10-8-2019 | VĂN HỌC

Trần Long Hồ

  VĨNH PHÚC


    Nhà văn Trần Long Hồ

Trần Long Hồ là bút hiệu của Trần Trúc Quang, một bác sĩ hiện đang hành nghề trong vùng Virginia, Hoa Kỳ. Sau này, khi đã định cư tại Hoa Kỳ, Trần Long Hồ mới có tác phẩm ra mắt, tuy rằng trước kia hồi còn Miền Nam, khoảng từ năm 1972, anh đã có truyện đăng trên một vài tờ báo. Nhưng ở hải ngoại, mãi tới năm 1989 anh mới viết lại.


Trần Long Hồ người gốc Vĩnh Long và là em họ của Hồ Trường An. Bản tính hiền lành, ít nói, và hình như cũng không thích khoa trương ồn ào, Trần Long Hồ có thể được coi là thuộc phái mấy nhà văn đại diện cho dòng văn chương Nam bộ. Anh được bầu làm chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ nhiệm khóa 1991-1992. Tôi gặp anh trong ngày Trung Tâm này định bầu lại tân chủ tịch, nhưng số người đến dự quá ít nên việc bầu bán không thành, phải hoãn lại tới một ngày khác. Để khỏi mất thì giờ, tôi vào đề ngay:


- Được biết anh là một bác sĩ mà lại có máu văn nghệ nên cầm bút. Xin anh cho biết đã có những tác phẩm nào ra mắt rồi?

 

- Dạ thưa anh Vĩnh Phúc, vì tôi là một y sĩ nhưng có máu văn nghệ chút đỉnh, thành ra ngoài thời gian hành nghề, tôi cũng có viết một vài tác phẩm trong những thời gian rảnh. Tôi bắt đầu viết từ trước năm 1975 tại quê nhà. Nhưng vì lý do nghề nghiệp, sau năm 75 tôi không viết nữa. Đến năm 89 tôi mới bắt đầu viết lại.


- Trước năm 75 anh viết truyện ngắn hay thơ? Và anh chỉ cho đăng trên báo hay đã in thành sách?

 

- Trước năm 75 tôi có viết một số truyện ngắn và có đăng trên tờ Văn Học do anh Phan Kim Thịnh chủ trương, và một số truyện ngắn đăng rải rác trên các báo như Tin Sáng và một số báo khác nhưng không thường xuyên, thành ra chưa có tác phẩm in ra trước năm 75.


- Xin anh cho biết sơ qua về mấy tác phẩm anh đã cho ra mắt ở đây.

 

- Ở hải ngoại, tác phẩm đầu tiên của tôi ấn hành là tập truyện ngắn tựa đề “Ngày Quanh quẩn” in năm 1991. Gồm 10 truyện ngắn tôi đã gom lại rải rác từ trước năm 75 tới năm 91. Những chuyện đã xảy ra và một phần thực tế của đời sống rải rác trong 17 năm tôi đã đưa vào trong tập truyện đó.


- Nghĩa là có phần nào dính dáng tới nghề nghiệp trong ngành y-khoa của anh chăng?

 

- Dạ thưa có, trong đó 10 truyện ngắn thì có tới 4 truyện có phần dính vào nghề nghiệp của tôi. Tác phẩm thứ hai là một tập truyện ngắn tựa là “Niềm Vui Ung Thư”, có khoảng 7 truyện ngắn. Tác phẩm thứ ba là truyện dài “Cõi Sa Mù”. Đây là quyển đầu tiên trong bộ trường thiên. Quyển này đã ấn hành vào đầu năm 92. Hiện tôi đang viết quyển thứ hai là cuốn “Cửa Địa Ngục”.


- Tựa truyện là “Niềm Vui Ung Thư" nghe có vẻ lạ. Anh có thể giải thích thêm?

 

- “Niềm Vui Ung Thư” là tên một truyện ngắn mà tôi dùng làm tên cho tập truyện luôn. Nhiều người cũng đã thắc mắc về cái tựa đó. Đây là bối cảnh xảy ra trong nhà thương. Một bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Tại sao lại có chữ “niềm vui”? Đó là cái vấn đề. Khi độc giả đọc xong sẽ thấy cái ý nghĩa nó rõ hơn của tựa truyện đó. Niềm vui ung thư nói lên tình trạng không tốt lắm trong xã hội Mỹ của những người sống bên cạnh một người bị mắc bệnh ung thư.


