18-4-2020 | VĂN HỌC

Nhà Thơ Thái Tú Hạp

  NGUYỄN VY KHANH


     Nhà thơ Thái Tú Hạp

Nhà thơ Thái Tú Hạp (4-1940, Hội An -), nhập ngũ năm 1961, thơ ông từng đăng trên các tạp-chí Bách Khoa, Văn, Văn Học, Chính Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, Trình Bày, Phổ Thông, Chiến Sĩ Cộng Hòa, v.v. từ đầu thập niên 1960. Ông cùng Thành Tôn và Hoàng Quy ra chung tuyển tập thơ đầu đời in ronéo Tình Người Sông Thu (1969) và đã xuất-bản Thèm Về (1970) - dùng tựa bài thơ Thèm Về đã đăng trên tạp-chí Bách Khoa (số 128, 1-5-1962, tr. 57):

“Đèo heo hút gió chùng sương

trên cao nghỉ ngựa dừng cương thèm về

chiều phong kín ngả sơn khê

non xa mây ngủ trời lê thê buồn

lạc loài cánh nhạn qua truông

thả lơi điệu nhớ não nùng bãi hoang

dưới sâu lũng thấp điêu tàn

nghe mùa gãy đổ nẻo vàng thu ca

cô liêu đàn sến dương tà

lời ru phiến đá cây già hắt hiu

tiếng đưa dã thú rừng chiều

buốt xương gió núi tiêu điều cổ sơ

tóc sương rêu phủ bến chờ

chiều nghiêng cánh gió hồn mơ đăng trình”.

Ở thơ Thái Tú Hạp là những nỗi lòng chân quê của thanh niên thời loạn, đã sớm lên đường chiến đấu cho quê-hương, đất nước. Và thật sự dứt khoát như tựa một bài thi:

“ngả mũ chào quá khứ/hướng nguyện về tương lai

ghi đời trang sử quý/nuối tiếc gì bụi phai

tuổi trai ngàn mộng ước/phiêu lãng chuyện sông hồ

đừng mang sầu tủi nhục/đời đẹp tựa bài thơ

lên đường vui tám hướng/rừng mênh mông lá hoa

lòng xuân thêm bát ngát/giữa quê hương thái hòa

có nghe tiếng non sông/đang chuyển mình bệnh hoạn

đời thỏa mộng tang bồng/chuyển hóa tâm vô lượng

kết thêm một vì sao/cho trời đêm rực rỡ

tình ta đẹp biết bao/trang sử nào mới viết” (Dứt khoát)

Bởi trên đất nước Việt-Nam yêu dấu, chiến-tranh đã tràn về và tàn phá không phân biệt nơi thành đô hay thôn quê, mà cả tâm tư người tuổi trẻ, những khi đêm về:

"Đêm của tiếng hát học trò

đêm của những vì sao tình tự

đêm của niềm chờ mong con gái

đêm của nỗi lo âu con trai

cách chia những biên thùy hoang vắng

đêm của những viên đạn đồng hỏi thăm / thân thể

đêm của máu chảy ruột mềm

đêm của hận thù phục kích

mắt diều hâu rập rình bờ lũy xa

bao giờ em/đêm chung niềm thân ái

đêm gần gũi vuốt ve cuộc đời

đêm của những tiếng nói thì thầm âu yếm

đêm của mẹ hỏi con đã về

bếp lửa mùa xuân vừa nhen đêm gạo mới

ngày xưa/đêm của những tiếng hát học trò

đêm của giọng đọc bài dễ thương

đêm của cha ngồi đọc báo

đêm mẹ ru lời ca dao ngàn năm/chan chứa tình

ôi đêm tuyệt vời/như niềm hạnh phúc

như dòng sông mùa hạ đổ về xuôi

thở mát từng cơn từ ái vô ngần

đêm của tình nhân hẹn hò

những đóa yêu nở ngát trong cuộc/tình thủy chung

đêm hiền hậu bao dung/bây giờ/đêm của em

đầy nước mắt chờ nhau mòn mỏi

đêm của anh/thao thức núi rừng xa

chờ tin địch về/súng ôm ghì trong nỗi nhớ

đêm của mẹ tắt nghẽn lời ru

đêm của cha thường trực niềm đau xó (...)”

