu trời mơ hồ như không có thật, khi chúng bay lao xuống, chúng thả theo những tiếng kêu thật thấp, thấp đến nỗi mình có cảm tưởng sẽ nhặt được những tiếng kêu đó, nhưng chưa kịp làm gì cả thì chúng lại bay vụt lên.


Hai bên đường những bóng đèn màu đã gần như được treo trên hầu hết những cửa hàng, và quấn chung quanh những thân cây. Cây thật sự không cần lá nữa. Những ngọn đèn xanh đỏ đã cho chúng một hình hài mới.


Ở một ngã tư kế, những bóng đèn màu đang chớp chới trên vai hai người đàn ông vô gia cư ngồi dưới gốc cây. Gió thổi đến từ bốn góc đường.


Mùa đông thật sự hiện hữu. Tôi đi qua những hàng cây khô, những ngọn đèn màu, qua vai người homeless. Tôi nhặt lên được gì trong mùa đông?


Hai tuần trước một người bạn bỏ đi, đi thật xa “Người đi, ừ nhỉ người đi thật”. Người bạn đó là nhà văn Phùng Nguyễn. Sự ra đi của anh như một cơn gió mạnh đến bất ngờ làm gẫy ngang một thân cây, không chống đỡ kịp. Những thớ gỗ tươi rói, rách tươm còn ứa nhựa.


“Anh Phùng để lại một dấu ấn không thể nào phai mờ. Cũng không ai thay thế được. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu kỷ niệm, chồng chất như “Tháp Ký Ức” của anh.” (Điếu Văn-Da Màu)


Phùng Nguyễn cũng để lại bao nhiêu dự định văn học anh đã phác thảo, những câu phỏng vấn anh gửi cho tôi (Trong mục phỏng vấn đang lên khuôn của anh) tôi chưa viết xong, còn bàn qua, nói lại với anh. Anh muốn trả lời dài, mà tôi thì chỉ biết trả lời ngắn. Bây giờ thì chữ nghĩa đều theo thân xác anh bay như tàn tro rồi, anh có nhặt lên được xem dài ngắn thế nào không? Nghĩ mà thương anh.


Tôi táp xe vào một bãi đậu, rồi bước xuống đi vào mùa đông. Những chiếc lá nằm chết thản nhiên hai bên cạnh đường, tôi cúi xuống nhặt lên một chiếc, như nhặt một bài thơ.


Bài thơ của thi sĩ Khánh Hà viết cho chồng, nhà văn Tâm Thanh trong khi anh đang cố chống trả với ung thư. Khánh Hà cũng hình dung ra đời người như lá:

Đời người như lá mong manh

Hôm nao lá sẽ lìa cành lá rơi

Nghiêng nghiêng vẫn một dáng ngồi

Mái đầu bạc trắng đâu rồi tóc xưa

Tình yêu lòng vẫn còn thừa

Trái tim rạng rỡ vẫn chưa nhạt màu…

(Chiếc Lá Mong Manh-KH)

Chiếc lá đó đã rơi vào tháng Tư năm 2014, trước Nguyễn Xuân Hoàng năm tháng.


Tâm Thanh với những tác phẩm đáng ghi nhớ trong lòng độc giả: Thiên Nga Giữa Cõi Người, Gỗ Thức Trên Rừng, Thiên Hương Về Trời…

Hai người bạn văn ở hai bên trời cách biệt cùng đi về một phía trong một thời gian rất ngắn.

Tôi dong chơi tự do một thời

Ngoảnh lại đằng sau giật mình sợ hãi

Những dại khờ những lầm những lỡ

Những suối sâu xanh những đèo cao cong những truông dài mờ

Trời thì đang mông mênh

...

Ôi ngựa phi nước đại một thời bỗng quị chân

Ôi chim bay mù khơi bỗng gẫy cánh

Ôi tôi người xa lạ bỗng quen em…

(Làm Quen-NXH)

Đó là thơ tình của tác giả đã viết: Bụi và Rác, Căn Nhà Ngói Đỏ, Người Đi Trên Mây.

Anh cũng bỏ chúng ta đi tháng 9 năm ngoái, sau hơn một năm anh bỏ viết. Nguyễn Xuân Hoàng viết văn nhiều hơn làm thơ, thơ của anh cũng buồn buồn như văn của anh vậy.


Nguyễn Xuân Hoàng để cả một đời cho văn chương chữ nghĩa. Anh dạy học, làm báo, viết văn, làm thơ. Tất cả sở thích, nghề nghiệp đều chạy quanh con chữ.