– Thưa anh Trần Long Hồ, được biết anh cũng là chủ tịch của Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ trong năm qua. Xin anh cho biết sơ qua về sinh hoạt của anh em cầm bút vùng này.

 

- Về câu hỏi này, tôi thấy có vẻ khó trả lời. Vì điểm thứ nhất, tôi không có tham gia vào sinh hoạt văn học lâu dài ở Miền Đông. Tôi mới bắt đầu từ năm 1989, đến nay mới chỉ có ba năm thôi. Chính thức giữ chức vụ chủ tịch Văn Bút chỉ có một năm thôi. Đóng góp của tôi trong sinh hoạt cũng rất ít. Còn sự giao thiệp của tôi với các anh chị văn nghệ sĩ Miền Đông cũng không nhiều lắm. Vì tôi chưa kịp chuẩn bị cho câu hỏi này, cho nên câu trả lời chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi.


- Trung Tâm của anh có liên hệ với các Trung Tâm bạn khác ở Mỹ không? Và có liên hệ với Trung Tâm Văn Bút Hải Ngoại không?

 

- TTVB Miền Đông về mặt tổ chức là một bộ phận của TTVB Hải Ngoại mà anh Trang Châu hiện thời (1992) làm chủ tịch. Sự liên lạc giữa TTVB Miền Đông với TTVB Hải Ngoại là một liên hệ về mặt tổ chức, qua những văn bản, văn thư, cũng như niên liễm hàng năm mà VB Miền Đông phải đóng cho VB Hải Ngoại. Đó là nằm trong tổ chức. Về các Trung Tâm bạn thì chỉ do sự liên hệ thân hữu và giao hữu thôi chứ không có một sự giao thiệp có tính cách văn bản.


- Đại khái TT Miền Đông qui tụ chừng bao nhiêu anh em cầm bút thưa anh?

 

- Nói về tổng số ghi tên từ trước đến giờ thì tôi không nắm con số chính xác. Vấn đề đóng niên liễm cũng thay đổi. Tôi nghĩ khoảng từ 50 đến 60 người tổng cộng. Nhưng hiện tại, số hội viên hoạt động thường xuyên và có đóng niên liễm khoảng gần 20 người.


*


Sau lần gặp gỡ vào cuối năm 1992 đó, Trần Long Hồ không còn làm chủ tịch Văn bút Miền Đông Hoa Kỳ nữa. Rồi hình như sau đó chuyện bầu người vào chức vụ này gặp rắc rối sao đó, để rồi nghe nói ông Hà Bỉnh Trung phải hy sinh đứng ra tạm nhận, cho việc sinh hoạt giữa các người cầm bút ở Miền Đông được liên tục.


Nghe nói trong 6 năm qua Trần Long Hồ vẫn tiếp tục viết rất hăng say, nên việc đầu tiên tôi muốn biết là anh đã in ra thêm được bao nhiêu tác phẩm nữa.

 

- Từ năm 92 đến giờ, tôi viết nhiều lắm. Trung bình mỗi năm ra ít nhất một hoặc hai cuốn. Tôi nghĩ có lẽ từ hồi đó đến giờ đã ra khoảng 7-8 quyển rồi. Cho đến bây giờ, cuốn truyện ngắn mới nhất của tôi là cuốn “Sư Phụ”, in trong năm 98.


– Hình như sách anh viết, anh tự xuất bản phải không? Do nhà Minh Văn, thành lập với sự hợp tác của anh và một số anh em thân hữu?

 

- Vâng. Nhà xuất bản Minh Văn do tôi và một số bạn thành lập. Các anh ấy giúp về mặt kỹ thuật. Nhưng khoảng 5 năm nay, các anh ấy bận rộn nên chỉ còn một mình tôi làm mà thôi.


- Minh Văn chỉ chủ trương xuất bản sách của anh em trong nhóm, hay cả sách của người ngoài? Và nếu vậy, có điều kiện gì không?