(Đêm Dài Trên Quê Hương)

Có những đưa tiễn bùi ngùi nhưng chất chứa nhiều hy vọng ở một ngày mai, như trong Xin Lời Mang Tuổi Mộng:

“rồi ngày mai các anh về đơn vị

mỗi cánh chim mang nhung nhớ phương trời

em ở lại già nua đời phố cũ

bầy tương tư muôn cõi vấn vương đời

anh về đâu miền Trung nghèo sỏi đá

tuyến đầu tiên ngàn lựa đạn hiểm nguy

đem xương máu anh giữ miền Hỏa Tuyến

tình quê hương đất ngại cõi biên thùy

anh về đâu trời cao nguyên thăm thẳm

tiếng suối reo vượn hú giữa đêm thâu

chiều cao nguyên khói sương nhòa bóng núi

rượu cần vui bên chiến hữu quên sầu

anh về đâu miền Tây nao nức nhớ

sớm Hậu Giang chiều Đồng Tháp Cà Mau

tiếng quân reo dậy đôi bờ Sông Cửu

tin khải hoàn chuyển lửa ấm tình nhau

trời xuân đến nở bừng hoa chiến thắng

chúng ta yêu từng kỷ niệm ban đầu

ngày anh đến áo thơm hương thuốc súng

da sạm đen vì mưa nắng dãi dầu

em chỉ biết tên anh là lính chiến

về thăm em chiều hiên nắng bâng khuâng

anh rực rỡ với niềm tin bừng sáng

cho mùa xuân mắt biếc vọng thiên thần

kể từ đấy làng quê thêm nhung nhớ

tháng ngày vui bao lưu luyến đầy vơi

em nguyện cầu nơi phương trời viễn xứ

nhớ đến em dù chỉ phút giây thôi

rồi ngày mai các anh về đơn vị

em chúc anh nhiều chiến thắng oai hùng

để hôm nao tin vui về rộn rã

em thương anh người chiến sĩ can trường

vì các anh là chim trời muôn hướng

là vì sao đêm chiến tuyến điêu linh

là tiếng ca nhiệm mầu trên đất nước

gieo tình thương cho quê mẹ an bình (...)”.

Thế nhưng, nơi chiến địa, có những khi chiều xuống, người lính trẻ vẫn thả hồn về người yêu và quê nhà:

“anh ru anh hoài con nhớ dữ

chiều trôi giòng thác lũ đìu hiu

bến xưa tiếng hát ngậm ngùi

khẳng khiu nỗi nhớ tiêu điều nắng phai

yêu em núi thẳm sông dài

đỉnh cao tượng đá thương hoài nhau thôi

trắng hoa tuyết mấy phương trời

nhớ con én liệng tin đời vào xuân

sá gì thân bọc ngựa rừng

tử sinh chiến địa chập chùng cơn mê.

cõi gươm giáo đó nguyện thề

lần đi chưa hẹn trở về cố hương

anh ru anh giữa tang thương

chiều lên với núi hoài vương vấn tình

người đi ngàn dặm chiến chinh

em thao thức nguyện thanh bình quê ta

gởi mây lên chiến trường xa

tim em chan chứa lệ sa từng ngày

non cao thăm thẳm chim bay

hai phương cách biệt sầu ngây ngất chờ

nhớ thương em phổ tình thơ

ta như ngựa mỏi bụi mờ chân mây” (Chiều Tưởng Nhớ)

Đi vào nơi gió cát, tay cầm súng nhưng Ước Mơ Của Người Lính Trẻ vẫn là một ngày mai 'thanh bình hạnh ngộ":