Anh mất, nơi thành phố anh cư ngụ mất đi hình ảnh một người làm văn chương có phong cách trước 1975, một nhà văn của thời VNCH. Đáng tiếc lắm!


Cũng trong năm ngoái, trong băng giá tháng 12 của Na Uy, chúng ta mất Nguyễn Hữu Nhật. Nguyễn Hữu Nhật là phu quân của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, ông có bài thơ- Người Tù Già Kể Chuyện Mình, rất hay, đây là một đoạn trong bài thơ đó.

Anh chị em ơi

Làm sao chúng ta có thể trả lời cho con cháu

Ngày mai

Về một câu hỏi rất giản dị

Sống để làm gì?

Nếu chính chúng ta hôm nay

Không biết làm gì để sống.

Nhà tù Cộng Sản đã là nơi hun đúc tù nhân thành thi sĩ.


Nhưng không cần nhà tù, ngay giữa đời sống bên ngoài, xã hội khắc nghiệt đó cũng vô tình tạo ra bao nhân tài chữ nghĩa. Một trong những nhân tài đó là nhà văn Bùi Ngọc Tấn và ông cũng bị gió cuốn bay đi cùng năm, cùng tháng với Nguyễn Hữu Nhật, cách nhau có mấy ngày.


Nhà văn Bùi Ngọc Tấn phần đông bạn văn ở hải ngoại chỉ biết anh qua văn chương, nhưng đọc sách của anh, nhất là qua cuốn Chuyện Kể Năm Hai Ngàn (Được dịch sang tiếng Anh, Pháp và Đức) ta thấy tư tưởng, ý nghĩ, cách diễn tả của anh rất gần gũi với mình. Văn chương thật sự đã giúp tình cảm của người viết và người đọc cảm thông nhau, nên khi anh mất, những người bạn văn phía bên này cũng thấy tiếc thương. Cái lằn ranh bên kia bên này, đối với những người viết hình như không có nữa, khi họ khám phá ra trong văn chương của nhau đều chuyên chở một ý nghĩa, một cảm xúc.


Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét về Bùi Ngọc Tấn như sau: “Sự bình tĩnh, nhân hậu của ngòi bút anh cho thấy đức dũng cảm ở con người của anh cao cả biết dường nào."


Tôi dừng lại ở một gốc sồi, gỡ ra một trong những chiếc bóng đèn màu quấn quanh thân cây, một khúc thơ khác:


Khúc Thơ của một thi sĩ cũng ở Na Uy tặng vợ, thi sĩ Dương Kiền.

Trà Mi

Tặng em một đóa trà mi

Đầu xuân tưởng chút tình quê thơm nồng

Tặng em một vệt nắng hồng

Cám ơn trời đất lạnh lùng nơi đây

Tặng em một cánh chim bay

Có bay về cuối trời đầy nhớ thương

Tặng em một chút trầm hương

Trong tâm ngộ chữ vô thường ngát thơm.

Không biết ông viết bài thơ này năm nào, nhưng ông đã để lại đóa hoa trà trên bàn và ông bay theo gió.

Dương Kiền bỏ đi năm nay cùng tháng cùng ngày với Phùng Nguyễn. Chắc một già một trẻ đã gặp nhau rồi.


Mùa đông đang rơi trên vai những người homeless, họ phủi mùa đông xuống rồi lầm lũi đi, tôi đi sau họ, nhặt những chiếc lá nhàu, úng nước.

Một chiếc lá khá to nhưng trông cũ kỹ nhất, một chiếc lá chắc rơi xuống từ một cây cổ thụ.

Ta đến từ đâu, đâu biết được

Đến đây được biết có Mình thôi

Gặp nhau từ thuở ban sơ ấy

Quấn quít nhau không một phút rời.

Tiền thân dù có dù không có

Ta có Mình khi ta có đời

Có Mình, ta có luôn trời đất

Đã tuyệt vời chưa Thân Xác ơi.

(Một đoạn trong Tạ Từ-Võ Phiến)

Tháng 9 của năm nay, làng văn chương Việt hải ngoại mất đi một người đàn anh, đàn anh của sự nghiệp văn chương và tuổi tác. Dù đám tang có trịnh trọng, có đông người tới đâu thì “cái mất” cũng không thay đổi được. Người ta lo in cuốn sách cuối cùng cho anh, lo đọc to lên những dòng cuối anh viết. Tất cả rồi cũng gấp lại, gấp như những cuốn sách trên giá sách thư viện. Con người của anh không còn hiện diện, ai muốn tìm anh thì không thể đến gõ lên cánh cửa, chờ anh ra mở với một nụ cười nữa. Ngôi nhà ở Santa Ana chị vẫn ở, bạn bè ở xa tới vẫn ghé thắp tạ anh nén nhang trầm.