 

- Nhà sách Minh Văn hoạt động không có tính cách thương mại. In sách của anh em thân hữu và cả sách của bất cứ văn thi hữu nào, không nhất thiết phải là người của một nhóm đặc biệt nào cả, thí dụ như truyện của anh Ngô Nguyên Dũng bên Đức, hoặc in lại những sách xưa của Hồ Biểu Chánh.


- Trong 6 năm qua anh có thường xuyên liên lạc với các bạn văn khác ở Miền Đông và nói chung trên nước Mỹ?

 

- Vâng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với các văn hữu. Ở Miền Đông này thì gần như liên lạc hàng ngày.


- Nghe nói là việc bầu chủ tịch văn bút Miền Đông có hồi gặp trục trặc?

 

- Dạ cũng không phải là trục trặc, mà là vì có một hồi vì công việc làm ăn bận rộn quá nên không có anh em nào chịu đứng ra ứng cử, thành ra chỉ có hơi chậm một chút thôi. Hiện giờ thì do ông Hà Bỉnh Trung làm chủ tịch. Cụ Hà Bỉnh Trung làm hai năm rồi, có lẽ năm 99 hết nhiệm kỳ thì bầu lại.


- Anh có đọc tác phẩm của nhà văn nào viết từ trong nước không?

 

- Tôi có theo dõi và biết các mặt sách từ trong nước gởi ra in ngoài này thôi, chứ vì bận rộn quá không đọc được. Và tôi cũng không liên lạc với nhà văn nào ở trong nước hết.


- Trong số các người cầm bút ở Miền Đông, có ai có tác phẩm đưa về in ở trong nước không?

 

- Dạ theo tôi biết, không có ai ở Miền Đông này có sách được đưa về in trong nước. Họ đều in ở ngoài này, hoặc tại Miền Đông, hoặc đưa sang Cali in.


- Trong vòng 6 năm qua anh có thấy có sự biến chuyển nào trong khuynh hướng sáng tác không, ví dụ như cách chọn lựa đề tài hay đối tượng sáng tác?

 

- Về đề tài thì tôi thấy trong 6 năm vừa qua tôi thấy những đề tài về chiến tranh hay về những trại cải tạo đã suy giảm dần. Tôi nghĩ đó cũng là việc tự nhiên thôi, vì với thời gian những vấn đề đó cũng phai nhạt trong trí người ta. Thêm một lý do nữa là độc giả đã đọc nhiều quá rồi, nay người ta không muốn đọc hoài về những đề tài đó nữa. Còn một đề tài mà độc giả người ta mong muốn, đó là nói về cái sinh hoạt xã hội mới của người Việt Nam tại hải ngoại. Tôi thấy là nó có trong các sáng tác nhưng chưa được đẩy mạnh lắm, tức là đi sâu vào sự phân tích về tình trạng hội nhập của người Việt Nam ở hải ngoại. Sự khai thác đề tài này chưa được mạnh lắm. Theo tôi, có thể là vì lý do: đối với 99% người cầm bút ở hải ngoại, việc viết lách chỉ là công việc của tay trái thôi, không giúp đem lại lợi nhuận gì hết. Thành ra họ bị sinh kế, bị đời sống bó chặt quá đi, nên không có thời giờ đầu tư vào sinh hoạt về mặt xã hội.


Thêm một vấn đề nữa là những người viết trẻ, khi rời Việt Nam còn quá nhỏ, nay họ lớn lên ở đây và có tham gia vào sinh hoạt văn học. Họ hoặc viết bằng tiếng ngoại quốc, hoặc viết bằng tiếng Việt nhưng không thành thạo. Cho nên văn của họ bị ảnh hưởng của văn phong bản xứ. Cái suy tư của thế hệ mới này nó cũng khác nhiều lắm. Thế hệ này có vẻ hướng về tương lai nhiều hơn thế hệ đàn anh. Thế hệ đàn anh thường hướng nhiều về quá khứ. Tôi thấy đây là một dấu hiệu tốt của sinh hoạt văn học hải ngoại.


- Còn riêng phần anh, anh thấy có biến chuyển gì không?