"Khi vũ khí chỉ còn là củi khô

là thép đem nung trong lò để thành lưỡi cuốc lưỡi cày

khi viên đạn đã bốc khỏi vỏ để trở thành bình hoa trong phòng khách

khi giao thông hào biến thành con kinh đem nước mát cho ruộng đồng

khi ngọn hỏa châu thắp sáng như ngân hà cho đêm mở hội hoa đăng

khi con tàu chở niềm vui sum vầy về cho quê hương nghìn trùng xa cách

khi đêm không còn lo âu/khi ngày hết rồi niềm đau xót

những mắt nhân từ chuyển hóa đau thương

mẹ sẽ hát cho ta lời thơ nguyên thủy

nghe ngọt ngào từng âm điệu quê hương

anh sẽ cho em cuộc tình vĩnh cửu

có dòng sông có hoa bướm cuộc đời

chúng mình sẽ cho nhau những tháng ngày/sum họp

mái tranh quê chan chứa mộng bình an

bạn bè sẽ đến với nhau đông vui như/ngày xưa lớp học

hương cốm thơm như hơi thở đậm đà

với lòng trinh như cành huệ cành mai

dịu dàng như khói trầm nghi ngút

tình như mây lụa trắng đỉnh non cao

tiếng hát ca dao diệu vợi vô cùng

nụ cười ròn rã yêu thương/lời không còn mang độc dược

tay không còn mang vũ khí hận thù

tóc sẽ là rừng xanh/cho chim rủ nhau về giăng cánh

lòng trải bao la như cánh đồng lúa mọng

cho gạo trắng chày khua nhịp sống đêm trăng

ru ấm no cuộc tình nghèo mấy thuở

cho mắt nhìn hiền hậu biết bao thương (...)”.

Thái Tú Hạp cay đắng chúc mừng Năm mới Mậu-Thân 1968 đáng ra phải là thời điểm hoan ca của đất trời và con người:

"ngày đầu năm anh chúc gì em bây giờ

chúc một năm nhiều súng đạn

chúc một năm nhiều thêm thù hận đau thương

năm mới chạy giặc lầm than

nước mắt bà mẹ già nua nhỏ trên xác con

đạn còn ghim trong buồng phổi

em bé thơ chết cứng miệng còn ngậm vú mẹ

và bà mẹ nó cũng đã chết vì mảnh lựu đạn tự bao giờ ...”

(Lời Chúc Đầu Năm Mậu Thân, Văn, số 100&101, 1-3-1968, tr. 62)

Dù sao thì người đi vẫn hẹn thề có ngày vui trở về đoàn viên, tâm tư luôn mong đợi ngày tàn chinh chiến - ngày đó sẽ mãi mãi là Mùa Xuân Trên Quê-Hương:

“nguyện cầu cho quê hương tàn chinh chiến

lửa hận thù tắt lịm trên môi cười

trái tim người tình thương về thắp sáng

khắp đồng quê thành phố dậy reo vui

luống cày thơm niềm tin trong nắng mới

bước chân về trong mái ấm đoàn viên

tình trong mắt ngời lên bao thắm thiết

giữa trái tim đời thanh thản bình yên

non nước này trinh nguyên lời hẹn ước

dù đạn bom nghiệt ngã dấu điêu tàn

tóc mẹ hiền thôi giăng mờ đỉnh núi

lệ như sông trầm uất xót xa thương

thức dậy anh quê hương đã đổi mới

trên cành khô cây trái đã nở hoa

em thấy chẳng khói vươn cao nhà máy

nhịp sống bừng lên trùng điệp hoan ca

thơ mộng quá dòng sông quê tri kỷ

ta thả hồn theo cánh gió diều bay

trên tay người không còn mang vũ khí

ta thấy đời thanh khiết mộng tình say

hòa bình ơi những sớm mai lớp học

những bình minh vui họp chợ lên đường

tiếng hát em ngọt ngào như suối mật

vắng xa rồi oan nghiệt với tang thương

mùa xuân về núi sông hằng mơ ước

đời thắm tươi trong tâm nguyện viên thành

đợi chờ nhau quây quần bên bếp lửa

ngàn cánh chim tung cánh giữa trời xanh”.