Gấp tất cả quyển dầy quyển mỏng lại, như ngày xưa vua gấp khăn áo quý phi. Tìm anh trên những trang mạng, mà những trang mạng thì không hề có mùi thơm của giấy. Buồn thật!


Nhưng khác với tất cả những văn thi sĩ tài hoa trong nước trước 1975, sống cuộc đời tương đối mực thước để giữ cho mình một phong cách nào đó. Một thi sĩ làm thơ vừa ngông nghênh vừa bi tráng, có lúc bị gọi là ”phản chiến” cũng đã vừa nằm xuống ở quê nhà, trước Võ Phiến một tháng.


Nếu đời rơi như lá rơi thì chiếc lá Nguyễn Bắc Sơn cũng tự mình cuốn bay vào một góc khuất lấp nào đó, cho dù không nhặt lên được, tôi biết nó cũng tìm được một nơi rơi xuống thích hợp nhất, và ở đó một mình.


Thơ của Nguyễn Bắc Sơn một mình một cõi, nhưng vẫn “Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”

Khi các con khôn lớn thế nào cũng nghe kể chuyện đời ba

Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn

Khi chiều xuống, bụi mù trời trên ngọn đồi ba đóng

Ba bắt đầu thương nhớ các con ba

Dù ở tiểu khu này ba là tên tiểu tốt

Nhưng các con nên tự hào ở tấm lòng ba

Ôi câu chuyện người anh hùng lỡ vận

Nên bụi đời cùng những kẻ ngu phu

Đó là câu chuyện đời ba các con cần phải nhớ

Ôi một quãng đời dài lê bước ưu du…

(Trong tập thơ Chiến Tranh Việt Nam và Tôi)

Đoạn thơ buồn như một tiếng thở dài.


Tôi vẫn đi trong mùa đông. Tháng mười hai mọi người trong thành phố đang chăng đèn trên nóc giáo đường, trên các khung cửa kính của các gian hàng, trước các cánh cửa của khu gia cư. Những bài hát mừng Giáng Sinh cổ điển vẫn được mang ra phát thanh khắp nơi. Trong tiếng nhạc lồng vào những tiếng chuông nhà thờ.


Tôi nhớ lắm! Nhớ những nóc giáo đường ở quê nhà luôn luôn có gác chuông. Chuông kéo báo sắp tới giờ lễ mỗi buổi sáng, hay lễ buổi chiều.


Nếu buổi trưa không phải là thời khóa biểu của lễ mà chuông nhà thờ kéo, thì đó là tin báo một người trong họ đạo vừa qua đời. Mọi người dù đang bận làm công việc gì cũng ngưng tay, cúi đầu, đọc một lời kinh ngắn cầu cho linh hồn vừa được gọi về. Đó là ý nghĩa của tiếng “Chuông Gọi Hồn”.


Những người bạn văn, bạn thơ của chúng ta bỏ đi trong vòng hai năm nay hình như dồn dập quá, làm cho chúng ta hụt hẫng, chao đảo và thương tiếc.


Chao ôi, là mùa đông!


Tôi tìm lối trở lại xe, tôi nhớ là mình đang trên đường đi tới nhà thờ. Tôi đi xin một lễ cầu hồn cho Phùng Nguyễn, như trước đây tôi đã xin cầu cho Mai Thảo, Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Tâm Thanh và Võ Phiến.


Tháng 12/2015

(Chuông Gọi Hồn Ai- For Whom the bell tolls - Ernest Hemingway.)

Trần Mộng Tú

Nguồn: tranmongtu.blogspot.com/

(*) Phùng Nguyễn (1950-tháng 11-2015), Tâm Thanh (1940-tháng 4-2014), Nguyễn Xuân Hoàng (1940-tháng 9-2014), Nguyễn Hữu Nhật (1942-tháng 12-2014), Bùi Ngọc Tấn (1934-tháng 12-2014), Dương Kiền (1939-tháng 11-2015), Nguyễn Bắc Sơn (1944-tháng 8-2015), Võ Phiến (1925-tháng 9-2015)