 

- Với cá nhân tôi, tôi thấy có một biến chuyển lớn lắm. Trong khoảng 3 năm gần đây có sự chuyển biến rất lớn. Trong hai quyển gần đây nhất của tôi là “Ông Kỳ Lân”“Sư Phụ”, gồm những truyện ngắn có tính cách như huyền thoại. Tức là những truyện ngắn mượn bối cảnh ở lịch sử xa xưa, nhưng lồng vào những ý tưởng mới, những ý tưởng tồn tại, không bao giờ bị lỗi thời hết. Đó là những huyền thoại, mỗi truyện được đặt trên nền tảng của một chương trong Đạo Đức Kinh.


Đạo Đức Kinh gồm có 81 chương, và hai phần, một phần là Đạo Kinh và một phần là Đức Kinh. Mỗi một chương nêu lên một vấn đề khác nhau và một ý nghĩa khác nhau. Bây giờ trên bước đầu tôi viết được tổng cộng mười mấy huyền thoại rồi. Trong “Ông Kỳ Lân”“Sư Phụ” có 11 truyện, và rải rác mấy truyện nữa. Tôi dự định sẽ viết cho đủ 81 chương trong Đạo Đức Kinh. Đó là biến chuyển thấy rõ trong việc sáng tác của tôi dạo gần đây.


- Sinh hoạt nghề nghiệp, công việc làm ăn chắc hẳn ảnh hưởng nhiều tới việc viết lách của anh?

 

- Việc viết lách của tôi bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên tôi cố thu xếp trong những khoảng giờ trống xen kẽ trong lúc làm việc. Tôi cố nhín ra ít thì giờ để viết. Rồi góp nhặt lại thì đủ một truyện ngắn hay một truyện dài.


- Trước đây, các truyện dài cũng như ngắn của anh có đề tài và bối cảnh cả ở Việt Nam lẫn ở Mỹ. Nay sau thời gian đã ở Mỹ lâu rồi, anh có thay đổi để chỉ chọn bối cảnh và đề tài tại chỗ không?

 

- Những truyện về xã hội của tôi mang những đề tài xã hội ở đây nhiều hơn. Tôi nghĩ chắc nó cũng theo một tình trạng chung là với thời gian thì quá khứ có vẻ phai nhạt dần trong tâm não mình. Cái đó cũng là điều tự nhiên. Khi ở Mỹ càng lâu thì mình càng bắt rễ vào đất này. Thành ra những truyện xã hội sau này của tôi càng lúc càng đi gần vào với sinh hoạt của xã hội Mỹ hơn. Ngoài ra, như tôi vừa nói, vì tôi đọc Đạo Đức Kinh tôi thích quá, nên đã chuyển hướng viết những huyền thoại dựa trên bộ sách này.


- Tôi thấy trong một số sáng tác đầu của anh, anh có lối viết mà tôi tạm gọi là “thẳng tuột”, không có chấm phẩy, không xuống hàng hay mở ngoặc kép những câu đối thoại. Anh cố tình làm như vậy? Và tại sao?

 

- Dạ tôi cố tình làm như vậy. Cái đó tôi chưa có dịp để trình bày. Khi làm như vậy tôi có chủ ý.


- Anh muốn thí nghiệm một lối viết mới?

 

- Dạ đúng vậy. Và tôi không muốn cái dấu chấm câu nó làm đứt đoạn cái mạch đi của ý nghĩa. Cái câu nói liên tục như vậy nó tạo ra một cái tình trạng người đọc bị “bắt chữ” nhiều hơn, phải tập trung nhiều hơn vào nội dung của truyện. Cái đó tôi nghĩ cũng là một cái tương đối mới so với cách viết cũ.


- Nhưng rồi sao anh lại bỏ?

 

- Không phải tôi bỏ đâu. Nhưng không thể mình viết một trăm truyện mà cứ viết như vậy hoài thì nó nhàm đi. Thành ra tôi chuyển trở lại cách bình thường. Nhưng mà tôi cũng sẽ trở lại cách đó lại. Nó tùy theo nội dung của truyện mà tôi muốn thôi. Chứ không là bỏ đâu.



Vĩnh Phúc

Đối Thoại, Nxb Văn Nghệ, 2001