Tình yêu trong thơ Thái Tú Hạp thời này không thiếu lãng-mạn, hoa mộng, nhưng đồng thời luôn bị thực tại quấy rầy, thành thử thường thăng hoa trong đợi chờ, xa cách hôm nay. Tình đẹp trong nhớ tưởng:

“từ thuở hong mây bên thềm nắng

nắng vàng cho tóc ngát hương cau

anh nhớ như ngày xưa xa vắng

chuyện chúng mình chưa hóa biển dâu (...)” (Ngoài Chân Mây)


"mưa tan những trận sầu đông

trên cao ngọn nắng chớm hồng nụ hoa

bờ mây nhòa tự non xa

ta nghe buổi sớm chim ca suối nguồn

em về từ cõi đông phương

tóc mùa thu cũng trầm hương quê nhà

em về nuôi mộng kiêu sa

ngàn năm hoài vọng chiều ca dao buồn

chút tình xưa đã trôi sông

chừ quên thương nhớ mùa đông hiên ngoài

em về thắp nắng ngọn mai

rừng phơi áo lụa ngàn phai dấu tàn

dòng sông đã xóa nỗi hàn

trong nhau nghe đã ấm lòng yêu thương” (Tình Tứ)

Bởi nếu tình cờ gặp gỡ, có chăng thì tình ấy cũng như là gió heo may nơi rừng xuân chim vẫn hót trong cây nắng vàng. Tình không thể lãng-mạn, yên bình như trước, khi người trai phải lên đường, đành Biết Còn Gì Cho Em:

"thôi anh chẳng còn gì nói với em

những lời yêu thương sách vở học đường

nhớ thoáng nụ hôn dịu dàng trên má

cho người yêu bé bỏng bớt đau thương

ngày lên đường luyến lưu bao nỗi nhớ

những đồi trăng hư ảo mộng mơ xưa

đêm tỏ tình giữa trời sao chứng giám

nghìn thu sau mộng ước vẫn chưa phai

bờ sông nào lưu dấu chân kỷ niệm

triều sóng dâng còn đâu nữa em ơi!

lời sẽ tan bạt ngàn theo gió cuốn

cay đắng nào đau xót mãi nhau thôi

anh đi rồi không một lời hò hẹn

nước xa nguồn biền biệt đến phương nao

như loài chim xa rừng quên tiếng hót

nhớ nhung chi những năm tháng ngọt ngào

anh yêu em nguyên trinh hồn lụa trắng

tuổi mùa xuân thao thức mộng ban đầu

những trang thư quen thương từng nét chữ

mỗi lời thơ chín lịm ý mong chờ

mai anh đi chắc em buồn tuổi dại

rồi bướm hoa ai dệt mấy vần thơ

cho em thẹn như ngày vừa mới lớn

bàn tay ngà che nửa miệng ngây thơ

không còn gì trao gửi đến quê nhà

bài thơ nhỏ xót xa phiền muộn đó

anh vẫn hoài nhung nhớ giữa trời hoa

người yêu nhỏ chưa một lần biết khóc”

Một lần chia tay khác, khi nơi bến ga, con tàu sắp hụ còi tiến vào bóng đêm mù mịt:

“rồi từ đó mặt trời đêm vỡ vụn

lũ cột đèn bật sáng nỗi đau thương

anh ra đi cúi đầu không tiếng nói

em đứng nhìn ve vẩy mảnh hồn theo

lời cuối cùng mang em về xứ cũ

điệu buồn xưa thành phố ấy điêu tàn

sầu không em kỷ niệm vàng bụi phấn

tuổi yêu đương đời lỡ dại cưu mang

em con gái, già nua hồn trinh trắng

sách vở đầy hoa mộng ước tương lai

tóc buông cài thơ ngây cười trong nắng

thuở hồn nhiên nuôi tiếng mẹ sơ khai

buồn mai nầy lệ cài lên mắt biếc

lời giã từ lặng lẽ bến ga đêm

về đi thôi vai gầy sương áo mỏng

tàu đi rồi hoang vắng lạnh hồn em”

