23-8-2019 | VĂN HỌC

Không Thể Nào Quên

  TRỊNH BỬU HOÀI


    Nhà thơ Trần Kiêu Bạt
   (1948 - 2005)

Khoảng năm 1969 - 1971, tôi đang học ở Long Xuyên. Mỗi cuối tuần, nếu không về thăm nhà ở Châu Đốc, tôi thường đi chơi ở các tỉnh lân cận như Phong Dinh (Cần Thơ), Vĩnh Long, Sa Đéc... Với chiếc Honda 67, tôi thường rủ theo một người bạn đồng hành, khi là Đoàn Công Án, hoặc Kim Đan hay Lưu Nhữ Thụy, Hoàng Đình Huy Quan, Phạm Hữu Quang, Nghiêm Vũ Kim, Lâm Thiết Phụng... và có khi là Ngô Nguyên Nghiễm từ Châu Đốc xuống. Đi đến đâu cũng tìm thăm anh em văn nghệ. Đến Sa Đéc thì ghé ngôi nhà nhỏ bên bờ sông vừa là phòng tiếp khách, phòng làm việc và phòng ngủ của anh chàng thầy giáo làm thơ độc thân Hạc Thành Hoa; hoặc ngồi quán cà-phê tán gẫu với Hà Nghiêu Bích. Vĩnh Long thì có anh Việt Chung Tử, Trần Mộng Hòang, Hà Trúc Giang... Cần Thơ ghé Nguyễn Lệ Uyên, Lê Trúc Khanh... và thường hay ngủ qua đêm ở nhà Trần Kiêu Bạt.



Nhà Trần Kiêu Bạt rộng rãi, có sân vườn thoáng mát, là nơi tụ tập nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đến gặp gỡ, ăn nhậu; thường “đập bồn đập bát” đến quá nửa đêm. May mà nhà nằm giữa mảnh đất rộng nên không ảnh hưởng lắm đến hàng xóm. Hai cô em gái của Trần Kiêu Bạt rất dễ thương là Ánh Nguyệt, Ánh Nga thường túc trực phục vụ cho mấy ông anh văn nghệ và khi mấy ông anh say xỉn thì hai cô đã mắc mùng sẵn nên không phải “hiến thân” cho lũ muỗi đói. Đặc biệt, hai cô ngâm thơ rất hay, góp thêm không khí hứng khởi cho các cuộc vui.


Tôi vẫn nhớ mãi, mùa hè năm 1974, đêm ra mắt tập thơ đầu tay của tôi ở Cồn Tiên - Châu Đốc, gần một trăm anh em văn nghệ sĩ ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây về dự, chính hai giọng ngâm của Ánh Nguyệt, Ánh Nga cùng với cô Chương Hậu ở Châu Đốc và tiếng hát của Đoàn Kế Tường ở Sài Gòn đã tạo nên một không khí sinh động, lãng mạn và quyến rũ giữa vùng sông nước biên thùy.


Trần Kiều Bạt rất quí bạn, nhất là bạn văn nghệ, anh chơi thật tình và hết mình. Cuộc sống anh lang bạt như cái bút danh của anh. Anh chơi đủ thứ, không chừa một thứ gì và cũng không nhiễm một thứ gì, đó là bản lĩnh, ý chí độc đáo của con người này. Tôi nhớ hai câu kết trong một bài thơ của anh in trên tạp chí Văn khoảng cuối thập niên 60 thế kỉ 20: Đã thua bạc thì chớ nên ngồi gở. Hãy đứng lên làm chuyện khác hay hơn. Tôi ghi theo trí nhớ, chưa chắc là nguyên văn, nhưng ý thì đúng như vậy; đó là tính cách của con người anh, giúp anh vượt lên nhiều chông gai, trắc trở của cuộc sống.



Có một điều mà anh em văn nghệ không thể nào quên, đó là sự hiếu khách, chân tình, thương quí của gia đình anh đối với chúng tôi. Nên đám bạn bè lưu lạc (thời chiến mà) của anh thường đến vui đùa, ăn nhậu thoải mái, xem như nhà của mình. Đó là một gia đình hiếm có, hai Bác thân sinh của anh rất vui khi chúng tôi đến chơi và nhớ rõ từng đứa. Từ nhóm Khai Phá với Ngô Nguyên Nghiễm, Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thành Xuân, tôi và Trần Mộng Hoàng... đến nhóm Con Đuông với Lê Triều Điển, Hồng Lĩnh, Minh Nguyễn... và anh em ở Cần Thơ, Ba Xuyên (Sóc Trăng), Vĩnh Long cũng lui tới nhà anh thường xuyên. Mãi đến bây giờ, Bác trai đã mất, Trần Kiêu Bạt một thời đi xa và mất ở xứ người, Ánh Nguyệt cũng từ biệt cõi đời, anh em văn nghệ mỗi lần về Cần Thơ đều ghé thăm Bác gái, thắp hương cho Bác trai, thăm những người em của anh với nỗi bùi ngùi về sự mất còn của nhân gian, về một thời tuổi trẻ khó quên của chúng tôi ở ngôi nhà này.


Sau 1975, đất nước hòa bình, Trần Kiêu Bạt trở về quê nhà và kế nghiệp cha, lái xe bồn chở xăng dầu đi phân phối khắp nơi. Thỉnh thoảng anh ghé Long Xuyên, Châu Đốc, gom bạn bè nhậu một trận đã đời. Vài năm sau, vì vợ con, anh theo gia đình về lưu trú một phương trời xa khác. Trước khi đi, anh giao lại tôi bản thảo tập thơ viết tay rất đẹp. Hầu hết những bài thơ trong tập này đều viết cho một người con gái, có lẽ đây là kỉ niệm đầu đời của anh, anh muốn tôi giữ... Và quả thật, tập thơ này đã trở thành kỷ vật của anh để lại cho bạn bè.


Mỗi lần có dịp trở về tổ ấm, ngoài những lúc đi thăm bạn bè thân thiết, anh luôn ở nhà với hai Bác. Anh biết, thời gian anh gần gũi với cha mẹ không còn bao nhiêu. Sau khi Bác trai mất vài tháng, Ánh Nguyệt, em gái anh cũng mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Kế đó là tin anh mất sau một vụ tai nạn. Ôi, những cuộc chia ly này để lại nỗi đau quá lớn, chẳng những cho gia đình anh, mà còn cho những bạn bè văn nghệ. Không thể nào quên...


Mùa thu 2010

Trịnh Bửu Hoài

Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi II
Nxb Thanh Niên, 2010