(Chuyến Tàu Đêm)

Tình gia-đình nhất là tình mẹ, ở Thái Tú Hạp trước 1975, mang thêm tính tượng trưng bao la:

“dòng sông đó mang tội vào lịch sử

Mẹ Việt Nam mang dấu đạn đau thương

tháng năm buồn trôi qua bằng đau đớn

trong cô đơn chờ đợi nỗi chán chường

Mẹ u hoài vì đàn con đội ngã

chiều chiến tranh âm ỉ cháy trong tim

những mùa đông lửa tàn trong mái lá

giọng ru sầu hiu hắt nỗi oan khiên

Mẹ ngóng hoàng hôn cửa mòn mỏi đợi

ngọn đèn khuya soi vách lá quạnh hiu

mẹ nhớ thương con trời Nam bể Bắc

chờ tin vui từ sớm nắng mưa chiều

lòng mẹ khóc từng đêm theo tiếng súng

nhìn non sông ngun ngút lửa tang thương

ôi giòng máu quê hương cuồn cuộn chảy

trong thịt da trong cơ thể điều tàn

Mẹ chua xót mang niềm đau thế kỷ

nỗi buồn cao như núi cả sông dài

hồn như mây theo con ngoài vạn lý

nhớ thương hoài dòng tóc đẫm sương phai

chia tình xưa những cánh chim muôn hướng

đời chiến bình từng giấc mộng tha phương

mẹ già nua với tủi sầu khổ nạn

nghe từng đêm súng vọng nẻo sa trường

tim mẹ vỡ khi lửa chiều sau núi

hãi hùng nuôi từng hy vọng tương lai

biết bao giờ tin con về hạnh ngộ?

xuân thanh bình hoa rực rỡ ngày mai”.

(Lòng Mẹ, Văn, số 18 “Thơ văn có lửa”, 15-9-1964, tr. 59)

Quê hương ngập tràn trong thơ Thái Tú Hạp – hình ảnh những Hội An, Đà Nẵng như luôn mời gọi “chừ về với phố u sầu / với thành quách cũ lên màu thời gian”:

"xếp thương áo bụi quê người

từng yêu dấu đó trọn đời trong ta

phố em đứng đợi thực thà

phố cho nhau đủ mặn mà thủy chung

phố khuyên anh nỗi vui mừng

phố cho anh những lạnh lùng vinh hoa

phố em vườn sớm chim ca

chiều ru trong tiếng thơ và gió bay

phố thương em quá trọn đầy

về xin thắp lửa sum vầy cho nhau”

(Khi Về Đà Nẵng)

Thơ ông thời này nhiều buồn hơn vui – vui có chăng là trong hy vọng về một ngày mai, nhiều buồn “hiu hắt” cùng cái buồn thân phận bất lực trước thế cuộc: “nghe chiều lành lạnh trong hồn / cái im vắng đến mỏi mòn thịt da”. Lời Buồn Treo Cao là của người tuổi trẻ đó:

"cho đêm bừng đóa mặt trời

cho thân thể mẹ qua rồi đớn đau

cho em tiếng hát ngọt ngào

cho vùng suy tưởng chở vào giấc thương

cho chim hoa bướm mùa xuân

cho lời kinh kệ tan cơn oán thù

cho tàn binh lửa đôi bờ

cho cành dương nước cam lồ vô biên

cho tiêu tan chuyện ưu phiền

cho quê hương đẹp trăm miền tinh khôi

cho em thôi giọng ngậm ngùi

cho sông biển ngọt tuổi đời xanh yêu

cho mây hôn ánh mắt chiều

cho cơm khói quyện mái nghèo thiết tha

cho âu yếm chốn ruột rà

cho ngàn năm đón thực thà vào tim

cho phai hờn giận triền miên

cho tha thứ hết lỗi lầm trong anh

cho vui thắm mộng dỗ dành

cho nghìn oan ức tan tành theo chuông”

(Giữ Thơm Quê Mẹ, số 7&8, Xuân Bính Ngọ 1966, tr. 14)

Tâm nhà thơ được an-bình, trầm lắng những khi tìm đến chốn Phật, và lời thơ nhuốm Thiền vì thế được diễn đạt tự nhiên:

«chiều lên mây tỏa vừng ô

chim tha sợi cỏ đồi khô về thành

khơi nguồn mạch ngọt hồi sinh

bé thơ tuổi dại dỗ dành tiếng ca

điệu vàng phổ nhạc trường sa

hoa bừng phố thị nguy nga giấc tình

buồn chăng em cõi đăng trình

rụng rơi tiếng khóc nguyên trinh bẽ bàng

đưa em về ngự trần gian

trùng lai duyên khởi cưu mang kiếp này”

(Đưa Em Về).


“xin ngày cho thấy mặt nhau

xin chuông chùa thức đêm sầu bi thương

xin thôi chia nẻo chiến trường

xin cơn đau đớn xa nguồn từ ly

xin chiều mắt mẹ từ bi

xin em lặng tiếng ngậm ngùi ru con

xin chim ngợp nắng ruộng đồng

xin mây thu vẫn bềnh bồng trên cao

xin anh lời hát ngọt ngào

xin ngàn năm đón nụ chào bao dung

xin sông về kiếp trùng dương

xin cho lòng mẹ thắm hồng tuổi đau

xin tay làm nhịp kinh cầu

xin vùng bom đạn ăn năn

xin thân thể xóa điêu tàn dấu xưa

xin van đời những lọc lừa

xin hồn nguyên thỉ giữa mùa loạn ly

xin em suối ngọc huyên vi

xin cho thanh tịnh đời phi nghĩa này...”

(Nụ Chào Bao Dung: Giữ Thơm Quê Mẹ, số 5, 11-1965, tr. 6)

Thơ Thái Tú Hạp sử-dụng nhiều thể-loại nhưng riêng Lục Bát được nhà thơ đặc sắc sử-dụng để diễn tả ý tình. Như trong bài Về:

“về đây tìm mảnh trăng gầy

soi tâm tư rã như bầy sao rơi

nghe cồn cát lũ bãi khơi

nghe tình gió thoảng đầy vơi biển sầu

về đây chôn nỗi lo âu

khép thời gian lại nguyện cầu đức tin

hồn thơ khoác kín im lìm

ngắm không gian lặng nỗi niềm riêng tư

về đây biết nói sao chừ?

lá buông thuyền mãi còn dư thu này

gió đùa đánh thức ngàn cây

hoa ngây thơ mộng đắm say hương ngà

nửa đêm buôn lã thôn ga

quán hiu hắt lạnh chiều tà phiêu du

mây sầu lũng thấp âm u

nghe thương nhớ quá vàng thu âm hài

về đây còn hẹn ngày mai

cho trìu mến nở trọn hai tâm hồn”.

Hoặc trong Hoa Cỏ Điêu Tàn:

"rồi như nước lũ bên cầu

tình em thôi cũng mang sầu tủi thân

lời xưa nuối mộng bàng hoàng

hồn thanh xuân đó lệ ngàn sao sa

bao nhiêu kỷ niệm đậm đà

lòng mai sau có xót xa chuyện đời

chừ thương em cả biển trời

mây pha màu áo ngọt lời yêu đương

chừ mê em nụ môi hường

tương tư từng buổi bỏ trường đi hoang

tội tình thơ cũng bẽ bàng

nhớ thương anh cũng điêu tàn cỏ hoa

bàn tay em đó ngọc ngà

buồn yêu giọng hát kiêu sa tuổi vàng

thương em đời dại cưu mang

cho anh mất cả thiên đàng nữa sao?”

Nguyễn Vy Khanh

Văn Học Miền Nam 1954-1975, Quyển hạ: Tác Giả
Nguyễn Publishings, 2018